Sử dụng kim tiền thảo trị sỏi thận, sỏi bàng quang như thế nào

Sử dụng kim tiền thảo trị sỏi thận, sỏi bàng quang như thế nào

Kim tiền thảo là một thảo dược phổ biến ở Việt Nam và có  nhiều có nhiều lợi ích. Đặc biệt là tác dụng trong việc sử dụng kim tiền thảo trị sỏi thận, sỏi bàng quang từ lâu đã được biết đến và xuất hiện nhiều trong các bài thuốc dân gian.

1. Bệnh sỏi thận và sỏi bàng quang

Sỏi thận hay sỏi bàng quang đều là những chất rắn kết tinh từ các thành phần có trong nước tiểu. Sỏi bàng quang xảy ra tại bàng quang là nơi chứa đựng nước tiểu. Sỏi thận xảy ra ở một hoặc cả hai quả thận, nơi tạo ra nước tiểu. 

Trên thực tế, sỏi thận phổ biến hơn sỏi bàng quang và trong một số trường hợp sỏi thận có thể trở thành sỏi bàng quang nếu chúng đi qua niệu quản xuống ở tại bàng quang.

Hai bệnh lý sỏi này khi xảy ra cũng có những triệu chứng giống nhau nhưng cũng có các dấu hiệu khác biệt để bạn có thể nhận diện được:

  • Sỏi bàng quang: Đau bụng dưới, thường xuyên muốn đi tiểu, đau hoặc khó tiểu, tiểu ra máu
  • Sỏi thận: Đau nhói ở lưng hoặc bên hông, thường xuyên muốn đi tiểu, đau hoặc khó tiểu, tiểu ra máu. nước tiểu đục và có mùi hôi lạ, buồn nôn và nôn mửa, sốt và ớn lạnh
Sỏi thận và sỏi bàng quang
Sỏi thận và sỏi bàng quang

Cả hai bệnh lý sỏi thận và sỏi bàng quang đều có cách chẩn đoán, cách xử lý và phòng ngừa tương tự nhau.

2. Một vài thông tin về Kim tiền thảo

Kim tiền thảo có tên khoa học là Desmodium styracifolium, là một loài cây thuộc họ đậu Fabaceae. 

Kim tiền thảo còn được gọi bởi những cái tên khác như rau má lông hay rau má thìa. 

Về đặc điểm hình dáng:

  • Là cây thân thảo, mọc bò, sau mọc thẳng, cao khoảng 30-50cm. Ngọn non dẹt, có khía và lông tơ trắng.
  • Lá mọc so le, gốc bằng hoặc hơi hình tim, đầu tù hoặc hơi lõm, mặt trên màu lục xám nhạt, có gân rõ, mặt bên dưới phủ lông màu trắng, mềm.
  • Hoa kim tiền thảo có màu hồng, cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn thân thành chùm ngắn hơn lá.
  • Quả có đầu hơi cong xuống, hạt có lông.
  • Mùa hoa quả thường là vào tháng 3 đến tháng 5
Hoa kim tiền thảo
Hoa kim tiền thảo

Kim tiền thảo là cây ưa ẩm, hơi chịu nóng, thường mọc thành đám và gặp ở những bờ suối, xen rừng ẩm thấp. Cây thường đẻ nhánh và bò lan trên mặt đất.

Ở Việt Nam, kim tiền thảo thường gặp ở các tỉnh thuộc vùng núi thấp và trung du phía Bắc. Các tỉnh như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Tây, Hòa Bình… là những nơi có nhiều kim tiền thảo. 

Trên thế giới, ở các tỉnh phía nam của Trung Quốc, Lào cũng có thể tìm thấy loại cây này.

Cả cây trên mặt đất của kim tiền thảo đều dùng để làm thuốc. Có thể thu hái cây quanh năm nhưng tốt nhất nên thu hái vào mùa hạ. Có thể dùng tươi hoặc phơi sấy khô rồi sử dụng.

Thành phần hóa học có trong kim tiền thảo: Trong kim tiền thảo chứa các hợp chất như flavonoid, Alkaloid, Terpenoid, các hợp chất Steroids, Phenolic acid, Polysaccharide các tinh dầu dễ bay hơi. 

3. Các lợi ích kim tiền thảo đối với sỏi hệ tiết niệu

3.1. Kim tiền thảo trị sỏi thận, sỏi bàng quang 

Kim tiền thảo có vị ngọt, tính bình và có tác dụng lợi tiểu. Nó là một vị thuốc có trong nhiều bài thuốc giúp chữa sỏi tiết niệu, sỏi thận, sỏi bàng quang..

Trong kim tiền thảo có hoạt chất Desmodium styracifolium-triterpenoid (Ds-t) có tác dụng lợi tiểu giúp bào mòn, giảm kích thước sỏi và loại bỏ chúng ra bên ngoài cơ thể.

Flavonoid trong kim tiền thảo cũng giúp giảm nồng độ của các yếu tố hình thành sỏi như oxalat, canxi, cystein, giúp kiềm hóa nước tiểu, hòa tan sỏi, ngăn sự lắng đọng.

Bên cạnh đó, kim tiền thảo còn chứa hoạt chất soyasaponin I có khả năng ức chế sự hình thành sỏi canxi oxalat ở thận.

Kim tiền thảo trị sỏi thận hiệu quả
Kim tiền thảo trị sỏi thận hiệu quả

3.2. Kim tiền thảo có tác dụng kháng khuẩn

Ngoài tác dụng lợi tiểu, bào mòn sỏi, các hoạt chất trong kim tiền thảo còn có khả năng kháng khuẩn. Điều này cũng có lợi trong trường hợp người bệnh bị sỏi thận do việc tắc nghẽn đường tiểu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sôi nảy nở của rất nhiều loại vi khuẩn gây hại bên trong. 

3.3. Tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ chức năng thận

Kim tiền thảo ngăn cản sự hình thành của các hợp chất oxy hóa, tăng tác dụng các chất chống oxy hóa nội sinh bên trong thận, giúp bảo vệ thận.

Bên cạnh các tác dụng trong việc điều trị sỏi tiết niệu, sỏi thận, kim tiền thảo còn có tác dụng trong việc hạ huyết áp, điều trị sỏi mật.

4. Các bài thuốc kim tiền thảo trị sỏi thận, sỏi bàng quang

Bài thuốc 1: Kim tiền thảo 30 gam, hạt mã đề 15 gam, dừa nước 15 gam, kim ngân hoa 15 gam. Sắc uống, trị sỏi thận, sỏi bàng quang, viêm đường tiết niệu

Bài thuốc 2: Kim tiền thảo 25 gam, râu mèo 15 gam, đồng quỳ tử (quả cây cối xay) 15 gam, xuyên phá thạch 15 gam, hoạt thạch 15 gam, ngưu tất 12 gam, sắc uống, giúp chữa sỏi đường tiết niệu.

Bài thuốc 3: Kim tiền thảo 30 gam, xa tiền tử 15 gam, ngưu tất 12 gam, thanh bì 10 gam, ô dược 10 gam, đào nhân 10 gam. Sắc uống giúp trị sỏi đường tiết niệu ( sỏi thận, sỏi bàng quang ), tiểu buốt, kèm táo bón.

Bài thuốc 4: Kim tiền thảo 30 gam, xa tiền tử 20 gam, tỳ giải 20 gam, hoạt thạch 20 gam, sinh địa 9 gam, đan sâm 9 gam, tục đoạn 9 gam. Sắc uống giúp trị sỏi đường tiết niệu, tiểu ít, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu.

Bài thuốc 5: Kim tiền thảo 40 gam, xa tiền thảo 20 gam, tỳ giải 20 gam, trạch tả 12 gam, uất kim 12 gam, kê nội kim 8 gam. Sắc uống giúp trị sỏi bàng quang, sỏi thận, các tình trạng tiểu đục, tiểu buốt.

Bài thuốc 6: Kim tiền thảo 16 gam, ké đầu ngựa 16 gam, cối xay 16 gam, rễ cỏ xước 16 gam, đinh lăng (rễ) 16 gam, rễ cỏ tranh 16 gam, mã đề 16 gam, thổ phục linh 16 gam, vỏ bí ngò 16 gam, mộc thông 10 gam. Sắc uống giúp trị sỏi thận, sỏi tiết niệu, sỏi bàng quang 

5. Lưu ý khi sử dụng kim tiền thảo 

  • Mặc dù kim tiền thảo có nhiều lợi ích trong điều trị sỏi thận, sỏi bàng quang nhưng chỉ có tác dụng với việc điều trị sỏi nhỏ. Nếu sỏi lớn, việc áp dụng các bài thuốc trên sẽ không có hiệu quả như mong muốn.
  • Cần lưu ý khi sử dụng kim tiền thảo cho các đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, trẻ nhỏ. Xin ý kiến của bác sĩ để chắc chắn hơn trong việc sử dụng. 
  • Người bị đau dạ dày nên uống kim tiền thảo khi bụng no
  • Người hay bị tiêu chảy, tỳ hư không nên sử dụng kim tiền thảo.

Lời kết: 

Trên đây là một số bài thuốc có kim tiền thảo trị sỏi thận, sỏi bàng quang. Dược liệu nào ngoài các lợi ích nó mang lại cũng tiềm ẩn những tác dụng phụ. Do đó cần biết rõ bệnh tình và các thông tin liên quan đến kim tiền thảo để sử dụng an toàn. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nhắn Messenger
Nhắn tin Messenger
Chat Zalo
Chat Zalo
Gọi với Dược sĩ
gọi với dược sĩ