Bệnh tiểu đường [A-Z]: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh tiểu đường: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa bệnh

Bệnh tiểu đường là một trong những bệnh lý phổ biến ngày nay. Bên cạnh việc điều trị lâu dài, tốn kém thì tiểu đường có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Trên thực tế không phải ai cũng hiểu rõ căn bệnh này để có hướng điều trị và phòng ngừa thích hợp. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đôi nét để có cái nhìn khái quát và đúng đắn hơn về bệnh tiểu đường.

1. Bệnh tiểu đường là gì?

Tiểu đường hay đáo tháo đường là các rối loạn chuyển hóa khởi đầu từ rối loạn chuyển hóa glucose trong cơ thể. Có nghĩa là lượng đường glucose trong máu không được kiểm soát ổn định, làm tăng đường huyết. Lâu dần sẽ dẫn đến những rối loạn chuyển hóa khác như chuyển hóa lipid, acid amin,… Đái tháo đường hay tiểu đường là căn bệnh mãn tính, nếu như không kiểm soát đường huyết kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng trên tim mạch, thận, mắt, thần kinh,…

Tỉ lệ bệnh nhân tiểu đường ngày càng gia tăng
Tỉ lệ bệnh nhân tiểu đường ngày càng gia tăng

2. Nguyên nhân gây nên tình trạng này?

2.1. Di truyền

Tiểu đường được chứng minh là có liên quan đến yếu tố di truyền. Tuy đa số trường hợp vẫn chưa xác định được yếu tố di truyền cụ thể quy định tính trạng bệnh đái tháo đường, tuy nhiên theo thống kê thì người có tiền sử gia đình có người mắc bệnh tiểu đường thì có nguy cơ cao cũng vướng phải bệnh lý này hơn người bình thường. Vì vậy nếu có người trong gia đình mắc bệnh, chúng ta cần tích cực tuân thủ những nguyên tắc phòng ngừa bệnh tiểu đường để bảo vệ bản thân.

2.2. Béo phì là yếu tố nguy cơ cao dẫn tới bệnh tiểu đường

Nghiên cứu cho thấy khi tích tụ lượng mỡ trong máu cao, cơ thể sẽ tiết ra nhiều các chất có khả năng gây viêm và các acid béo tự do vào máu nhiều hơn. Những nhân tố này có thể khiến giảm khả năng đáp ứng của cơ thể đối với insulin, một loại hormon có vai trò điều hòa đường huyết cho cơ thể. Hậu quả là dẫn đến insulin được tiết ra nhưng tác động của nó thì lại bị giảm sút, gọi là tình trạng đề kháng insulin trong đái tháo đường tuýp 2.

2.3. Chế độ sống thiếu khoa học và lười vận động tăng nguy cơ tiểu đường

Các yếu tố nguy cơ như: Stress, căng thẳng lâu ngày, thiếu ngủ, ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn quá ngọt, uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá,… được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Lười vận động làm lượng đường không được sử dụng, tồn đọng lại nhiều trong cơ thể kết hợp với sự tích tụ nhiều acid béo tự do trong cơ thể dẫn đến tình trạng đề kháng insulin. Hậu quả là dẫn đến bệnh tiểu đường.

3. Các dạng bệnh tiểu đường

Tiểu đường tuýp 1: Là bệnh tiểu đường thiếu hụt insulin tuyệt đối, buộc phải sử dụng insulin bổ sung suốt đời. Phần lớn các trường hợp tuýp này là do bệnh lý tự miễn, tức là tế bào miễn dịch của cơ thể tự tấn công các cơ quan trong cơ thể. Trong trường hợp đái tháo đường tuýp 1, các tế bào miễn dịch tấn công tế bào beta tuyến tụy, một tuyến quan trọng tiết ra insulin giúp hạ đường huyết trong cơ thể. Hậu quả là tuyến tụy bị hư tổn và mất đi khả năng điều tiết lượng đường trong máu dẫn đến bệnh lý tiểu đường tuýp 1. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp tiểu đường tuýp 1 mà tuyến tụy mất khả năng tiết insulin nhưng không xác định được rõ nguyên nhân. Do được quyết định bởi gen di truyền nên bệnh thường khởi phát rất sớm (thường là dưới 30 tuổi).

Tiểu đường tuýp 2: Khác với tiểu đường tuýp 1, trong loại này tuyến tụy vẫn có khả năng tiết insulin, tuy nhiên hoạt động tiết insulin của tuyến tụy hạn chế hơn bình thường hoặc đáp ứng của cơ thể đối với insulin thấp hơn bình thường (đề kháng insulin). Tiểu đường tuýp 2 thường là do sự tích lũy những rối loạn dần dần bởi các yếu tố nguy cơ bên ngoài như thừa cân, lười vận động, chế độ ăn uống kém,… kết hợp với các yếu tố di truyền gây ra. Do đó, tuýp bệnh này thường khởi phát từ từ và muộn (thường là sau 40 tuổi).

Đái tháo đường thai kỳ: Đái tháo đường thai kỳ được định nghĩa là bệnh đái tháo đường khởi phát trong lúc người phụ nữ mang thai (người này chưa mắc bệnh đái tháo đường trước thai kỳ). Nguyên nhân là vì trong giai đoạn thai kỳ, nhau thai tiết ra các hormon có thể khiến cho cơ thể người mẹ ít nhạy cảm hơn đối với tác động của insulin, dẫn đến tăng khả năng đề kháng insulin và dẫn đến đái tháo đường. Nếu được tầm soát và điều trị tốt, người phụ nữ hoàn toàn có thể khỏi bệnh trong hoặc sau thai kỳ. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt, bệnh có thể trở thành mạn tính hoặc để lại những biến chứng của đái tháo đường.

Xem thêm: Tiểu đường 7.2 có nguy hiểm không? Cách kiểm soát ổn định

4. Triệu chứng bệnh tiểu đường

4.1. Thường xuyên khát nước và mắc tiểu

Đường huyết tăng cao làm tăng áp suất thẩm thấu trong lòng ống thận dẫn đến tăng áp suất thẩm thấu dịch lọc. Hậu quả là làm tăng lượng nước tiểu và bệnh nhân thường xuyên có cảm giác mắc tiểu, có thể đi trên 10 lần/ngày. Điều này làm cho các mô ngoại biên bị mất nước và truyền tín hiệu lên não bộ tạo ra cảm giác khát nước thường xuyên. Do đó, nếu thấy bản thân khát nước và đi tiểu liên tục và nhiều hơn bình thường thì hãy cận thận, đây có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Trong trường hợp đó, cần tìm đến cơ sở y tế để chẩn đoán, phòng ngừa kịp lúc.

4.2. Giảm cân hoặc tăng cân bất thường

Trường hợp giảm cân: Thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 1. Nguyên nhân là vì sự thiếu hụt hoàn toàn insulin nên cơ thể không sử dụng được glucose, do đó cơ thể tăng cường phân giải những nguồn khác để cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động như mô mỡ và cơ làm cho bệnh nhân có xu hướng gầy đi.

Trường hợp tăng cân: Trái với tiểu đường tuýp 1, trong đái tháo đường tuýp 2 cơ thể vẫn có khả năng tiết insulin, một trong các tác dụng khác của insulin là tăng cường dự trữ glucose và các nguồn năng lượng khác dưới dạng triglycerid ở mô mỡ khiến cho bệnh nhân có xu hướng mập mạp.

Tùy vào thể trạng đôi khi có thể phân biệt được 2 tuýp tiểu đường
Tùy vào thể trạng đôi khi có thể phân biệt được 2 tuýp tiểu đường

4.3. Dễ nhiễm trùng

Bệnh nhân tiểu đường làm tăng nguy cơ dẫn đến các xơ vữa mạch máu dẫn đến làm giảm lưu thông máu trong cơ thể. Khi người bệnh tiểu đường bị thương, thường vết lương sẽ rất lâu lành do thiếu máu nuôi dưỡng. Bên cạnh đó, lượng đường lớn trong máu tạo môi trường sống thuận lợi cho các vi sinh vật gây hại, kết quả là các vết thương hở dễ bị nhiễm trùng hơn người bình thường và mức độ lan tỏa vết nhiễm trùng ở bệnh nhân tiểu đường là rất lớn.

Không những vậy, nếu như tình trạng này kéo dài, bệnh nhân tiểu đường sẽ không còn nhạy cảm với cảm giác đau, đặc biệt là đối với bàn chân, do đó rất dễ gây ra các vết thương mà không hề hay biết dẫn tới lở loét, nhiễm trùng bàn chân.

4.4. Tê bì chân tay

Lượng đường trong máu quá cao có thể làm tổn thương đến các sợi dây dẫn truyền thần kinh. Đặc biệt là đối với các bộ phận tận cùng cơ thể như các chi, dẫn đến các cảm giác tê bì chân tay lan dọc chi. Sự thiếu máu cục bộ do xơ vữa mạch cũng góp phần làm gia tăng triệu chứng tê bì chân tay. Khi có triệu chứng này, bạn cũng nên lưu ý vì có thể là dấu hiệu của đái tháo đường đấy!

4.5. Mệt mỏi

Tuy lượng đường gia trong máu tăng cao nhưng khả năng cung cấp năng lượng của đường cho cơ thể bị hạn chế, cho nên cơ thể luôn trong trạng thái thiếu năng lượng. Thể hiện ra bên ngoài là bệnh nhân tiểu đường thường hay mệt mỏi, ngủ gà ngủ gật. Ngoài ra, tình trạng mệt mỏi này còn giải thích là do sự mất nước xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường do tăng lượng nước đào thải qua thận.

4.6. Các triệu chứng khác

Bên cạnh những triệu chứng kể trên thì bệnh tiểu đường còn được biểu hiện rất đa dạng. Một vài triệu chứng khác thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường là:

  • Bị sạm da với nhiều vùng da tối màu không đồng đều.
  • Có nhiều thay đổi về mặt tâm thần như: hay lo âu, cáu gắt, mất tập trung,…
  • Da khô ráp, ngứa..

5. Bệnh tiểu đường có nguy hiểm không?

Bệnh tiểu đường thường có tính chất lâu dài, mạn tính đôi khi phải điều trị cả đời. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể kiếm soát tốt bệnh tình. Tuy nhiên, nếu để bệnh trở nặng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Biến chứng ở mắt: Do tổn thương dây thần kinh thị giác có thể dẫn đến một số tình trạng sau: bệnh võng mạc mắt, đục thủy tinh thể và glaucoma,… Trong đó, bệnh võng mạc mắc là nguyên nhân thường gặp dẫn đến mù lòa ở bệnh nhân tiểu đường.
  • Biến chứng trên thận: Đái tháo đường làm tăng khối lượng công việc của thận do tăng lượng nước tiểu, làm giảm lưu lượng máu đến thận gián tiếp thông qua các xơ vừa mạch máu có thể dẫn đến suy thận.
  • Biến chứng thần kinh: Tiểu đường gây tổn hại các dây thần kinh dẫn đến các rối loạn thần kinh vận động và đặc biệt nguy hiểm khi rối loạn hoạt động bàng quang và ruột.
  • Biến chứng tim mạch: Đái tháo đường làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch dẫn đến bệnh mạch vành, đột quỵ,… tăng nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp và nhiều bệnh lý liên quan khác.
Các biến chứng của bệnh tiểu đường
Các biến chứng của bệnh tiểu đường

6. Những ai dễ bị bệnh tiểu đường

Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, bệnh tiểu đường dễ gặp phải hơn ở một số đối tượng nhất định như:

  • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường.
  • Người trên 40 tuổi (đối với tiểu đường tuýp 2).
  • Người thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu chế độ ăn uống không hợp lý.
  • Người ít vận động như: nhân viên văn phòng, tài xế, sinh viên,…
  • Bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh mạch vành.
  • Bệnh nhân tăng acid uric máu, bệnh Gút.
  • Phụ nữ có thai.

7. Bệnh tiểu đường được chuẩn đoán như thế nào

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường (theo Hiệp Hội Đái tháo đường Mỹ – ADA) dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn sau đây:

  • Glucose huyết tương lúc đói (fasting plasma glucose: FPG): bệnh nhân phải nhịn đói 8 tiếng trước khi đo đường huyết, được chẩn đoán đái tháo đường nếu đường huyết đói ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L).
  • Glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose: tức là bệnh nhân được đo đường huyết 2 giờ sau khi cho uống 75g glucose, được chẩn đoán đái tháo đường nếu ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).
  • HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol).
  • Đường huyết thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).

Các thử nghiệm nên được thực hiện 2 lần vào 2 ngày khác nhau, lần thử nghiệm thứ 2 bất kỳ tiêu chuẩn nào (không nhất thiết phải giống lần 1) vượt mức quy định thì cũng được xếp vào bệnh đái tháo đường.

8. Các phương pháp điều trị bệnh

8.1. Điều trị không dùng thuốc

Phương pháp điều trị không dùng thuốc được ưu tiên đó là thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt. Một chế độ ăn khoa học, thói quen sinh hoạt chuẩn chỉnh không chỉ giúp cho bạn kiểm soát được căn bệnh đái tháo đường mà còn bảo vệ bạn khỏi nhiều căn bệnh khác.

Hiện có rất nhiều bài vật lý trị liệu được thiết kế để tăng cường hoạt động các tuyến nội tiết trong đó có tuyến tụy, giúp hồi phục lại chức năng tụy ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2. Nên tham khảo ý kiến của chuyên gia vật lý trị liệu để có lộ trình luyện tập phù hợp. Ngoài ra, các cách bấm huyệt chữa tiểu đường tại nhà cũng được nhiều bệnh nhân lựa chọn để cải thiện tình trạng bệnh.

8.2. Điều trị dùng thuốc

Phối hợp với thay đổi chế độ tập luyện, ăn uống, sinh hoạt phù hợp thì việc dùng thuốc giúp đường huyết duy trì ở mức ổn định, tạo điều kiện để cơ thể khắc phục những rối loạn và phòng ngừa những biến chứng của việc tăng đường huyết. Dưới đây là các nhóm thuốc trị tiểu đường đang được sử dụng nhiều hiện nay:

  • Insulin: Dùng phổ biến đường tiêm dưới da, là thuốc điều trị bắt buộc trong trường hợp đái tháo đường tuýp 1 và một số trường hợp cần phối hợp trong đái tháo đường tuýp 2.
  • Kích thích tiết insulin: Bao gồm 2 nhóm thuốc sulfonylurea (SU), glinid. Cơ chế chính là ức chế kênh Kali và làm tăng phóng thích insulin.
  • Tăng sự nhạy cảm của mô với insulin: Bao gồm nhóm Biguanid (metformin) là nhóm thuốc hay được chỉ định cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2, nhóm TZD (pioglitazon).
  • Ức chế hấp thu glucose ở ruột: Bao gồm nhóm alpha-glucosidase inhibitor giúp kiểm soát đường huyết sau bữa ăn.
  • Ức chế tái hấp thu glucose ở thận: Nhóm SGLT2-inhibitor tăng đào thải glucose ra khỏi cơ thể theo đường tiểu. Tuy nhiên tác dụng phụ của nhóm thuốc này là có thể gây nhiễm trùng đường tiểu.
  • Chủ vận GLP-1 receptor: Exenatid, Liraglutide.
  • Ức chế DPP-IV: Sitagliptin, vildaliptin, saxagliptin,…
  • Thuốc tủa acid mật: Colesevelam.

9. Cách phòng ngừa bệnh tiểu đường

9.1. Tập thể dục đều đặn tốt cho người bị bệnh tiểu đường

Mỗi ngày dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục giúp đốt cháy năng lượng dư thừa, phòng ngừa thừa cân béo phì và nguy cơ đề kháng insulin dẫn đến đái tháo đường tuýp 2. Không những vậy, việc luyện tập còn giúp phòng ngừa nhiều bệnh lý có thể gây ra đái tháo đường đặc biệt là các bệnh lý tim mạch.

9.2. Phòng ngừa bệnh tiểu đường bằng cách uống đủ nước mỗi ngày

Nước là thành phần chiếm tỉ lệ cao nhất trong cơ thể chúng ta, do đó mọi hoạt động sinh hóa trong cơ thể hầu như đều cần có mặt nước. Việc không cung cấp đủ nước có thể dẫn đến nhiều rối loạn trong cơ thể. Nên uống mỗi ngày đủ từ 1,5-2 lít nước để có một cơ thể khỏe mạnh và ngăn ngừa nhiều loại bệnh.

Phòng ngừa bệnh tiểu đường bằng cách uống đủ nước mỗi ngày
Phòng ngừa bệnh tiểu đường bằng cách uống đủ nước mỗi ngày

9.3. Chế độ ăn uống hợp lý giúp cân bằng lượng đường nạp vào cơ thể

  • Hạn chế ăn quá nhiều chất béo: Như đã trình bày thì khi dư thừa quá nhiều acid béo tự do trong cơ thể hoặc khi cung cấp quá nhiều chất béo từ thức ăn có thể làm tăng nguy cơ đề kháng insulin của cơ thể, tăng nguy cơ thừa cân, béo phì và gây suy giảm hoạt động nhiều cơ quan. Do đó, lượng chất béo cần phải được kiểm soát hợp lý trong khẩu phần ăn để phòng ngừa bệnh tiểu đường.
  • Hạn chế thực phẩm quá ngọt: Thức ăn quá ngọt được chứng minh có thể gây tăng tiết ra các chất gây viêm trong cơ thể, các chất này có thể làm giảm đáp ứng của cơ thể với insulin dẫn đến tiểu đường tuýp 2. Bên cạnh đó, bệnh nhân đang điều trị đái tháo đường bằng thuốc cũng không nên sử dụng quá nhiều đường vào khẩu phần ăn, điều này làm đường huyết bạn tăng lên rất nhanh và lâu ngày dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đã trình bày ở phần trên. Có thể sử dụng đường kiêng, không hấp thu để thay thế cho các loại đường thông thường trong khẩu phần ăn của bệnh nhân đái tháo đường.
  • Hạn chế sử dụng sản phẩm chứa chất kích thích: Rượu bia, thuốc lá, cà phê làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, xương khớp, bệnh thận,… Tất cả bệnh lý này đều có thể là tiền đề dẫn đến đái tháo đường. Trong đó, bia rượu đặc biệt nên hạn chế đối với bệnh nhân đái tháo đường do có thể làm ảnh hưởng đến hoạt tính của các thuốc đang điều trị.
  • Ăn nhiều rau xanh: Các vitamin, dưỡng chất có trong rau xanh giúp ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch, các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Ăn nhiều rau xanh được cho là giảm cải thiện khả năng đáp ứng của cơ thể với insulin một cách tự nhiên, an toàn. Bên cạnh đó việc ăn nhiều rau xanh còn giúp tăng cường thanh lọc cơ thể, giảm nồng độ acid béo tự do trong máu, ngăn ngừa đái tháo đường hiệu quả.

Lời kết

Bệnh tiểu đường là căn bệnh rất dễ mắc phải trong thời đại hiện nay do chế độ ăn uống không khoa học cùng với việc lười vận động trong thời gian dài, dẫn đến cơ thể dư thừa năng lượng, tích tụ mỡ thừa gây nên nhiều nguy cơ bệnh tật cho cơ thể không chỉ riêng bệnh tiểu đường. Hiểu được các vấn đề liên quan đến bệnh tiểu đường và tình trạng sức khỏe của bản thân giúp bạn có kế hoạch thăm khám, chữa trị kịp thời trước khi tình trạng bệnh tiến triển nặng.

Nếu bạn đang gặp tình trạng hay có các biểu hiện của vấn đề về tiểu đường, cần được tư vấn thì hãy liên hệ đến hotline 1900 7061 hoặc điền vào form bên dưới để được nghe các dược sĩ tư vấn MIỄN PHÍ.




    * Vui lòng đợi vài giây sau khi nhấn Gửi

    Xem thêm bài viết liên quan:

    Người bị tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì để kiểm soát bệnh?

    Mẹo 9 bài thuốc dân gian chữa bệnh tiểu đường an toàn và hiệu quả

    Chữa bệnh tiểu đường bằng lá sung có hiệu quả không?

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Nhắn Messenger
    Nhắn tin Messenger
    Chat Zalo
    Chat Zalo
    Gọi với Dược sĩ
    gọi với dược sĩ