Rối loạn tiêu hóa là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh

Rối loạn tiêu hóa là gì nguyên nhân và cách điều trị bệnh hiệu quả

Rối loạn tiêu hóa là một biểu hiện bất thường ở hệ tiêu hóa, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh gây ra sự khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt bình thường của người bệnh.

1. Rối loạn tiêu hóa là gì?

Rối loạn tiêu hoá là các triệu chứng bất thường trên hoạt động của ống tiêu hoá kéo dài từ trực tràng đến ruột làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu hoá và hấp thu chất dinh dưỡng. Thông thường rối loạn tiêu hóa thường xảy ra tại dạ dày hoặc ruột non, là nơi tiết ra các dịch tiêu hoá chính của ống tiêu hoá của thức ăn. Rối loạn tiêu hoá có thể do tác nhân bên ngoài gây ra chẳng hạn như vi khuẩn, thuốc,… cũng có thể là rối loạn tiêu hoá nội sinh tự xảy ra bên trong cơ thể do các rối loạn chuyển hoá, thông thường sẽ có liên quan đến sự co thắt cơ trơn dạ dày – ruột.

Đa số các trường hợp rối loạn tiêu hoá có thể tự khỏi nếu điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như có cách phòng ngừa phù hợp. Tuy nhiên, ở các đối tượng có hoạt động tiêu hoá kém chẳng hạn như trẻ em, người già, người suy giảm miễn dịch hoặc đối với các đối tượng mắc các bệnh nền trên hệ tiêu hoá thì tình trạng này có thể kéo dài, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về dinh dưỡng cũng như có thể tiến triển thành bệnh tiêu hoá mãn tính khiến việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn.

2. Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau mà chủ yếu là do ăn uống
Rối loạn tiêu hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau mà chủ yếu là do ăn uống

Tiêu hóa là quá trình biến thức ăn thành những chất có thể hấp thu qua thành ống tiêu hóa để vào máu. Quá trình tiêu hóa bắt đầu từ miệng cho đến ruột già. Bất kỳ nguyên nhân nào làm thay đổi, cản trở, đảo lộn quá trình tiêu hóa thức ăn trong ống tiêu hóa đều được gọi là rối loạn tiêu hóa.

Đây không phải là một bệnh lý mà là hậu quả của một số nguyên nhân nhất định. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài và không được chữa trị đúng cách thì người bệnh rất có thể sẽ mắc phải các chứng bệnh liên quan đến tiêu hóa, trong đó điển hình là ung thư đường ruột.

Có thể điểm qua một số nguyên nhân gây nên tình trạng này như sau:

2.1. Viêm đại tràng

Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên chứng rối loạn hệ tiêu hóa. Viêm đại tràng có thể do lỵ amip, shigella,… gây nên hội chứng ruột kích thích.

2.2. Bệnh lý liên quan đến dạ dày

Các bệnh lý như viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng,… gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất.

2.3. Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột

Các vi khuẩn đường ruột có tác dụng điều hòa quá trình tiêu hóa, lên men trong đường ruột. Khi có sự mất cân bằng hệ vi sinh vật này sẽ dẫn đến sự rối loạn quá trình chuyển hóa thức ăn. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột là do lạm dụng kháng sinh, thường gặp nhất ở trẻ em.

2.4. Chế độ ăn uống cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa

Nạp vào cơ thể những thức ăn, đồ uống không đảm bảo vệ sinh, những chất có tác dụng không tốt đến đường tiêu hóa đều có thể gây rối loạn quá trình tiêu hóa. Ngoài ra, ăn uống không đúng bữa, không điều độ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này.

2.5. Sử dụng nhiều thức uống có cồn

Đây là nguyên nhân thường gặp ở người lớn. Rượu bia làm mất cân bằng pH dạ dày, rửa trôi các men tiêu hóa, gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn.

3. Triệu chứng của bệnh rối loạn tiêu hóa

Triệu chứng của rối loạn tiêu hóa thường tập trung ở vùng bụng giữa
Triệu chứng của rối loạn tiêu hóa thường tập trung ở vùng bụng giữa

Rối loạn tiêu hóa thường biểu hiện dưới nhiều triệu chứng khác nhau, có thể xảy ra đồng thời ở nhiều bộ phận của hệ tiêu hóa, cũng có thể chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận nhất định. Các triệu chứng thường gặp như:

  • Chướng bụng: luôn cảm thấy bụng căng, khó chịu đặc biệt là sau khi ăn xong. Thức ăn không được tiêu hóa hết, ứ đọng trong ống tiêu hóa gây nên tình trạng này.
  • Buồn nôn, nôn mửa: Các nguyên nhân gây kích thích đường tiêu hóa sẽ khiến bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn mửa.
  • Ợ hơi, ợ nóng: Các rối loạn tại dạ dày và tá tràng thường gây nên tình trạng ợ hơi, ợ nóng. Nếu bạn thấy mình thường xuyên có triệu chứng này chứng tỏ bạn đang gặp phải vấn đề về hệ tiêu hóa rồi đấy.
  • Đau bụng âm ỉ: Hầu như ai bị bệnh này đều kèm theo đau bụng. Cơn đau có thể xảy ra ở vùng bụng trên, vùng dạ dày, vùng bụng dưới. Ban đầu nhẹ, sau đó lan rộng và nặng hơn, đặc biệt là sau khi ăn đồ cay nóng, đồ chua hoặc bị ngộ độc thực phẩm.
  • Đại tiện bất thường: các dấu hiệu bao gồm: tiêu chảy, táo bón, đại tiện nhiều lần trong ngày,… tất cả là do sự rối loạn chức năng đào thải của hệ tiêu hóa. Tình trạng này kéo dài, đặc biệt là tiêu chảy sẽ khiến bệnh nhân mệt mỏi, suy nhược.
  • Chán ăn: Khi bị các vấn đề về tiêu hóa, bệnh nhân thường có cảm giác đắng miệng, không muốn ăn uống gì.

4. Đối tượng nào dễ gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hoá là tình trạng không quá hiếm gặp, bất cứ ai cũng có thể gặp phải tình trạng này ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, diện các đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ cao mắc rối loạn tiêu hoá hơn người bình thường:

4.1. Trẻ em

Thói quen ăn uống thất thường của trẻ có thể gây rối loạn tiêu hóa
Thói quen ăn uống thất thường của trẻ có thể gây rối loạn tiêu hóa

Trẻ nhỏ có hệ vi sinh đường ruột chưa phát triển đầy đủ nên dễ nhiễm phải tạp chất và các vi khuẩn gây hại theo thức ăn xâm nhập vào. Các tác nhân này có thể kích thích việc co bóp của ruột gây ra tình trạng táo bón, hoặc một số vi khuẩn có thể tiết ra các chất độc gây hại trực tiếp làm tổn thương ống tiêu hoá. Đối tượng có nguy cơ cao nhất gặp phải tình trạng này là trẻ em dưới 2 tuổi. Bên cạnh đó, việc ăn uống các món ăn theo sở thích, kém khoa học của các trẻ không được bố mẹ theo dõi cẩn thận có thể gây nên tình trạng khó tiêu, đầy hơi cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra rối loạn tiêu hoá ở trẻ.

4.2. Người lớn tuổi

Người lớn tuổi thường dễ bị rối loạn tiêu hóa
Người lớn tuổi thường dễ bị rối loạn tiêu hóa

Từ độ tuổi 40 trở đi, các cơ quan trong cơ thể bắt đầu diễn ra quá trình thoái hoá. Không ít thì nhiều hệ tiêu hoá cũng là một trong những hệ bị ảnh hưởng bởi quá trình này, làm suy giảm chức năng tiêu hoá. Khi này, vùng cơ trơn của ống tiêu hoá dễ bị kích thích, rối loạn và ảnh hưởng đến khả năng tiêu hoá. Đi kèm theo đó, người lớn tuổi thường có nhiều bệnh nền đi kèm chẳng hạn như bệnh lý xương khớp, bệnh tim mạch. Các nhóm thuốc điều trị các bệnh lý này đôi khi ảnh hưởng đến khả năng co bóp cơ trơn và khả năng tiết dịch tiêu hoá gây ra rối loạn tiêu hoá ở người lớn tuổi.

4.3. Người có thói quen ăn uống thiếu khoa học

Các tác nhân kích thích co bóp cơ trơn đường ruột như: thức ăn cay nóng, thực phẩm chua, nước ngọt có gas, cà phê, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, ăn quá ít chất xơ,… nếu lạm dụng có thể gây ra nhiều rối loạn hoạt động tiêu hoá như tiêu chảy, buồn nôn, đau quặn bụng, đầy hơi, khó tiêu,…

4.4. Người có bệnh lý đường đường tiêu hoá trước đó

Các bệnh lý nền trên đường tiêu hoá hoặc các di chứng để lại trên đường tiêu hoá sau khi đã điều trị khỏi các bệnh lý có thể là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hoá đi kèm. Một số bệnh lý thường gặp trong trường hợp này là: viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm đại tràng, bệnh Crohn, GERD (trào ngược dạ dày thực quản),…

4.5. Phụ nữ có thai

Đây là một trong những đối tượng cũng hay gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hoá và đặc biệt là táo bón và buồn nôn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này có thể kể ra như:

  • Rối loạn nội tiết tố: ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng ăn uống bình thường của người phụ nữ trong thai kỳ, thường tạo ra cảm giác buồn nôn, nôn ói khi ngửi mùi tanh hoặc khi ăn quá nhiều.
  • Nguyên nhân thứ hai là do sự phát triển của thai nhi trong tử cung gây chèn ép các bộ phận của ống tiêu hoá, gây cản trở quá trình vận chuyển thức ăn trong ống tiêu hoá. 
  • Một nguyên nhân khác gây táo bón thường được nhắc đến ở đối tượng này là chị em trong thai kỳ thường hay bổ sung viên sắt để tăng sự tạo máu, ngừa thiếu máu. Sắt nguyên tố là một trong những thành phần có tác dụng phụ gây táo bón nếu không sử dụng một cách hợp lý.

4.6. Ăn uống kém vệ sinh

Theo thống kê cho thấy tỷ lệ người dân sống tại các nước phát triển mắc chứng rối loạn tiêu hóa thấp hơn các nước kém phát triển. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự khác biệt này là do nguồn sống và mức độ vệ sinh ở các nước phát triển thường cao hơn, dẫn đến khả năng nhiễm khuẩn đường ruột sẽ thấp hơn.

4.7. Người nhiễm Covid

Người nhiễm covid có thể gây ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa
Người nhiễm covid có thể gây ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa

Trong thời điểm gần đây thì đại dịch Covid là một trong những vấn đề gây đau đầu giới khoa học vì nhiều hệ luỵ cũng như biến chứng sau khi mắc bệnh. Một trong những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân dương tính với loại virus này là rối loạn tiêu hoá như buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, đau bụng,… Nguyên nhân được chứng minh là do virus xâm nhập và gắn lên các thụ thể trên niêm mạc đường tiêu hoá gây thay đổi khả năng tiêu hoá và hấp thụ thức ăn, gây rối loạn hoạt động cơ trơn tiêu hoá, mất vị tại lưỡi dẫn đến chán ăn. Các biến chứng này có thể kéo dài nhiều tháng sau khi âm tính với Covid gây ra nhiều vấn đề khó chịu ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân.

4.8. Người nghiện rượu

Đối tượng tiếp theo là một trong những đối tượng dễ gặp mắc phải tình trạng rối loạn tiêu hoá. Rượu là một trong những tác nhân có thể kích thích hoạt động nhu động của ruột cũng như ảnh hưởng đến khả năng tiêu hoá, hấp thu các chất. Do đó, lạm dụng quá nhiều rượu bia có thể gây rối loạn hoạt động tiêu hoá bình thường. Bên cạnh đó, bệnh lý về gan do nghiện rượu là một tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến khả năng tiết mật vào dịch tiêu hoá do đó cũng có thể gây ra một số chứng như đầy hơi, đau bụng thường xuyên.

4.9. Phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt

Phụ nữ “đến tháng” cũng là một trong những đối tượng phổ biến gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hoá. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi nồng độ các hormon sinh dục bên trong cơ thể và đặc biệt là progesterone gây chướng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.

4.10. Người nghiện thuốc lá

Hút thuốc lá có thể gây ra nhiều rối loạn tiêu hóa
Hút thuốc lá có thể gây ra nhiều rối loạn tiêu hóa

Thuốc lá có nhiều tác dụng xấu đối với sức khoẻ và đặc biệt là hệ tiêu hoá. Trong khói thuốc lá có rất nhiều hydrocarbon đa vòng được cho là nguyên nhân dẫn đến các ung thư đường tiêu hoá. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ quá nhiều điếu thuốc mỗi ngày có thể làm tăng sản xuất dịch vị, giảm sản xuất các yếu tố bảo vệ dạ dày và dẫn đến tăng khả năng nhiễm khuẩn Hp, viêm loét dạ dày tá tràng, ợ chua, trào ngược dạ dày thực quản, táo bón tăng nhu động do acid dịch vị,…

4.11. Người thường xuyên đối diện với stress

Những đối tượng làm việc áp lực thường xuyên có thể gây ra stress tâm lý. Khi bị stress cơ thể sản sinh ra nhiều loại hormon nhằm mục đích “sinh tồn”, trong đó có corticoid tiết ra tại tuyến thượng thận làm tăng cao sự tiết acid dịch vị trong dạ dày. Điều này có thể gây ra những rối loạn tiêu hóa thường gặp như đau quặn bụng, khó tiêu, trào ngược dạ dày – thực quản, ợ chua, ợ nóng, tiêu chảy.

5. Rối loạn tiêu hóa được chẩn đoán như thế nào?

Rối loạn tiêu hoá thường là dấu hiệu của một rối loạn nào đó trong cơ thể có liên quan đến hoạt động hệ tiêu hoá, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này rất đa dạng. Việc chẩn đoán rối loạn tiêu hoá chủ yếu là nhắm vào các bệnh lý nghi ngờ, thực hiện các chẩn đoán loại trừ để khẳng định được nguyên nhân gây bệnh. Phương pháp chẩn đoán thường sử dụng trong chẩn đoán rối loạn tiêu hoá bao gồm:

5.1. Khám lâm sàng

Bệnh nhân được khai thác thông tin để giúp định hướng loại rối loạn tiêu hoá xảy ra ở bệnh nhân. Các thông tin về lối sống, tình trạng sinh lý, áp lực công việc cũng như là tiền sử bệnh, tiền sử dùng thuốc rất quan trọng giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn tiêu hoá.

Việc mô tả các triệu chứng, thời điểm mắc bệnh và mức độ bệnh giúp cơ bản đánh giá và lựa chọn hướng chẩn đoán tiếp theo nhằm điều trị hợp lý. Bệnh nhân có thể được hỏi về tần suất xảy ra rối loạn tiêu hoá để đánh giá mức độ bệnh.

5.2. Xét nghiệm

Khi đã có nghi ngờ một tình trạng sức khỏe nào đó dẫn đến rối loạn tiêu hoá thông qua lời khai bệnh của bệnh nhân, bác sĩ thường sẽ chỉ định các xét nghiệm chuyên biệt để chẩn đoán chính xác bệnh hoặc chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng tương tự. Một số xét nghiệm thường được sử dụng trong chẩn đoán rối loạn tiêu hoá bao gồm: nội soi ống tiêu hoá, X-quang, xét nghiệm phân tìm vi khuẩn, xét nghiệm máu,…

Kết hợp giữa khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm đặc hiệu có thể giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra bệnh và từ đó giúp điều trị chính xác, an toàn, hiệu quả.

6. Điều trị bệnh rối loạn tiêu hóa hiệu quả

Chính vì do nhiều nguyên nhân gây ra nên việc điều trị chứng này cũng tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể.

6.1. Chế độ dinh dưỡng giúp cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa

Thức ăn và nước uống là tác nhân dễ gây ra chứng rối loạn tiêu hóa nhất. Vì thế, việc cân bằng dinh dưỡng và lựa chọn những thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa là rất cần thiết. Bạn nên thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn đồ quá cay nóng, quá chua, quá nhiều đạm hoặc mỡ. Đối với bệnh nhân tiêu chảy mạn tính không nên ăn nhiều thức ăn giàu xơ. Người bệnh nên được bổ sung men tiêu hóa và các loại thức uống có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa.

6.2. Sử dụng thuốc

Cần thận trọng khi sử dụng thuốc để điều trị rối loạn tiêu hóa
Cần thận trọng khi sử dụng thuốc để điều trị rối loạn tiêu hóa

Bạn có thể sử dụng kháng sinh đúng liều để điều trị các bệnh viêm nhiễm đường tiêu hóa. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải được sự đồng ý của bác sĩ. Vì thế bạn cần đến khám và nhờ bác sĩ kê đơn điều trị nếu xuất hiện các dấu hiệu nặng.

6.3. Điều trị tại bệnh viện

Các trường hợp rối loạn tiêu hóa nặng cần được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện. Bệnh nhân sẽ được truyền dịch nếu bị mất nước do nôn, tiêu chảy. Các trường hợp sốt cao, mất máu do đi ngoài ra máu, tiêu chảy mất nước,… cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

7. Cách phòng ngừa rối loạn tiêu hóa

Để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa nói riêng và các vấn đề khác liên quan đến tiêu hóa nói chung, mỗi người cần xây dựng cho mình một chế độ sống khoa học. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:

  • Ăn uống đủ chất, ăn chín uống sôi, hạn chế các thực phẩm gây kích thích hệ tiêu hóa, gây tiêu chảy.
  • Đối với người thường xuyên táo bón, cần bổ sung nhiều chất xơ và rau xanh để hỗ trợ quá trình đào thải của cơ thể.
  • Hạn chế sử dụng các thức uống có cồn.
  • Bổ sung men vi sinh, bổ sung lợi khuẩn tốt cho đường ruột.
  • Tập thói quen đi vệ sinh khoa học, mỗi ngày đều nên đi vệ sinh 1 lần vào cùng một thời điểm.
  • Bổ sung các vitamin và khoáng chất, nâng cao sức đề kháng chống các tác nhân sinh vật gây nên chứng rối loạn tiêu hóa.

Lời kết

Rối loạn tiêu hóa tuy thường gặp nhưng không nên chủ quan. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm lý, thậm chí sẽ dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm.

Bạn đang lo lắng tình trạng căn bệnh về đường tiêu hóa của mình và chưa có cách điều trị hiệu quả. Hãy đăng ký tư vấn ngay hoặc gọi Hotline 19007061 để được Bác sĩ tư vấn Miễn phí.




    * Vui lòng đợi vài giây sau khi nhấn Gửi

    Xem thêm bài viết liên quan:

    Cách trị rối loạn tiêu hóa tại nhà an toàn và hiệu quả

    Top 11 loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa của bạn

    Top 6 loại thuốc chữa rối loạn tiêu hóa tốt nhất trên thị trường

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Nhắn Messenger
    Nhắn tin Messenger
    Chat Zalo
    Chat Zalo
    Gọi với Dược sĩ
    gọi với dược sĩ