Người bị gout có nên ăn cá hồi không? – Người bị gout hẳn rất quen thuộc với những lời khuyên không được ăn hải sản, đây gần như là câu cửa miệng của mọi người. Vậy người bị gout có thể ăn cá được không hay phải kiêng hoàn toàn tất cả các loại cá, bao gồm cả cá hồi. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết để bạn có thể lựa chọn những loại thực phẩm phù hợp nhất.
1. Những chất dinh dưỡng và lợi ích của cá hồi
Cá hồi cung cấp nhiều giá trị dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy các giá trị này có sự chênh lệch giữa các loại giống như cá hồi nuôi chứa nhiều chất béo và calo lành mạnh hơn, còn cá hồi đánh bắt tự nhiên sẽ có hàm lượng protein cao hơn.
Nhưng các thành phần dinh dưỡng hầu như giống nhau, trong một phần cá hồi sẽ chứa nhiều vitamin B12, vitamin B6, selen, niacin, axit pantothenic, phốt pho, axit béo, omega 3,… Từ những chất dinh dưỡng này mà cá hồi có các công dụng nổi bật sau:
Bảo vệ xương và cơ: Cá hồi chứa một lượng lớn protein và vitamin D, cung cấp 22-25 gram protein trên mỗi khẩu phần ăn 100 gram. Từ đó, giúp cơ thể phục hồi nhanh sau chấn thương, giúp duy trì khối cơ bắp trong quá trình giảm cân và bảo vệ sức khỏe của xương.
Bảo vệ sức khỏe tim: Trong cá hồi chứa nhiều axit béo omega-3, giúp làm tăng nồng độ omega-3 trong máu giúp phòng ngừa các nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, omega-3 cũng giảm thiểu các triệu chứng lo lắng, trầm cảm.
Giảm viêm: Do có hàm lượng cao các loại vitamin B12, B6, Niacin, Axit pantothenic,… giúp sản xuất nhiều năng lượng, kiểm soát tốt tình trạng viêm.
Bảo vệ sức khỏe não bộ: Ăn cá hồi thường xuyên giúp bảo vệ sức khỏe não bộ của thai nhi trong thai kỳ và giảm 10% nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, đồng thời cải thiện hiệu suất của trí nhớ và thúc đẩy các chức năng của não, bảo vệ cấu trúc não.
2. Người bị gout có nên ăn cá hồi không?
Người bị gout có nên ăn cá hồi không khi cá hồi là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng cho cơ thể như đã liệt kê ở trên? Câu trả lời là bạn không nên chạm vào cá hồi hoặc cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa nó vào thực đơn để tránh bệnh tình càng trở nên tồi tệ hơn.
Vì tuy cá hồi có tác dụng làm giảm tình trạng viêm, nhưng tác dụng này không đáng kể đối với người bị bệnh gout. Ngược lại, cá hồi nằm trong nhóm thực phẩm có hàm lượng purin cao, lượng purin mà nó cung cấp có thể khiến bệnh gout bùng phát dữ dội, do làm cho tăng acid uric máu. Điều này khiến cho bệnh gout có nguy cơ bị mất kiểm soát theo chiều hướng xấu.
Nếu như bạn vẫn muốn ăn cá hồi, thì hãy xem xét bản thân đang ở trong trường hợp nào sau đây để cân nhắc có nên dùng hay không:
- Trong trường hợp nồng độ axit uric trong máu đang ở mức cao vừa phải và đang kiểm soát tốt thì bạn có thể ăn thấp hơn 50 gram cá hồi/ ngày và không nên ăn thường xuyên, lưu ý rằng không được ăn lúc đói.
- Trong trường hợp bạn đang có nồng độ axit uric rất cao, vượt ngưỡng kiểm soát thì cần kiêng tuyệt đối.
3. Những loại cá người bệnh gout có thể ăn và không thể ăn
Về cơ bản, để bạn biết những thực phẩm nào mà bệnh nhân bị gout có thể ăn thì hãy xem hàm lượng purin của chúng cao hay thấp.
Một loại thực phẩm được gọi là có hàm lượng purin cao khi nó có từ 150 – 825 miligam purin/100gr thực phẩm, và được gọi là có hàm lượng purin trung bình – thấp khi nó có từ 0 đến 150 miligam/100gr thực phẩm.
Nhìn chung, người bị gout được khuyến khích chọn ăn những loại thực phẩm chứa hàm lượng purin thấp, có thể ăn những loại chứa hàm lượng purin trung bình nhưng cần hạn chế và có liều lượng phù hợp. Và đặc biệt người bệnh cần tuyệt đối kiêng loại thực phẩm có lượng purin cao.
Những loại cá người bị gout có thể ăn: Tuy người bị bệnh gout cần kiêng ăn những thực phẩm giàu purin như hải sản bao gồm các món tôm, cua, cá vì cơ thể sẽ phân hủy purin thành axit uric. Nhưng không phải tất cả loại cá đều có hàm lượng purin cao gây ảnh hưởng xấu đến bệnh, người bệnh có thể lựa các loại cá có lượng purin thấp sau đây để làm phong phú thêm bữa ăn của mình: Cá bơn, cá ngừ, cá hồng, cá rô phi, cá thịt trắng,…
Những thành phần dinh dưỡng trong các loại cá này cũng có nhiều lợi ích cho sức khỏe của bạn như tốt cho não, tim mạch,… mà không ảnh hưởng quá nhiều đến bệnh tình. Đặc biệt cần lưu ý rằng tuy người bị gout có thể dùng các loại cá trên, nhưng không đồng nghĩa với việc có thể ăn chúng một cách thoải mái, chỉ được ăn ở mức ít hoặc vừa phải, và ăn tối đa 2 lần/ tuần nếu bạn không tiêu thụ các thực phẩm giàu purin khác.
Những loại cá người bị gout nên kiêng: Sau đây là những loại cá bạn nên tránh ăn để bệnh gout có thể được kiểm soát tốt hơn: Cá cơm, cá thu, cá trích, cá mòi, cá tuyết, … Những loại đóng hộp chế biến sẵn cũng không được sử dụng.
4. Những lưu ý khi ăn cá đối với người bị bệnh gout
Đối với người bị gout, chế độ ăn uống càng ít dầu mỡ càng tốt, vì chất béo dư thừa có thể kích thích thận giữ lại axit uric dẫn đến bùng phát các triệu chứng của bệnh gout. Do đó, hãy hạn chế ăn các món cá chiên ngập dầu hoặc tẩm bột, mà thay vào đó hãy chọn các món cá nướng hoặc luộc với dầu ô liu hay dầu hạt cải.
Đồng thời để ổn định lượng natri trong cơ thể, đảm bảo chúng không vượt quá mức quy định, hãy nấu cá chung với các loại thảo mộc, chanh tươi vắt thay vì muối hoặc hỗn hợp gia vị có hàm lượng natri cao.
Vì lượng cá bạn ăn là có giới hạn, do đó để tránh trường hợp ăn quá nhiều, bạn nên có nhật ký ghi chú lại thời điểm bạn ăn các món cá và khẩu phần của chúng. Bạn cũng có thể ghi chú lượng thức ăn giàu protein hay purin khác để kịp thời điều chỉnh nhằm không ăn quá hàm lượng cho phép.
Bên cạnh đó, khi cá nằm trong bữa ăn của bạn, bạn càng nên thận trọng trong vấn đề bệnh gout nên ăn gì vì bình thường nếu như bạn ăn nhầm các loại thực phẩm tác động xấu đến bệnh, các cơn gout cấp có thể chưa bùng phát ngay và bạn có thể kịp thời điều chỉnh làm giảm lượng axit uric có trong cơ thể. Tuy nhiên, khi bạn ăn chúng kết hợp với cá sẽ có nguy cơ cao xuất hiện các cơn gout cấp.
Để có thể ăn cá mà không bị ảnh hưởng nhiều đến bệnh tình, thì trong bữa ăn người bị bệnh gout nên ăn kèm các loại thực phẩm có ít purin như các loại hạt, trái cây, rau củ quả,…
Bên cạnh việc quan tâm đến chế độ ăn uống, hãy tập thể dục thường xuyên, có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya và căng thẳng cũng như tuân thủ chỉ định dùng thuốc trị gout của bác sĩ, đặc biệt là ở những người đang ở tình trạng bệnh nặng để nhanh chóng cải thiện các triệu chứng của gout.
Lời kết
Câu trả lời cho câu hỏi “bị gout có nên ăn cá hồi không?” đã được giải đáp ở trong bài viết trên. Kèm theo đó, nội dung cũng đã đề cập đến các loại cá mà người bị bệnh gout có thể ăn và không thể ăn, cùng một số lưu ý khác mà bạn cần biết để tránh tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Hy vọng qua sự chia sẻ chi tiết trên đây, bạn đã có cái nhìn toàn diện và khách quan để giải quyết vấn đề của mình.
Xem thêm nội dung về bệnh gout:
Người bệnh gout có được ăn trứng không? Ý kiến của chuyên gia
Thực hư cách dùng nước cam, nước chanh chữa bệnh gout