Dấu hiệu suy thận hầu như không nổi bật ở các giai đoạn sớm. Các dấu hiệu suy thận sẽ rõ ràng và dễ nhận biết hơn khi nó tiến triển. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn kiến thức về một số dấu hiệu suy thận để bạn có thể phát hiện sớm.
1. Suy thận
Thận là một cơ quan quan trọng của cơ thể con người, tham gia vào quá trình lọc máu và bài tiết chất thải ra bên ngoài.
Khi thận không còn khả năng lọc máu và đào thải các chất như bình thường tình trạng này gọi là suy thận. Lúc này các độc tố tích tụ gây hại và khiến thận bị suy nặng nề hơn, đe dọa đến tính mạng.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe và chức năng của thận, ví dụ như:
- Các bệnh lý cấp tính và mãn tính
- Tiếp xúc với các chất độc hại từ môi trường hay sử dụng một số loại thuốc gây hại thận
- Mất nước nghiêm trọng
- Lưu lượng máu đến thận giảm
- Thận bị chấn thương
Suy thận được chia thành 5 loại cụ thể, thuộc hai nhóm là suy thận cấp tính và suy thận mạn tính.
Suy thận cấp là tình trạng thận đột ngột hoạt động bất thường còn suy thận mạn là sự diễn tiến suy giảm hoạt động theo thời gian.
2. Các dấu hiệu suy thận bạn cần biết
Các dấu hiệu suy thận không dễ dàng nhận biết và xác định khi suy thận giai đoạn sớm. Dấu hiệu sớm nhất của bệnh thận là mức creatinin hoặc ure trong máu. Tuy nhiên các dấu hiệu này cần được xét nghiệm mới có thể biết được.
Do đó những dấu hiệu rõ ràng trên cơ thể mà bạn nhận biết được thường là khi nó đã tiến triển đến một giai đoạn nào đó. Các dấu hiệu suy thận bạn cần biết để điều trị sớm là:
- Mệt mỏi, ít năng lượng, khó tập trung: Dấu hiệu suy thận này không quá đặc trưng cho bệnh. Khi chức năng thận suy giảm nghiêm trọng. sự tích tụ các chất độc và tạp chất trong máu xảy ra. Vấn đề này khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt, sự tập trung giảm sút. Ngoài ra khi suy thận, yếu tố kích thích quá trình tạo máu tiết ra từ thận giảm đi, thiếu máu làm sự vận chuyển oxy giảm, cơ và não thiếu oxy nên sự mệt mỏi diễn ra.
- Làn da khô và ngứa: Khi thận khỏe mạnh, chúng loại bỏ chất thải cũng như chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu, tạo ra tế bào tạo máu, giúp xương chắc khỏe và duy trì nồng độ các chất phù hợp trong máu. Khi cơ thể không còn khả năng đào thải các chất, sự tích tụ trong máu có thể gây ra phản ứng da dẫn đến phát ban và ngứa.
- Đi tiểu thường xuyên hơn: Cảm giác cần đi tiểu với tần suất nhiều hơn xuất hiện, đặc biệt là vào ban đêm có thể là dấu hiệu cho thấy thận đang có vấn đề. Khi khả năng lọc của thận có vấn đề có thể làm tăng cảm giác buồn tiểu. Biển hiện này cũng có thể là dấu hiệu của các tình trạng bệnh lý như viêm đường tiết niệu, phì đại tuyến tiền liệt.
- Khó thở: Chất lỏng dư thừa, ứ lại bên trong cơ thể tích tụ trong phổi làm suy giảm chức năng phổi. Ngoài ra việc thận suy làm giảm khả năng tạo máu, lượng oxy được cung cấp giảm, cơ thể thiếu oxy và khó thở. Do đó khó thở là dấu hiệu suy thận mà người bệnh sẽ gặp phải.

- Máu trong nước tiểu: Khi thận khỏe mạnh, trong quá trình lọc máu chúng sẽ chỉ loại trừ các chất độc hại theo dòng nước tiểu. Nếu thấy máu trong nước tiểu một cách bất thường có thể là thận đã để rò rỉ những tế bào máu này. Bên cạnh đó tình trạng tiểu máu ngoài là dấu hiệu của suy thận nó còn là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng, khối u hoặc do sỏi thận.
- Nước tiểu có bọt: Nước tiểu có quá nhiều bọt và những bọt này lâu tan thì có khả năng do nước tiểu có nhiều protein do thận bị tổn thương .
- Đau lưng: Thận vốn nằm hai bên cột sống ở phần lưng dưới nên các vấn đề về thận có thể gây đau ở vùng này. Đau lưng cũng có thể xuất hiện do các vấn đề khác tại thận như nhiễm trùng thận hay tắc nghẽn thận.
- Phù: Suy giảm chức năng thận dẫn đến giữ natri, tích tụ chất lỏng gây phù. Tình trạng phù có thể thấy ở mắt cá chân, bàn chân, chân, tay, khuôn mặt. Phù cũng có thể xảy ra trong phổi gây ra khó thở hay xuất hiện ở bọng mắt.
- Hơi thở hôi hoặc miệng có vị kim loại: Sự tích tụ các chất thải trong máu khiến hơi thở có mùi hôi khó chịu. Không chỉ vậy, miệng còn xuất hiện tình trạng vị giác kim loại. Dấu hiệu suy thận này có thể gặp ở các bệnh nhân có vấn đề răng miệng, do đó dễ nhầm lẫn và khó xác định bệnh.
- Giảm cảm giác thèm ăn: Sự tích tụ độc tố, cảm giác mệt mỏi cũng như việc miệng xuất hiện vị lạ khiến bạn không còn cảm giác thèm ăn. Đây là một triệu chứng chung, không điển hình.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa: Nôn mửa có thể xảy ra khi chất thải tích tụ trong máu của bạn, hoặc người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn ngay cả khi nghĩ đến việc ăn uống.
- Chuột rút: Chuột rút gây đau, đặc biệt alf chuột rút ở chân có thể xảy ra ở người có bệnh thận.

3. Các biện pháp ngăn ngừa suy thận
Để hạn chế việc gặp phải các vấn đề bệnh lý tại thận cũng như bảo vệ thận có một sức khỏe tốt nhất, bạn cần chú ý thực hiện các thói quen tốt.
- Kiểm soát lượng đường trong máu: Bệnh lý tiểu đường là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và suy thận. Do đó chú ý lượng đường trong máu, đặc biệt là khi bạn mắc bệnh tiểu đường.
- Kiểm soát huyết áp: Chú ý huyết áp, đo huyết áp thường xuyên để đảm bảo huyết áp ổn định bởi nó cũng là nguyên nhân của bệnh tim và suy thận.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như tiểu đường, huyết áp và bệnh lý thận.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh: Thực hiện một chế độ ăn nhiều rau xanh, củ quả và trái cây. Giảm các lượng muối, đạm, dầu mỡ đưa vào cơ thể.
- Uống đủ nước: Mất nước làm giảm lưu lượng máu đến thận và gây suy giảm chức năng thận. Tạo thói quen uống đủ nước bởi nó không chỉ tốt cho thận mà tốt cho cả các cơ quan khác trong cơ thể.
- Hạn chế sử dụng rượu bia: Sử dụng các loại thức uống có cồn gây ảnh hưởng và tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý.
- Không hút thuốc: Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng đến phổi mà nó còn làm giảm lưu lượng máu đến thận, hủy hoại chức năng thận ở cả người có hay không có bệnh thận.

- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục là lời khuyên cho mọi người. Đi bộ, bơi lội, đạp xe…, rất nhiều môn thể thao bạn có thể tham gia để nâng cao sức khỏe, kiểm soát cân nặng, giảm căng thẳng cũng như kiểm soát các bệnh lý như tiểu đường hay huyết áp.
- Giảm căng thẳng: Giảm căng thẳng, lo lắng giúp ổn định huyết áp của bạn sẽ tốt cho thận.
- Khám sức khỏe định kỳ: Việc không phát hiện kịp thời bệnh ở những giai đoạn sớm khiến bệnh khó điều trị hơn. Vì vậy khám định kì mỗi năm 2 lần hoặc ngay khi cảm thấy có các bất thường khiến bạn nghĩ là dấu hiệu suy thận để được điều trị kịp thời.
Lời kết:
Biết các dấu hiệu của suy thận và làm theo những lời khuyên về cách ngăn ngừa suy thận giúp bạn kiểm soát và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Tạo cho mình một lối sống lành mạnh, một thói quen ăn uống hợp lý, khoa học là chìa khóa giữ cho không chỉ thận mà cả cơ thể bạn được khỏe mạnh.