Sỏi thận có thể được tạo thành bởi nhiều lý do và dù nguyên nhân sỏi thận là gì thì sự ảnh hưởng của nó đến sức khỏe là không hề nhỏ. Vậy những vấn đề có thể làm sỏi tạo thành bên trong thận là gì?
1. Sỏi thận là gì
Thận là cơ quan của hệ tiết niệu gồm hai cơ quan có hình dạng như hạt đậu. Kích thước mỗi quả thận khoảng bằng một nắm tay. Hai quả thận này nằm bên dưới khung xương sườn, hai bên cột sống.
Thận có vai trò lọc máu, loại bỏ chất thải và nước dư thừa tạo thành nước tiểu. Bên cạnh có nhiệm vụ trong việc đào thải nước tiểu, thận còn có vai trò trong việc điều hòa huyết áp, tiết calcitriol – Vitamin D dạng hoạt động giúp tăng cường hấp thu canxi từ thức ăn giúp chắc xương, tiết erythropoietin có vai trò trong việc tạo máu….
Sỏi thận hình thành khi nước tiểu đậm đặc, chứa nồng độ cao các khoáng chất và các chất khác như canxi, oxalat và axit uric, các chất này kết hợp với nhau tạo thành các tinh thể. Các tinh thể lại dính với nhau và dần tăng kích thước tạo thành sỏi. Nếu như cơ thể thiếu nước, nước tiểu không đủ hay cơ thể thiếu đi các chất hóa học tự nhiên phá bỏ các chất rắn này, quá trình tạo ra sỏi thận rất dễ hình thành.
Nếu sỏi có kích thước nhỏ, nó có thể theo dòng nước tiểu đi ra bên ngoài mà không có bất kỳ một tác động nào lên cơ thể. Khi sỏi dần lớn, nó có khả năng chặn dòng nước tiểu làm tổn thương thận và các cơ quan khác ở hệ tiết niệu. Cơn đau khi mắc sỏi thận cũng gây ảnh hưởng rất lớn. Nhiều người nói rằng đau do sỏi thận như một cơn đau khi sinh đẻ.
Tỷ lệ người mắc sỏi thận có xu hướng tăng. Người ta ước tính rằng cứ mười người thì có một người mắc phải sỏi thận.
2. Các dạng sỏi thận
Có nhiều loại sỏi thận, các loại sỏi khác nhau được tạo thành từ các chất khác nhau. Các bác sĩ thường sẽ yêu cầu xét nghiệm nước tiểu của bạn để biết được đây là loại sỏi gì, từ đó tìm ra nguyên nhân và có cách điều trị hợp lý.
Các loại sỏi thận bao gồm:
2.1. Sỏi canxi oxalat
Hầu hết các loại sỏi được hình thành là sỏi canxi và canxi oxalat là một trong hai loại thường gặp.Oxalat là chất được tạo ra hàng ngày bởi gan. Một số loại trái cây, rau củ, các loại hạt, chocolate cũng có chứa chất này. Ăn nhiều các loại thực phẩm này sẽ làm tăng oxalat trong cơ thể.
Ngoài ra nồng độ oxalat cao có thể do nguyên nhân sử dụng vitamin D liều cao, phẫu thuật cắt bỏ ruột và một số rối loạn chuyển hóa khác
2.2. Sỏi canxi phosphat
Sỏi canxi phosphat có nhiều ở những người có vấn đề về tình trạng trao đổi chất như nhiễm toan ống thận ( khi thận không còn khả năng duy trì sự cân bằng acid trong máu) hoặc những người dùng thuốc thuốc điều trị đau nửa đầu, co giật.
2.3. Sỏi struvite
Loại sỏi này có thể hình thành khi mắc nhiễm trùng đường tiểu. Vi khuẩn gây nhiễm trùng làm cho amoniac tích tụ trong nước tiểu dẫn tới hình thành sỏi.
2.4. Sỏi axit uric
Loại sỏi này xuất hiện ở những người mất nhiều nước do quá trình tiêu chảy mãn tính hoặc hấp thu thức ăn kém, chế độ ăn nhiều base purin, mắc bệnh tiểu đường hoặc hội chứng chuyển hóa. Một số yếu tố di truyền nhất định cũng có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi axit uric.
2.5. Sỏi cystein
Sỏi cystein hiếm gặp được hình thành khi thận rò rỉ quá nhiều acid amin cystein vào trong nước tiểu. Vấn đề này thường xảy ra ở những người có rối loạn di truyền gọi là cystin niệu.
3. Nguyên nhân sỏi thận
Có nhiều vấn đề là nguyên nhân sỏi thận. Dưới đây là 9 nguyên nhân được biết đến nhiều nhất.
3.1. Thiếu nước
Khoảng 70% trọng lượng cơ thể là nước và mọi bộ phận của cơ thể đều cần nước để hoạt động bình thường. Mất nước có thể xảy ra do các nguyên nhân như tiêu chảy, nôn mửa, đổ mồ hôi hoặc mất nước qua nước tiểu như ở người bị bệnh tiểu đường kiểm soát kém.
Mất nước nhẹ có thể chỉ khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi nhưng khi mất quá nhiều nước thận sẽ bị tổn thương. Mất nước làm tích tụ các chất thải và axit bên trong có thể, đồng thời có thể làm tắc nghẽn thận bằng các protein cơ.
Thiếu nước là nguyên nhân sỏi thận khá phổ biến. Nước tiểu đậm đặc là điều kiện cho sự tạo thành các tinh thể và thuận lợi cho chúng kết dính lại với nhau tạo sỏi.
Bên cạnh đó việc mất nước còn có thể dẫn đến các nguyên nhân bệnh lý khác như nhiễm trùng đường tiểu.
Biểu hiện sẽ thấy của việc thiếu nước là nước tiểu sẫm màu vàng đậm hoặc nâu trong khi nước tiểu bình thường vàng nhạt hoặc trong suốt.
Nếu từng bị sỏi thận, bạn nên uống 8 cốc nước mỗi ngày ( khoảng 250ml mỗi cốc ). Do đó hãy đặt mục tiêu uống 10 cốc nước mỗi ngày để trừ hao nước còn mất đi qua mà mồ hôi và hơi thở.
3.2. Chế độ ăn
Chế độ ăn không hợp lý cũng là một trong những nguyên nhân sỏi thận. Loại sỏi phổ biến nhất là do canxi và oxalat kết dính với nhau trong nước tiểu. Oxalate có trong nhiều loại thực phẩm và rau quả tốt cho sức khỏe. Bạn có thể cần hạn chế các loại thực phẩm chứa hàm lượng cao oxalate nếu từng mắc sỏi thận thuộc loại này. Một vài loại thực phẩm chứa nhiều oxalat như:
- Rau bina
- cây đại hoàng
- Cám lúa mì
- Củ cải đường
- Chocolate
- …
Có nhiều nguồn thông tin cho rằng uống nhiều sữa sẽ dễ bị sỏi thận, điều này là không đúng. Nếu sử dụng thực phẩm giàu canxi ( sữa hay phô mai) cùng với các thực phẩm chứa oxalat sẽ giúp hạn chế việc oxalat tạo sỏi. Do hai chất này sẽ liên kết với nhau trong ruột và thải qua con đường khác thay vì thận, do đó sỏi không được tạo thành.
Bên cạnh đồ ăn thì cần tránh các loại thức uống như soda, nước có ga. Nếu uống nhiều hơn 2 lon nước ngọt mỗi ngày, nguy cơ bị sỏi thận của bạn cũng cao hơn.
3.3. Ăn mặn
Ăn mặn hay ăn nhiều muối đồng nghĩa với việc bổ sung một lượng natri lớn. Điều này làm tăng lượng canxi trong nước tiểu. Sau bữa ăn bất kỳ oxalat dư thừa nào cũng sẽ dễ dàng dính với canxi trong thận, dẫn đến tạo sỏi.
Ăn mặn được biết đến là một nguyên nhân gây tăng huyết áp, nguyên nhân sỏi thận. Người ta cũng đã phát hiện ra rằng những người bị cao huyết áp có nhiều khả năng bị sỏi thận hơn.
Việc giảm lượng muối ăn mang lại lợi ích không chỉ đối với huyết áp mà còn làm giảm sự tạo thành sỏi thận.
Hạn chế muối trong bữa ăn, nêm nếm lại gia vị, tránh các loại thức ăn sẵn như thực phẩm đóng hộp, mì ăn liền,…..
3.4. Đạm động vật
Sỏi axit uric là một trong các loại sỏi thận có thể tạo thành. thịt động vật đặc biệt là các loại thịt đỏ chứa nhiều base purin nên khả năng tạo axit uric lớn. Ngoài việc tạo thành sỏi nó còn tích tụ trong các khớp và gây bệnh gout.
Protein động vật cũng làm tăng mức canxi trong nước tiểu và giảm lượng citrat, cả hai tình trạng này đều tăng tạo sỏi.
3.5. Trì hoãn việc đi tiểu
Nhịn tiểu là nguyên nhân sỏi thận thường gặp nhất. Nếu bạn là người có thói quen nhịn tiểu thường xuyên thì bạn cần bỏ ngay thói quen này. Việc nhịn tiểu khiến các chất ở lại lâu trong thận và bàng quang, dẫn đến dễ kết tinh tạo sỏi.
Bên cạnh đó nước tiểu tồn tại lâu là điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi nảy nở làm bạn có thể mắc các bệnh như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm bàng quang.
3.6. Các vấn đề tại ruột
Sỏi thận là một vấn đề bệnh lý tại thận khá phổ biến ở những đối tượng mắc các bệnh lý đường ruột như viêm loét đại tràng hay bệnh Crohn.
Các vấn đề ở đường ruột có thể tạo ra tình trạng tiêu chảy và làm mất nước qua con đường này, vì vậy lượng nước tiểu giảm đi. Cơ thể có thể hấp thụ thêm oxalat từ ruột và chúng đi vào nước tiểu. Sỏi thận từ đó tạo ra dễ hơn.
3.7. Béo phì
Béo phì có thể nói là yếu tố nguy cơ và là nguyên nhân sâu xa dẫn đến mắc phải các bệnh lý. Nguy cơ sỏi thận tăng gấp đôi khi bạn bị béo phì. Đặc biệt là khi BMI của bạn lớn hơn 30.
Béo phì có liên quan đến tình trạng kháng insulin và tăng insulin bù trừ, mất cân bằng trao đổi chất có thể dẫn đến hình thành sỏi thận chứa canxi.
Tăng insulin máu có thể góp phần vào sự phát triển của sỏi canxi bằng cách tăng bài tiết canxi qua nước tiểu. Kích thước cơ thể lớn hơn có thể dẫn đến tăng bài tiết axit uric và oxalat qua nước tiểu, các yếu tố này gây sỏi thận oxalat canxi.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là những người béo phì có xu hướng ăn nhiều muối và protein động vật hơn do đó khả năng tạo sỏi nhiều hơn
3.8. Một số bệnh lý là nguyên nhân sỏi thận
- Bệnh thận xốp tủy: Dị tật bẩm sinh khiến u nang hình thành trong thận
- Bệnh Gout: Axit uric tích tụ nhiều trong máu và hình thành các tinh thể tại khớp và thận. Sỏi thận có thể rất lớn và rất đau.
- Đái tháo đường tuýp 2: Làm nước tiểu có tính axit hơn, kích thích tạo sỏi.
- Cường cận giáp: Nhiều hormon được tuyến cận giáp tiết ra, làm tăng nồng độ canxi trong máu và trong nước tiểu.
- Nhiễm toan ống thận: Bệnh lý này gây tích tụ axit trong cơ thể nên nó có thể là nguyên nhân sỏi thận.
- Hội chứng chuyển hóa: Làm tăng bài tiết canxi, urat, axit uric và oxalat và giảm bài tiết citrate trong nước tiểu
3.9. Thuốc
Một số thuốc có thể là nguyên nhân gây sỏi thận như:
- Một vài loại kháng sinh, như ciprofloxacin hay kháng sinh nhóm sulfonamide
- Thuốc trị HIV hay AIDs
- Một vài thuốc lợi tiểu trong điều trị huyết áp
4. Ngăn chặn sỏi thận bằng cách hình thành những thói quen này
Sỏi thận hình thành bởi nhiều nguyên nhân và những nguyên nhân sỏi thận kể trên có liên quan mật thiết đến các thói quen trong sinh hoạt của mỗi người. Thay đổi một số thói quen dưới đây để ngăn chặn sự tạo thành của sỏi thận:
- Uống nhiều nước
- Uống các thức uống lành mạnh như nước dừa hay nước chanh
- Ăn ít thịt đỏ
- Giảm lượng muối sử dụng
- Hạn chế đường
- Tiêu thụ thực phẩm nhiều canxi
- Hạn chế hải sản
- Hạn chế đồ ăn liền, thức ăn đóng hộp hay chế biến sẵn
- Tập thể dục thường xuyên
- Duy trì cân nặng ổn định
- Tránh ăn tối muộn
- Không nhịn tiểu quá lâu
- Tránh nước ngọt, rượu, thuốc lá
Lời kết:
Trên đây là các nguyên nhân sỏi thận thường được biết đến và một số thói quen trong sinh hoạt mà bạn có thể thay đổi để ngăn chặn sự hình thành và phát triển của sỏi thận. Thay đổi từ những điều đơn giản để giúp bạn khỏe hơn mỗi ngày.
Nếu còn có bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ đến số hotline 19007061 hoặc điền vào form bên dưới để được các dược sĩ tư vấn miễn phí.
3.9. Thuốc