Trong quá trình điều trị viêm họng cấp, nếu người bệnh chủ quan không dùng thuốc hết liều hay uống thuốc nhưng vẫn giữ các thói quen sinh hoạt xấu khiến bệnh trở nên dai dẳng, khó lành sẽ dẫn đến viêm họng mãn tính. Đây là căn bệnh ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của mọi người và đặc biệt nguy hại với trẻ em hoặc người lớn tuổi.
1. Thế nào là viêm họng mãn tính?
Viêm họng mãn tính là tình trạng cổ họng, hầu bị sưng, viêm, đỏ và rát kéo dài trong thời gian từ 7-10 ngày trở lên mà không có dấu hiệu thuyên giảm. Đây là do bệnh lý viêm họng cấp tính tái phát lại nhiều lần do không điều trị kịp thời hoặc không tương thích với các loại thuốc điều trị. Bệnh thường kéo dài dễ tái phát và khó điều trị hơn so với các bệnh viêm họng thông thường.
Bệnh lý viêm họng mãn tính cũng được chia làm 4 loại chính dựa trên những vùng trong họng bị sưng, viêm và tổn thương:
- Viêm họng sung huyết: vùng niêm mạc họng đỏ, nhiều mạch máu nổi lên.
- Viêm họng xuất tiết: do vùng niêm mạc họng bị sung huyết đỏ và có nhiều chất dịch nhầy màu trắng.
- Viêm họng hạt: vùng niêm mạc họng đỏ, dày lên và xuất hiện nhiều các khu vực bạch huyết ở trong họng.
- Viêm họng teo: do vùng niêm mạc bị khô, mỏng và teo dần, các chất nhầy trong niêm mạc cũng không tiết ra làm cho họng bị đóng vảy và khô.
2. Nguyên nhân gây nên viêm họng mãn tính
2.1. Viêm họng cấp tính không được điều trị dứt điểm
Bệnh viêm họng cấp tính do virus và vi khuẩn gây nên khiến cho niêm mạc họng bị tổn thương nặng nề nếu như không được uống thuốc, điều trị kịp thời trong thời gian từ 5-7 ngày thì sẽ gây nên bệnh. Các triệu chứng của viêm họng cấp tính như: ngứa, rát, đau đớn ở cổ họng, long đờm,… sẽ tiếp tục xuất hiện với cường độ nhiều và trở nên nặng hơn khiến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh bị suy giảm.
2.2. Do viêm nhiễm
Có rất nhiều nhóm vi khuẩn, virus ở khu vực hầu họng gây ra các bệnh lý ở khoang tai-mũi-họng. Bệnh viêm họng mãn tính có thể xảy ra do sự nhiễm trùng với tác nhân chính là vi khuẩn Streptococcus hoặc các nhóm liên cầu khuẩn có trong họng.
2.3. Khói bụi, ô nhiễm không khí gây nên viêm họng mãn tính
Việc phải hít thở nhiều khói bụi độc hại, ô nhiễm đến từ các phương tiện giao thông, nhà máy công nghiệp, trên đường phố,… và đặc biệt là khói thuốc lá sẽ gây nên các căn bệnh ở vùng họng trong đó có viêm họng mãn tính. Đặc biệt khi sống lâu dài trong môi trường có không khí ô nhiễm sẽ gây các tổn thương ở vùng phổi.
2.4. Viêm xoang mãn tính
Viêm xoang mãn tính và viêm họng mãn tính có mối quan hệ vô cùng chặt chẽ với nhau. Người bị viêm xoang lâu ngày rất dễ bị viêm họng mãn tính, bởi lẽ các dịch nhầy xuất tiết trong mũi sẽ bị chảy xuống vùng họng, khiến cho các niêm mạc bị kích thích, sưng viêm và tấy đỏ. Dịch nhầy này sẽ bao phủ lấy vùng niêm mạc trong thời gian dài mà không bị xử lý sẽ gây bệnh.
2.5. Trào ngược dạ dày làm tổn thương họng
Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên bênh viêm họng mãn tính. Khi bị trào ngược dạ dày, các axit tiêu hóa trong dạ dày sẽ trào lên vùng cổ họng và khiến cho vùng niêm mạc và các khu vực khác bị ăn mòn, tổn thương gây nên tình trạng sưng, viêm.
Ngoài ra bệnh còn do một số nguyên nhân như: do cơ địa bị dị ứng, tắc mũi mãn tính vẹo vách ngăn, viêm thực quản bạch hầu,…
3. Các triệu chứng của bệnh
Các triệu chứng của bệnh thường kéo dài dai dẳng, trong vòng từ 10 ngày trở lên. Một số triệu chứng thường gặp khi bị viêm họng mãn tính:
- Cổ họng bị đau rát, họng luôn có cảm giác khó chịu.
- Khó nuốt đồ ăn hay đồ uống vì cảm thấy đau đớn.
- Đau đầu, chảy nước mũi nhiều và kích thích đờm nhiều trong cổ họng.
- Thường xuyên có những cơn ho kéo dài và phải khạc đờm liên tục.
- Khô họng, cảm giác cổ họng luôn bị ngứa và vướng họng.
- Nóng rát ở vùng ngực, thường xuyên ợ hơi và ợ chua. Đây là biểu hiện của người bị trào ngược dạ dày dẫn đến viêm họng cấp.
- Miệng đắng, ăn không ngon, tai ù và hôi miệng.
4. Viêm họng mãn tính được chẩn đoán như thế nào?
Viêm họng mãn tính là tình trạng bệnh kéo dài suốt nhiều tuần, việc chẩn đoán viêm họng mãn tính chủ yếu là chẩn đoán nguyên nhân gây ra tình trạng này, bao gồm các bước:
Khám lâm sàng: Bác sĩ tiến hành hỏi về thời điểm bắt đầu có các triệu chứng đau họng, viêm họng, mức độ ho, có đờm hay không, quan sát sự biến đổi của vùng hầu họng bệnh nhân, ghi nhận lại các thay đổi về màu sắc niêm mạc, kích thước amidan, các hạch lympho vùng hầu họng để bước đầu chẩn đoán sơ bộ bệnh nhân có bị viêm họng hay không.
Các xét nghiệm khác: Các xét nghiệm được chỉ định thêm để đánh giá mức độ ảnh hưởng của viêm họng mãn tính đến cơ thể, một số xét nghiệm thường dùng trong chẩn đoán viêm họng mãn tính là:
- Xét nghiệm công thức máu, thường dùng trong trường hợp viêm do liên cầu khuẩn.
- CT-Scan cổ, X-quang phổi, phim Blondeau, phim Hirtz.
- Nội soi thanh quản, thực quản, dạ dày.
5. Viêm họng mãn tính được điều trị như thế nào?
Việc điều trị viêm họng như thế nào trước tiên phải xác định đúng nguyên nhân gây ra tình trạng này. Các phương pháp điều trị thường dùng trong điều trị viêm họng mãn tính bao gồm:
5.1. Chăm sóc tại nhà
Thực hiện bảo vệ tốt sức khoẻ của hầu họng, ngăn chặn tiếp xúc với các yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng của bệnh. Một số cách thường được khuyến cáo áp dụng:
- Uống nhiều nước mỗi ngày, ưu tiên sử dụng nước ấm, tránh uống nước lạnh, rượu bia, cà phê, nước ngọt có gas.
- Giữ ấm cơ thể, hạn chế sử dụng máy lạnh nhiệt độ thấp trong thời gian bị viêm họng.
- Thường xuyên dùng nước muối sinh lý để rửa sạch vùng hầu họng, tránh tiếp xúc với các dị nguyên gây viêm họng.
5.2. Dùng thuốc điều trị
Việc chỉ định sử dụng thuốc nào phải phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng viêm họng mãn tính. Cần đến cơ sở y tế thăm khám để có chẩn đoán chính xác và nhận được đơn thuốc cụ thể. Một số nhóm thuốc thường dùng trong trường hợp viêm họng mãn tính như: tinh dầu sát khuẩn đường hô hấp, thuốc điều trị triệu chứng ho, sốt, kháng sinh, các thuốc kháng viêm,…
Xem thêm: Top 10 loại kẹo ngậm ho tốt được bán nhiều tại các nhà thuốc
6. Phòng ngừa viêm họng mãn tính
Bệnh viêm họng mãn tính hoàn toàn có thể phòng ngừa dễ dàng bằng những biện pháp đơn giản trong cuộc sống thường ngày:
- Giữ vệ sinh răng miệng luôn sạch sẽ, đánh răng sạch sau khi ăn và đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày.
- Không hút thuốc lá và hạn chế sử dụng các loại đồ uống có các chất kích thích như rượu, bia,…
- Luôn luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là khi đến những nơi công cộng, đông người. Khi tham gia giao thông cũng cần đeo khẩu trang để hạn chế khói bụi ô nhiễm.
- Tránh ăn các thức ăn quá lạnh hoặc quá nóng sẽ gây ảnh hưởng đến vùng họng, làm cho họng dễ bị tổn thương như uống nhiều nước đá vào mùa hè, ăn nhiều đồ ăn cay nóng,…
- Bổ sung nhiều vitamin nhóm C, chất kẽm, chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Giữ ấm cho cơ thể và đặc biệt là vùng họng vào mùa đông, vào thời điểm giao mùa để tránh bị viêm họng cấp dẫn đến viêm họng mãn tính.
- Tập hít thở sâu hàng ngày trong môi trường trong lành để cho vòm họng và phổi được khỏe mạnh.
Lời kết
Hiểu rõ tình trạng sức khỏe bản thân và hiểu về viêm họng mãn tính sẽ giúp bạn bảo vệ được sức khỏe của chính mình và gia đình tránh khỏi sự tấn công của bệnh tật. Hãy luôn giữ cho mình một chế độ sinh hoạt khoa học và chế độ dinh dưỡng hợp lý, giữ ấm cổ họng đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa.
Bạn đang lo lắng về tình trạng ho, đau họng. Hãy đặt câu hỏi cho dược sĩ ngay hoặc gọi số Hotline: 19007061 để được nhận tư vấn MIỄM PHÍ.
Xem thêm bài viết có nội dung liên quan
Bị viêm họng uống thuốc gì? cách chữa viêm họng hiệu quả
Top 8 loại kẹo ngậm đau họng chiết xuất thảo dược an toàn hiệu quả