Tiểu buốt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tiểu buốt: Nguyên nhân, triệu chứng của bệnh

Tiểu buốt là một tình trạng khiến cho chúng ta có cảm giác rất khó chịu, đau rát khi đi tiểu. Nó không chỉ là một vấn đề bất thường mà còn có thể báo hiệu cho một tình trạng bệnh lý khác nguy hiểm hơn. Sau đây, hãy cùng tìm hiểu về tiểu buốt, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả.

1. Tổng quan về tiểu buốt

Tiểu buốt – một vấn đề về rối loạn tiểu tiện, là hiện tượng bạn có cảm giác đau hay khó chịu khi đi tiểu mà đặc biệt là cảm giác nóng rát, đau buốt. Một số tình trạng liên quan có thể gây đau ở vị trí bàng quang hoặc đáy chậu. Đây là một tình trạng cực kỳ phổ biến ở phụ nữ, tuy nhiên nó có thể xuất hiện ở cả nam giới và mọi lứa tuổi khác nhau.

Các hiện tượng viêm hay chèn ép niệu đạo sẽ gây khó khăn cho bạn trong việc đi tiểu kèm theo cảm giác nóng rát. Kích ứng tại vị trí vùng cổ bàng quang dẫn đến hiện tượng co thắt bàng quang khiến bạn bị đau và đi tiểu nhiều lần.

Tiểu buốt gây ra nhiều khó chịu cho cuộc sống của chúng ta. Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu buốt như:

  • Quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm bệnh
  • Có nhiều bạn tình khác nhau
  • Ăn nhiều thực phẩm chứa hàm lượng axit quá cao
  • Sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá.

2. Nguyên nhân gây nên tình trạng tiểu buốt

Tình trạng tiểu buốt thông thường là do bệnh viêm bàng quang hay viêm niệu đạo. Bên cạnh đó, một số tình trạng tổn thương vị trí đáy chậu ở những người phụ nữ cũng có thể gây nên tình trạng này. Viêm âm đạo, viêm âm hộ hay nhiễm herpes simplex khiến bạn có cảm giác đau khi tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu. Hầu hết các nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu buốt là nhiễm trùng. Đôi khi lại do tình trạng viêm không phải do nhiễm trùng.

2.1. Nguyên nhân do nhiễm trùng

Viêm cổ tử cung: Có tình trạng chảy mủ ở cổ tử cung. Nguyên nhân này thường do tiền sử có quan hệ tình dục một cách không an toàn. Để chẩn đoán tình trạng này, bạn có thể cần xét nghiệm các bệnh có thể lây truyền thông qua đường tình dục.

Viêm bàng quang: Khi đó, bạn sẽ có triệu chứng tiểu nhiều lần, tiểu gấp. Đôi khi xuất hiện máu hoặc có mùi hôi khi đi tiểu. Khi sờ nắn bàng quang sẽ tạo cảm giác đau. Bạn cần đánh giá các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra. Viêm mào tinh hay tinh hoàn. Bạn sẽ có cảm giác sưng đau ở mào tinh hoàn. Đánh giá các triệu chứng lâm sàng giúp bạn chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Viêm tuyến tiền liệt: Là tình trạng tuyến tiền liệt bị sưng to, cảm giác đau khi sờ vào. Những người có tiền sử tắc nghẽn đường tiểu có nguy cơ cao hơn gặp tình trạng viêm và phì đại tuyến tiền liệt.

Viêm niệu đạo: Khi bạn gặp viêm niệu đạo, thông thường sẽ có hiện tượng chảy mủ. Những người có tiền sử quan hệ tình dục một cách không an toàn dễ có nguy cơ mắc hơn. Tình trạng này gây tiểu buốt, tiểu đau hay vừa đi tiểu xong lại có cảm giác buồn tiểu.

Viêm âm đạo, âm hộ: Khi mắc viêm âm đạo, bạn sẽ có triệu chứng ra khí hư. Đồng thời, sưng đỏ ở vùng môi và âm hộ. Xét nghiệm nước tiểu và đánh giá các triệu chứng lâm sàng hỗ trợ bạn trong việc chẩn đoán bệnh.

Vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng tiểu buốt
Vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng tiểu buốt

2.2. Nguyên nhân không do nhiễm trùng

Tiếp xúc gần với các chất gây dị ứng hay có khả năng gây kích ứng. Chất có khả năng diệt tinh trùng, bao cao su latex, chất bôi trơn có thể gây ra tình trạng tiểu buốt. Sỏi, ký sinh trùng hay các phương pháp hóa trị, xạ trị cũng có thể là nguyên nhân.

Viêm bàng quang kẽ. Khi bạn gặp tình trạng này, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng mạn tính. Nguyên nhân gây ra viêm bàng quang kẽ vẫn chưa được các nhà khoa học hiểu rõ. Nội soi bàng quang là phương pháp hiệu quả nhất giúp bạn chẩn đoán tình trạng này.

Các tình trạng viêm khớp có liên quan tới cột sống cũng là một nguyên nhân gây tiểu buốt. Hội chứng Behcet, viêm khớp phản ứng khiến bạn tiểu buốt kèm với các triệu chứng dạ dày, tổn thương da và niêm mạc.

2.3. Những nguyên nhân khác

Viêm teo âm đạo, thường xuất hiện ở phụ nữ sau mãn kinh. Phẫu thuật, sử dụng thuốc hay xạ trị khiến tụt giảm hàm lượng estrogen. Khi này, bạn thường có cảm giác đau ngay khi giao hợp, ra khí hư, sung huyết hay teo ở các nếp gấp vị trí thành âm đạo.

Các khối u như u bàng quang, u tiền liệt tuyến hay niệu đạo. Triệu chứng do các tình trạng này thường diễn ra dai dẳng, kết hợp tiểu buốt, đái ra máu hay đái mủ. Sinh thiết, nội soi hay xét nghiệm nước tiểu giúp bạn chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu cũng là một nguyên nhân dẫn tới tiểu buốt. Chỉ khoảng sau 2 – 5 ngày bị nhiễm, bạn có thể xuất hiện triệu chứng ra mủ, máu, có mùi hôi và tiểu buốt.

Ngoài ra, việc không giữ gìn vệ sinh cơ quan sinh dục tốt cũng có thể làm tăng nguy cơ xâm nhập của các loại vi khuẩn có hại. Chúng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng tiểu buốt ở bạn. Uống quá ít nước, sử dụng các chất kích thích, hay nhịn tiểu cũng tác động đến đường niệu và dẫn tới tiểu buốt.

3. Triệu chứng của tình trạng tiểu buốt là gì?

Những người bị tiểu buốt sẽ luôn luôn xuất hiện cảm giác muốn đi tiểu mãnh liệt. Tuy nhiên, khi đi tiểu lại rất khó kèm theo đau, nóng rát, ngứa ngáy và buốt. Sau đi khi tiểu xong thì vẫn còn triệu chứng buốt ở vị trí đầu niệu đạo, tiểu ngắt quãng và không ra hết nước. Bên cạnh đó, xuất hiện các triệu chứng đau ở vùng bụng dưới hay đau đớn, khó chịu khi giao hợp đặc biệt là ở phụ nữ. Có thể có hiện tượng nước tiểu đục, có chất nhầy từ niệu đạo đàn ông chảy ra hoặc khí hư ở phụ nữ.

Nếu nguyên nhân là viêm nhiễm đường tiểu hay bàng quang gây tiểu buốt thì bệnh nhân có thể sốt từ 38 – 38,5oC. Thậm chí có thể sốt cao lên đến 40oC kèm theo cảm giác run giống sốt rét, buồn nôn hay nôn khi tình trạng viêm nhiễm ở vị trí thận. Đau bụng dưới kèm theo tiểu buốt ra máu có thể gặp ở những bệnh nhân bị viêm đường tiết niệu.

Nếu bạn có triệu chứng tiểu buốt kèm theo các hiện tượng dưới đây thì cần có sự quan tâm đặc biệt:

  • Xuất hiện tình trạng sốt cao
  • Đau ở vùng hông, lưng
  • Tiểu buốt ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch
  • Tái phát kể cả nhiễm trùng từ giai đoạn thanh thiếu niên
  • Có những dị dạng ở đường niệu
Đau buốt, nóng rát là những biểu hiện của tình trạng tiểu buốt
Đau buốt, nóng rát là những biểu hiện của tình trạng tiểu buốt

4. Các phương pháp chẩn đoán tiểu buốt

Để điều trị bệnh hiệu quả thì bạn cần biết được nguyên nhân gây ra tình trạng này. Hỏi về triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh, tần suất đi tiểu và quan hệ tình dục giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân bệnh. Khám bụng hay khám cơ quan sinh dục hỗ trợ trong việc chẩn đoán bệnh. Xét nghiệm nước tiểu bằng que thử máu, vi khuẩn hay kiểm tra thành phần nước tiểu nhằm xác định nguy cơ nhiễm trùng ở bạn. Qua đó người bệnh sẽ được chẩn đoán bệnh tình thông qua: 

4.1. Hỏi thăm tiền sử bệnh tình của người bệnh

Khi các bác sĩ hỏi thăm về tiền sử bệnh, sẽ trao đổi với người bệnh về các triệu chứng xảy ra, thời gian bắt đầu xảy ra các triệu chứng ấy cũng như tìm hiểu thêm về các triệu chứng kèm theo của người bệnh. Một trong số đó có thể là triệu chứng: tiết dịch vùng kín, sốt, đau lưng, sưng bàng quang,….

Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được trao đổi về chuyện quan hệ tình dục không an toàn hay sử dụng các biện pháp phòng ngừa có liên quan đến đường tiết niệu hoặc người bệnh đã có từng nhiễm loại bệnh suy giảm khả năng miễn dịch nào hay không,…. Từ đó, các bác sĩ sẽ xác định được tác nhân gây nên bệnh. 

4.2. Khám toàn thân

Ngoài hỏi về bệnh sử của người bệnh, các bác sĩ sẽ có thể thực hiện các cuộc khám toàn thân. Người bị tiểu buốt sẽ được bác sĩ khám về da, niêm mạc, các khớp tay chân hay khám khung chậu,… Khi được khám ở các bộ phận này, bác sĩ sẽ xác định rõ ràng hơn về nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh đó còn tìm hiểu được rằng, bệnh nhân có mắc bệnh xương khớp hoặc bệnh phụ khoa nguy hiểm nào đó hay không. 

Một số nam giới sẽ còn được các bác sĩ chẩn đoán tình trạng của bệnh thông qua việc khám ở trực tràng. Các bác sĩ sẽ kiểm tra chiều dài, độ mềm và độ đồng nhất của tuyến tiền liệt. 

4.3. Xét nghiệm

Xét nghiệm nước tiểu giúp hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân gây tiểu buốt
Xét nghiệm nước tiểu giúp hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân gây tiểu buốt

Bên cạnh việc khám hay kiểm tra lâm sàng, các bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm cho người bệnh để kiểm tra chính xác hơn nữa về tình hình của bệnh. Ngoài ra, xét nghiệm sẽ còn giúp kịp thời chữa trị các tình trạng nguy hiểm. Thông thường, người bệnh sẽ phải thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm nước tiểu, siêu âm bàng quang, nội soi bàng quang,…

5. Tình trạng tiểu buốt có nguy hiểm không

Tiểu buốt sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu khi đi tiểu, suy giảm sức khỏe sinh lý, giảm sự tự tin. Về lâu dài còn ảnh hưởng đến chuyện vợ chồng, gây sứt mẻ tình cảm giữa vợ chồng.  Ngoài ra, tiểu buốt còn là biểu hiện của một số bệnh lý phụ khoa nguy hiểm, thậm chí có thể gây hiếm muộn, vô sinh hay tử vong cho người bệnh. Vì thế, khi có một số dấu hiệu bất thường bạn cần phải đi khám bác sĩ ngay để kịp thời chữa trị. 

6. Phương pháp điều trị tiểu buốt sao cho hiệu quả

6.1. Cách điều trị tiểu buốt

Ngay khi bạn cảm thấy có những triệu chứng báo hiệu của tình trạng tiểu buốt, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay. Cơ thể mỗi người là khác nhau, hỏi ý kiến của chuyên gia để được tư vấn và chăm sóc một cách hiệu quả nhất.

Điều trị tình trạng tiểu buốt theo những nguyên nhân gây ra tình trạng này ở bạn. Thăm khám hay thực hiện những xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán tác nhân gây ra tình trạng này. Nhiều chuyên gia không khuyến khích điều trị tình trạng tiểu buốt ở những người không có các dấu hiệu cảnh báo. Nhất là những đối tượng đã được thăm khám hay xét nghiệm nước tiểu.

Ở những bệnh nhân đã xác định được nguyên nhân do nhiễm trùng, bạn có thể sử dụng kháng sinh để điều trị. Sử dụng trimethoprim và sulfamethoxazole hoặc chỉ trimethoprim đơn độc trong 3 ngày liên tục. Kháng sinh fluoroquinolon có thể khiến bạn xuất hiện những tác dụng phụ trên gân nên hạn chế sử dụng ở những người nhiễm trùng nhưng không có biến chứng. Việc sử dụng kháng sinh tùy thuộc vào mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn sao cho phù hợp.

Đối với tình trạng tiểu buốt cấp tính và không dung nạp với thuốc giảm đau do tình trạng viêm bàng quang thì có thể sử dụng phenazopyridine. Tuy nhiên, thuốc này có thể làm chuyển nước tiểu sang màu đỏ cam và làm bẩn đồ của bạn. Bạn cần phân biệt được tình trạng này với nhiễm trùng tiến triển hay tiểu ra máu.

Bên cạnh việc được chăm sóc y tế kịp thời, một số cách chữa đi tiểu buốt tại nhà như sử dụng giấm táo, rau ngô… từ thiên nhiên có thể giúp làm giảm tình trạng tiểu buốt nhẹ và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.

Kháng sinh giúp điều trị tiểu buốt do vi khuẩn rất hiệu quả
Kháng sinh giúp điều trị tiểu buốt do vi khuẩn rất hiệu quả

6.2. Cách giúp bạn giảm nguy cơ bị tiểu buốt

Bạn có thể kiểm soát nguy cơ bị tiểu buốt bằng một số cách sau đây:

  • Hạn chế sử dụng các chất tẩy rửa để tránh bị kích ứng.
  • Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su. Nó có thể giữ an toàn cho bạn và bạn tình của mình.
  • Có một chế độ ăn uống phù hợp, tránh các chất kích ứng hay kích thích bàng quang như cà phê, rượu bia, đồ ăn cay. Những loại thực phẩm cay cũng có thể làm nặng thêm tình trạng tiểu buốt ở bạn.

Tiểu buốt không phải là hiếm gặp trong xã hội hiện nay, tác động nhiều tới chất lượng cuộc sống của chúng ta. Tiểu buốt là tình trạng gây nhiều đau đớn, khó chịu cho những người mắc phải. Việc chẩn đoán và xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này giúp bạn điều trị nó một cách hiệu quả hơn.

Nếu bạn đang gặp tình trạng hay có các biểu hiện của vấn đề về tiểu buốt, cần được tư vấn thì hãy liên hệ đến hotline 1900 7061 hoặc điền vào form bên dưới để được nghe các dược sĩ tư vấn MIỄN PHÍ.




    * Vui lòng đợi vài giây sau khi nhấn Gửi

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Nhắn Messenger
    Nhắn tin Messenger
    Chat Zalo
    Chat Zalo
    Gọi với Dược sĩ
    gọi với dược sĩ