Phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, nguy cơ bệnh tiến triển xấu đi, giữ cho người bệnh một chất lượng sống ổn định và chất lượng. Bài viết dưới đây là một số cách giúp bạn phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt rất đơn giản.
1. Ung thư tuyến tiền liệt là gì?
Tuyến tiền liệt là một cơ quan thuộc hệ thống sinh sản, nó nằm bên dưới bàng quang và bao quanh phần trên của niệu đạo. Tuyến tiền liệt có nhiều chức năng quan trọng đối với cơ thể, trong đó quan trọng nhất là sản xuất tinh dịch, ngoài ra còn sản xuất hormon và giúp điều chỉnh lưu lượng nước tiểu.
Ung thư tuyến tiền liệt là một loại ung thư khá phổ biến ở nam giới. Bệnh có khả năng điều trị cao ở những giai đoạn đầu. Các chuyên gia hiện vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân cụ thể dẫn đến ung thư tuyến tiền liệt nhưng nguy cơ mắc bệnh tăng theo độ tuổi.
Ung thư tuyến tiền liệt hầu như không có triệu chứng bất thường nào trong giai đoạn đầu của bệnh, lúc này các xét nghiệm sàng lọc có thể nhận ra được. Những nam giới nếu có tình trạng ung thư tuyến tiền liệt có thể gặp các triệu chứng dưới đây:
- Khó bắt đầu đi tiểu
- Thường xuyên phải đi tiểu, đặc biệt là tiểu đêm
- Dòng nước tiểu yếu
- Máu trong nước tiểu hoặc trong tinh dịch
- Đau khi đi tiểu hoặc khi xuất tinh
- Đau ở lưng, hông hoặc xương chậu
Khi ung thư tuyến tiền liệt tiến triển, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng như:
- Đau xương
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Mệt mỏi
2. Phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt
Ở Mỹ, ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới sau ung thư da. Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ ước tính rằng tỷ lệ sống sót sau 5 năm của nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt là 99%, điều đó cho thấy đa số ung thư tuyến tiền liệt không gây tử vong. Tuy nhiên, bất cứ một vấn đề sức khỏe nào cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và đe dọa đến tính mạng.
Không có một liệu pháp tự nhiên nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn sự tiến triển của ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, một số cách có thể giúp người bệnh hạn chế nguy cơ phát triển bệnh hiệu quả.
2.1. Bổ sung các sản phẩm từ đậu nành
Isoflavone là một hợp chất có trong các sản phẩm làm từ đậu nành như: Đậu hũ; Sữa đậu nành; Tương miso,…. Ngoài ra một số loại thực phẩm khác chứa nhiều isoflavone như đậu xanh, cỏ linh lăng, đậu nành Nhật Edamame,…
Isoflavone là một hợp chất hóa học có đặc tính chống viêm. Các nghiên cứu cho thấy isoflavone có thể có lợi cho sức khỏe theo nhiều cách và trong đó giúp bảo vệ chống lại ung thư tuyến tiền liệt.
2.2. Bổ sung omega 3
Omega 3 là một axit béo không no, rất cần thiết đối với cơ thể. Omega 3 được chứng minh là có khả năng giúp làm giảm nguy cơ của các vấn đề như trầm cảm, tim mạch, mất trí nhớ, viêm khớp,..Một số nghiên cứu nói rằng omega 3 có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Do đó, bổ sung omega 3 vào bữa ăn không chỉ giúp ngăn ngừa nguy cơ ung thư mà còn giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, trí não,…
Các loại thực phẩm chứa nhiều omega 3 như: Cá thu, cá hồi, cá trích, hàu, hạt óc chó, đậu nành, hạt chia, hạt lanh,…
2.3. Ăn cà chua
Trong cà chua có một hợp chất với tên gọi là lycopene. Lycopene có khả năng chống viêm, chống oxy hóa, chống tăng sinh, phòng ngừa các bệnh lý về tim mạch, ung thư. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hợp chất này có thể làm giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt, phổi, và dạ dày.
Một nghiên cứu vào năm 2016 cho kết quả những người tăng tiêu thụ cà chua giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Vì vậy bổ sung thêm cà chua hay nói đúng hơn là lycopene vào khẩu phần ăn có thể giúp bảo vệ sức khỏe của bạn.
Bên cạnh cà chua, lycopen còn có nhiều trong các loại thực phẩm khác như ổi, dưa hấu, đu đủ hay bưởi hồng. Bạn có thể linh hoạt bổ sung lycopene từ các nguồn khác nhau để làm phong phú thực đơn của mình.
2.4. Bổ sung vitamin D
Có nghiên cứu chỉ ra rằng nam giới người Mỹ gốc Phi thiếu vitamin D có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn người bình thường. Vì vậy, hãy duy trì vitamin D ở mức tối ưu sẽ giúp bảo vệ bạn chống lại ung thư tuyến tiền liệt.
Bổ sung vitamin D qua thức ăn hàng ngày và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể không đủ để cung cấp một lượng mà cơ thể cần nên bạn có thể phải bổ sung thêm qua các nguồn khác.
2.5. Uống trà xanh
Trung tâm Nghiên cứu Phòng ngừa và Sàng lọc ung thư, Trung tâm Ung thư Quốc gia Nhật Bản đã chứng minh người châu Á có tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn Châu Âu là do các yếu tố liên quan đến môi trường và thói quen sử dụng trà xanh.
Nghiên cứu khác trên nam giới trong độ tuổi từ 40 đến 69 cũng cho thấy việc tiêu thụ trà xanh có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tiến triển.
2.6. Uống cà phê
Trong cà phê có các chất chống oxy hóa và giúp giảm nguy cơ ung thư phát triển do đó cà phê cũng được khuyến khích sử dụng trong phòng chống ung thư.
2.7. Tập thể dục
Tập thể dục giúp nâng cao sức khỏe tổng thể. phòng ngừa nhiều bệnh lý khác không chỉ riêng ung thư tuyến tiền liệt. Tập thể dục cũng giúp duy trì cân nặng ổn định, tránh tình trạng thừa cân, béo phì, giảm nguy cơ ung thư.
Một số hoạt động thể dục mọi người có thể thực hiện đơn giản như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, các môn thể thao khác giúp tăng cường trao đổi chất, nâng cao sức bền cơ thể.
2.8. Hạn chế chất béo
Chế độ ăn nhiều chất béo làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư. Omega 6 có trong các dầu thực vật có thể thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư tuyến tiền liệt.
2.9. Giảm đồ chiên, nướng
Hiện nay xu hướng ăn uống các loại đồ chiên hay nướng tăng cao. Viện Ung thư Quốc gia ở Hoa Kỳ khuyên không nên ăn thịt nấu chín ở nhiệt độ cao, đặc biệt là các loại thịt chiên, nướng. Khi chế biến thịt ở nhiệt độ cao như vậy có thể tạo thành các chất hóa học gây ra những thay đổi trong ADN dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
2.10. Giảm tiêu thụ đường và carbohydrate
Một số nghiên cứu chỉ ra việc tiêu thụ đường và carbohydrate nhiều làm tăng đường huyết dẫn đến việc tăng nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt, đại trực tràng.
2.12. Ngừng hút thuốc
Hút thuốc tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, trong đó có ung thư tuyến tiền liệt. Và không chỉ ung thư, hút thuốc còn ảnh hưởng đến nhiều bệnh lý khác và tăng nguy cơ tử vong vì ung thư.
Lời kết:
Phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt bằng việc thực hiện các thay đổi đơn giản trong thói quen ăn uống và sinh hoạt có thể dễ dàng thực hiện ở mọi đối tượng mà lại mang đến những lợi ích không ngờ.