Ngày nay tỉ lệ người mắc các bệnh liên quan đến đường bài niệu ngày càng gia tăng. Các bệnh lý loại này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn gây nhiều trở ngại khiến tinh thần và hoạt động bị ảnh hưởng. Trong các bệnh lý này, tiểu rắt là một trong những tình trạng khó chịu phổ biến và thường kéo dài dai dẳng.
Bên cạnh đó, việc kéo dài tình trạng này còn báo động nhiều bệnh lý nguy hiểm khác mà nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng khó điều trị. Vậy do đâu gây nên tình trạng này, trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những đặc điểm cơ bản của nó từ đó đưa ra cách phòng ngừa và điều trị an toàn, hiệu quả.
1. Tiểu rắt là gì?
Tiểu rắt (đái rắt) là một tình trạng rối loạn tiểu tiện gọi chung để chỉ các rối loạn điều hòa hoạt động bàng quang. Bàng quang là bộ phận chứa đựng nước tiểu chứa các chất thải của cơ thể đã được lọc qua thận, cơ quan này sẽ co bóp khi được điền đầy để tống nước tiểu ra ngoài. Khi bàng quang bị kích thích co bóp là lúc ta có cảm giác muốn đi tiểu.
Khi hoạt động bàng quang và các vùng xung quanh bị rối loạn do nguyên nhân nào đó sẽ gây nên tình trạng tiểu không kiểm soát hay thường xuyên buồn tiểu, cơn buồn tiểu thường đến đột ngột và dữ dội và rất khó nín, nhiều trường hợp còn phải mặc tã để đối phó với tình trạng này. Theo ghi nhận thì tình trạng này có thể xảy ra ở cả nam lẫn nữ, tỉ lệ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi.
2. Nguyên nhân gây nên tình trạng tiểu rắt?
Có hai nhóm nguyên nhân chính có thể gây nên tình trạng tiểu rắt bao gồm:
- Nguyên nhân sinh lý: Các nguyên nhân này do sự tự cân bằng của cơ thể gây ra để đáp ứng lại một tác động nào đó của môi trường.
- Nguyên nhân bệnh lý: Việc tiểu rắt là hậu quả của một tổn thương, một rối loạn chức năng cơ quan khác gây ra.
2.1. Nguyên nhân sinh lý
2.1.1. Do stress, căng thẳng quá mức
Khi cơ thể liên tục đối diện với stress và căng thẳng sẽ kích thích tuyến thượng thận tiết ra hormon corticoid để duy trì sự tỉnh táo và khả năng giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, nêu việc này duy trì kéo dài thì tác dụng phụ của loại hormon này được biểu hiện rõ rệt. Một trong các tác dụng phụ của hormon này đối với cơ thể là gây ức chế sự tiết hormon ADH.
ADH là hormon chống bài niệu của cơ thể, tức là sẽ tăng cường sự tái hấp thu nước. Nếu ADH bị ức chế, cơ thể sẽ thải ra nhiều nước hơn bình thường có thể làm ta thường xuyên mắc tiểu hoặc thậm chí là rối loạn hoạt động các bộ phận đường tiết niệu.
2.1.2. Do thói quen ăn uống
Lượng nước tiểu có liên quan đến lượng nước bạn uống mỗi ngày. Nếu bạn uống nhiều nước thì tất nhiên cũng sẽ đi ra nhiều nước. Bên cạnh đó việc lạm dụng quá mức những sản phẩm có chất kích thích như cafe, rượu, thuốc lá cũng được chứng minh làm tăng lượng nước tiểu hơn bình thường và tăng nguy cơ gây nên các bệnh lý đường bài tiết.
2.1.3. Do thuốc
Có rất nhiều loại thuốc khiến lượng nước tiểu của bạn tăng nhiều hơn so với bình thường. Hay gặp nhất là các thuốc lợi tiểu được ứng dụng trong điều trị cao huyết áp và một số bệnh lý gây phù khác. Do đó, khi gặp các tình trạng tiểu rắt, nếu muốn dùng thêm bất cứ thuốc nào khác phải hỏi kỹ ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
2.1.4. Do nín tiểu
Nhịn đi tiểu khi mắc tiểu lâu ngày có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý khác như viêm nhiễm đường niệu, sỏi thận, sỏi bàng quang,… dẫn đến tiểu rắt.
2.1.5. Do mang thai
Bàng quang nằm ngay trước tử cung, cho nên sự phát triển của thai nhi có thể chèn ép và gây cản trở phần nào hoạt động của bàng quang, làm thay đổi chức năng của bộ phận này gây nên tình trạng tiểu rắt ở bà bầu. Tình trạng này có thể khỏi ngay sau khi sinh con xong, tuy nhiên nếu để kéo dài tình trạng này mà không có xử lí hợp lý cũng có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng niệu hoặc sỏi bàng quang.
2.2. Nguyên nhân bệnh lý
2.2.1. Do sỏi bàng quang
Sỏi là thuật ngữ để chỉ những vật thể rắn, xù xì xuất hiện một cách bất thường trong các cấu trúc của cơ thể. Thành phần của các sỏi này thường bao gồm calci, phosphat, uric và một vài khoáng chất khác. Thông thường các chất này sẽ được lọc và thải ra ngoài theo nước tiểu, tuy nhiên do có sự ứ đọng hoặc gia tăng nồng độ, các chất này sẽ kết tinh lại và tạo thành các hạt sỏi gây cản trở hoạt động của các cơ quan. Một số nguyên nhân có thể tạo điều kiện cho việc tạo sỏi bao gồm:
- Nhịn tiểu làm ứ đọng nước tiểu.
- Suy giảm chức năng thận, bàng quang.
- Tiểu không hết.
- Uống quá ít nước, bổ sung quá nhiều các khoáng chất tạo sỏi vào cơ thể.
- Nhiễm toan ống thận, viêm nhiễm đường niệu.
- Ăn quá nhiều muối, đường, mỡ động vật,…
2.2.2. Do vi sinh sinh vật và các yếu tố gây viêm
Các yếu tố gây viêm mà hầu hết các trường hợp thường là các vi sinh vật gây hại, khi có điều kiện xâm nhập xâu vào các cơ quan thông qua vết thương hở, hoặc do người bệnh vệ sinh kém sẽ khởi phát các yếu tố gây viêm nhiễm. Hậu quả là làm thay đổi cấu trúc và chức năng của các bộ phận lân cận, gây nên các rối loạn nói chung. Trong trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu tiểu rắt, quá trình viêm này thường xảy ra ở bàng quang và các bộ phận bên dưới bàng quang khiến lượng nước tiểu lưu thông khó khăn và dễ bị kích thích.
2.2.3. Do hẹp niệu đạo
Niệu đạo là cấu trúc hình ống có vai trò dẫn nước nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Nếu cấu trúc này bị hẹp sẽ dẫn đến lượng nước tiểu thải ra ngoài không hết, tạo điều kiện để gây nên các bệnh lý khác như sỏi bàng quang và nhiễm trùng bàng quang gây nên tình trạng tiểu rắt,…Do cấu trúc niệu đạo hẹp và dài hơn nên nam giới thường dễ bị hẹp niệu đạo hơn nữ giới. Hẹp niệu đạo có thể là do bất thường trong cấu trúc niệu đạo bẩm sinh, do hậu quả của phẫu thuật hay do các bệnh lý khác chẳng hạn như viêm nhiễm niệu đạo gây ra.
2.2.4. Do hẹp bao quy đầu ở nam giới
Bao quy đầu là cấu trúc da mỏng bao bọc phần quy đầu của các trẻ giới tình nam lúc còn nhỏ có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan sinh dục trong giai đoạn này. Cấu trúc này sẽ dần tách ra và làm lộ quy đầu theo sự phát triển của cơ quan sinh dục, và thường sẽ tách ra hoàn toàn ở giai đoạn dậy thì ở nam (từ 12-18 tuổi) để có thể thực hiện chức năng sinh sản.
Hẹp bao quy đầu là tình trạng đoạn cuối bao da quy đầu của nam giới vẫn còn dính khiến quy đầu không lộ ra. Hậu quả là dẫn đến sự chậm phát triển về mặt cấu trúc, gây khó tiểu, ứ đọng các chất thải tại bao da, tạo điều kiện cho vi sinh vật gây hại phát triển làm viêm nhiễm, hẹp niệu đạo,…Tất cả các hậu quả trên đều có thể dẫn đến tình trạng tiểu rắt. Theo thống kê chỉ ra rằng, có 1% nam giới có bao quy đầu không lột tự nhiên và dẫn đến những bất thường đã kể trên.
2.2.5. Do u xơ tuyến tiền liệt
U xơ tuyến tiền liệt xảy ra ở nam giới, đặc biệt là ở người lớn tuổi do có sự thay đổi nồng độ hormon sinh dục theo hướng suy giảm. Tuyến tiền liệt là một tuyến nằm gần bàng quang và bao quanh vùng niệu đạo cổ bàng quang. Khi tuyến này xuất hiện khối u hay bị phì đại sẽ chèn ép lối thoát của nước tiểu khỏi bàng quang. Hậu quả là làm ứ đọng nước tiểu, rối loạn chức năng và khả năng làm rỗng bàng quang. Về lâu dài sẽ làm rối lọan hoạt động bàng quang và có thể gây ra tình trạng tiểu rắt.
2.2.6. Do hội chứng tăng hoạt động bàng quang
Hội chứng bàng quang tăng hoạt hay còn được gọi là hội chứng bàng quang kích thích hay bất ổn định cơ chóp. Là một hội chứng bệnh mà trong đó cơ thể không có khả năng kiếm soát hoạt động co bóp của bàng quang một cách bình thường.
Bàng quang có thể co bóp bất cứ lúc nào kể cả khi có rất ích nước tiểu, các lần co bóp có thể gần nhau khiến cho bệnh nhân vừa đi tiểu xong lại cảm thấy buồn tiểu trở lại. Đôi khi hoạt động này lại gia tăng vào ban đêm khiến bệnh nhân hay tiểu đêm đi kèm với các tình trạng mất ngủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần.
3. Các nguyên nhân khác
Quan hệ tình dục không hợp lý, lành mạnh, không vệ sinh kỹ sau khi quan hệ tình dục,…
Dị ứng với các sản phẩm tẩy rửa, xả vải, giấy vệ sinh, dung dịch vệ sinh,…
Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi kém khoa học.
Do ung thư bàng quang, niệu đạo và các cấu trúc lân cận.
Do tổn thương các dây thần kinh ảnh hưởng đến dây thần kinh điều khiển hoạt động của bàng quang dẫn tới hiện tượng đi tiểu nhiều lần, đi tiểu gấp.
4. Triệu chứng của tình trạng này?
Bệnh nhân đái rắt thường có một hoặc một số triệu chứng sau:
- Thường hay mắc tiểu, các lần mắc tiểu khá gần nhau.
- Mức độ mắc tiểu dữ dội, đôi khi không thể nhịn được gây tiểu són.
- Đi kèm tiểu buốt hoặc đau căng tức phần bụng dưới, vùng lưng hông khi tiểu.
- Mỗi lần tiểu được khá ít nước tiểu.
- Màu sắc nước tiểu thay đổi bất thường, có thẻ kèm dịch mủ và máu.
- Nếu các tình trạng trên đi kèm sốt cao nhiều ngày không khỏi có thể là do nhiễm trùng đường niệu.
5. Những đối tượng dễ bị đái rắt
Các đối tượng sau thường dễ bị đái rắt:
- Đối tượng có tiền sử gia đình có thành viên bị đái rắt.
- Phụ nữ mang thai: do sự gia tăng áp lực trong ổ bụng đè nén lên bàng quang.
- Người cao tuổi: người cao tuổi thường có hoạt động các cơ quan suy giảm, bao gồm cả hoạt động bàng quang. Bên cạnh đó, đây là độ tuổi thường mắc phải các vấn đề liên quan đến hoạt động hệ niệu chẳng hạn như u xơ tuyến tiền liệt ở nam và u xơ tử cung ở nữ dẫn đến tình trạng tiểu rắt.
- Người béo phì: làm tăng áp lực lên cơ bàng quang và các cơ lân cận, làm nước tiểu rỉ ra khi ho hoặc hắt hơi.
- Bệnh nhân đau dây thần kinh tọa: các chèn ép dây thần kinh có thể gây rối loạn hoạt động các cơ quan bao gồm cả hoạt động bàng quang.
- Các bệnh lý thiểu năng, thoái hóa thần kinh.
- Bệnh nhân tiểu đường: khi lượng đường trong nước tiểu tăng cao làm tăng áp suất thẩm thấu trong nước tiểu sẽ kéo theo đó là gia tăng lượng nước tiểu, làm người bệnh hay có cảm giác mắc tiểu và về lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng hệ bài niệu.
- Người có thói quen ăn thức ăn quá mặn hay ăn quá nhiều đường, người uống ít nước.
- Người có tiền sử mắc các bệnh lý đường bài tiết khác như suy thận, viêm thận, sỏi thận,…
- Phụ nữ thường có khả năng mắc bệnh đái rắt tự nhiên cao hơn so với nam giới.
6. Cách điều trị tình trạng đái rắt
6.1. Điều trị bằng thuốc Tây Y
Để điều trị tận gốc tiểu rắt, cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh.
Kháng sinh: đây là nhóm thuốc được bác sĩ chỉ định kê toa trong trường hợp viêm nhiễm đường niệu dẫn đến tiểu rắt. Lưu ý khi sử dụng nhóm thuốc này phải uống đủ liều, đủ ngày để tránh tình trạng kháng thuốc xảy ra.
Đối với nguyên nhân là sỏi bàng quang có thể sẽ cần tiến hành phẫu thuật loại bỏ sỏi trước để điều trị tận gốc nguyên nhân.
Thuốc chẹn thụ thể alpha: được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt nhằm mục đích giúp bệnh nhân dễ tiểu và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm khác có thể xảy ra.
Đối với các nguyên nhân khác cần có phương hướng điều trị riêng biệt cho từng cá nhân để có thể điều trị tận gốc.
6.2. Điều trị tiểu rắt bằng thuốc Đông Y
6.2.1. Trị tiểu rắt bằng bột sắn dây
Sử dụng sắn dây là một trong những cách chữa tiểu rắt hiệu quả. Sắn dây có tác động thanh nhiệt, bổ thận và hệ niệu nên rất có ích cho bệnh nhân đái rắt. Cách thực hiện: Cạo sạch vỏ củ sắn dây, thái miếng và đem phơi khô, sấy giòn. Cho vào cối giã nhỏ rồi rây mịn cho thành bột, hòa với nước sôi và đường uống hằng ngày, kiên trì sử dụng từ 1-2 tuần sẽ thấy bệnh tình được cải thiện.
6.2.2. Trị tiểu rắt bằng Vừng đen
Vừng đen hay nhiều vùng còn gọi là mè đen, là loại thực phẩm bổ dưỡng. Trong vừng đen cũng có nhiều hoạt chất có nhiều công dụng với sức khỏe chẳng hạn như chống oxy hóa, ngăn ngừa nhiều bệnh lý tim mạch nguy hiểm,… Theo Đông y, vừng đen giúp bổ gan, thận, khí huyết và có tác dụng nhuận tràng nhẹ. Do đó, đây là một thực phẩm bổ dưỡng và rất có lợi đối với nam giới, nhất là những người gặp phải các vấn đề đường niệu.
Cách tiến hành: Mỗi buổi sáng nhai 2 thìa cà phê vừng đen đã rang chín trước khi ăn sáng, liên tục trong 5 ngày tình trạng tiểu đêm sẽ có tiến triển tốt rõ rệt.
6.2.3. Trị tiểu rắt bằng đỗ xanh
Giá đỗ xanh là loại thực phẩm vừa dễ ăn mà lại rất bổ dưỡng. Trong giá đỗ có chứa nhiều Carbohydrate, Protein, vitamin E, vitamin C, vitamin B và các khoáng chất khác như đồng, sắt, kẽm, ma giê,… giúp ổn định hoạt động hệ bài niệu, tăng cường sức đề kháng giúp đẩy lui bệnh và được chứng minh là một trong những loại thực phẩm rất tốt đối với bệnh nhân tiểu rắt.
Ngoài các bài thuốc trị tiểu rắt từ sắn dây, vừng đen hay đỗ xanh, còn có một số bài thuốc trị tiểu rắt tại nhà đơn giản khác từ các loại cây cực kì dễ kiếm như mồng tơi, ngải cứu..
7. Cách phòng ngừa tình trạng tiểu rắt tại nhà hiệu quả
Bên cạnh việc điều trị, cần có những điều chỉnh trong lối sống và chế độ dinh dưỡng hằng ngày để tránh tái phát bệnh tình và giúp việc điều trị hiểu quả hơn. Dưới đây là một số nguyên tắc bệnh nhân tiểu rắt nên tuân thủ:
- Thay đổi thói quen ăn uống: không ăn uống quá nhiều hoặc sử dụng chất kích thích như bia, rượu, cafe.
- Vệ sinh thân thể sạch sẽ, đặc biệt là bộ phận sinh dục sau khi quan hệ để tránh lây nhiễm các vi sinh vật gây hại.
- Thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức đề kháng, đẩy lui bệnh, giảm cân và phòng ngừa nhiều bệnh lý có thể gây ra tình trạng tiểu đêm.
- Tạo thói quen đi tiểu vào các khung giờ cố định nếu có thể. Đi tiểu ngay khi mắc tiểu không nên nhịn kéo dài.
- Ăn ít đường, muối, uống nhiều nước, dùng nhiều thực phẩm chứa vitamin C.
- Hỏi kỹ ý kiến bác sĩ trước khi muốn dùng bất kỳ loại thuốc nào.
- Khám sức khỏe định kì để bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe để đưa ra lộ trình điều trị thích hợp nhất.
Kết luận
Trên đây là một số thông tin cơ bản nhất về các nguyên nhân gây nên tình trạng tiểu rắt và một số nguyên tắc cần tuân thủ trong quá trình điều trị để đạt hiệu quả cao nhất. Hy vọng bài viết cung cấp được nhiều kiến thức bổ ích cho bạn.
Nếu bạn đang gặp tình trạng hay có các biểu hiện của vấn đề về tiểu rắt, cần được tư vấn thì hãy liên hệ đến hotline 1900 7061 hoặc điền vào form bên dưới để được nghe các dược sĩ tư vấn MIỄN PHÍ.