Cơn đau dạ dày vào ban đêm khiến bạn mệt mỏi, khó chịu về mặt thể chất, tâm lý và còn ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Làm sao bạn có thể ngủ ngon và có giấc ngủ chất lượng khi đau đớn đang xảy ra. Dưới đây là thông tin về những nguyên nhân có khả năng gây đau dạ dày và những cách giảm đau dạ dày ban đêm bạn có thể áp dụng.
1. Nguyên nhân gây đau dạ dày ban đêm
Có nhiều nguyên nhân gây ra đau dạ dày, điều quan trọng để khắc phục được chính xác gốc rễ của vấn đề là nắm được nguyên nhân gây ra nó. Dưới đây là một số nguyên nhân giải thích cho việc bạn bị đau dạ dày ban đêm.
1.1. Đầy hơi
Đầy hơi là một tình trạng phổ biến và quen thuộc với nhiều người. Hơi trong đường tiêu hóa là nguyên nhân gây đau dạ dày ban đêm.
Không chỉ đau dạ dày, bạn sẽ còn kèm theo chướng bụng, đầy hơi, khó chịu, căng tức vùng bụng. Hơi trong bụng có thể biến mất thông qua ợ hoặc xì hơi.
Hơi đi vào bên trong bụng thông qua các hoạt động như:
- Hút thuốc lá
- Nhai kẹo cao su
- Ăn nhanh, nuốt vội
- Uống nước có gas
- Được tạo ra qua quá trình phân hủy carbohydrate của một số loài vi khuẩn tồn tại trong hệ tiêu hóa
- Kết quả của một số vấn đề bệnh lý tại hệ tiêu hóa như bệnh viêm ruột
- Do dị ứng thực phẩm
1.2. Trào ngược axit
Đau dạ dày có thể xảy ra khi axit trào ngược khi đi vào ống dẫn thức ăn. Gây cảm giác nóng rát, buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi, chướng bụng, khó chịu ở cổ họng và có thể gây ho.
Trào ngược axit thường xảy ra có mối liên quan với thói quen ăn uống:
- Ăn quá muộn, ăn nhiều gần với thời gian đi ngủ
- Ăn xong đã đi nằm ngay
- Uống nhiều rượu, bia
- Ăn các loại thức ăn có khả năng ảnh hưởng đến dạ dày như đồ ăn cay nóng, đồ ăn dầu mỡ,..
Tình trạng trào ngược dạ axit lâu dài có thể gây các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như viêm thực quản, loét thực quản, chảy máu thực quản.
1.3. Viêm dạ dày
Viêm dạ dày xảy ra khi có viêm, kích ứng niêm mạc dạ dày. Lúc này, niêm mạch dạ dày đỏ và sưng lên. Không chỉ gây đau dạ dày vào ban ngày hay ban đêm, viêm dạ dày còn kèm theo các triệu chứng khác bao gồm buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi, chướng bụng.
Viêm dạ dày kéo dài và không được điều trị phù hợp có nguy cơ dẫn tới chảy máu, loét hoặc ung thư.
1.4. Loét dạ dày
Loét dạ dày gây ra cơn đau, thường là khi sau khi ăn no hoặc khi dạ dày trống rỗng. Đau dạ dày ban đêm có thể do loét dạ dày bởi đó là lúc dạ dày rỗng nhất. Loét dạ dày xảy ra do căng thẳng kéo dài, sử dụng thuốc giảm đau không đúng cách và liều lượng (ví dụ như các thuốc chống viêm không steroid) hoặc loét do vi khuẩn Helicobacter pylori.
Loét dạ dày lâu ngày không được điều trị hay điều trị không triệt để có thể dẫn tới ung thư.
1.5. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng trào ngược axit xảy ra thường xuyên, cũng gây ra các triệu chứng đau dạ dày, ợ nóng, chướng bụng, khó tiêu. Các triệu chứng thường nặng hơn khi nằm, sau khi ăn và thường gặp ở những ai béo phì, ăn quá nhiều.
1.6. Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn chức năng đường tiêu hóa. Người mắc hội chứng ruột kích thích có thể xuất hiện các cơn đau dạ dày ban đêm. Ngoài bị đau, người có hội chứng này có sự thay đổi nhu động ruột, rối loạn tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy hoặc táo bón hoặc cả hai vấn đề trên.
Hội chứng ruột kích thích là một bệnh gây ra các triệu chứng nhưng lại không có tổn thương nào được tìm thấy tại đường tiêu hóa. Ăn quá nhiều có thể dẫn đến cơn đau dạ dày ban đêm nặng hơn ở những người có hội chứng ruột kích thích.
1.7. Bệnh Crohn
Bệnh Crohn là bệnh viêm ruột mãn tính. Nguyên nhân chưa được biết rõ nhưng được xem là liên quan tới hệ thống miễn dịch và vấn đề về di truyền.
Người bị bệnh Crohn đặc trưng với các thương tổn không liên tục, ngắt quãng ở bất kỳ phần nào trong hệ thống tiêu hóa từ miệng cho đến hậu môn.
Các triệu chứng có thể gặp ở người bệnh là đau bụng và dạ dày, thiếu máu, sụt cân, tiêu chảy, mệt mỏi, lỗ rò hậu môn.
1.8. Sỏi mật
Mật là một túi nằm bên dưới gan, tiết ra dịch mật có vai trò trong việc tiêu hóa chất béo, hấp thu vitamin và chất dinh dưỡng tan trong dầu. Khi dịch tiế tích tụ, sỏi mật có thể được hình thành với các kích thước khác nhau.
Các viên sỏi mật mắc kẹt trong hệ thống ống dẫn có khả năng tạo ra các cơn đau dạ dày dữ dội. Ăn bữa ăn nhiều chất béo có thể làm tăng nguy cơ và triệu chứng sỏi mật. Các triệu chứng sỏi mật bao gồm: Đau dạ dày, bụng, buồn nôn và nôn mửa,sốt, vàng da, suy kiệt, phân sáng màu
1.9. Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày tạo ra các cơn đau dữ dội bất kể ngày đêm và khó điều trị. Ngoài gây đau, người bị ung thư dạ dày có thể kèm theo: Đầy hơi, chướng bụng, chán ăn, sụt cân, ợ nóng, ợ chua, xuất huyết tiêu hóa,.
1.10. Táo bón
Táo bón diễn ra khiến việc đi đại tiện khó khăn. Chất thải và chất cặn bã không được thải ra bên ngoài tích tụ trong đại tràng gây áp lực lên hệ tiêu hóa, dẫn đến đau và khó chịu khắp bụng.
2. Cách giảm đau dạ dày ban đêm
Để giảm đau dạ dày ban đêm bạn cần lưu ý những điều sau:
Ăn tối sớm hơn: Ăn muộn, sát giờ đi ngủ khiến cho dạ dày đau vào ban đêm nên để khắc phục nó bạn cần ăn tối sớm hơn để thức ăn kịp tiêu hóa trước khi bạn đi ngủ.
Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ: Ăn nhiều bữa nhỏ với lượng thức ăn vừa phải giúp dạ dày hoạt động hiệu quả và nhẹ nhàng hơn, giảm tình trạng quá tải và áp lực tại dạ dày, từ đó sẽ giảm các triệu chứng đau dạ dày ban đêm.
Uống nhiều nước: Uống nhiều nước giúp giảm đau dạ dày ban đêm, giảm tình trạng ợ nóng, giảm loét cũng như trung hòa axit dạ dày được tiết ra và bổ sung vào lượng chất lỏng bị mất khi bạn bị nôn mửa.
Tránh một số loại thực phẩm: Nhiều loại thực phẩm như đồ ăn cay nóng, chiên rán, các thực phẩm có thể tạo khí, thực phẩm có tính axit, nước giải khát có gas không tốt cho dạ dày và có thể gây đau dạ dày. Tránh ăn các loại thực phẩm này là cách giảm đau dạ dày ban đêm đơn giản.
Kê cao đầu khi ngủ: Những người hay có tình trạng trào ngược hay ợ nóng, ợ chua dẫn đến đau dạ dày nên kê cao gối khi ngủ, sẽ giúp giảm bớt tình trạng đó.
Chườm nóng vùng thượng vị: Dùng miếng dán nhiệt hay chườm nóng lên khu vực đau giúp các cơ thư giãn, giảm chuột rút và giảm đau
Ngâm mình với nước nóng: Cũng như chườm nóng, ngâm mình với nước nóng là dùng nhiệt để cơ thể được thư giãn và giúp giảm đau, khó chịu hiệu quả.
Sử dụng bạc hà: Bạc hà được sử dụng như một loại thuốc hỗ trợ các vấn đề tại đường tiêu hóa và là cách giảm đau dạ dày ban đêm . Pha một tách trà bạc hà, sử dụng bạc hà với mật ong, kẹp bạc hà giúp làm ấm bụng và giảm đau.
Sử dụng gừng: Gừng vốn được nhiều người sử dụng khi gặp phải các vấn đề tại đường tiêu hóa. Sử dụng gừng cũng là một cách chữa đau dạ dày ban đêm hiệu quả. Ăn một lát gừng tươi hoặc pha trà gừng, có thể thâm mật ong nếu thích sẽ giúp giảm đau.
Uống trà hoa cúc: Cách giảm đau dạ dày ban đêm bằng một tách trà hoa cúc sẽ giúp bụng thư giãn, kháng viêm.
Dùng giấm táo: Nhiều nghiên cứu chỉ ra việc sử dụng giấm táo có thể làm giảm cơn đau dạ dày. Pha một muỗng cà phê giấm táo vào cốc nước ấm, có thể thêm 1 thìa mật ong để dễ uống hơn.
Lời kết
Đau dạ dày vào ban đêm xảy ra do nhiều nguyên nhân, hiểu rõ nguyên nhân cụ thể gây ra triệu chứng đó giúp bạn khắc phục và điều trị tốt hơn. Bài viết trên thông tin đến bạn những lý do gây đau dạ dày và những cách giảm đau dạ dày ban đêm. Hy vọng bạn có thêm được những thông tin mới mẻ và bổ ích.