Bệnh sỏi thận: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Sỏi thận: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh

Sỏi thận là một bệnh lý thường gặp ở lứa tuổi từ 30 đến 60 tuổi. Nó có thể gây đau đớn dữ dội và có thể dẫn đến nhiễm trùng thận, tổn thương thận, ảnh hưởng đến chức năng thận nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra và nếu được điều trị kịp thời sẽ ngăn được các tổn hại và biến chứng nguy hiểm. Vậy Bệnh sỏi thận là gì? Nguyên nhân từ đâu gây ra căn bệnh này? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.

1. Bệnh sỏi thận là gì?

Thận là cơ quan của hệ tiết niệu có kích thước bằng nắm tay có nhiệm vụ xử lý lượng chất lỏng và hóa chất trong cơ thể và loại bỏ các độc tố. Chúng ta đều có hai quả thận, mỗi quả nằm ở một bên cột sống sau gan, dạ dày, tuyến tụy và ruột. Khi thận khỏe mạnh sẽ có chức năng làm sạch chất thải trong máu và loại bỏ chúng qua nước tiểu. Chúng cũng có khả năng kiểm soát nồng độ natri, kali và canxi trong máu. Thận tạo ra nước tiểu từ nước và chất thải của cơ thể. Nước tiểu sau đó đi xuống niệu quản vào bàng quang, nơi nó được lưu trữ và ra khỏi cơ thể qua niệu đạo. Sỏi thận là một vật thể cứng được tạo ra từ các chất hóa học lắng đọng trong nước tiểu, có thể hình thành khi cơ thể có quá nhiều khoáng chất nhất định đồng thời không đủ chất lỏng.

Trong nước tiểu có rất nhiều chất thải khác nhau được hoàn tan. Khi có quá nhiều chất thải nhưng lại có quá ít chất lỏng, các tinh thể bắt đầu hình thành. Các tinh thể này thu hút các yếu tố khác và liên kết với nhau để tạo thành một chất rắn sẽ ngày càng lớn hơn trừ khi nó được thải ra ngoài cơ thể bằng nước tiểu. Ở hầu hết mọi người đều có đủ chất lỏng để rửa sạch chúng hoặc các hóa chất khác trong nước tiểu sẽ ngăn hình thành sỏi. Các hóa chất có thể hình thành sỏi là canxi, oxalat, urat, cystine, xanthine và phosphate.

Sau khi hình thành, sỏi có thể ở lại thận hoặc di chuyển theo đường tiết niệu vào niệu quản. Đôi khi kích thước của chúng nhỏ li ti và có thể di chuyển ra khỏi cơ thể theo đường nước tiểu mà không gây đau đớn quá nhiều. Nhưng những viên sỏi không di chuyển và có kích thước lớn hơn có thể gây ra sự tồn đọng của nước tiểu trong thận, niệu quản, bàng quang hoặc niệu đạo là nguyên nhân gây ra những cơn đau dữ dội cho người bệnh.

2. Phân loại các loại sỏi thận thường gặp

Có 4 loại sỏi thận gồm: Sỏi canxi, Sỏi cystine, Sỏi acid uric và Sỏi Struvite
Có 4 loại sỏi thận gồm: Sỏi canxi, Sỏi cystine, Sỏi acid uric và Sỏi Struvite

Sỏi thận có nhiều loại và được hình thành từ nhiều chất khác nhau. Cần phải biết được bệnh nhân mắc sỏi thận loại gì để có những phương pháp điều trị hợp lý. Các loại sỏi thận bao gồm: Sỏi canxi, Sỏi cystin, Sỏi acid uric và Sỏi Struvite.

2.1. Sỏi canxi

Đây là loại sỏi thận phổ biến nhất, thường ở dạng Canxi Oxalate. Oxalate là chất được tạo ra bởi gan hoặc nó được hấp thu từ chế độ ăn uống hàng ngày. Một số loại thực phẩm có hàm lượng Oxalate rất cao như các loại hạt, chocolate, một số loại trái cây và rau quả. Ngoài ra việc bổ sung hàm lượng Vitamin D cao bất thường cũng có thể làm tăng khả năng mắc sỏi Canxi. Bệnh nhân có phẫu thuật nối ruột hoặc mắc một số bệnh chuyển hóa cũng có thể làm tăng nồng độ canxi hoặc oxalate trong nước tiểu.

Sỏi Canxi cũng có thể được hình thành dưới dạng Canxi photphat. Loại sỏi này thường gặp nhiều hơn ở các bệnh nhân bị mắc các tình trạng chuyển hóa như nhiễm toan ống thận. Nó cũng có thể liên quan đến một số loại thuốc mà bệnh nhân sử dụng hàng ngày để điều trị chứng đau nửa đầu hoặc động kinh như Topiramate.

2.2. Sỏi cystine

Đây là loại sỏi ít gặp nhất và gây ra do đột biến gen. Những viên Sỏi Cystine hình thành ở những người mắc chứng rối loạn di truyền được gọi là chứng cystin niệu, khiến cho thận bài tiết quá nhiều một loại acid amin. Hợp chất này sẽ có trong nước tiểu với nồng độ cao hơn và kết tinh lại gây ra sỏi.

2.3. Sỏi Struvite

Sỏi Struvite hình thành vì cơ thể phản ứng với tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu. Những viên sỏi này có thể phát triển một cách nhanh chóng và ngày càng lớn dần, tuy nhiên đôi khi lại có ít triệu chứng và cảnh báo cho loại sỏi này.

2.4. Sỏi acid uric

Sỏi Acid uric có thể hình thành ở người có chế độ ăn quá nhiều protein động vật, dẫn đến tích tụ nhiều acid uric trong nước tiểu. Ngoài ở những người bị mất nước quá nhiều do tiêu chảy mãn tính hoặc kém hấp thu, người mắc bệnh tiểu đường hoặc các hội chứng chuyển hóa cũng là những đối tượng có nguy cơ cao bị Sỏi acid uric.

3. Nguyên nhân gây nên bệnh sỏi thận

Có rất nhiều yếu tố khác nhau làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận. Một số yếu tố nguy cơ có thể kể đến như:

3.1. Lượng nước tiểu thấp

Lượng nước tiểu thấp là một yếu tố nguy cơ chính của sỏi thận. Nguyên nhân có thể là do mất nước (mất chất lỏng trong cơ thể) do tập thể dục nặng nhọc, làm việc hoặc sống ở nơi nóng bức, hoặc uống không đủ nước trong ngày. Khi lượng nước tiểu ít, nước tiểu sẽ cô đặc và có màu sẫm. Nước tiểu cô đặc có nghĩa là có ít chất lỏng hơn để hòa tan lượng muối trong nước tiểu. Việc tăng lượng chất lỏng sẽ làm loãng muối trong nước tiểuhơn và qua đó có thể giảm nguy cơ hình thành sỏi. 

3.2. Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống hằng ngày của chúng ta ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành sỏi. Một trong những nguyên nhân phổ biến của sỏi canxi là do lượng canxi trong nước tiểu cao. Tuy nhiên việc nạp nhiều canxi không phải lúc nào cũng dẫn tới sỏi thận. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc giảm hàm lượng canxi trong chế độ ăn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của xương và thậm chí làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận. Mặc dù vậy chúng ta phải lưu ý rằng không nên nạp quá nhiều canxi vào cơ thể mà phải xây dựng cho mình một hàm lượng hợp lý.

Thay vì giảm bớt canxi trong chế độ ăn, các chuyên gia khuyên rằng chúng ta nên giảm lượng natri (muối) nạp vào cơ thể. Điều này cũng sẽ giúp giảm hàm lượng canxi trong nước tiểu.  Việc chúng ta nạp quá nhiều muối trong bữa ăn ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của thận và là một yếu tố nguy cơ gây sỏi canxi. Quá nhiều muối đi vào nước tiểu khiến Canxi không được tái hấp thu mà đi vào máu. Do đó giảm muối trong chế độ ăn giúp chúng ta giảm được khả năng hình thành sỏi thận.

Ngoài ra, một chế độ ăn quá nhiều protein động vật như: thịt bò, thịt lợn, hải sản,… cũng có thể làm tăng nồng độ acid uric trong cơ thể và trong nước tiểu. Nồng độ acid uric trong nước tiểu cao là yếu tố gia tăng nguy cơ hình thành sỏi acid uric và sỏi canxi oxalate.

Chế độ ăn quá nhiều muối là yếu tố nguy cơ hình thành sỏi canxi
Chế độ ăn quá nhiều muối là yếu tố nguy cơ hình thành sỏi canxi

3.3. Một số bệnh lý đường ruột

Một số bệnh lý đường ruột gây tiêu chảy như: Bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, phẫu thuật cắt bỏ dạ dày,…có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận Canxi oxalate. Tiêu chảy có thể gây mất một lượng lớn chất lỏng trong cơ thể, dẫn đến làm giảm lượng nước tiểu. Ngoài ra khi cơ thể hấp thụ quá nhiều oxalate từ ruột khiến cho lượng oxalate trong nước tiểu tăng. Việc lượng oxalate tăng và lượng nước tiểu giảm đều là những yếu tố nguy cơ cao gây hình thành sỏi thận Canxi oxalate.

3.4. Một số bệnh lý khác

Một số bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận. Sự phát triển bất thường của một hoặc nhiều tuyến cận giáp – nơi kiểm soát sự chuyển hóa Canxi, có thể khiến cho nồng độ Canxi tăng cao trong máu, dẫn tới tăng canxi trong nước tiểu. Điều này có thể dẫn đến sỏi thận. Ngoài ra tình trạng nhiễm toan ống thận xa gây ra sự tích tụ acid trong cơ thể cũng có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận canxi photphat. Một số bệnh về rối loạn di truyền hiếm gặp như chứng cystine niệu, tăng oxy niệu nguyên phát cũng là những yếu tố nguy cơ cao gây ra sỏi thận.

3.5. Thuốc

Một số loại thuốc và thực phẩm chức năng giúp bổ sung canxi và Vitamin C cũng có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Chính vì vậy trước khi dùng bất cứ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào, hãy hỏi rõ ý kiễn của bác sĩ hoặc những chuyên gia trước khi sử dụng.

Một số loại thuốc có thể gia tăng nguy cơ hình thành sỏi thận
Một số loại thuốc có thể gia tăng nguy cơ hình thành sỏi thận

4. Bệnh sỏi thận có triệu chứng gì? Cách nhận biết bệnh sỏi thận

Sỏi thận thường sẽ không gây ra các triệu chứng cho đến khi nó di chuyển trong thận hoặc đi vào niệu quản. Nếu nó bị mắc kẹt trong niệu quản, nó có thể chặn dòng chảy của nước tiểu và làm cho thận sưng lên và niệu quản co thắt, điều này có thể gây ra những cơn đau dữ dội. Tại thời điểm đó, bạn có thể gặp các dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Đau nhói, dữ đội ở một bên, lưng và dưới xương sườn.
  • Đau lan xuống bụng dưới và bẹn.
  • Đau lưng do thận từng đợt với cường độ đau khác nhau.
  • Khi đi tiểu có cảm giác đau rát hoặc nóng.

Ngoài ra còn một số dấu hiệu và triệu chứng để nhận biết bệnh sỏi thận như:

  • Nước tiểu có màu khác thường: hồng, đỏ hoặc nâu.
  • Nước tiểu đục và có mùi hôi.
  • Thường xuyên có nhu cầu đi tiểu, kéo dài dai dẳng và đi nhiều hơn bình thường với lượng nước tiểu rất ít.
  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Nếu có tình trạng nhiễm trùng có thể bị sốt và ớn lạnh.
Sỏi thận có thể gây ra cơn đau dữ dội ở lưng
Sỏi thận có thể gây ra cơn đau dữ dội ở lưng

5. Đối tượng nguy cơ bệnh sỏi thận

Sỏi thận là bệnh lý không quá hiếm gặp có thể gặp ở mọi đối tượng giới tính và trải rộng khắp mọi độ tuổi khác nhau. Do đó, hầu như ai cũng có khả năng mắc phải tình trạng bệnh lý này nếu không phòng ngừa cẩn thận. Tuy nhiên, nếu bạn thuộc những đối tượng sau đây, tốt nhất bạn nên tìm cách phòng ngừa sỏi thận thật kỹ lưỡng vì có nguy cơ cao bạn sẽ gặp phải tình trạng rắc rối này.

5.1. Người lạm dụng vitamin C

Lạm dụng vitamin C có thể gây sỏi thận
Lạm dụng vitamin C có thể gây sỏi thận

Vitamin C là một trong những dưỡng chất cần thiết cho hoạt động của cơ thể và đặc biệt có hiệu quả cao trong việc tăng cường hệ miễn dịch. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều dạng chế phẩm giúp bổ sung vitamin C và đặc biệt là các dạng viên sủi rất tiện dụng, mùi vị dễ uống. Do đó, nhiều trường hợp bệnh nhân lạm dụng các chế phẩm này, uống quá nhiều viên hàng ngày. 

Tuy nhiên, vitamin C trong cơ thể được chuyển hoá thành acid oxalic và đào thải qua đường thận, đây là một trong những nguyên liệu quan trọng giúp hình thành sỏi oxalat, do đó việc lạm dụng này hoàn toàn có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. Ngoài ra, việc dùng vitamin C làm acid hóa nước tiểu, tăng nguy cơ kết tinh các khoáng chất có tính acid khác tạo sỏi mà điển hình là tinh thể urat.

Không chỉ việc sử dụng các loại vitamin C tổng hợp mới làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận. Khi ăn quá nhiều hoa quả họ cam quýt cũng chứa hàm lượng vitamin C khá cao cũng có thể dẫn đến tình trạng tương tự. Bên cạnh đó, oxalat được tìm thấy ở nhiều dược liệu khác và đặc biệt là lá trà, tuy chưa có nghiên cứu chứng minh uống trà nhiều có thể dẫn đến sỏi thận nhưng bệnh nhân sỏi thận tốt nhất nên cân nhắc không sử dụng loại thức uống này.

5.2. Người có thói quen ít uống nước

Nước là dung môi giúp cho các quá trình chuyển hoá trong cơ thể diễn ra ổn định, là thành phần chính của máu và nước tiểu. Khi uống ít nước, lượng dung môi hoà tan các tinh thể sẽ giảm đi dẫn đến các khoáng chất có nồng độ tăng dần trong nước tiểu, khi đạt đến ngưỡng nồng độ thích hợp thì chúng sẽ kết tinh lại hình thành nên các tinh thể sỏi gây tắc nghẽn đường tiết niệu.  Ngoài ra, uống ít nước còn làm các quá trình chuyển hoá trong cơ thể giảm, khiến cơ thể thiếu ổn định và dễ rối loạn nên việc mắc bệnh là chuyện sớm muộn mà thôi.

5.3. Người bệnh Gout

Tinh thể sỏi urat trong bệnh Gout
Tinh thể sỏi urat trong bệnh Gout

Bệnh Gout được xem là bệnh của người giàu vì chỉ có những người giàu mới hay mắc bệnh gout. Nguyên nhân là do ở đối tượng có điều kiện ăn uống tốt, sự tích luỹ các hợp chất chứa purin có nguồn gốc từ thức ăn gia tăng. Trong cơ thể các purin chuyển hoá và cuối cùng thành acid uric. Với nồng độ đạt ngưỡng thì acid uric có thể kết tinh trong cơ thể. Vị trí đầu tiên các tinh thể này tấn công là tại các khớp gây ra tình trạng đau nhức một cách dữ dội. Tuy nhiên, tinh thể này cũng có thể kết tinh tại thận tạo nên các sỏi urat gây rối loạn chức năng đường tiết niệu. Do đó, nồng độ acid uric trong máu cao là một trong những yếu tố nguy cơ của sỏi thận.

5.4. Người có thói quen nhịn tiểu

Nhiều đối tượng có thói quen không đi vệ sinh ngay khi mắc tiểu, có thể chỉ là do thói quen thông thường cũng có thể là do công việc dở dang khiến họ không thể đi được. Tuy nhiên, dù là trường hợp nào thì người chịu hại vẫn là họ. Việc ứ đọng nước tiểu trong cơ thể quá lâu dẫn đến việc tăng tích luỹ các khoáng chất vào trong nước tiểu, đủ nồng độ sẽ kết tinh và tạo thành sỏi.

5.5. Người có tiền sử bệnh tiết niệu

Trong giai đoạn mắc các bệnh lý tiết niệu như bệnh lý thận hay bệnh lý bàng quang, việc đi tiểu trở nên vô cùng khó khăn và đau đớn khiến người bệnh ngại đi vệ sinh và có xu hướng nhịn càng lâu càng tốt. Thói quen này làm tăng nguy cơ hình thành nên các tinh thể sỏi trong đường tiết niệu và đặc biệt là tại thận và bàng quang.

5.6. Người mắc các bệnh lý xương khớp

Bệnh nhân xương khớp có thể bị sỏi canxi
Bệnh nhân xương khớp có thể bị sỏi canxi

Nghe có vẻ thật sự chả liên quan gì giữa xương khớp và thận. Tuy nhiên, về mặt bản chất thì xương khớp được cấu tạo từ thành phần chính là canxi, mà canxi cũng là một trong những nguyên liệu góp phần tạo nên các tinh thể sỏi. Các đối tượng mắc các bệnh lý xương khớp thường xảy ra quá trình tăng thải canxi ra khỏi cơ thể qua thận, do đó làm tăng sự tích tụ canxi trong thận và các bộ phận tiết niệu khác. Trong điều kiện thích hợp các tinh thể canxi này có khả năng kết tinh và tạo sỏi. Ngoài ra, ở nhóm bệnh nhân này thường hay sử dụng các thực phẩm chức năng có chứa canxi để bổ sung lại lượng canxi thất thoát, việc bổ sung không hợp lý có thể làm tăng nồng độ canxi trong cơ thể, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

5.7. Người có tiền sử gia đình mắc sỏi thận

Nhiều bệnh lý chuyển hoá trong cơ thể có thể gây tích tụ nhiều khoáng chất trong nước tiểu hơn bình thường. Phần lớn các bệnh lý chuyển hoá này có liên quan đến yếu tố di truyền. Do đó, nếu có bố mẹ, anh chị em ruột mắc phải sỏi thận do các bệnh lý chuyển hoá thì bạn cũng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này, nên tích cực phòng ngừa.

6. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh sỏi thận

Bất kỳ một cấu trúc bất thường nào xuất hiện bên trong cơ thể một cách không tự nhiên tự khắc sẽ gây hại cho bản thân. Dưới đây là một số biến chứng thường gặp của bệnh sỏi thận.

Tắc đường tiểu: Dựa vào vị trí của tinh thể sỏi nằm trong cơ thể mà sẽ gây ra những mức độ tắc nghẽn khác nhau. Chẳng hạn như sỏi nằm trong các đường dẫn nước tiểu lớn sẽ gây chặn hoàn toàn và dẫn đến vô niệu, nếu chỉ nằm ở các đường dẫn nhỏ thì có thể gây ra sự giảm lượng nước tiểu, bí tiểu, thiểu niệu hoặc cảm giác đau rát khi tiểu.

Sỏi hình thành trong thận gây tắt nghẽn đường nước tiểu
Sỏi hình thành trong thận gây tắt nghẽn đường nước tiểu

Cơ thể bị đầu độc: Rất nhiều chất chuyển hoá của các chất mà cơ thể nhanh chóng muốn đẩy ra khỏi cơ thể vì khả năng gây hại của chúng, trong trường hợp sỏi thận làm tắc nghẽn đường nước tiểu, việc đào thải các chất này bị trì trệ thậm chí là có thể tái hấp thu từ nước tiểu ngược trở lại vào vòng tuần hoàn chung khiến cơ thể bị đầu độc.

Nhiễm trùng: Các tinh thể sỏi  có rất nhiều lỗ nhỏ li ti bên trong, là nơi thích hợp cho các vi khuẩn phát triển, tránh khỏi sự tấn công của hệ miễn dịch trong cơ thể. Sự sinh sôi nảy nở của các vi khuẩn này làm tăng nguy cơ viêm nhiễm thận và các cấu trúc gần đó. Thận là một cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc lọc bỏ các chất thải và giữ lại các chất cần thiết, khi thận bị tổn thương, nhiều chất thiết yếu có vai trò quan trọng trong cơ thể cũng bị thải ra theo đường tiểu khiến cơ thể gặp nhiều rối loạn, đặc biệt khi viêm cầu thận cấp có thể gây tiểu ra máu và protein rất nguy hiểm.

Suy thận cấp: Sự viêm nhiễm, tổn thương tế bào thận do sỏi diễn ra ngày qua ngày, các tổn thương dần trở nên nghiêm trọng và không thể hồi phục làm giảm khả năng lọc các chất ra nước tiểu của thận dẫn đến tình trạng suy thận. Suy thận cấp diễn ra đột ngột và có thể gây tử vong, hoặc nếu được kiểm soát không tốt thì hoàn toàn có thể tiến triển thành suy thận mạn, khiến bệnh nhân phải đối mặt với việc sử dụng thuốc suốt đời và nguy cơ phải chạy thận nhân tạo ở mức độ nặng.

Yếu sinh lý ở nam giới: Hệ tiết niệu và hệ sinh dục luôn có một mối quan hệ mật thiết với nhau, do đó rối loạn một trong hai hệ thường sẽ để lại các di chứng cho hệ còn lại. Trên thực tế, hiệp hội tiết niệu Châu Âu (viết tắt EAU) khuyến cáo nam giới nên thăm khám thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm bệnh sỏi thận nếu đã xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý này. Về lâu dài, bệnh sỏi thận có thể gây ra các triệu chứng suy giảm khả năng hoạt động tình dục ở nam giới như: giảm ham muốn tình dục, mất khoái cảm, rối loạn cương dương, xuất tinh sớm,…

Vỡ thận: Đây là một biến chứng rất hiếm gặp nhưng đã được ghi nhận. Những đối tượng có vách thận mỏng bẩm sinh khi bị sỏi thận, việc căng tức quá mức do nước tiểu bị ứ đọng và do áp lực dòng chảy của máu khiển thận bị vỡ. Trong trường hợp này tỉ lệ tử vong là khá cao.

7. Bệnh sỏi thận được chẩn đoán như thế nào?

Có nhiều phương pháp chẩn đoán sỏi thận, dưới đây là một số cách thường sử dụng nhất:

Siêu âm: Dựa vào sự phản hồi các sóng âm giúp phác hoạ hình dáng của sỏi. Phương pháp giúp đánh giá nhanh có sự xuất hiện của sỏi trong cơ thể hay không, tuy nhiên có thể nhầm lẫn với hình ảnh của các cặn nước tiểu và không giúp phân biệt loại sỏi hình thành trong cơ thể là loại gì.

X-quang, CT-scan: Dựa vào tính chất cản quang của các viên sỏi khi chiếu các tia sáng của tia X giúp quan sát thấy sự tồn tại của sỏi trong cơ thể. Tuy nhiên, một số loại sỏi như sỏi urat, cystine kém cản quang nên thường khó thấy. Khi thực hiện chẩn đoán bằng tia X, bệnh nhân phải được vệ sinh sạch sẽ đại tràng bằng thụt tháo hoặc thuốc sổ để hình ảnh chẩn đoán không bị che mờ bởi phân.

MRI: Phương pháp này cho hình ảnh về các cấu trúc trong cơ thể một cách chi tiết hơn từ xương, các cơ quan cho đến các mạch máu, giúp phát hiện sỏi dễ dàng hơn. Tuy nhiên giá thành thực hiện lại đắt hơn rất nhiều so với các phương pháp khác.

8. Bệnh sỏi thận được điều trị như thế nào?

Tùy vào nguyên nhân gây ra sỏi thận và loại sỏi mà bệnh nhân mắc phải mà bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị hợp lý. Đối với bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ và sỏi nhỏ, hầu hết sẽ không cần dùng tới phương pháp điều trị xâm lấn. Bác sĩ có thể điều trị bằng cách:

  • Uống nước: Mỗi ngày uống khoảng 2 đến 3 lít nước để giúp cho nước tiểu loãng hơn và ngăn ngừa việc hình thành sỏi thận. Hãy cố gắng uống đủ nước để tạo ra nước tiểu trong.
  • Dùng thuốc giảm đau: Để làm dịu đi những cơn đau gây ra khi viên sỏi bị mắc kẹt trong niệu quản, bác sĩ có thể kê cho bạn một số thuốc giảm đau như: Ibuprofen, và Naproxen natri. 
  • Một số loại thuốc khác: Ngoài thuốc giảm đau, để giúp loại bỏ sỏi thận bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc như: Thuốc chẹn alpha và thuốc làm giãn các cơ niệu quản. Chúng sẽ giúp làm giãn các cơ trong niệu quản, ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang do đó viên sỏi có thể được đào thải nhanh chóng và ít gây đau đớn hơn.

Đối với những viên sỏi quá lớn với các triệu chứng dữ dội, có thể gây chảy máu, tổn thương thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu đang ngày càng nặng, bác sĩ có thể cần phải dùng đến nhiều phương pháp phức tạp hơn.

  • Sử dụng sóng âm thanh để phá sỏi: Tùy thuộc vào loại sỏi, kích thước và vị trí của nó bác sĩ có thể dùng thủ thuật phá sỏi bằng sóng xung kích làm vỡ sỏi thành những mảnh nhỏ giúp nó dễ dàng được đào thải ra nước tiểu. Quy trình có thể kéo dài khoảng 45 đến 60 phút và có thể gây ra cơn đau vừa phải. Bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thuốc an thần hoặc gây mê nhẹ để bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên biện pháp này có thể gây ra máu trong nước tiểu, bầm tím ở lưng hoặc bụng, chảy máu quanh thận và các cơ quan lân cận khác và cảm giác khó chịu khi các mảnh sỏi đi qua đường tiết niệu.
  • Phẫu thuật để loại bỏ những viên sỏi rất lớn trong thận: Biện pháp này được gọi là cắt sỏi thận qua da. Bác sĩ sẽ phẫu thuật loại bỏ một viên sỏi thận bằng cách sử dụng kính viễn vọng nhỏ và dụng cụ được chèn qua một vết rạch nhỏ ở lưng của bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân trong quá trình phẫu thuật và ở bệnh viện từ một đến hai ngày trong khi hồi phục. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật này nếu phương pháp sử dụng sóng không thành công.
  • Nội soi niệu quản: Để loại bỏ một viên sỏi nhỏ hơn trong niệu quản hoặc thận, bác sĩ có thể đưa một ống soi niệu quản được trang bị camera, cho đi qua niệu đạo và bàng quang đến niệu quản của bệnh nhân. Khi vị trí của viên sỏi đã được xác định, bác sĩ sẽ dùng các công cụ đặc biệt để có thể lấy viên đá ra hoặc làm vỡ nó thành nhiều mảnh và chúng sẽ trôi qua nước tiểu của bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ có thể đặt một ống nhỏ (stent) vào niệu quản để giảm sưng và thúc đẩy quá trình lành thương. 
  • Phẫu thuật tuyến cận giáp: Nguyên nhân gây ra sỏi Canxi photphat có thể là do các tuyến cận giáp hoạt động quá mức. Khi các tuyến này sản xuất quá nhiều hormone tuyến cận giáp nồng độ canxi trong máu có thể trở nên quá cao và kết quả là hình thành sỏi thận. Loại bỏ sự phát triển của tuyến cận giáp giúp ngăn chặn sự hình thành sỏi thận. Hoặc bác sĩ có thể đề nghị điều trị tình trạng khiến tuyến cận giáp sản xuất quá mức hormone.

9. Cách phòng ngừa bệnh sỏi thận

Chế độ ăn và sinh hoạt là những yếu tổ ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển của Sỏi thận. Chính vì vậy để phòng ngừa căn bệnh này, chúng ta có thể thực hiện phương pháp thay đổi lối sống: 

  • Uống đủ nước trong ngày: Chúng ta nên uống đủ chất lỏng để thải khoảng 2 lít nước tiểu mỗi ngày. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn đo lượng nước tiểu để đảm bảo rằng bạn đang uống đủ nước cho một ngày. Nếu bạn sống ở nơi có khí hậu khô, nóng hoặc thường xuyên tập thể dục, bạn có thể cần uống nhiều nước hơn để tạo đủ nước tiểu. Nếu nước tiểu của bạn nhạt và trong, đây là dấu hiệu cho thấy bạn đã uống đủ nước. Cung cấp thêm các nước uống bổ thận, tăng cường sức khỏe của thận.
  • Hạn chế ăn các thức ăn giàu Oxalate: Chúng bao gồm đại hoàng, củ cải đường, đậu bắp, rau bina, củ cải, khoai lang, các loại hạt, trà, sô cô la, hạt tiêu đen và các sản phẩm từ đậu nành. Hạn chế các loại thực phẩm này sẽ giúp bạn ngăn ngừa Sỏi Canxi Oxalate.
  • Xây dựng một chế độ ăn ít muối và protein động vật: Xây dựng chế độ ăn với những thực phẩm tốt cho thận. Bạn nên giảm lượng muối ăn trong ngày và chọn các nguồn protein bổ ích, chẳng hạn như các loại đậu để thay thế đạm động vật. 
  • Ăn những thực phẩm giàu canxi: tuy nhiên hãy thận trọng với các thực phẩm giúp bổ sung canxi. Theo nghiên cứu, Canxi trong thực phẩm không ảnh hưởng đến nguy cơ hình thành sỏi thận. Chính vì vậy hãy tiếp tục ăn các thực phẩm giàu canxi trừ khi nhận được lời khuyên khác từ bác sĩ. Hãy hỏi bác sĩ của bạn trước khi sử dụng các sản phẩm bổ sung canxi, vì chúng có liên quan đến việc tăng nguy cơ sỏi thận. Bạn có thể giảm nguy cơ bằng cách bổ sung trong bữa ăn.

Lời kết

Sỏi thận là một căn bệnh khá phổ biến hiện nay, chúng có thể gây ra những cơn đau từ nhẹ tới dữ dội làm ảnh hưởng tới chất lượng sống của người bệnh. Hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin bổ ích về căn bệnh này, qua đó giúp bạn hiểu thêm và biết nhận viết và phòng ngừa Sỏi thận.

Nếu bạn đang gặp tình trạng hay có các biểu hiện của vấn đề về bệnh sỏi thận, cần được tư vấn thì hãy liên hệ đến hotline 1900 7061 hoặc điền vào form bên dưới để được nghe các dược sĩ tư vấn MIỄN PHÍ.




    * Vui lòng đợi vài giây sau khi nhấn Gửi

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Nhắn Messenger
    Nhắn tin Messenger
    Chat Zalo
    Chat Zalo
    Gọi với Dược sĩ
    gọi với dược sĩ