Đái tháo đường hay tiểu đường tuýp 2 là một căn bệnh liên quan đến hệ nội tiết, không lây nhiễm với con số mắc bệnh ngày càng gia tăng một cách chóng mặt với nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống hàng ngày chiếm vai trò quan trọng ảnh hưởng đến căn bệnh này. Việc hiểu rõ bản chất của tiểu đường tuýp 2 cũng như những nguy cơ biến chứng, cách điều trị và phòng ngừa là điều vô cùng quan trọng và cần thiết để cải thiện tình trạng sức khỏe của bản thân. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn thông tin hữu về căn bệnh đái tháo đường tuýp 2.
1. Tiểu đường type 2 là gì?
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là một căn bệnh mãn tính kéo dài suốt cuộc đời của người bệnh khiến cơ thể không thể sử dụng insulin một cách bình thường (sử dụng insulin không hiệu quả trong cơ thể) hay những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 được cho đó là có tình trạng kháng insulin khiến tình trạng tăng glucose huyết mãn tính gây nên các rối loạn trong chuyển hóa glucid, lipid, protid trong cơ thể và gây tổn thương, biến chứng đến các hệ cơ quan quan trọng như tim mạch, não, thị giác, thần kinh, trên mạch máu,…
Tỷ lệ những người ở độ tuổi trung niên trở lên có khả năng mắc loại bệnh tiểu đường này cao nhất và nó từng được gọi là bệnh tiểu đường khởi phát ở người lớn. Nhưng bệnh tiểu đường tuýp 2 này cũng ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên, chủ yếu là do tình trạng bệnh béo phì ở trẻ nhỏ ngày nay với chế độ dinh dưỡng bất hợp lý và ưa chuộng nhiều loại thức ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ có hại cho sức khỏe và trên hệ tim mạch.
Có nhiều loại bệnh đái tháo đường như đái tháo đường tuýp 1, tuýp 2, đái tháo đường thai kỳ,… trong đó tiểu đường tuýp 2 chiếm tỉ lệ cao nhất. Có khoảng 29 triệu người ở Hoa Kỳ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. 84 triệu người khác bị tiền tiểu đường và có khoảng hơn 3,5 triệu người ở Việt Nam đang sống chung với tiểu đường. Một con số đáng quan ngại cho tình trạng sức khỏe của con người và nhu cầu điều trị và chăm sóc sức khỏe ở các cơ sở y tế trên toàn thế giới.
2. Nguyên nhân gây nên bệnh tiểu đường tuýp 2
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 xảy ra có thể rất nhẹ nhàng mà dường như chúng ta lại bỏ qua nó. Và các nghiên cứu cho thấy trên thế giới có khoảng 8 triệu người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nhưng lại không biết rõ triệu chứng cũng như biết mình đang mắc bệnh. Các triệu chứng đó có thể bao gồm:
- Thường xuyên khát nước, uống nước rất nhiều.
- Đi tiêu, đi tiểu thường xuyên.
- Hay chóng mặt, hoa mắt, giảm sút thị lực.
- Hay nóng nảy, cáu gắt, thay đổi tâm trạng bất thường.
- Hay bị tê, ngứa ran ở hai bàn tay hoặc ở bàn chân.
- Hay mệt mỏi, uể oải, luôn không khỏe trong người.
- Thường xuyên cảm thấy đói bụng và ăn rất nhiều.
- Sụt cân nhiều với chế độ ăn uống bình thường hoặc ăn rất nhiều nhưng vẫn sụt cân.
- Dễ mắc các bệnh viêm nhiễm, nhiễm trùng hơn trước.
- Đặc biệt, nếu nhận thấy bị phát ban sẫm màu quanh vùng cổ hoặc nách, bẹn hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám vì chúng được gọi là acanthosis nigricans và có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang trở nên đề kháng với insulin.
Xem thêm: Người bị tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì để kiểm soát bệnh?
3. Tiểu đường tuýp 2 có nguy hiểm không? biến chứng là gì?
Bệnh tiểu đường tuýp 2 dẫn đến ảnh hưởng đến nhiều cơ quan chính trong cơ thể bao gồm tim, mạch máu, hệ thống thần kinh, mắt và thận. Ngoài ra, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thường cũng là các yếu tố nguy cơ của các bệnh mãn tính nghiêm trọng khác do đó người mắc đái tháo đường tuýp 2 thường dẫn đến mắc các bệnh lý liên quan đi kèm. Nên việc kiểm soát bệnh tiểu đường nói chung và kiểm soát lượng đường trong máu nói riêng đối với người bệnh là điều vô trọng quan trọng và có ý nghĩa trong việc điều trị cũng như cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân, giúp làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng hoặc các bệnh lý kèm theo.
Tim và hệ thống mạch máu là hai nơi đa số bị ảnh hưởng nhiều nhất đối với các bệnh nhân đái tháo đường vì vậy các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tỉ lệ đột quỵ cao gấp 5 lần. Đồng thời, cũng có nguy cơ cao bị các bệnh tắc nghẽn mạch máu (do xơ vữa động mạch) và đau thắt ngực.
Ngoài các biến chứng phổ biến trên tim và hệ thống mạch máu, đái tháo đường còn gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác như:
- Chức năng thận có thể bị suy giảm và tình trạng tồi tệ nhất là cần phải chạy thận hoặc thay thế thận.
- Lượng đường huyết cao có thể làm hư hỏng, tổn thương các mạch máu nhỏ ở phía sau mắt (bệnh võng mạc). Nếu điều này không được điều trị có thể dẫn đến mù lòa.
- Ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh do đo ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể mà hệ thần kinh chi phối dẫn đến rối loạn hệ tiêu hóa, cảm giác ngứa ran hay mất cảm giác ở bàn chân và giảm sút khả năng tình dục.
- Làn da dễ bị tổn thương và các vết thương lâu lành hơn, có thể bị nhiễm trùng.
- Đối với phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai mắc bệnh tiểu đường (đái tháo đường thai kỳ) dễ bị sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh con bị dị tật.
- Có thể mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ dẫn đến thức giấc giữa đêm, mất ngủ,…
- Lượng đường huyết cao có thể ảnh hưởng làm tổn thương thần kinh não bộ của bạn và gia tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn so với người bình thường.
- Những người mắc bệnh tiểu đường thường có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp đôi so với những người không mắc bệnh.
4. Bệnh tiểu đường tuýp 2 có chữa khỏi được không?
Bệnh tiểu đường tuýp 2 nói riêng và đái tháo đường nói chung là các bệnh liên quan đến hệ nội tiết và là căn bệnh mãn tính nghĩa là bạn phải “sống chung với lũ”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có hướng giải quyết và bỏ mặc cho số phận. Việc kiểm soát lượng đường huyết, bảo tồn chức năng các cơ quan đặc biệt là tim, thận, mạch máu,… cũng như giảm tối đa nguy cơ biến chứng của đái tháo đường gây ra là các tiêu chí hàng đầu cần giải quyết hiện nay trong việc điều trị căn bệnh đái tháo đường đối với bệnh nhân. Vì thế, có thể giúp họ cải thiện sức khỏe, chất lượng sống như một người bình thường khỏe mạnh và có thể tham gia bất kỳ hoạt động xã hội nào.
Để giải quyết được các tiêu chí trên thì việc tuân thủ điều trị và áp dụng chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh là do sự nhận thức của bệnh nhân để tạo nên hiệu quả từ phác đồ điều trị của y bác sĩ. Vì thế, nếu trong tâm thế là một người bệnh thì việc an tâm, tin tưởng và tuân thủ dùng thuốc, thay đổi lối sống, chế độ ăn uống của nhân viên y tế là vô cùng cần thiết và quan trọng để quyết định hiệu quả cải thiện sức khỏe tổng thể cũng như kéo dài tuổi thọ của người bệnh,
5. Những đối tượng dễ bị tiểu đường tuýp 2
Các yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 có thể kể đến như:
- Thừa cân, béo phì là một trong những nguy cơ hàng đầu.
- Lối sống lười vận động vì tăng cường hoạt động thể chất giúp kiểm soát tốt cân nặng, cơ thể sử dụng hết glucose làm năng lượng và giúp làm tăng sự nhạy cảm của insulin với các tế bào trong cơ thể.
- Tiền sử gia đình. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 tăng lên nếu cha mẹ hoặc anh chị em, người thân của bạn mắc bệnh.
- Nồng độ lipid huyết cao. Nguy cơ gia tăng mắc bệnh tiểu đường có liên quan đến nồng độ thấp của HDL hay loại cholesterol “tốt” và nồng độ cao của LDL – cholesterol “xấu”.
- Độ tuổi sau 45 tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 tăng lên.
- Tiền tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu của bạn cao hơn bình thường, nhưng vẫn chưa đủ cao để được xếp vào bệnh đái tháo đường. Nếu tình trạng này không được điều trị, tiền tiểu đường thường tiến triển thành bệnh đái tháo đường tuýp 2.
- Rủi ro liên quan đến thai nghén. Nguy cơ phát triển đái tháo đường tuýp 2 tăng lên khi bạn mắc đái tháo đường thai kỳ trong quá trình mang thai hay khi sinh em bé có cân nặng hơn 4kg.
- Mắc hội chứng buồng trứng đa nang (tình trạng phổ biến đặc trưng bởi kinh nguyệt không đều, lông mọc nhiều và béo phì) thường dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
- Vùng nách, cổ hay bẹn thường sẫm màu hay đen hơn thì tình trạng này thường cho thấy tình trạng đề kháng insulin của cơ thể.
6. Cách điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2
Việc quản lý và điều trị căn bệnh tiểu đường tuýp 2 hiện nay bao gồm sự kết hợp giữa thay đổi lối sống và sử dụng thuốc.
6.1. Thay đổi lối sống, chế độ ăn uống sinh hoạt hàng ngày
Hiện nay trong phần lớn các trường hợp nhẹ hay mới mắc thì các phác đồ điều trị cũng ưu tiên hơn cho việc thay đổi lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh sau đó mới sử dụng tới thuốc. Vì thế bạn cần phải tuân thủ những gì bác sĩ yêu cầu để có thể kiểm soát được lượng đường trong cơ thể:
- Việc giảm cân hay cân bằng chỉ số cân nặng có thể có lợi đặc biệt là đối với những đối tượng thừa cân, béo phì, lười vận động. Tuy nhiên, giảm cân ở đây đề cập đến việc cân bằng thể trọng chứ không đồng nghĩa với việc giảm cân quá mức một cách vô tội vạ bằng nhiều cách khác nhau, việc kiểm soát khẩu phần ăn, cân bằng các thành phần dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể sẽ là một cách tốt nhất để duy trì cân nặng ở mức cân bằng.
- Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và hạn chế ăn ít calo hơn bằng cách cắt giảm tinh bột, đồ ngọt thay vào đó là rau xanh và trái cây dành cho người tiểu đường để bổ sung chất xơ và cung cấp các vitamin, khoáng chất,…
- Tăng cường vận động, tập thể dục thường xuyên đều đặn phù hợp với sức khỏe bản thân giúp năng cao thể trạng, điều hòa huyết áp, nhịp tim,… Tránh tập gắng sức vì gây hại cho sức khỏe nhiều hơn là lợi ích.
6.2. Điều trị bằng thuốc
Hiện nay, điều trị đái tháo đường đa số điều trị bằng thuốc hóa dược và đặc biệt phải kết hợp với thay đổi lối sống lành mạnh. Một số thuốc điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2 có thể kể đến:
- Metformin (Fortamet, Glucophage, Glumetza,…) Đây thường là loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 và là loại thuốc hiện diện hầu hết trong các đơn thuốc điều trị đái tháo đường tại Việt Nam. Vì nó giúp làm giảm lượng glucose được tân tạo ở gan đồng thời tăng sự nhạy cảm của insulin đối với cơ thể.
- Sulfonylureas (nhóm SU) giúp kích thích cơ thể tạo ra nhiều insulin hơn giúp làm giảm đường huyết bao gồm glimepiride, glipizide, gliclazide (Diamicron),…
- Nhóm Meglitinides giúp cơ thể bạn tạo ra nhiều insulin hơn và hoạt động nhanh hơn nhóm sulfonylureas bao gồm nateglinide (Starlix), repaglinide (Prandin) từ đó giúp kiểm soát chỉ số đường huyết trong cơ thể.
- Thiazolidinediones (nhóm TZD) giống như metformin, chúng khiến cơ thể nhạy cảm hơn với insulin, bao gồm pioglitazone (Actos), rosiglitazone (Avandia).
- Nhóm thuốc ức chế DPP-4 bao gồm linagliptin, saxagliptin và sitagliptin.
- Nhóm thuốc đồng vận tại thụ thể GLP1 là các thuốc sử dụng bằng đường tiêm dưới da (SC) bao gồm exenatide (Byetta, Bydureon), liraglutide (Victoza) và semaglutide.
- Nhóm thuốc ức chế SGLT2 giúp thận của bạn lọc ra nhiều glucose hơn hay tăng đào thải glucose ra nước tiểu do ức chế tái hấp thu glucose tại ống lượn gần như canagliflozin, dapagliflozin, empagliflozin. Hiện nay, empagliflozin đã được chứng minh hiệu quả trong việc giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do suy tim ở những bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2.
- Insulin thường dùng để điều trị đái tháo đường tuýp 1 tuy nhiên trong một số trường hợp vẫn có thể dùng insulin cho người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Sử dụng trực tiếp Insulin đường tiêm dưới da (SC). Trên thị trường có rất nhiều loại insulin có nguồn gốc khác nhau và thời gian tác động khác nhau tùy vào mục đích hướng đến mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại phù hợp. Một số loại hiện nay có thể kể đến như loại thuốc kéo dài vào ban đêm (insulin detemir (Levemir), glargine (Lantus), degludec,…
Việc sử dụng phối hợp thuốc trong điều trị đái tháo đường nói riêng và các bệnh lý mãn tính nói chung là vô cùng quan trọng góp phần tăng hiệu quả điều trị và cải thiện tiên lượng đối với bệnh nhân. Do đó, tùy vào tình trạng bệnh, tình trạng kiểm soát đường huyết, các biến chứng xảy ra,… mà sẽ được áp dụng các phác đồ điều trị phù hợp đối với từng bệnh nhân theo phác đồ chuẩn của Bộ Y tế.
7. Cần làm gì để giảm nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2
- Việc giảm cân là vô cùng quan trọng đặc biệt đối với những đối tượng thừa cân béo phì. Vì nghiên cứu đã chỉ ra rằng giảm từ 7% đến 10% trọng lượng thì có thể giúp giảm một nửa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
- Tăng cường hoạt động thể chất và tập thể dục thường xuyên và điều độ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe tổng thể, điều hòa huyết áp, nhịp tim, tăng cường sự tuần hoàn máu trong cơ thể. Dù công việc bận rộn đến đâu hãy cố gắng dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để chạy bộ hay tập thể dục sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và các bệnh lý liên quan một cách đáng kể.
- Áp dụng chế độ ăn uống một cách khoa học với sự cân bằng các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Tránh tiêu thụ các thực phẩm độc hại cho sức khỏe như các thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh vì chứa hàm lượng lớn các hóa chất, phẩm màu, chất chuyển hóa độc từ dầu mỡ ở nhiệt độ cao, chất bảo quản,… Việc tránh xa các thực phẩm nêu trên và áp dụng một chế độ ăn uống hợp lý với nhiều rau xanh và trái cây sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, ung thư và đái tháo đường.
- Hãy từ bỏ hút thuốc lá, tránh xa hạn chế bia, rượu, chất kích thích càng sớm càng tốt vì tác hại mà nó gây ra cho cơ thể và sức khỏe của bạn vô cùng lớn so với những gì bạn tưởng tượng. Vì vậy, hãy tránh xa các tác nhân độc hại này càng sớm càng tốt vì một sức khỏe dài lâu của bạn.
Lời kết
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là căn bệnh ngày càng phổ biến ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Chi phí chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe và điều trị đối với đái tháo đường là vô cùng lớn. Vì vậy, biết rõ về căn bệnh này cũng như biến chứng mà nó gây ra là vô cùng cần thiết giúp bạn có một chiến lược để bảo vệ cho sức khỏe bản thân và gia đình ngay từ bây giờ để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh và biết các kiểm soát đường huyết khi có các yếu tố nguy cơ cao.
Nếu bạn có thắc mắc thêm về tình trạng bệnh tiểu đường. Hãy Đăng ký tư vấn cho Dược sĩ ngay hoặc gọi Hotline 19007061 để được Dược sĩ tư vấn Miễn phí về tình trạng bệnh cho bạn nhé.
Xem thêm bài viết liên quan:
Cách bấm huyệt chữa bệnh tiểu đường tại nhà hiệu quả
Cách chữa tiểu đường bằng chuối hột tại nhà an toàn và hiệu quả