Suy tuyến thượng thận là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh

Suy tuyến thượng thận

Suy tuyến thượng thận là bệnh lý xảy ra tại tuyến hình tam giác nằm bên trên hai quả thận. Suy tuyến thượng thận xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

1. Suy tuyến thượng thận là gì?

1.1. Tuyến thượng thận 

Tuyến thượng thận còn được gọi là các tuyến trên thận, nằm phía trên đỉnh của hai quả thận và có hình dạng là hình tam giác.

Về mặt giải phẫu, tuyến thượng thận gồm hai phần: Vỏ thượng thận và tủy thượng thận.

  • Vỏ thượng thận là phần phía bên ngoài và là phần có kích thước lớn nhất của tuyến thượng thận, là nơi tiết ra hormon steroid. Vỏ được chia thành 3 vùng riêng biệt bao gồm vành glomerulosa, fasciculata và reticularis, mỗi vùng chịu trách nhiệm sản xuất một loại hormon cụ thể. 
  • Tủy thượng thận, nằm bên trong vỏ tuyến và là nơi tiết ra các catecholamin.

Cả 2 phần này của tuyến thượng thận được bảo vệ bằng một nang mỡ bao xung quanh nó.

Vị trí tuyến thượng thận
Vị trí tuyến thượng thận

1.2. Bệnh suy tuyến thượng thận

Vai trò của tuyến thượng thận trong cơ thể là tiết ra các hormon giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất, hệ thống miễn dịch, huyết áp, phản ứng với sự căng thẳng và các chức năng thiết yếu khác. 

Hormone do vỏ thượng thận sản xuất: Cortisol, Aldosteron, dehydroepiandrosterone, androgen.

Tủy thượng thận sản xuất ra: Adrenalin ( Epinephrine) và Noradrenaline (Norepinephrine).

Suy tuyến thượng thận xảy ra khi nó không tiết ra đủ một loại hormon nào đó cho cơ thể.

1.3. Các loại suy tuyến thượng thận

Suy tuyến thượng thận nguyên phát 

Suy tuyến thượng thận nguyên phát xảy ra khi có vấn đề ngày chính tuyến thượng thận dẫn đến hormon cortisol và aldosterone sản xuất ra ít. Suy thượng thận nguyên phát còn gọi là bệnh Addison.

Suy tuyến thượng thận thứ phát

Khi tuyến yên xảy ra một vấn đề nào đó thì suy tuyến thượng thận thứ phát xảy ra. 

Tuyến yên nằm ở đáy não và có nhiều chức năng quan trọng đối với cơ thể. Nó tiết ra hormon ACTH từ đó kích thích tuyến thượng thận sản xuất ra cortisol. Nếu tuyến yên có vấn đề và không tạo đủ ACTH thì tuyến thượng thận cũng không thể tạo đủ cortisol được.

Suy thượng thận thứ phát còn xảy ra khi đột ngột ngừng sử dụng corticosteroid. Khi dùng chất này, nồng độ cortisol trong máu tăng lên. Lúc này, vùng dưới đồi sẽ tự tạo ra ít hormon giải phóng corticotropin (CRH) – một hormon kích thích tuyến yên tiết ACTH, kết quả là làm giảm sản xuất cortisol tự nhiên bên trong cơ thể. Lâu dài, cơ thể sẽ tự hiểu và giảm khả năng hoạt động của tuyến thượng thận.

Khi ngừng corticosteroid đột ngột, tuyến thượng thận không thể tiết ra cortisol đủ cho cơ thể dẫn đến suy tuyến thượng thận.

Suy tuyến thượng thận làm giảm tiết cortisol
Suy tuyến thượng thận làm giảm tiết cortisol

2. Nguyên nhân suy tuyến thượng thận

2.1. Suy tuyến thượng thận nguyên phát

Nguyên nhân phổ biến nhất là do sự tự miễn dịch, hệ thống miễn dịch chống lại ngay cả những tế bào lành mạnh của cơ thể mình.

Theo thống kê, có khoảng 80 đến 90% người bị suy thượng thận nguyên phát có kháng thể chống lại enzym đóng vai trò trong việc sản xuất hormon tại tuyến thượng thận.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác có khả năng dẫn đến suy tuyến thượng thận nguyên phát là: 

  • Một số bệnh lý như lao, giang mai hay AIDS
  • Ung thư ảnh hưởng đến tuyến thượng thận 
  • Phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến thượng thận 
  • Chảy máu ở tuyến thượng thận 
  • Các rối loạn di truyền có ảnh hưởng đến tuyến thượng thận 
  • Một số loại thuốc kháng nấm hay thuốc gây mê có tác động lên tuyến thượng thận

2.2. Suy tuyến thượng thận thứ phát

Như đã nói, loại suy tuyến thượng thận này xảy ra do có vấn đề tại tuyến yên, nơi tạo ra ACTH kích thích tuyến thượng thận tiết hormon. Một số nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến tuyến yên như:

  • Chấn thương sọ não
  • Ung thư ảnh hưởng đến tuyến yên 
  • Phẫu thuật xung quanh tuyến yên 
  • Chảy máu tuyến yên hay xung quanh nó
  • Những rối loạn di truyền có ảnh hưởng đến tuyến yên 

Hay do sử dụng corticosteroid dài hạn sau đó ngưng đột ngột hoặc có thể do các nguyên nhân như ung thư, phẫu thuật hoặc chấn thương ảnh hưởng vùng dưới đồi.

3. Triệu chứng suy tuyến thượng thận 

Cả 3 loại suy tuyến thượng thận điều cho ra những triệu chứng khá giống nhau. Triệu chứng suy tuyến thượng thận bao gồm:

  • Mệt mỏi kéo dài
  • Yếu cơ
  • Giảm sự thèm ăn
  • Sụt cân
  • Đau bụng
  • Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy
  • Cáu gắt khó chịu
  • Mất chu kỳ kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt không đều
  • Giảm ham muốn tình dục
Suy tuyến thượng thận khiến cơ thể mệt mỏi
Suy tuyến thượng thận khiến cơ thể mệt mỏi

Những người bệnh bị suy tuyến thượng thận có thể gặp các biến chứng đe dọa đến tính mạng khi có suy tuyến thượng thận cấp hay khủng hoảng Addison xảy ra. Các triệu chứng của giai đoạn này bao gồm: 

  • Đau dữ dội ở lưng, bụng hoặc chân xảy ra rất đột ngột
  • Không có sức lực
  • Nôn mửa
  • Mất nước
  • Tiêu chảy
  • Lú lẫn
  • Mất ý thức

Tình trạng cấp này cần được chăm sóc y tế kịp thời nhất.

4. Suy tuyến thượng thận có nguy hiểm không?

Nếu mắc suy tuyến thượng thận mà bạn không điều trị hay không tuân thủ việc điều trị, tình trạng cấp hay khủng hoảng Addison có thể xảy ra. Tình trạng khủng hoảng này đe dọa đến tính mạng, làm huyết áp thấp, giảm lượng đường trong máu, nồng độ kali máu tăng cao. Tình trạng này cần được giải quyết ngay lập tức.

5. Chẩn đoán suy tuyến thượng thận 

Việc đầu tiên khi thăm khám là hỏi về tình trạng sức khỏe, có bệnh lý nào mà người bệnh đang mắc phải hay không, có đang sử dụng loại thuốc nào không. 

Bên cạnh việc thăm hỏi, các xét nghiệm sau đây có thể được sử dụng trong việc chẩn đoán suy tuyến thượng thận.

5.1. Các xét nghiệm máu

Các xét nghiệm máu là rất cần thiết trong việc hỗ trợ chẩn đoán bệnh suy tuyến thượng thận, bào gồm:

Xét nghiệm kích thích adrenocorticotropin ( ACTH): Xét nghiệm này là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán suy tuyến thượng thận. Người bệnh sẽ được cho bổ sung hormon ACTH qua đường tiêm sau đó nồng độ cortisol trong máu sẽ được đo theo thời gian. Những người có tình trạng suy thượng thận nguyên phát sẽ không tăng nồng độ cortisol khi được bổ sung thêm ACTH. 

Xét nghiệm cortisol: Xét nghiệm cortisol thực hiện bằng cách đo nồng độ cortisol trong máu vào sáng sớm để xem nồng độ cortisol có thấp hay không.

Xét nghiệm aldosterone: Xét nghiệm này cho biết mức độ aldosteron trong cơ thể người bệnh. Nồng độ aldosterone thấp có thể xảy ra ở những người suy tuyến thượng thận nguyên phát.

Chẩn đoán suy tuyến thượng thận thông qua các xét nghiệm máu
Chẩn đoán suy tuyến thượng thận thông qua các xét nghiệm máu

Xét nghiệm ACTH: Xét nghiệm kiểm tra nồng độ ACTH trong máu. Nồng độ ACTH cao có thể là suy thượng thận nguyên phát, mức thấp có thể là so suy thượng thận thứ phát

Xét nghiệm kháng thể: Xét nghiệm máu tìm kháng thể enzym 21- hydroxylase, kháng thể này hầu hết có ở những bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận nguyên phát. 

Xét nghiệm dung nạp insulin: Người thực hiện xét nghiệm này được cho sử dụng insulin để làm giảm lượng đường trong máu, từ đó sẽ khiến tuyến yên tiết ACTH. Những người bị suy tuyến thượng thận thứ phát, cortisol có nồng độ thấp do tuyến yên không tiết ACTH. 

5.2. Xét nghiệm hình ảnh

Các xét nghiệm hình ảnh như chụp CT hay chụp MRI có thể được đề nghị để tìm kiếm những thay đổi thông qua hình ảnh của tuyến thượng thận.

Xem thêm: Người bị suy tuyến thượng thận nên ăn gì: 9 nhóm thực phẩm bạn nên chú ý.

6. Điều trị suy tuyến thượng thận

Suy tuyến thượng thận là tình trạng nó không tiết đủ hormon nào đó, thường là giảm nồng độ cortisol. 

Để khắc phục tình trạng này, người bệnh thường được kê toa sử dụng corticosteroid hydrocortison. Các thuốc khác như prednisolon và dexamethason cũng có thể được sử dụng.

Corticosteroid dùng trong suy tuyến thượng thận
Corticosteroid dùng trong suy tuyến thượng thận

Những người có tình trạng suy tuyến thượng thận nguyên phát còn kèm theo không tạo đủ aldosteron. Fludrocortison sẽ được kê toa sử dụng ở những đối tượng này.

Hàm lượng thuốc corticosteroid mà người bệnh sử dụng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với từng cá nhân, đôi khi kế hoạch điều trị cũng sẽ có những thay đổi trong những trường hợp bạn gặp phải những căng thẳng, ví dụ như trong thai kỳ, có bệnh khác kèm theo, hay có phẫu thuật.

Tình trạng cấp hay khủng hoảng suy tuyến thượng thận được điều trị bằng thuốc đường tiêm tĩnh mạch corticosteroid.

7. Suy tuyến thượng thận có chữa được không? 

Suy tuyến thượng thận là tình trạng mãn tính và cần phải điều trị suốt đời. Việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ là rất quan trọng do suy tuyến thượng thận không ảnh hưởng có các biến chứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. 

Để cuộc sống của bạn vẫn diễn ra bình thường và có chất lượng sống tốt khi mắc tình trạng này, bạn có thể thực hiện một số điều sau đây:

  • Việc sử dụng thuốc corticosteroid lâu dài có khả năng làm tăng nguy cơ loãng xương, do đó bổ sung canxi và vitamin D vào chế độ ăn uống của người bệnh.
  • Nếu có nồng độ aldosteron thấp, thực hiện chế độ ăn nhiều natri dưới sự giám sát của chuyên gia y tế. 
  • Mang theo trong người vòng tay, hay thẻ thông tin về bệnh lý suy tuyến thượng thận, nó sẽ hữu ích trong một số trường hợp khẩn cấp xảy ra.
  • Thư giãn, giữ một tinh thần thoải mái.

Lời kết

Suy tuyến thượng thận có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng. Do đó nếu có dấu hiệu hãy đến bệnh viện nhanh nhất có thể, đồng thời tuân thủ chặt chẽ kế hoạch điều trị đã được đặt ra để kiểm soát bệnh một cách tốt nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nhắn Messenger
Nhắn tin Messenger
Chat Zalo
Chat Zalo
Gọi với Dược sĩ
gọi với dược sĩ