Đĩa đệm trong cơ thể người là một cấu trúc có dạng thớ sợi chắc chắn được xếp theo vòng tâm, bên trong là các nhân keo gelatin. Đĩa đệm có tác dụng giúp nối các đốt sống, phân tán và chịu lực cho cơ thể vận động linh hoạt hơn cũng như giảm chấn động, xóc khi cơ thể vận động. Vậy thoát vị đĩa đệm là gì? có nguy hiểm không? đang là câu hỏi được nhiều người tìm kiếm quan tâm tới.
1. Thoát vị đĩa đệm là gì?
Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng đĩa đệm bị dịch chuyển vị trí ra khỏi bên trong đốt sống lưng, thường xảy ra bởi các tác nhân sang chấn hoặc trên nền đĩa đệm bị rách, nứt, thoái hóa và trên lâm sàng thường có các biểu hiện chứng đau về thần kinh.
Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào của cột sống, nhưng hay gặp nhất là ở cột sống thắt lưng. Bệnh đè ép vào rễ dây thần kinh tọa sẽ gây chứng đau thắt lưng và đau dần lan xuống chân (còn gọi là đau thần kinh tọa). Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, sẽ gây đau, nhức mỏi cổ và gáy.
2. Các giai đoạn thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý hình thành trong một thời gian dài và trải qua các giai đoạn sau:
Giai đoạn đầu: Trong giai đoạn này, một phần vách bao xơ của đĩa đệm bị bào mòn, mỏng dần từ phía trong. Chất nhầy bên trong bao xơ chảy sang và tồn đọng tại vị trí bào mòn nhưng chưa làm biến dạng nhiều phần đĩa đệm và vẫn chưa xảy ra hiện tượng thoát vị dịch nhầy bên trong. Giai đoạn này chưa có nhiều triệu chứng rõ ràng và nghiêm trọng nên bệnh nhân thường chủ quan, dẫn đến bệnh thường tiến triển nặng lên các giai đoạn sau.
Giai đoạn phình đĩa đệm: Phần bao xơ của đĩa đệm ngày càng bị bào mòn, dịch nhầy bên trong bao xơ tập trung về phía phần vách này, dẫn đến làm thay đổi cấu trúc đĩa đệm. Đĩa đệm lúc này xuất hiện những vị trí lồi ra, chính là nơi dịch chất bên trong tập trung. Sự phình to của đĩa đệm trong trường hợp này có thể gây đè nén các rễ dây thần kinh xung quanh, dẫn đến một vài rối loạn dẫn truyền thần kinh vận động. Trong giai đoạn này, lượng dịch nhầy bên trong bao xơ cũng chưa bị rò rỉ ra ngoài.
Giai đoạn thoát vị: Bao xơ bị suy yếu, bào mòn đến mức bị rách, vỡ làm giải phóng các vật chất bên trong ra ngoài. Các dịch này một phần đè nén các cấu trúc xung quanh, một phần kích thích các tế bào miễn dịch gây ra các phản ứng viêm tại xương, gây đau nhức dữ dội.
Giai đoạn thoát vị có mảnh rời: Đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh, trong đó thì lượng dịch nhầy bị thoát hoàn toàn khỏi bao xơ dẫn đến các rối loạn giống ở giai đoạn 3 nhưng mức độ nặng hơn. Bên cạnh đó, bao xơ và vòng sụn trong giai đoạn này cũng bị xơ hoá, khiến cho vị trí bị tổn thương vô cùng đau đớn. Nếu không điều trị kịp thời thì bệnh ở mức độ này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như liệt cơ, teo cơ, bại liệt,…
3. Nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng của thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm thường là kết quả của sự hao mòn dần dần, liên quan đến lão hóa được gọi là thoái hóa đĩa đệm. Khi có tuổi, các đĩa đệm trở nên kém linh hoạt hơn và dễ bị rách hoặc vỡ chỉ với một biến dạng nhỏ. Hầu hết mọi người không thể xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh của họ. Đôi khi, sử dụng cơ lưng thay vì cơ chân và cơ đùi để nâng vật nặng có thể dẫn đến bệnh hoặc một cú ngã hay một cú đánh vào lưng cũng là nguyên nhân.
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm bao gồm:
- Cân nặng: Trọng lượng cơ thể dư thừa gây thêm áp lực cho các đĩa ở lưng dưới của bạn.
- Nghề nghiệp: Những người có công việc đòi hỏi thể chất có nguy cơ mắc các vấn đề về lưng cao hơn. Lặp đi lặp lại hành động nâng, kéo, đẩy, uốn ngang và xoắn cũng có thể làm tăng nguy cơ gây bệnh.
- Hút thuốc: Người ta nghĩ rằng hút thuốc làm giảm việc cung cấp oxy vào đĩa, khiến nó bị hỏng nhanh hơn.
4. Các triệu chứng thường gặp của bệnh
Đau nhức tay hoặc chân: Bệnh nhân có những cơn đau đột ngột ở vùng cổ, vai gáy, vùng thắt lưng khi mắc bệnh, sau đó lan ra vùng vai gáy, chân tay. Tính chất đau có thể âm ỉ vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng rồi tăng dần hoặc rất dữ dội, đau nặng hơn khi đi lại, vận động, giảm đau đi khi nghỉ một chỗ.
Triệu chứng tê bì tay chân: Nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra ngoài sẽ chèn ép lên rễ thần kinh gây ra đau nhức, tê bì vùng thắt lưng, vùng cổ sau đó dần dần phát triển xuống vùng mông, đùi, bẹn chân và gót chân. Lúc này người bệnh sẽ bị rối loạn cảm giác, luôn thấy mình như bị kiến bò trong người, cảm giác tê bì toàn thân gây đau đớn và khó chịu…
Yếu cơ, bại liệt: Xuất hiện khi bệnh ở giai đoạn trở nặng, thường sau một thời gian dài mới phát hiện được. Giai đoạn này người bệnh gặp các vấn đề khó khăn trong việc đi lại vận động, dần dần dẫn tới teo chân, teo cơ, liệt các chi, phải ngồi xe lăn.
Ngoài ra, cũng có những trường hợp bệnh nhân thoát vị đĩa đệm tuy nhiên không có triệu chứng gì.
5. Đối tượng dễ bị thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý xương khớp phổ biến mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải, tuy nhiên một số đối tượng sau đây có khả năng cao mắc bệnh hơn người bình thường:
- Người cao tuổi: Tỉ lệ mắc thoát vị đĩa đệm tăng cao theo độ tuổi của bệnh nhân.
- Người lao động nặng: Các tư thế vận động sai, chấn thương trong quá trình lao động là các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
- Người ít vận động: Người lười vận động, người có tính chất công việc phải ngồi lâu một chỗ như nhân viên văn phòng, tài xế,… có nguy cơ tổn thương đĩa đệm hơn người bình thường.
- Người béo phì: Trọng lượng cơ thể càng cao thì áp lực đè nén lên cột sống càng lớn, các đĩa đệm cũng do đó mà dễ dàng bị tổn thương hơn bình thường.
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh thoát vị đĩa đệm: Người có bố mẹ, anh chị em, họ hàng ruột thịt mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này.
6. Các biện pháp dùng để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm
Để xác định một bệnh nhân có bị thoát vị đĩa đệm, bác sĩ thường trải qua nhiều bước chẩn đoán như sau:
Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử, tiền sử bệnh xương khớp của gia đình, tiền sử chấn thương của bệnh nhân. Sau đó, các bài test chức năng vận động của cột sống được thực hiện để xem xét khả năng xoay chuyển, vận động của các khớp bị ảnh hưởng. Nếu nghi ngờ chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để có kết luận chính xác.
Xét nghiệm hình ảnh: Xét nghiệm hình ảnh là xét nghiệm dễ thực hiện, không quá tốn kém nhưng độ chính xác lại cao nên thường hay được sử dụng trong chẩn đoán thoát vị đĩa đệm. Các phương pháp thường dùng như X-quang, CT-scan, MRI giúp đánh giá mức độ tổn thương, giai đoạn thoát vị đĩa đệm và các bộ phận ảnh hưởng khác như sụn, bao hoạt dịch, dây thần kinh,…từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Test thần kinh: Các bài test đo xung dẫn truyền thần kinh tại các cơ quan, nếu có sự bất thường trong điện thế hoạt động dẫn truyền chứng tỏ sự thoát vị đĩa đệm gây nên sự chèn ép nên các rễ dây thần kinh ở cột sống. Trong các trường hợp này, tuỳ thuộc vào mức độ và vị trí dây thần kinh bị chèn ép mà bác sĩ sẽ chỉ định hướng xử lý phù hợp, đôi khi là phải có sự can thiệp của phẫu thuật.
7. Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng cách nào?
Khi mắc thoát vị đĩa đệm, bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc để giảm đau và thả lỏng cơ lưng. Bạn nên hạn chế tất cả các hoạt động mạnh và tăng cường nghỉ ngơi, tập thể dục nhẹ nhàng theo hướng dẫn. Thực hiện các bài vật lý trị liệu bao gồm các bài tập đặc biệt làm lưng khỏe hơn và giảm đau.
Khi thuốc và vật lý trị liệu không cải thiện được tình trạng bệnh, bác sĩ có thể thử chích thuốc giảm đau vào vùng bị ảnh hưởng. Hoặc nếu nặng hơn, bạn có thể cần phải phẫu thuật khi các triệu chứng không giảm sau vài tuần điều trị. Ngoài ra bạn cũng có thể hạn chế các triệu chứng của bệnh bằng cách tập thể dục để tăng cường sức khỏe và hỗ trợ cột sống. Duy trì tư thế tốt giúp làm giảm áp lực lên cột sống và đĩa đệm. Giữ lưng thẳng đặc biệt khi ngồi trong thời gian dài. Duy trì một cân nặng khỏe mạnh và từ bỏ hút thuốc.
Có rất nhiều phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm, dưới đây là các phương pháp thường được sử dụng nhất:
7.1. Phương pháp không dùng thuốc
Các phương pháp này chủ yếu nhắm vào mục đích thư giãn các vùng xương khớp bị tổn thương, giúp giảm nhẹ triệu chứng, tạo điều kiện để sự phục hồi diễn ra. Các phương pháp này có thể ứng dụng để điều trị bệnh ở mức độ nhẹ, phòng ngừa thoát vị đĩa đệm hoặc phối hợp cùng với các phương pháp khác để nâng cao hiệu quả điều trị. Một số phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm không dùng thuốc được khuyến cáo bao gồm:
- Nghỉ ngơi: Khi cơn đau xuất hiện và trở nặng, việc nằm nghỉ ở tư thế thoải mái giúp cho cột sống được thư giãn, giảm đau và hồi phục. Tuy nhiên, thời gian nghỉ ngơi tại chỗ không nên kéo dài quá lâu trong ngày và không nên chỉ nằm tại chỗ kéo dài quá 2 ngày, điều này có thể gây giảm trương lực cơ, khiến khí huyết kém lưu thông dẫn đến bệnh tình ngày càng trở nặng.
- Vật lý trị liệu: Nhiều bài tập vật lý trị liệu được thiết kế dành riêng cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm giúp làm tăng tuần hoàn lưu thông đến vị trí hư tổn, tạo điều kiện giúp giảm đau, mau lành bệnh, cải thiện khả năng vận động cho người bệnh. Nên tham khảo ý kiến của nhà vật lý trị liệu để có lộ trình luyện tập phù hợp với từng trường hợp, từng mức độ bệnh.
- Chườm nóng, chườm lạnh: Chườm nóng sẽ giúp các mạch máu giãn nở, tăng cường tuần hoàn đến vị trí tổn thương giúp mau lành bệnh, giảm đau tạm thời. Chườm đá giúp gây tê cục bộ tạm thời tại vị trí đau nhức, cải thiện vận động cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cần điều chỉnh nhiệt độ sao cho phù hợp tránh làm da bỏng nhiệt, khi chườm đá nên cách ly đá với da bởi một chiếc khăn hoặc túi chườm chuyên dụng để tránh gây kích ứng da. Lưu ý, không chườm lên các vết thương hở vì làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Châm cứu: Phương pháp kích thích các huyệt đạo bằng các kim châm giúp kích thích phục hồi vùng tổn thương, giam đau, cân bằng lại năng lượng bên trong cơ thể, cải thiện hoạt động cơ, xương, khớp cho bệnh nhân mắc bệnh thoát vị đĩa đệm.
- Massage: Các động tác xoa bóp kết hợp với dầu xoa giúp kích thích cải thiện tuần hoàn máu đến vị trí hư tổn, cải thiện triệu chứng đau nhức, giúp bệnh nhân thấy thoải mái, dễ chịu.
- Tập yoga: Các bài tập yoga giúp cân bằng hài hoà các hệ cơ quan trong cơ thể, giúp cơ thể ổn định, hồi phục một cách toàn diện. Đồng thời luyện tập sự dẻo dai trong các bài tập ở bộ môn này giúp ngăn ngừa nhiều bệnh lý xương khớp nguy hiểm trong đó có thoát vị đĩa đệm.
7.2. Phương pháp điều trị nội khoa
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị cho tình trạng thoát vị đĩa đệm, các loại thuốc thường dùng thường giúp giảm đau tạm thời, cải thiện triệu chứng và khả năng vận động cho bệnh nhân. Một số nhóm thuốc thường được sử dụng trong trường hợp này bao gồm:
- Thuốc giảm đau, kháng viêm non-steroid: Các hoạt chất như Meloxicam, Ibuprofen, Naproxen,…giúp giảm nhanh cơn đau mức độ nhẹ đến trung bình do ức chế sự tổng hợp các Prostaglandin gây viêm, đau trong cơ thể. Tuy nhiên, một số chất Prostaglandin giúp bảo vệ cơ thể cũng bị ức chế tổng hợp dẫn đến một vài tác dụng phụ mà điển hình nhất là gây loét dạ dày tá tràng. Do đó, bệnh nhân nếu có vấn đề về dạ dày nên cân nhắc, hỏi kỹ ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nhóm thuốc này.
- Thuốc giảm đau Steroid: Được sử dụng ở đường tiêm thẳng vào các khớp đau, giảm nhanh cơn đau nặng, dữ dội. Do tác động nhanh, mạnh nên đi kèm theo đó là không ít tác dụng phụ nguy hiểm, cần sử dụng nhóm thuốc này dưới sự theo dõi của cán bộ y tế.
- Thuốc giảm đau opioid: Phối hợp với nhóm thuốc giảm đau kháng viêm non-steroid trong trường hợp cơn đau trở nặng. Đây là nhóm thuốc tác động lên thần kinh trung ương, làm não bộ ít cảm nhận được cảm giác đau.
- Thuốc giãn cơ: Một vài thuốc thường hay sử dụng như Valium, Flexeril,…giúp giảm các cơn đau do co cứng cơ.
- Thuốc giảm đau thần kinh: Hoạt chất thường hay sử dụng nhất trong trường hợp bệnh nhân có các biểu hiện chèn ép, đau dây thần kinh là Gabapentin.
Xem thêm: TOP 6 Thuốc bổ xương khớp được nhiều người dùng đánh giá cao
8. Phòng ngừa tình trạng thoát vị đĩa đệm sao cho hiệu quả
Thoát vị đĩa đệm mang lại rất nhiều phiền phức cho bệnh nhân. Việc điều trị căn bệnh này đòi hỏi tốn rất nhiều thời gian và tiền của, do đó tốt nhất nên tham khảo các biện pháp sau đây để giúp bản thân và mọi người xung quanh phòng tránh căn bệnh này.
- Thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Hạn chế làm những công việc nặng nhọc.
- Không ngồi quá lâu tại một vị trí, nên đứng lên xoay người, vận động nhẹ trong những giờ giải lao.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê.
- Kiểm soát cân nặng, tránh để thừa cân béo phì.
- Cung cấp các dưỡng chất cần thiết để phát triển và phục hồi hư tổn xương khớp như Canxi, vitamin D.
Lời kết
Thoát vị đĩa đệm có nhiều mức độ, từ nhẹ chỉ gây đau mỏi lưng đến nặng hơn gây yếu, liệt hoặc rối loạn cảm giác vùng chi phối thần kinh bên dưới. Bệnh gây ảnh hưởng đến cuộc sống, gây ra những biến chứng nguy hiểm khi bệnh trở nặng. Tuy nhiên bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh và chữa khỏi mà không cần phẫu thuật. Do đó, cần sớm phát hiện để có phương pháp điều trị kịp thời.
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin bệnh thoát vị đĩa đệm. Nếu có thắc mắc gì thêm bạn có thể đăng ký tư vấn cho Bác sĩ tư vấn hoặc gọi Hotline 19007061 để được Bác sĩ tư vấn Miễn phí.
Xem thêm bài viết có nội dung liên quan
Loãng xương là gì? nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ nguyên nhân, cách điều trị bệnh hiệu quả
Bệnh phong thấp là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách trị bệnh hiệu quả
Thoái hóa khớp là gì? những điều cần biết và cách chữa trị hiệu quả