Thoái hóa đốt sống cổ hay thoái hóa cột sống cổ là một căn bệnh xương khớp mạn tính khá phổ biến hiện nay, bệnh gây đau vùng quanh cổ, nhất là khi vận động. Bệnh không chỉ gặp ở người già, mà ngày nay những người trẻ tuổi ít vận động cũng rất dễ mắc phải. Vậy bệnh thoái hóa đốt sống cổ do những nguyên nhân nào gây ra, có nguy hiểm không, phòng ngừa và điều trị bệnh như thế nào. Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây.
1. Thoái hóa đốt sống cổ là gì?
Cột sống được cấu tạo từ 24 đốt sống, trong đó đốt sống cổ được tính là 7 đốt sống đầu tiên bắt đầu từ xương sọ. Các đốt sống được nối với nhau bởi các đầu sụn, đĩa đệm, bao hoạt dịch. Thoái hoá đốt sống cổ là khi một trong các cấu trúc này tại vùng đốt sống cổ bị thoái hoá về mặt cấu trúc và chức năng vì nguyên nhân nào đó. Hậu quả là việc dẫn truyền thông tin của các dây thần kinh xung quanh đốt sống bị rối loạn, chức năng nâng đỡ của đốt sống cổ bị suy giảm gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Tất cả các đốt sống cổ đều có thể bị thoái hoá, tuy nhiên đa số các trường hợp sẽ bị thoái hoá ở đốt sống C5, C6, C7 (3 đốt sống cổ cuối) nhiều hơn, nặng hơn so với các đốt sống phía trên. Bệnh không chỉ xuất hiện nhiều ở người cao tuổi mà thậm chí ngày nay, tỉ lệ người mắc thoái hoá đốt sống cổ ngày càng được trẻ hoá do thói quen sinh hoạt, lao động kém khoa học. Theo thống kê cho thấy thì tỉ lệ nam và nữ mắc bệnh lý này là như nhau, do đó giới tính không phải là yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng này.
Bệnh lý thoái hoá đốt sống cổ nếu không điều trị sớm rất có khả năng tiến triển thành bệnh lý mạn tính, đòi hỏi việc điều trị dai dẳng, tốn kém rất nhiều thời gian và tiền bạc. Việc phát hiện sớm thoái hoá đốt sống cổ giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, nâng cao tiên lượng điều trị bệnh và giúp ngăn chặn tiến triển sang thoái hoá mãn tính.
Xem thêm: Thoái hóa đốt sống lưng là gì? nguyên nhân triệu chứng và cách chữa trị
2. Nguyên nhân gây bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Có nhiều nguyên nhân gây thoái hóa cột sống cổ, cụ thể:
Hoạt động, làm việc sai tư thế cũng gây thoái hóa đốt sống cổ: Những người thường có thói quen cúi đầu, gập cổ hay xoay cổ nhiều, thường mang vác nặng như bốc vác, dân văn phòng hay những người buôn bán có nguy cơ cao bị thoái hóa cột sống cổ.
Do bị tai nạn hay chấn thương: Những chấn thương khi bị tai nạn ở vùng cổ làm thay đổi cấu trúc sụn khớp và đĩa đệm cột sống cổ, dẫn tới nguy cơ bị thoái hóa đốt sống cổ.
Do lão hóa: Đốt sống cổ cũng không nằm ngoài quy luật sinh lão bệnh tử, quá trình lão hóa sẽ diễn ra nhanh hơn khi bạn già đi đặc biệt là độ tuổi sau 50 tuổi.
Do di truyền: Những dị tật, hay các bệnh liên quan đến cột sống cổ từ bé do di truyền có thể làm tăng nguy cơ bị thoái hóa so với những người bình thường.
Do chế độ ăn uồng và thói quen sinh hoạt: Chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt việc không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng như calci, magie hay vitamin cũng như thói quen lạm dụng bia rượu, thuốc lá, các chất kích thích góp phần thúc đẩy quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn.
Thói quen gối đầu quá cao hay quá thấp, nằm nguyên một tư thế khi ngủ khiến cổ thường xuyên đau nhức xương khớp, lâu ngày dẫn tới nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ.
3. Các triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ
Ở giai đoạn đầu, hầu như không có triệu chứng rõ ràng nào của bệnh. Đa phần các bệnh nhân bị thoái hóa đốt sống cổ thường cảm thấy đau nhức, khó chịu ở vùng cổ, bất kể lúc hoạt động hay nghỉ ngơi. Một số triệu chứng thường thấy của bệnh như:
- Cảm giác đau khi thực hiện các động tác chuyển động cổ, đôi lúc bị vẹo cổ.
- Các cơn đau lan nhanh từ vùng cổ lan ra tai, lên đầu, có thể lan rộng xuống bả vai và cả hai cánh tay. Nhiều trường hợp, người bệnh cảm giác tay chân mất hết cảm giác.
- Ở một vài người, do thói quen khi ngủ cộng với sự thay đổi của thời tiết làm tê cứng cổ vào sáng hôm sau, kèm theo ho và hắt hơi. Nhiều trường hợp còn đau cả nữa đầu sau, đầu không quay sang trái hay sang phải được, phải xoay kết hợp cả người.
- Sự xuất hiện dấu hiệu Lhermitte (còn gọi hiện tượng thợ ghế cắt tóc): người bệnh cảm giác như có một luồng điện đột ngột đi từ cổ xuống xương ống, tay chân rất khó chịu.
4. Những ai có nguy cơ cao bị thoái hóa đốt sống cổ?
Thoái hoá cổ là một bệnh lý xương khớp phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải nếu không có hướng phòng tránh khoa học. Tuy nhiên, nếu thuộc các đối tượng sau đây thì bạn có khả năng vướng phải bệnh lý này cao hơn người bình thường:
Nghiện thuốc lá: Người đang nghiện hoặc đã từng nghiện thuốc lá trước đây (bây giờ không còn sử dụng) đều có nguy cơ cao mắc bệnh thoái hoá đốt sống cổ nói chung và các bệnh lý xương khớp khác nói riêng. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, việc tiêu thụ thuốc lá hằng ngày khiến xương khớp trở nên yếu đi, dễ bị thoái hoá khớp và viêm hơn so với người bình thường.
Có tiền sử gia đình bị thoái hoá đốt sống cổ: Người có anh chị em, cha mẹ hoặc họ hàng ruột thịt mắc bệnh thoái hoá đốt sống cổ cũng có nguy cơ mang các gen quy định khiến họ dễ bị thoái hoá đốt sống cổ khi gặp các yếu tố nguy cơ phù hợp.
Có công việc tạo áp lực lên đốt sống cổ: Tính chất công việc của một số đối tượng khiến họ phải duy trì sự căng thẳng lên đốt sống cổ trong nhiều tiếng đồng hồ liền liên tục ngày này sang ngày khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hoá đốt sống cổ. Một vài tư thế có thể khiến đốt sống cổ chịu nhiều áp lực chẳng hạn như: ngoái cổ nhìn lên trong thời gian dài (chẳng hạn như công việc của thợ sơn tường), hoặc phải cúi đầu xuống quá lâu (chẳng hạn như việc của thợ điện, thợ sửa ống nước), hoặc ngồi nhìn màng hình máy tính được đặt quá cao hoặc quá thấp so với mắt khiến họ phải ngước nhìn trong thời gian dài. Các công nhân hay khuân vác vật nặng trên vai, cổ gáy cũng là đối tượng nguy cơ cao dễ mắc phải tình trạng thoái hoá đốt sống cổ.
Tiền sử chấn thương cổ: Các vết nứt ở xương khớp, các vết thương hở có thể là tiền đề cho sự viêm nhiễm, thoái hoá xương khớp xảy ra. Nhiều trường hợp sau nhiều năm chấn thương mới xảy ra quá trình thoái hoá, do đó phải thường xuyên theo dõi tình trạng xương khớp tại vị trí chấn thương, nhất là các chấn thương gãy xương, khớp.
Người lớn tuổi: Đa số các quá trình thoái hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ khi tuổi tác cao, trong đó thì đốt sống cổ luôn là một trong những vị trí thường bị ảnh hưởng. Do đó, người già thường hay gặp phải các triệu chứng đau nhức cổ, vai gáy,…Độ tuổi từ 40 trở về sau có thể thấy rõ tình trạng này ở nhiều người.
Người có thói quen ngủ không tốt: Nhiều người ngủ trong một không gian chật hẹp, khiến cho sự trở mình khó khăn hoặc ngủ với những chiếc gối cao, cứng khiến phần cổ gáy bị duy trì ở một tư thế khó chịu trong một thời gian dài. Sự gây căng thẳng một cách không chủ ý này có thể là nguyên nhân dẫn tới thoái hoá đốt sống cổ trong nhiều trường hợp. Do có liên quan đến thói quen sinh hoạt nên đây là một trong những yếu tố hoàn toàn có thể khắc phục được để ngăn ngừa thoái hoá cổ tiến triển.
5. Biến chứng thường gặp do thoái hóa đốt sống cổ
Đốt sống cổ là một trong những vị trí quan trọng, nơi mà nhiều mạch máu và dây thần kinh đi ngang qua để cân bằng hoạt động cơ thể. Do đó, các tổn thương tại vị trí này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm thường gặp sau đây:
5.1. Rối loạn tiền đình
Tiền đình là một bộ phận thuộc hệ thần kinh nằm sau ốc tai và giữ một vai trò hết sức quan trọng là giúp cơ thể cảm nhận được sự cân bằng, nhờ đó mà ta có thể đứng vững và kiểm soát được hành động hằng ngày. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những bộ phận đòi hỏi cần cung cấp nhiều dưỡng chất để giúp nó hoạt động.
Việc thoái hoá đốt sống cổ có thể chèn ép các mạch máu vận chuyển máu từ tim lên não, gây thiếu máu não dẫn đến rối loạn hoạt động tiền đình, làm các tế bào này tổn thương gây ra tình trạng rối loạn tiền đình, đem lại nhiều triệu chứng khó chịu như hay buồn nôn, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, khó ngủ, hay cáu gắt, không thể đi đứng một cách cân bằng bình thường,…
5.2. Thoát vị đĩa đệm
Đĩa đệm là cấu trúc nằm giữa các đốt sống giúp làm giảm lực tác động lên các đốt sống khi vận động. Khi các đốt sống cổ bị thoái hoá có thể làm tổn hại, rách vỡ các đĩa đệm này làm giải phóng các vật chất bên trong đĩa đệm được gọi là thoát vị đĩa đệm. Các vật chất này khi thoát ra ngoài thường hoạt hoá hệ thống bạch cầu gây ra các phản ứng viêm, đau dữ dội tại đốt sống.
Bên cạnh đó, việc các đĩa đệm bị thay đổi cấu trúc có thể gây chèn ép các rễ dây thần kinh đi qua cổ, làm rối loạn hoạt động các bộ phận mà dây thần kinh điều khiển, các triệu chứng thường gặp trong trường hợp này bao gồm: tê bì chân tay, rối loạn hoạt động tiêu hoá, rối loạn hoạt động tiểu tiện,…
6. Thoái hóa đốt sống cổ được chẩn đoán như thế nào
Để đánh giá một bệnh nhân có thật sự bị thoái hoá đốt sống cổ hay không, bác sĩ thường phải thông qua một số bước chẩn đoán như sau:
6.1. Khám lâm sàng
Bệnh nhân được hỏi về bệnh sử, tiền sử mắc bệnh xương khớp, tiền sử chấn thương ở cổ. Sau đó, bệnh nhân sẽ được kiểm tra về mức độ, vị trí đau nhức, khả năng vận động, xoay chuyển của đốt sống cổ, kiểm tra phản xạ cơ xương khớp của các bộ phận khác như các chi,… Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị thoái hoá đốt sống cổ, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm tiếp theo để chắc chắn về chẩn đoán.
6.2. Các xét nghiệm hình ảnh
Các xét nghiệm hình ảnh giúp bác sĩ đánh giá được các vấn đề như:
- Vị trí đốt sống tổn thương.
- Mức độ tổn thương, thoái hoá đốt sống.
- Các bộ phận khác bị ảnh hưởng do sự thoái hoá đốt sống, chẳng hạn như đĩa đệm, sụn, bao hoạt dịch, rễ dây thần kinh, mạch máu,…
Dựa vào điều kiện cụ thể mà bác sĩ sẽ lựa chọn loại hình xét nghiệm phù hợp cho từng bệnh nhân. Các xét nghiệm hình ảnh thường được dùng là X-quang, CT-scan, MRI. Đây là phương pháp chẩn đoán có tính chính xác khá cao và được dùng phổ biến trong các trường hợp chẩn đoán các bệnh lý xương khớp.
6.3. Các test kiểm tra chức năng dẫn truyền thần kinh
Do là vị trí có nhiều dây thần kinh đi qua, một vài trường hợp bác sĩ sẽ cẩn thận xem xét sự ảnh hưởng của thoái hoá đốt sống cổ lên các dây thần kinh này. Bằng cách đo điện cơ hoặc gắn điện cực lên các vị trí phù hợp, bác sĩ sẽ phát hiện ra các rối loạn trong dẫn truyền thần kinh nếu có và từ đó đưa ra các phương hướng xử trí phù hợp cho từng trường hợp.
7. Phương pháp điều trị bệnh hiệu quả
Điều trị thoái hoá đốt sống cổ đòi hỏi phải duy trì trong một thời gian dài, các phương pháp thường sử dụng bao gồm:
Điều trị không dùng thuốc: Các bài tập vật lý trị liệu giúp giảm các cơn đau nhức tại vị trí thoái hoá, hỗ trợ tăng cường phạm vi xoay chuyển của khớp tổn thương cũng như ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm xảy ra. Nên tham khảo ý kiến của chuyên gia để lựa chọn bài tập phù hợp, an toàn.
Chườm nóng là một phương pháp đơn giản được khuyến cáo thực hiện để giảm nhanh các cơn đau. Trong đó bệnh nhân chỉ cần chuẩn bị một chiếc khăn nhúng vào nước ấm để chườm vào vùng xương khớp bị nhức, cơn đau sẽ tạm thời được dịu bớt.
Điều trị dùng thuốc: Chủ yếu là các nhóm thuốc giảm đau, hỗ trợ nâng cao khả năng hoạt động thể chất cho bệnh nhân, các nhóm thuốc hay sử dụng bao gồm: Paracetamol, nhóm thuốc kháng viêm, giảm đau non-steroid (meloxicam, ibuprofen, naproxen,…), nhóm thuốc kháng viêm, giảm đau steroid (corticoid),…Tuy nhiên các nhóm này thường đi kèm với nhiều tác dụng phụ, nên sử dụng dưới sự giám sát của chuyên viên y tế.
Phẫu thuật: Khi không đáp ứng với các phương pháp điều trị trên hoặc khi bệnh nhân thoái hoá đốt sống cổ mức độ nghiêm trọng cần ngăn ngừa các biến chứng thì phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng. Tùy từng trường hợp, mức độ, vị trí bệnh mà bác sĩ chuyên khoa sẽ chị định loại phương pháp phẫu thuật phù hợp.
Xem thêm: TOP 6 Thuốc bổ xương khớp được nhiều người dùng đánh giá cao
8. Phòng tránh thoái hóa đốt sống cổ thế nào?
Ngoại trừ mắc bệnh do yếu tố di truyền, chúng ta có thể chủ động phòng ngừa bệnh thoái hóa đốt sống cổ bằng cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt, làm việc phù hợp, cụ thể:
- Cân bằng thời gian giữa làm việc và nghỉ ngơi, tránh các động tác như cúi đầu, gập người quá lâu ảnh hưởng đến đốt sống cổ. Ngoài ra cần thường xuyên massage, xoa bóp vùng cổ thường xuyên.
- Lựa chọn gối nằm mềm, có độ dày vừa phải. Thường xuyên thay đổi tư thế khi nằm ngủ, đặc biệt không nên nằm sấp dễ bị chứng thoái hóa cổ do cổ bị gập xuống.
- Khi làm việc cần chú ý giữ thẳng lưng, vai thăng bằng, nên điều chỉnh ghế sao cho 2 cẳng tay song song với mặt bàn.
- Đối với dân văn phòng, thường làm việc nhiều với máy tính , cần thường xuyên đi lại, vận động hay thay đổi tư thế phù hợp, không nên ngồi yên trong thời gian dài.
- Không nên thực hiện các động tác vặn, ấn cổ khi nằm sẽ rất nguy hiểm, có thể gây gãy hay trật khớp đốt sống cổ.
- Không nên đội, vác các vật nặng lên đầu.
- Khi cảm thấy các cơn đau xuất hiện, gây tê liệt tay chân, không nên nắn, vặn mạnh sẽ ảnh hưởng đến dây thần kinh vùng cổ, cần đến bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Xem thêm bài viết có nội dung liên quan
Các loại thuốc, thực phẩm giúp điều trị bệnh thoái hóa khớp gối tốt
Bệnh phong thấp là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách trị bệnh hiệu quả
Cứng khớp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng các loại cứng khớp