Một trong các vấn đề thường xảy ra ở phụ nữ có thai đó là tiểu đường thai kỳ. Không giống như các tình trạng đái tháo đường thông thường thì đây là biến đổi mang tính chất sinh lý trong thai kỳ gây nên. Tuy nhiên, vấn đề này lại đem lại nhiều lo lắng cho người bệnh cũng như những nguy cơ cho đứa bé trong bụng. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những đặc điểm cơ bản đái tháo đường thai kỳ.
1. Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ được định nghĩa là đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và người mẹ không mắc bệnh tiểu đường trước đó. Như vậy dựa vào định nghĩa thì nếu phụ nữ mang thai được chẩn đoán đái tháo đường trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ thì đây được xem là đái tháo đường thông thường chứ không phải đái tháo đường do thai kỳ.
2. Nguyên nhân gây nên bệnh đái tháo đường thai kỳ
Trong quá trình phát triển của thai nhi, nhau thai đóng vai trò như một ống dẫn chất dinh dưỡng cung cấp cho sự phát triển của bé cũng như là nơi đào thải các chất độc hại từ máu thai nhi ra máu mẹ rồi thải ra ngoài. Ngoài ra, nhau thai còn tiết ra một số hormon giúp cho thai phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số hormon nhau thai có khả năng làm giảm tác động của insulin lên cơ thể người mẹ, gọi là tình trạng đề kháng insulin.
Nếu cơ thể người mẹ sản xuất ra đủ insulin để ổn định đường huyết trong cơ thể, mọi chuyện sẽ bình thường. Tuy nhiên, các hormon này đôi khi đòi hỏi lượng insulin người mẹ tiết ra có thể gấp 3 lần bình thường, một số trường hợp sự tiết insulin không đủ đáp ứng nhu cầu này sẽ gây nên tình trạng đái tháo đường thai kỳ.
3. Biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường thai kỳ?
Đái tháo đường thai kỳ có thể hoàn toàn khỏi hẳn sau khi sinh con, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp người mẹ vẫn còn đường huyết cao sau thai kỳ dẫn đến một số biến chứng sau:
3.1. Ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ
- Khó sanh: Khi nồng độ glucose trong máu mẹ tăng, glucose đi theo nhau thai vào cơ thể thai nhi kích thích sự bài tiết insulin trong cơ thể thai nhi. Insulin là một trong những hormon kích thích sự phát triển của cơ thể dẫn đến tăng kích thước, cân nặng của thai. Điều này có thể gây nên việc khó sinh nở dẫn đến phải sinh mổ, bé bị chấn thương khi sinh,…
- Hạ đường huyết: Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ bị đái tháo đường thai kỳ thường tăng nguy cơ bị hạ đường huyết, nếu không phát hiện kịp thời có thể gây ra co giật, dẫn đến hôn mê, tổn thương não bộ. Nguyên nhân là vì sau khi sinh, cơ thể bé vẫn duy trì việc tiết insulin nên làm đường huyết hạ nhanh. Ngoài ra còn ghi nhận được tình trạng đáp ứng kém của gan thai nhi đối với glucacon trong trường hợp có mẹ mắc đái tháo đường, đây cũng được xem là nguyên nhân có thể dẫn đến hạ đường huyết ở trẻ.
- Suy hô hấp: Tỷ lệ trẻ em tử vong do suy hô hấp có mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ rất cao. Hiện nay, nhờ có các thiết bị theo dõi sự phát triển của phổi thai nhi mà tỉ lệ tử vong này được cải thiện rõ rệt.
- Vàng da sau sinh: Mẹ mắc đái tháo đường thì bé sinh ra có tỉ lệ và mức độ vàng da sơ sinh cao hơn các bé bình thường khiến cho da và tròng trắng mắt bị đổi màu.
- Ảnh hưởng lâu dài: Bé được sinh ra khi mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ dễ bị béo phì, mắc đái tháo đường type 2 hoặc rối loạn tâm thần hơn bình thường.
3.2. Tăng nguy cơ mắc đái tháo đường ở trẻ và mẹ
Theo thống kê cho thấy phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ có tỉ lệ cao phát triển béo phì và tăng cân quá mức cao, và 30-50% trong số đó phát triển thành đái tháo đường tuýp 2 thật sự sau thai kỳ. Và có 30-69% bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ tái bệnh trở lại trong những lần mang thai tiếp theo. Mẹ mắc đái tháo đường cũng là một yếu tố nguy cơ khiến cho trẻ sớm bị mắc đái tháo đường type 2.
3.3. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ
Trong quá trình mang thai, bạn có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường thai kỳ nếu bạn:
- Thừa cân, béo phì trước khi mang thai.
- Có lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đến mức đái tháo đường (tiền đái tháo đường)
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường.
- Có tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ trước đó hoặc có tiền sử sinh con nặng trên 4kg.
- Mắc hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS) hoặc một tình trạng sức khỏe liên quan đến khả năng tiết insulin tuyến tụy (chẳng hạn viêm tụy).
- Bệnh nhân cao huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác.
- Bệnh nhân rối loạn lipid máu, cholesterol cao.
- Từng bị sẩy thai, thai chết lưu.
- Trên 25 tuổi.
- Chủng tộc: theo nhiều thống kê thì những người châu Á có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cao hơn các chủng tộc khác.
Xem thêm: Người bị tiểu đường nên ăn trái cây gì hoa quả gì?
4. Chỉ số đường huyết thai được đo như thế nào?
Thực hiện xét nghiệm tầm soát đái tháo đường thai kỳ ở tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ đối với những thai phụ không được chẩn đoán đái tháo đường trước đó. Có thể thực hiện 1 trong 2 cách sau:
4.1. Phương pháp một bước (one-step strategy)
Thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose: đầu tiên đo đường huyết lúc đói (sau ít nhất 8 tiếng không ăn), tiếp theo cho dùng 75g glucose đường uống (75-g OGTT) rồi đo nồng độ glucose huyết tại các thời điểm 1 giờ, 2 giờ. Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ khi bất kỳ giá trị glucose huyết thoả mãn tiêu chuẩn sau đây:
- Đường máu lúc đói ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/L)
- Đường máu ở thời điểm 1 giờ ≥ 180 mg/dL (10,0 mmol/L)
- Đường máu ở thời điểm 2 giờ ≥ 153 mg/dL (8,5 mmol/L)
4.2. Phương pháp hai bước (one-step strategy)
Bước 1: Cho uống 50g glucose hoặc uống tải glucose 50g (glucose loading test: GLT), bước này không cần thiết phải nhịn đói trước đó. Sau rồi đo glucose huyết tương 1 giờ sau khi uống 50g glucose. Nếu mức glucose huyết tương được đo lường tại thời điểm 1 giờ sau uống là 130 mg/dL, 135 mg/dL, hoặc 140 mg/dL (7,2 mmol/L, 7,5 mmol/L, 7,8 mmol/L) tiếp tục thực hiện bước 2.
Bước 2: Thực hiện nghiệm pháp dung nạp 100g glucose đường uống (100-g OGTT): Đo dường huyết bệnh nhân lúc đó sau đó cho uống 100 gam glucose được pha trong 250ml – 300 ml nước, đo glucose huyết tại các thời điểm 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ, sau khi uống glucose. Chẩn đoán tiểu đường thai kỳ khi ít nhất có 2 trong 4 giá trị mức glucose huyết tương bằng hoặc vượt quá các ngưỡng sau đây:
Tiêu chí chẩn đoán của Carpenter/ Coustan | Tiêu chí chẩn đoán theo National Diabetes Data Group | |
Lúc đói | 95 mg/dL (5,3 mmol/L) | 105 mg/dL (5,8 mmol/L) |
Ở thời điểm 1 giờ | 180 mg/dL (10,0 mmol/L) | 190 mg/dL (10,6 mmol/L) |
Ở thời điểm 2 giờ | 155 mg/dL (8,6 mmol/L) | 165 mg/dL (9,2 mmol/L) |
Ở thời điểm 3 giờ | 140 mg /dL (7,8 mmol/L) | 145 mg/dL (8,0 mmol/L) |
5. Cách nhận biết tiểu đường thai kỳ
5.1. Dựa vào biểu hiện lâm sàng
Tăng cao hàm lượng đường trong máu có thể nhận thấy bằng những triệu chứng sau:
- Thường xuyên có cảm giác khác nước.
- Đói và ăn nhiều hơn bình thường.
- Đi tiểu nhiều hơn bình thường (có khi hơn 10 lần/ngày).
- Vùng kín bị nấm men, ngứa ngáy, khó chịu…
- Vết thương hở lâu lành, dễ nhiễm trùng.
- Cân nặng thay đổi đột ngột.
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, uể oải.
- Quan sát thấy kiến bâu vào nước tiểu.
5.2. Dựa vào xét nghiệm cận lâm sàng
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) khuyến cáo nên tầm soát đái tháo đường thai kỳ bằng nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống kết hơp với phân tích các yếu tố nguy cơ. Từ đó đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp để phòng ngừa biến chứng và nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường thật sự sau thai kỳ.
Xem thêm: Chữa bệnh tiểu đường bằng lá sung có hiệu quả không?
6. Cách điều trị tiểu đường thai kỳ
Khi phát hiện đái tháo đường thai kỳ, việc đầu tiên cần làm là điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt của bà bầu một cách phù hợp, liên tục theo dõi đường huyết liên tục nhiều lần (6 lần/ngày). Nếu sau 2 tuần thay đổi không kiểm soát được đường huyết thì bắt buộc phải can thiệp bằng thuốc để phòng ngừa biến chứng đái tháo đường thai kỳ.
6.1. Thay đổi lối sống
Tập thể dục: Hiện có rất nhiều bài tập dành cho phụ nữ mang thái giúp tăng cường khả năng tiết và sử dụng insulin của cơ thể, giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Nên lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng với thời lượng trung bình từ 15-30 phút mỗi ngày để cải thiện tình trạng tăng đường huyết.
Chế độ ăn: Bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ thường được khuyên dùng chế độ ăn ít mỡ, ít đường, ít muối. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng đến có chế độ ăn phù hợp nhất. Dưới đây là chế độ ăn có thể tham khảo được tư vấn bởi các trang báo sức khỏe của Mỹ dành cho bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ, cụ thể khẩu phần ăn lý tưởng hằng ngày bao chứa:
- Ít hơn 30% lượng calo đến từ chất béo chưa bão hòa.
- Ít hơn 10% calo đến từ chất béo bão hòa.
- 40% calo còn lại đến từ carbohydrate.
- 10 – 20% lượng calo đến từ các nguồn protein (động vật và thực vật).
6.2. Sử dụng thuốc
Đối với trường hợp cần dùng thuốc chữa tiểu đường thai kỳ thì insulin là thuốc được lựa chọn điều trị chủ chốt trong trường hợp này. Bệnh nhân được dặn dùng insulin trước các bữa ăn và insulin nền vào buổi tối. Liều lượng insulin sẽ được tính toán và phân chia hợp lý theo cân nặng cũng như tình trạng bệnh, liều được điều chỉnh bởi bác sĩ chuyên khoa trong quá trính theo dõi đường huyết.
Lời kết
Có thể thấy tiểu đường thai kỳ là căn bệnh khá nguy hiểm để lại nhiều biến chứng nếu như các mẹ không chủ động kiểm soát đường huyết kịp thời. Hãy luôn chú trọng vào lối sống sinh hoạt và chế độ ăn uống lành mạnh để bảo vệ cả mẹ và con khỏi căn bệnh này. Hy vọng bài viết này cung cấp được nhiều kiến thức hữu ích giúp bạn có được hành trang vững chắc khi làm mẹ.
Nếu bạn đang gặp tình trạng hay có các biểu hiện của vấn đề về tiểu đường thai kỳ, cần được tư vấn thì hãy liên hệ đến hotline 1900 7061 hoặc điền vào form bên dưới để được nghe các dược sĩ tư vấn MIỄN PHÍ.
Xem thêm bài viết liên quan:
Mẹo 9 bài thuốc dân gian chữa bệnh tiểu đường an toàn và hiệu quả