Tiểu đường tuýp 1: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tiểu đường tuýp 1 xảy ra do cơ thể không sản xuất được insulin

Tiểu đường là một chứng bệnh rất phổ biến với tỉ lệ người bệnh gia tăng không ngừng. Tiểu đường thường được chia làm tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ, tuy cùng được gọi chung một bệnh nhưng các tuýp này lại có nhiều khác biệt đáng kể về nguyên nhân, thể trạng cũng như cách điều trị. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đôi nét về tình trạng tiểu đường tuýp 1 từ đó đưa ra những cách phòng ngừa bệnh lý này.

1. Tiểu đường tuýp 1 là gì?

Tiểu đường tuýp 1 là tuýp bệnh có sự tăng cao nồng độ đường trong máu do sự thiếu hụt sản xuất insulin và việc điều trị bắt buộc phải dùng insulin ngoại sinh. Nguyên nhân của tuýp này chủ yếu là do khả năng miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, khiến cho các tế bào miễn dịch nhận diện sai và tấn công tuyến tụy. Hậu quả là tuyến tụy bị tổn thương và mất khả năng sản xuất ra insulin để ổn định đường huyết.

Tiểu đường insulin có liên quan đến các yếu tố di truyền nên thường khởi phát bệnh sớm, thường là độ tuổi dưới 30, chính vì vậy và nhiều bệnh nhân trẻ tuổi không quan tâm nhiều đến tình trạng sức khoẻ nên bệnh tình không được phát hiện sớm dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuýp này tuy chiếm tỉ lệ bệnh ít hơn so với tiểu đường tuýp 2 nhưng mức độ nguy hiểm cao hơn và tiên lượng trong điều trị thường xấu hơn. Do đó, việc phát hiện sớm bệnh để có phác đồ điều trị hợp lý là vô cùng quan trọng.

Sử dụng máy đo để kiểm tra tiểu đường type 1
Sử dụng máy đo để kiểm tra tiểu đường type 1

2. Nguyên nhân gây nên bệnh

Do hoạt động tự miễn khiến tuyến tụy mất khả năng sản xuất insulin, dẫn đến lượng đường trong máu không thể được các tế bào sử dụng dẫn đến nồng độ glucose trong máu tăng cao. Một số nguyên nhân ít gặp khác cũng được xếp vào đái tháo đường tuýp 1 như các bệnh liên quan đến tuyến tụy như xơ nang, phẫu thuật loại bỏ tuyến tụy, viêm tuyến tụy nặng làm mất khả năng tiết insulin của cơ quan này và gây ra tình trạng tiểu đường.

Nhìn chung cơ chế chi tiết của quá trình tự miễn trong đái tháo đường tuýp 1 chưa được làm rõ nhưng theo giới chuyên gia thì căn bệnh này có liên quan đến các yếu tố di truyền, do đó cha mẹ có đái tháo đường tuýp 1 sinh con ra dễ mắc bệnh này hơn người bình thường.

3. Triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 1

Triệu chứng của đái tháo đường tuýp 1 thường xảy ra sớm, đột ngột và dữ dội với các đặc điểm sau:

  • Tiểu nhiều: Ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1, các tế bào không sử dụng được glucose gây ra sự tích lũy glucose trong máu. Dẫn đến thận phải tăng cường loại bớt lượng glucose này để điều chỉnh lại cân bằng. Một trong những đáp ứng đầu tiên của thận để thực hiện nhiệm vụ này là tăng cường lượng nước tiểu để pha loãng lượng glucose dư thừa. Hậu quả là bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 thường xuyên có cảm giác mắc tiểu, đi tiểu nhiều lần và nước tiểu có hàm lượng glucose nhiều hơn so với người bình thường.
  • Khát nước nhiều: Đi kèm với tình trạng tiểu nhiều là khát nước nhiều. Nguyên nhân là do thận cần một lượng nước lớn để pha loãng glucose trong nước tiểu, lượng nước này có thể kéo từ các mô trong cơ thể, dẫn đến cơ thể nhanh chóng bị mất nước. Khi đó, các tế bào thiếu nước truyền tín hiệu lên não bộ gây ra cảm giác khát nước. Trên thực tế bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 thường xuyên cảm thấy khát nước, khoảng cách giữa 2 lần khát nước bị rút ngắn lại rất nhiều so với người bình thường mặc dù đã uống nước rất nhiều.
  • Sụt cân nhiều: Lượng glucose trong máu dư thừa nhưng cơ thể không thể nào sử dụng vào các hoạt động chuyển hóa năng lượng. Khi này, cơ thể sẽ bật chế độ “dự phòng”, tức là thay vì sử dụng glucose thì các tế bào sẽ chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng được cung cấp từ sự phân giải lipid trong mô mỡ hay phân giải acid amin trong cơ, dẫn đến giảm nhanh chóng khối lượng cơ thể gây sụt cân không chủ ý.
Sụt cân nhanh cũng là một dấu hiệu báo động rằng bạn đang bị tiểu đường
Sụt cân nhanh cũng là một dấu hiệu báo động rằng bạn đang bị tiểu đường
  • Đói nhiều: Do không sử dụng được nguồn năng lượng chính của cơ thể là glucose nên các tế bào luôn ở trong trạng thái thiếu hụt năng lượng để hoạt động gây ra cảm giác đói cho người bệnh. Đây là một triệu chứng tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng gây khó chịu cho người bệnh, khiến bệnh nhân ăn nhiều hơn và làm lượng đường huyết trong máu tăng cao khiến hiệu quả điều trị suy giảm. Do đó, cần lưu ý cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 dấu hiệu này để thiết lập chế độ ăn uống sao cho phù hợp, khoa học.
  • Mệt mỏi: Triệu chứng này tương tự như khi bạn nhịn ăn sáng và bị hạ đường huyết, cơ thể bạn sẽ không còn năng lượng để hoạt động nên luôn trong trạng thái lừ đừ, mệt mỏi, buồn ngủ. Trong trường hợp đái tháo đường tuýp 1, tuy lượng đường trong máu cao nhưng các tế bào đặc biệt là tế bào thần kinh không thể sử dụng nguồn nguyên liệu này để hoạt động nên tạo cảm giác mệt mỏi y hệt như lúc bị hạ đường huyết.
  • Mờ mắt: Bệnh tiểu đường làm tăng áp lực lên hệ thống mạch máu nuôi dưỡng võng mạc có thể gây ra những biến đổi xấu về thị giác, có thể gây bong võng mạc và dẫn đến mù lòa nếu không có cách phòng ngừa phù hợp.
bệnh tiểu đường có thể gây mờ mắt, thậm chí dẫn đến mù lòa nếu không điều trị kịp thời
bệnh tiểu đường có thể gây mờ mắt, thậm chí dẫn đến mù lòa nếu không điều trị kịp thời
  • Đái dầm: Tiểu đường tuýp 1 có thể khởi phát rất sớm khi bệnh nhân còn nhỏ tuổi, khi các bộ phận cơ quan chưa được phát triển hoàn thiện. Lượng đường cao trong máu gây tình trạng kéo nước trong các tế bào mô kẽ ống thận vào lòng ống gây gia tăng lượng nước tiểu, hệ cơ quan bài niệu của trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1 chưa được phát triển hoàn thiện dẫn đến kiểm soát việc tiểu tiện kém gây ra tình trạng đái dầm về đêm, khi ngủ.
  • Rối loạn dây thần kinh: Trong bệnh tiểu đường, hệ thống mạch máu rất dễ bị tổn thương dẫn đến các dây thần kinh được các mạch máu nuôi dưỡng cũng do đó mà rối loạn theo. Một trong những biến chứng thần kinh thường gặp nhất ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 là bệnh thần kinh ngoại biên khiến bệnh nhân mất cảm giác đau đớn ở bàn chân, hậu quả là bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường rất dễ bị tổn thương và nhiễm trùng. Đi kèm theo đó, nồng độ glucose trong máu cao là môi trường thích hợp kích thích sự phát triển của các vi sinh vật, do đó tình trạng nhiễm trùng ở bệnh nhân đái tháo đường thường rất phức tạp, nghiêm trọng và khó điều trị.

4. Đối tượng dễ bị bệnh tiểu đường tuýp 1

Dưới đây là các đối tượng có nguy cơ cao mắc đái tháo đường tuýp 1 hơn người bình thường:

  • Tiền sử gia đình có bố mẹ, anh chị ruột bị bệnh đái tháo đường tuýp 1.
  • Có tổn thương hoặc các bệnh liên quan đến tuyến tụy.
  • Tiếp xúc với các virus như Epstein-Barr, virus Coxsackie, virus rubella và cytomegalovirus.
  • Bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn, rối loạn miễn dịch.
  • Trẻ có mẹ bị tiền sản giật, sản giật trong giai đoạn mang thai.
  • Trẻ bị vàng da bẩm sinh.
  • Người uống nước có chứa nhiều nitrat.

Xem thêm: Người bị tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì để kiểm soát bệnh?

5. Tiểu đường tuýp 1 được chẩn đoán như thế nào?

Đối với các bệnh lý thông thường, việc chẩn đoán thường giúp tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh để có hướng điều trị hợp lý. Đái tháo đường tuýp 1 là một trong những bệnh lý chuyển hoá có liên quan đến yếu tố di truyền mà nguyên nhân thường không rõ ràng. Do đó, việc chẩn đoán chỉ nhằm để trả lời 2 câu hỏi: thứ nhất liệu bệnh nhân có thật sự bị đái tháo đường hay không? Và có phải là đái tháo đường tuýp 1 hay không?

Đo đường huyết giúp chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1
Đo đường huyết giúp chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1

5.1. Chẩn đoán đái tháo đường

Bệnh nhân sẽ được lấy máu để xét nghiệm các chỉ số đường huyết cần thiết chẳng hạn như đường huyết đói, đường huyết sau ăn,HbA1c, liệu pháp dung nạp glucose để xem xét xem một người có bị đái tháo đường hay không. Cụ thể một bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường khi có 2 trong 3 tiêu chí sau đây thoả mãn các chỉ số như sau:

  • Đường huyết đói ≥ 126 mg/dL (hoặc 7 mmol/L): bệnh nhân được dặn dò nhịn ăn (có thể uống nước lọc) ít nhất 8 tiếng trước khi đo nồng độ đường trong máu. 
  • Đường huyết 2h sau khi uống 75 gam glucose ≥ 200 mg/dL (hoặc 11,1 mmol/L): đây còn gọi là thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose, bệnh nhân được dặn dò nhịn đói từ nửa đêm trước khi làm nghiệm pháp. Bệnh nhân được cho uống 300ml nước hoà tan 75g đường glucose, đo đường huyết bệnh nhân 2 tiếng sau đó.
  • HbA1c  ≥ 6,5%: thực hiện trong phòng xét nghiệm đã chuẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế để đo nồng độ hồng cầu gắn với glucose trong máu.

Nếu chỉ có 1 trong 3 tiêu chí trên thoả mãn, nên dặn bệnh nhân trở lại xét nghiệm vào một ngày khác. Nếu lại có 1 trong 3 tiêu chi trên thoả mãn trong lần xét nghiệm thứ 2 thì người bệnh cũng được chẩn đoán mắc đái tháo đường.

Khi bệnh nhân được đo đường huyết tại một thời điểm bất kỳ (không cần nhịn ăn trước 8 tiếng) mà nhận thấy đường huyết ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L) và bệnh nhân có kèm theo các dấu hiệu của cơn tăng đường huyết cấp thì người bệnh này ngay lập tức được chẩn đoán đái tháo đường mà không cần làm các xét nghiệm đã kể trên.

5.2. Chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1

Sự khác biệt với chẩn đoán đái tháo đường ở phần trên là cần phân biệt đái tháo đường thuộc tuýp 1 hay tuýp 2 vì mỗi tuýp sẽ có cách điều trị khác nhau. Dưới đây là một số xét nghiệm giúp chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1:

  • Dấu hiệu lâm sàng: người bệnh đái tháo đường tuýp 1 sẽ có các dấu hiệu lâm sàng như sụt cân nhiều, khát nước nhiều, đái nhiều và các triệu chứng diễn ra một cách đột ngột, dữ dội khiến người bệnh không kịp trở tay. Tuýp 1 thường khởi phát ở độ tuổi thanh thiếu niên trong khi tuýp 2 thường ở người lớn tuổi.  Đây là những dấu hiệu có thể giúp bước đầu chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1, tuy nhiên trên thực tế cũng có nhiều trường hợp có dấu hiệu của tuýp 1 nhưng thật chất bệnh nhân mắc tuýp 2. Do đó, muốn chắc chắn về chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1 nên thực hiện tiếp các xét nghiệm cận lâm sàng.
  • Xét nghiệm C-peptide: việc tiết insulin ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 là vô cùng hạn chế và thậm chí là thiếu hụt insulin hoàn toàn. Trong khi đó, ở đái tháo đường tuýp 2 thì tuyến tụy của bệnh nhân vẫn có khả năng sinh ra insulin những cơ thể khó sử dụng được loại hormon này dẫn đến quá trình điều tiết đường huyết bị rối loạn. Thông thường tuyến tụy sẽ tiết ra insulin dưới dạng proinsulin (tiền insulin) chưa có hoạt tính, sau đó proinsulin sẽ được phân giải thành insulin có chức năng hạ đường huyết và đoạn C-peptide không có chức năng. Việc không phát hiện đoạn C-peptide, hoặc xuất hiện với nồng độ rất thấp trong cơ thể trong thời gian xét nghiệm được thực hiện với điều kiện phù hợp chứng tỏ khả năng tiết insulin của cơ thể có vấn đề và bệnh đái tháo đường thuộc tuýp 1.
Xét nghiệm C-peptid giúp phân biệt được tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2
Xét nghiệm C-peptid giúp phân biệt được tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2
  • Các xét nghiệm khác: nếu không thực hiện được xét nghiệm C-peptide, một số xét nghiệm sau khi dương tính cũng có thể giúp chẩn đoán đái tháo đường thuộc tuýp 1 chứ không phải tuýp 2: xét nghiệm kháng thể kháng đảo tuỵ (ICA), kháng thể kháng insulin (IAA), kháng thể kháng Tyrosine phosphatase (IA-2), kháng thể kháng Zinc transporter 8 (ZnT8), kháng thể háng Glutamic acid decarboxylase 65 (GAD 65),…

Trên đây là một số phương pháp chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1 thường được sử dụng nhất. Một lưu ý nhỏ là trong trường hợp phụ nữ có thai bị đái tháo đường, cần phân biệt là đái tháo đường thông thường hay đái tháo đường thai kỳ. Hai loại này có hướng chẩn đoán khác nhau nên thường gây nhầm lẫn và khiến việc điều trị không đúng.

6. Cách điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1

6.1. Thay đổi lối sống

Bên cạnh việc sử dụng thuốc để điều trị đái tháo đường tuýp 1 thì việc tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân thay đổi lối sống đóng vai trò rất quan trọng trong việc gia tăng hiệu quả điều trị, nhân viên y tế có thể tư vấn cho bệnh nhân các điều sau:

  • Tư vấn cho bệnh nhân chế độ ăn uống phù hợp cho người đái tháo đường.
  • Tư vấn các bài tập luyện thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để giúp cơ thể khoẻ mạnh đẩy lùi bệnh tật.
  • Tránh các tác nhân có thể làm trầm trọng bệnh tình như rượu bia, thuốc lá.
  • Đối với bệnh nhân nhỏ tuổi nên động viên, giữ tinh thần tích cực cho trẻ.
  • Lên tinh thần cho trẻ và giữ cho trẻ luôn thoải mái, tích cực và mạnh mẽ đối với bệnh tật.
  • Áp dụng các bài thuốc điều trị dân gian từ thảo dược an toàn, chủ động phục hồi bệnh.
  • Kiểm soát các bệnh kèm theo như kiểm soát huyết áp, mỡ máu.
  • Khám chuyên khoa nội tiết định kỳ và kịp thời phát hiện điều trị các biến chứng nếu có.
  • Thường xuyên kiểm tra đường huyết bình thường và báo cáo kết quả với bác sĩ chuyên khoa để nghe tư vấn.

6.2. Điều trị bằng insulin

Insulin là loại thuốc trị tiểu đường chủ yếu và mang tính quyết định đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 1. Insulin sẽ được chỉ định tiêm dưới da tại các vị trí khác nhau ở mông, bụng, đùi, cánh tay, tuy nhiên vị trí phổ biến và đơn giản nhất là bụng. Liều insulin cần thiết ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 là từ 0,5 – 1,0 UI/kg cân nặng. Liều khởi đầu từ 0,4 – 0,5UI/kg/ngày. Dùng 1-2 lần trong ngày. Liều insulin nền 0,1 – 0,2UI/kg. Sau đó chỉnh liều theo khả năng đáp ứng với insulin của cơ thể.

Khi tiêm insulin, cần thay đổi vị trí tiêm insulin mỗi ngày khác nhau để tránh tác dụng phụ loạn dưỡng mô mỡ dưới da chỗ tiêm của insulin. Đây không phải là tác dụng phụ quá nghiêm trọng đến tính mạng nhưng sẽ gây ra thay đổi xấu về mặt thẩm mỹ cho người bệnh. Khi có các dấu hiệu bất thường tại chỗ tiêm như vùng tiêm bị đổi màu, bị lõm xuống,… liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa để được nghe tư vấn.

Tiêm Insulin để kiểm soát lượng tiểu đường
Tiêm Insulin để kiểm soát lượng tiểu đường

Các dạng phác đồ insulin thưởng sử dụng trong điều trị đái tháo đường tuýp 1:

Phác đồ Đặc điểm
1 mũi Nguyên tắc: Phối hợp thuốc viên với 1 mũi insulin hỗn hợp hoặc tác động trung gian trước bữa ăn tối hoặc tác dụng trung gian Glargin trước khi đi ngủ

Liều: 0,1-0,2 UI/kg.

2 mũi Nguyên tắc: 2 mũi Insulin hỗn hợp hoặc trung gian trước ăn buổi sáng và tối.

Liều: 2/3 trước bữa sáng và 1/3 trước bữa tối.

3 mũi Nguyên tắc: tiêm 3 lần trong ngày bao gồm 2 mũi insulin nhanh và 1 mũi bán chậm, hoặc 2 mũi insulin bán chậm/insulin nền.
4 mũi Nguyên tắc: tiêm 4 lần trong ngày bao gồm 3 mũi insulin tác động nhanh trước bữa ăn và 1 mũi insulin nền loại Insulatard hoặc Glargin trước khi ngủ.

Thông thường hay sử dụng phác đồ insulin 2 mũi để điều trị, khi phát đồ không đạt hiệu quả hạ đường huyết như mong muốn sẽ chuyển sang phát đồ nhiều mũi (3 hoặc 4 mũi).

7. Cách phòng ngừa bệnh tiểu đường hiệu quả

Việc điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 1 là vô cùng phức tạp và tốn kém, do đó hãy áp dụng các phương pháp sau để phòng ngừa bệnh đặc biệt nếu bạn thuộc nhóm người có yếu tố nguy cơ cao mắc đái tháo đường tuýp 1 đã trình bày ở phần trên:

7.1. Người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cần có chế độ tập thể dục hợp lý

Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện tuần hoàn máu đến các cơ quan, ngăn ngừa tình trạng đề kháng insulin. Kiểm soát lượng chất béo đi vào cơ thể cũng có thể hạn chế được nồng độ đường tăng cao trong máu do quá trình chuyển hoá nội sinh, ngăn ngừa các biến chứng về tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường.

Tập thể dục đều đặn giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường hiệu quả
Tập thể dục đều đặn giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường hiệu quả

7.2. Uống đủ nước mỗi ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1

Cung cấp đủ nước giúp cho các cơ quan trong cơ thể hoạt động ổn định, giúp tuyến tụy hoạt động bình thường và giảm nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 1. Nên dùng mỗi ngày từ 1,5 cho đến 2 lít nước để có một cơ thể khỏe mạnh.

7.3. Chế độ ăn uống khoa học giúp kiểm soát lượng đường trong cơ thể

  • Kiểm soát lượng chất béo trong thức ăn: Hàm lượng chất béo cao trong máu có thể dẫn đến các tổn thương các cơ quan, chẳng hạn như gan nhiễm mỡ hoặc sự suy giảm chức năng các cơ quan, khi đó thì khả năng mắc đái tháo đường tuýp 1 cũng tăng cao. Theo nghiên cứu còn cho thấy, nồng độ acid béo cao trong máu có liên quan đến tình trạng đề kháng insulin dẫn đến làm tăng lượng đường huyết trong tiểu đường tuýp 2.
  • Hạn chế thực phẩm quá ngọt: Để phòng ngừa đái tháo đường thì việc dễ hiểu là phải kiểm soát lượng đường cung cấp trong khẩu phần ăn vì lượng đường này sẽ tỉ lệ thuận với lượng đường trong máu của bạn. Nên ăn các thực phẩm có chỉ số GI thấp để hạn chế tình trạng tăng đường huyết quá mức sau khi ăn.
Hạn chế ăn thức ăn quá ngọt để kiểm soát lượng đường huyết nạp vào cơ thể
Hạn chế ăn thức ăn quá ngọt để kiểm soát lượng đường huyết nạp vào cơ thể
  • Hạn chế sử dụng sản phẩm chứa chất kích thích: Rượu bia, thuốc lá, cà phê là các yếu tố nguy cơ được chứng minh là có liên quan đến hầu hết các bệnh lý về tim mạch, xương khớp, thận và các bệnh lý chuyển hoá hiện nay bao gồm cả bệnh lý đái tháo đường. Trong đó, các chất có cồn như rượu bia được lên men từ các chất tinh bột nên có khả năng cao làm tăng hàm lượng đường trong máu và ảnh hưởng đến hoạt tính các thuốc điều trị đái tháo đường.
  • Ăn nhiều rau xanh: Các dưỡng chất và vitamin có trong rau củ quả giúp ổn định hoạt động các cơ quan và quá trình chuyển hoá của cơ thể, tăng cường khả năng tiết insulin của tuyến tụy một cách tự nhiên, an toàn. Các loại rau còn giúp cơ thể gia tăng thải trừ các chất độc hại cho cơ thể, lượng đường dư thừa trong máu do đó giúp ổn định mức độ đường huyết.

8. Câu hỏi thường gặp về bệnh đái tháo đường tuýp 1

8.1. Bệnh tiểu đường tuýp 1 có di truyền không?

Như đã trình bày thì tiểu đường tuýp 1 có liên quan đến các yếu tố tự miễn được quy định bởi các gen, do đó người có tiền sử gia đình mắc tiểu đường tuýp 1 sẽ có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này hơn người bình thường. Tuy nhiên, không phải ai có bố mẹ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 cũng sẽ bị, trong trường hợp áp dụng tốt các phương pháp phòng ngừa đã trình bày như trên thì khả năng khởi phát bệnh sẽ rất thấp.

8.2. Bệnh tiểu đường tuýp 1 có nguy hiểm không?

Tiểu đường tuýp 1 là một bệnh khởi phát sớm và kéo dài có thể suốt đời. Nguyên nhân do cơ thể không tự tổng hợp được insulin nên hầu như bệnh nhân phải sống chung với insulin ngoại sinh một thời gian rất dài và có thể gặp một vài tác dụng phụ của insulin như hạ đường huyết quá mức, loạn dưỡng mô mỡ nơi tiêm.

Nếu không có phác đồ điều trị sớm và đúng có thể dẫn đến các biến chứng rất nguy hiểm chẳng hạn như: mờ mắt, mù loà, tê chân tay, hoại tử chân do nhiễm trùng, nhiễm trùng đường niệu, các biến cố tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận, tăng huyết áp. Không chỉ chịu mất mát về mặt thể chất, người bệnh đái tháo đường tuýp 1 còn phải gánh chịu 1 sức nặng về kinh phí điều trị khi phải dùng insulin gần như suốt đời, dẫn đến những áp lực về mặt tâm lý lâu dài.

Lời kết

Bổ sung kiến thức về bệnh tiểu đường không những giúp bạn biết cách phòng tránh bản thân khỏi căn bệnh này mà còn có thể giúp bạn nhận ra sớm các biểu hiện của tiểu đường tuýp 1, để có thể đi thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời. Hãy luôn giữ cho mình một chế độ sinh hoạt khoa học cũng như ăn uống hợp lý để có được một cơ thể luôn khỏe mạnh.

Nếu bạn có thắc mắc thêm về tình trạng bệnh tiểu đường. Hãy Đăng ký tư vấn cho Dược sĩ ngay hoặc gọi Hotline 19007061 để được Dược sĩ tư vấn Miễn phí về tình trạng bệnh cho bạn nhé.




    * Vui lòng đợi vài giây sau khi nhấn Gửi

    Xem thêm bài viết liên quan:

    Cách bấm huyệt chữa bệnh tiểu đường tại nhà hiệu quả

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Nhắn Messenger
    Nhắn tin Messenger
    Chat Zalo
    Chat Zalo
    Gọi với Dược sĩ
    gọi với dược sĩ