Yếu tố nguy cơ gây ung thư bàng quang là tất cả những gì ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh của bạn. Mỗi bệnh lý có những nguy cơ khác nhau. Có thể thay đổi một số yếu tố để biến nó từ có nguy cơ thành vô hại, làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
1. Ung thư bàng quang là gì
Ung thư bàng quang là khối u ác tính xuất hiện tại bàng quang. Kích thước khối u ở mỗi người là khác nhau, khối u có khả năng phát triển sâu vào cơ bàng quang và di căn đến các cơ quan khác.
Ung thư bàng quang có các giai đoạn từ 0 đến 4. Bệnh có thể điều trị hoàn toàn nếu phát hiện ở những giai đoạn đầu.
Triệu chứng của ung thư bàng quang bao gồm:
- Tiểu ra máu
- Tiểu rắt, tiểu khó, tiểu són, nước tiểu sẫm màu
- Mệt mỏi, hốc hác, chán ăn, suy sụp nhanh
- Đau thắt lưng quanh thận
2. Yếu tố nguy cơ gây ung thư bàng quang
Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ung thư bàng quang. Theo thống kê có khoảng 68000 người trưởng thành ở Hoa Kỳ bị ảnh hưởng bởi ung thư bàng quang mỗi năm, điều này khiến nó trở thành một trong những bệnh ung thư phổ biến. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ gây ung thư bàng quang.
2.1. Hút thuốc lá
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, hút thuốc là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư bàng quang. Người có thói quen hút thuốc có khả năng mắc ung thư bàng quang gấp 3 lần so với người không hút thuốc. Hút thuốc lá là nguyên nhân của khoảng một nửa số ca mắc ung thư bàng quang.
Khi hút thuốc, các hóa chất độc hại có thể tích tụ trong nước tiểu và làm hỏng niêm mạc bàng quang của bạn. Điều đó có thể dẫn đến ung thư. Việc hút thuốc không chỉ ảnh hưởng lên người hút mà càn gây tác hại cho những người hít phải khói thuốc lá. Tránh sử dụng tất cả loại thuốc lá, xì gà, tẩu để giảm nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Do đó, thuốc lá là một yếu tố nguy cơ gây ung thư bàng quang hàng đầu.
2.2. Asen trong nước
Sử dụng nguồn nước có asen là một yếu tố nguy cơ gây ung thư bàng quang. Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng việc hấp thụ một lượng lớn asen từ nước uống có liên quan đến nguy cơ ung thư bàng quang cao hơn. Các nhà nghiên cứu không lý giải chính xác vì sao tiếp xúc với nguyên tố này lại gây ung thư. Nếu nguồn nước nhiễm asen và sử dụng nó mỗi ngày thì đây là một vấn đề đáng lo ngại.
2.3. Môi trường làm việc phải tiếp xúc với hóa chất
Một số hóa chất sử dụng tại nơi làm việc có thể liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư bàng quang. Các nghiên cứu ước tính rằng người có công việc phải tiếp xúc với các tác nhân hóa học chiếm 18% nguyên nhân gây ung thư bàng quang.
Nguyên do của việc tiếp xúc với các hóa chất gây ra ung thư bàng quang vì thận giúp lọc các hóa chất độc hại ra khỏi máu qua đường nước tiểu, do đó nó sẽ tiếp xúc với bàng quang.
Các hóa chất dùng trong sản xuất cao su, thuốc nhuộm, thuộc da và các sản phẩm sơn được cho là có ảnh hưởng đến việc làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Một số hóa chất thuộc nhóm này bao gồm benzidine và beta naphthylamine, được gọi là các amin thơm.
Nguy cơ mắc bàng quang cao hơn người bình thường khi làm việc trong các ngành nghề sau đây:
- Họa sĩ
- Thợ làm tóc
- Thợ máy
- Tài xế xe tải
2.4. Thuốc
Có thể nhiều loại thuốc bạn đang sử dụng là yếu tố nguy cơ gây ung thư bàng quang mà bạn không biết.
Một số loại thuốc trị bệnh có liên quan đến việc gây ung thư bàng quang như thuốc trị tiểu đường pioglitazone. FDA Hoa Kỳ cảnh báo rằng sử dụng thuốc này từ một năm trở lên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư bàng quang ở một số người. Các nghiên cứu khác cho thấy không có mối liên hệ nào giữa pioglitazone và ung thư bàng quang.
Các phương pháp để điều trị ung thư như thuốc hóa trị cyclophosphamid hoặc xạ trị cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Những đối tượng này nên uống nhiều nước để bảo vệ bàng quang khỏi bị kích thích.
2.5. Thực phẩm bổ sung
Thực phẩm bổ sung có chứa acid aristolochic là một yếu tố nguy cơ gây ung thư bàng quang. Hợp chất này thường được tìm thấy trong các sản phẩm thảo dược để giúp hỗ trợ trong một số bệnh lý:
- Viêm khớp
- Bệnh Gout
- Viêm nhiễm
- Giảm cân
Tránh các thực phẩm bổ sung sức khỏe có chứa chất này để giảm nguy cơ mắc ung thư bàng quang.
2.6. Cơ thể mất nước
Không uống đủ nước có thể là một yếu tố nguy cơ gây ung thư bàng quang. Những người uống nước hàng ngày có khả năng làm trống bàng quang thường xuyên hơn, điều này ngăn các chất độc hại bám vào bàng quang.
Lượng nước được đề nghị cung cấp mỗi ngày là từ 1.5 đến 2 lít nước. Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể để phòng tránh các bệnh lý.
2.7. Các vấn đề tại bàng quang
Một số vấn đề tại bàng quang có liên quan đến việc ung thư bàng quang, bao gồm:
- Nhiễm trùng tiết niệu mãn tính
- Sỏi thận và sỏi bàng quang
- Sử dụng ống thông bàng quang trong một thời gian dài
Bệnh sán máng, một loại bệnh nhiễm trùng do giun sán ký sinh cũng làm tăng khả năng mắc ung thư bàng quang.
2.8. Giới tính
khác với các bệnh lý như viêm bàng quang, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn thì ung thư bàng quang xuất hiện nhiều hơn ở nam giới. Trên thực tế, nam giới có khả năng mắc bệnh này trong đời gấp 3 đến 4 lần nữ giới.
2.9.Tuổi
Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ gây ung thư bàng quang. Hầu hết ung thư bàng quang xảy ra ở người lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh cũng tăng theo độ tuổi. Trong 10 người bị ung thư bàng quang có đến 9 người mắc bệnh trên 55 tuổi.
2.10. Chủng tộc
Nghiên cứu trên dân số Mỹ cho thấy: Người da trắng có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn người Mỹ gốc Phi và người gốc Tây Ban Nha. Người Mỹ gốc Á và người Mỹ gốc Ấn có tỉ lệ ung thư bàng quang thấp hơn một chút. Nguyên nhân vẫn chưa được biết rõ.
2.11. Tiền sử ung thư bàng quang hoặc tiết niệu
Nếu đã bị ung thư ở bất kỳ bộ phận nào trong đường tiết niệu, bạn dễ có nguy cơ mắc một đợt ung thư khác cho dù khối u đã được cắt bỏ trước đó. Trường hợp này bác sĩ sẽ theo dõi cẩn thận để đảm bảo ung thư mới không phát triển.
2.12. Dị tật bẩm sinh bàng quang
Trước khi sinh, giữa rốn và bàng quang được liên kết với nhau giữa rốn và bàng quang, gọi là ống niệu rốn. Nếu một phần của sự kết nối này vẫn còn sau khi sinh, nó có thể trở thành ung thư. Ung thư bắt đầu từ ống niệu rốn thường là ung thư biểu mô tuyến, được tạo thành từ các tế bào tuyến ung thư. Khoảng ⅓ ung thư biểu mô tuyến của bàng quang bắt đầu từ đây. Nhưng tình trạng này khá hiếm gặp, chưa đến 0.5% của các nguyên nhân gây ung thư bàng quang.
Một dị tật bẩm sinh hiếm gặp khác gọi là lộn bàng quang làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang của một người. Lộn bàng quang là dị tật bẩm sinh hiếm gặp, bàng quang phát triển lộn ngược ra bên ngoài, khả năng lưu giữ nước tiểu không được bình thường nên gây rò rỉ. Phẫu thuật ngay sau khi sinh có thể giúp sửa đổi tình trạng này nhưng những người mắc bệnh này vẫn có nguy cơ cao nhiễm trùng đường tiết niệu và ung thư bàng quang.
3. Ung thư bàng quang có di truyền không
Những người có thành viên gia đình mắc ung thư bàng quang có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Nguyên nhân có thể do các thành viên trong một gia đình cùng tiếp xúc với một nguồn hóa chất gây ung thư ( như khói thuốc lá). Hoặc có khả năng di truyền một số gen khiến cơ thể khó phân hủy một số chất độc, điều này làm bàng quang dễ bị ung thư hơn.
Một vài người thừa hưởng hội chứng về gen làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang như:
- Đột biến gen u nguyên bào võng mạc (RB1) gây ung thư mắt ở trẻ sơ sinh và cũng làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang.
- Hội chứng Cowden, gây ra bởi đột biến gen PTEN, chủ yếu liên quan đến ung thư vú và tuyến giáp. Những người này có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn.
- Hội chứng Lynch hay còn gọi là ung thư đại trực tràng không polyp di truyền chủ yếu liên quan đến ung thư ruột kết và nội mạc tử cung. Những người mắc hội chứng này cũng có khả năng mắc ung thư bàng quang cao hơn ( tỷ lệ này cũng tương tự ở các ung thư khác của đường tiết niệu)
4. Ngăn ngừa ung thư bàng quang
Ngăn ngừa ung thư bàng quang bằng cách thay đổi lối sống làm mạnh. Một trong những vấn để có thể thay đổi được là ngừng hút thuốc. Tránh tiếp xúc với hóa chất, thuốc nhuộm. Uống nhiều nước là một thói quen đơn giản nhưng tiềm năng trong việc ngăn ngwuaf ung thư bàng quang.
Một số triệu chứng sớm của ung thư bàng quang bạn cần để ý bao gồm:
- Có máu trong nước tiểu
- Đau khi đi tiểu hay đi tiểu thường xuyên hơn
- Đau vùng chậu hay đau lưng, hông
Lời kết
Nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư bàng quang hiện hữu thường xuyên trong cuộc sống. Một trong số đó là những yếu tố bạn có thể thay đổi được như hút thuốc, nguồn nước sử dụng, thay đổi môi trường làm việc. Tuy nhiên nó không có nghĩa là người không có những yếu tố nguy cơ nêu trên thì không bao giờ mắc viêm bàng quang. Do đó cần duy trì các thói quen lành mạnh và thay đổi những vấn đề này để hạn chế nguy cơ mắc viêm bàng quang, theo dõi sức khỏe và khám bệnh khi cần thiết để phát hiện bệnh và điều trị sớm.