Kinh nguyệt là vấn đề sinh lý bình thường của chị em phụ nữ mà ai cũng trải qua trong đời. Tuy nhiên vào những kỳ kinh nguyệt đầu tiên, không phải ai cũng bình tĩnh và biết cách xử lý, bởi vì sự thay đổi trong cơ thể làm cho chị em trở nên hoang mang và không xác định được mình đang gặp phải vấn đề gì. Vậy lần đầu có kinh nguyệt phải làm gì? Có cách nào nhận biết sắp đến kỳ kinh nguyệt đầu tiên hay không? Mời bạn theo dõi câu trả lời trong bài viết dưới đây.
1. Tại sao lại xảy ra hiện tượng kinh nguyệt
Kinh nguyệt là một dấu hiệu cho biết rằng bạn đang ở tuổi dậy thì, đây là một mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người phụ nữ vì nó báo hiệu rằng bạn đã có khả năng mang thai để thực hiện chức năng sinh sản.
Mỗi tháng cơ thể người phụ nữ đều sản xuất ra một quả trứng, khi đó lượng estrogen trong cơ thể tăng lên và lớp niêm mạc tử cung dày lên để chuẩn bị cho trứng đã được thụ tinh làm tổ và bắt đầu thai kỳ. Nếu như trứng không được thụ tinh, lớp niêm mạc tử cung sẽ bị cơ thể đẩy ra bên ngoài, dẫn đến hiện tượng chảy máu tử cung – Đó là kinh nguyệt.
Hiện tượng kinh nguyệt không phải giống nhau ở mỗi người mà còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Yếu tố di truyền: Kinh nguyệt cũng có thể bị ảnh hưởng bởi gen di truyền từ mẹ hoặc bà. Thời điểm bạn diễn ra kỳ kinh đầu tiên cũng sẽ gần giống với thời gian mà mẹ và bà có kinh.
- Vấn đề sức khỏe: Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kỳ kinh nguyệt nữa là vấn đề sức khỏe. Nếu như bạn có một chế độ dinh dưỡng kém, tâm trạng căng thẳng, mệt mỏi thì có thể làm chậm thời gian diễn ra kinh nguyệt, thậm chí gây ra hiện tượng kinh nguyệt không đều.
- Một số vấn đề khác như: Yếu tố môi trường, nội tiết tố trong cơ thể,….
2. Kỳ kinh nguyệt đầu tiên bắt đầu khi nào
Kỳ kinh nguyệt thường diễn ra vào độ tuổi trung bình từ 12 đến 13 tuổi, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp có kinh nguyệt sớm hơn hoặc muộn hơn khoảng thời gian nêu trên. Nguyên tắc thường thấy là kỳ kinh nguyệt đầu tiên sẽ bắt đầu vào khoảng sau 2 năm ngực bắt đầu có dấu hiệu phát triển. Hầu hết chị em phụ nữ sẽ có kinh từ thời điểm có kinh lần đầu cho đến độ tuổi mãn kinh.
Ở độ tuổi này, nhiều bé gái chưa có nhận thức đầy đủ và đúng đắn cũng như chưa nhận được sự giáo dục tốt nhất về những gì xảy ra với cơ thể. Do đó rất dễ gặp phải tình trạng lo lắng, căng thẳng thậm chí sợ hãi khi phát hiện bản thân bị chảy máu. Vì thế bậc cha mẹ cần chuẩn bị kiến thức đầy đủ cho bé để xử lý các tình huống xảy ra.
3. Dấu hiệu sớm nhận biết sắp có kỳ kinh nguyệt lần đầu
Để biết được bé gái đã sắp đến kỳ kinh nguyệt đầu tiên người ta thường đánh giá dựa trên các đặc điểm cơ thể để dự đoán xem bé gái đã bắt đầu dậy thì hay chưa. Sau khoảng 1 đến 2 năm xuất hiện dấu hiệu dậy thì, bé gái sẽ có kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Một số đặc điểm tuổi dậy thì ở bé gái như:
- Hình dạng cơ thể có sự thay đổi, hông và đùi bắt đầu phát triển lớn lên.
- Ngực có sự phát triển, bắt đầu có dấu hiệu to hơn.
- Có sự phát triển của lông mu, lông chân, lông nách,…
- Mặt hoặc cơ thể xuất hiện nhiều mụn.
- Cơ thể bé phát triển với tốc độ nhanh hơn.
Nhiều chị em phụ nữ khi tới kỳ kinh nguyệt đều không có dấu hiệu báo trước. Tuy nhiên vẫn có các trường hợp gặp hội chứng tiền kinh nguyệt báo hiệu trước rằng sắp tới kỳ kinh. Những bé gái tuổi dậy thì đang trong độ tuổi có kinh nguyệt cần nắm rõ các dấu hiệu sau để có sự chuẩn bị tốt nhất:
- Da nổi nhiều mụn.
- Đau tức, căng ngực.
- Đau lưng.
- Táo bón hoặc tiêu chảy.
- Cơ thể cảm thấy mệt mỏi.
- Cảm xúc thất thường, hay xúc động hoặc cáu gắt.
- Thèm ăn nhiều đồ ăn, đặc biệt là đồ ăn ngọt.
- Âm dạo tiết dịch trắng, trong.
4. Lần đầu có kinh nguyệt phải làm gì?
Lần đầu có kinh nguyệt có thể khiến cho chị em lo lắng và không biết cách xử lý như thế nào. Một số gợi ý cho bạn nên làm khi có dấu hiệu hay bắt đầu xuất hiện máu kinh nguyệt lần đầu:
Luôn chuẩn bị cho mình một miếng băng vệ sinh, tampon trong túi xách, balo để có thể sử dụng bất cứ khi nào bị chảy máu. Chuẩn bị một chiếc quần lót sạch, khô để thay khi cần thiết.
Bổ sung các loại thực phẩm giúp giảm sự khó chịu trong ngày hành kinh như rau củ màu xanh đậm, uống nhiều nước lọc, uống trà gừng,…Không nên uống nước lạnh, đồ cay nóng nhiều dầu mỡ để tránh triệu chứng nặng hơn.
Hãy báo với người lớn rằng bạn đang có kinh nguyệt để được sự hỗ trợ tốt nhất, đừng ngại vì đây là vấn đề sinh lý bình thường mà ai cũng trải qua.
Nếu như bạn bắt đầu chảy máu nhưng đang ở trong lớp học hay nơi nào đó không có sẵn băng vệ sinh hay tampon, bạn cần bình tĩnh vào nhà vệ sinh và sử dụng giấy vệ sinh để thay thế tạm.
5. Một số câu hỏi liên quan đến kỳ kinh nguyệt đầu tiên
Những lần đầu tiên luôn có sự bỡ ngỡ và khi có kinh nguyệt lần đầu tiên cũng vậy, các bé gái sẽ có hàng ngàn câu hỏi cần được giải đáp như kinh nguyệt lần đầu có màu gì? Kỳ kinh nguyệt đầu tiên diễn ra trong bao lâu? Có cần phải đi khám khi có kinh lần đầu hay không?….
5.1. Kinh nguyệt lần đầu có màu gì?
Kinh nguyệt ở tuổi dậy thì đánh dấu khả năng mang thai ở các bé gái và nhìn chung kịnh nguyệt lần đầu tiên cũng sẽ giống như phần lớn kỳ kinh nguyệt trong cuộc đời của bạn trong trường hợp bạn có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn.
Kinh nguyệt lần đầu thường có màu đỏ tươi, và thường không kéo dài quá lâu. Đôi khi màu máu kinh nguyệt có thể thay đổi như kinh nguyệt lần đầu có màu nâu, màu hồng,…có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như thời gian máu kinh nguyệt ở trong tử cung quá lâu hay đôi khi là biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt.
5.2. Kỳ kinh nguyệt đầu tiên diễn ra bao lâu
Thời gian của một chu kỳ kinh nguyệt sẽ khác nhau ở mỗi người, tuy nhiên thường thời gian trung bình của một chu kỳ rơi vào khoảng 28 đến 30 ngày. Nếu như chu kỳ kinh nguyệt của bạn dài hơn từ 32 – 35 ngày hoặc ngắn hơn khoảng 21 ngày nhưng đều đặn thì điều này là bình thường. Cần lưu ý theo dõi và ghi lại thời gian hành kinh để phát hiện bất thường của cơ thể.
Thời gian diễn ra hành kinh cũng tùy thuộc vào thể trạng mỗi ngày, với lần đầu tiên hành kinh nó có thể chỉ diễn ra trong 1 ngày. Sau vài tháng khi cơ thể ổn định, chu kỳ kinh nguyệt đều đặn thì thời gian hành kinh kéo dài từ 2 đến 7 ngày.
5.3. Làm sao để giảm các triệu chứng do kinh nguyệt gây ra
Có nhiều biện pháp để làm giảm thiểu các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi,…do kinh nguyệt gây ra như:
Tập thể dục nhẹ nhàng
Dùng miếng chườm hoặc khăn ấm chườm lên phần bụng để giảm đau bụng kinh
Tắm nước ấm.
Thực hiện chế độ ăn uống gồm nhiều loại thực phẩm tốt cho kỳ kinh nguyệt.
Sử dụng thuốc giảm đau như thuốc có chứa hoạt chất ibuprofen, naproxen.
5.4. Làm gì khi máu chảy dính vào quần áo
Nếu như kỳ kinh nguyệt đến mà bạn chưa có sự chuẩn bị, máu chảy dính vào quần áo thì bạn cũng đừng lo lắng rằng quần áo đó sẽ bị hỏng nhé. Bởi vì việc rò rỉ máu vào quần áo ai cũng gặp phải. Khi bạn rơi vào trường hợp này, bạn cần bình tĩnh và xử lý chúng:
Sử dụng áo khoác hoặc các loại vải có thể giúp bạn che đi vết máu cho tới khi bạn có thể thay đồ.
Sau khi thay ra thì ngâm vải bị dính máu vào nước cùng với chất tẩy rửa ngay lập tức. Lưu ý là nên ngâm trong nước lạnh vì nếu sử dụng nước ấm hoặc nước nóng thì vết máu có thể bám vào vải lâu hơn.
Sau đó bạn chỉ cần giặt như bình thường là loại bỏ được vết máu. Nếu như chưa sạch sau 1 lần giặt thì bạn có thể lặp lại quy trình với chất tẩy rửa hoặc sử dụng máy giặt.
Đem đồ đi phơi để khô tự nhiên.
5.5. Lúc hành kinh lần đầu có mùi hôi không
Có thể bạn sẽ tự cảm nhận được có sự thay đổi mùi hương cơ thể khi tới ngày hành kinh. Tuy nhiên nếu vệ sinh sạch sẽ vùng kín thì bạn sẽ không ngửi được mùi hôi, trừ trường hợp bạn sử dụng băng vệ sinh lâu hơn so với thời gian khuyến nghị.
Một số quần lót có mùi thơm hoặc các sản phẩm kinh nguyệt có mùi có thể làm kích ứng vùng kín của bạn nên hãy lưu ý tránh sử dụng.
5.6. Có cần phải đi gặp bác sĩ khi có kinh lần đầu tiên không
Lần đầu tiên hành kinh của bạn diễn ra bình thường mà không có dấu hiệu nào khác biệt thì không cần phải đi gặp bác sĩ. Tuy nhiên bạn cần báo cho người thân biết bất cứ sự bất thường nào trên cơ thể để có thể nắm bắt và xử lý kịp thời.
Bạn nên đi gặp bác sĩ khi có các vấn đề sau đây:
Chảy máu quá nhiều trong ngày hành kinh, nếu bạn phải thay băng vệ sinh thường xuyên từ 1 – 2 giờ vì máu chảy nhiều thì nên đi gặp bác sĩ.
Đau bụng dữ dội, cơn đau bụng đột ngột quằn quại khiến bạn không thể thực hiện bất kỳ hoạt động nào.
Bạn không có kinh trong vòng 3 tháng hoặc lâu hơn sau kỳ kinh nguyệt đầu tiên
Thời gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày.
Chu kỳ kinh nguyệt ít hơn 21 ngày hoặc dài hơn 35 ngày.
Lời kết
Chắc hẳn qua bài viết bạn đã biết lần đầu có kinh nguyệt phải làm gì. Bạn cần theo dõi những thay đổi bất thường của cơ thể và ghi lại thời gian hành kinh hàng tháng. Kinh nguyệt là vấn đề sinh lý bình thường nên dù có xảy ra khi chưa có sự chuẩn bị trước thì bạn cũng không phải tỏ ra e ngại. Hãy luôn tự tin và tỏa sáng vì mình là phái nữ nhé!