Chỉ số HbA1c là một trong những chỉ số quan trọng trong việc chẩn đoán tầm soát và theo dõi hiệu quả trong việc điều trị bệnh đái tháo đường. Việc hiểu rõ về chỉ số này giúp bạn và bác sĩ theo dõi tốt quá trình kiểm soát và điều trị đái tháo đường của bạn từ có cải thiện chất lượng sức khỏe của người bệnh một cách tốt nhất.
1. Chỉ số HbA1c là gì?
HbA1c là một thuật ngữ hay chỉ số giúp phản ánh lượng đường glucose trung bình trong máu hay đường huyết trung bình của bạn. HbA1c là hemoglobin trong tế bào hồng cầu được liên kết bền vững với phân tử đường glucose hay còn gọi là hemoglobin glycated.
Bằng cách đo huyết sắc tố glycated (HbA1c), các bác sĩ lâm sàng có thể có được dữ liệu tổng thể về mức đường huyết trung bình của chúng ta trong khoảng thời gian vài tuần đến vài tháng. Thường chỉ số HbA1c phản ứng kiểm soát đường huyết của bạn trong khoảng 2 -3 tháng bởi vì khi đường glucose liên kết bền vững với hemoglobin và phức hợp này có thời gian tồn tại trong cơ thể phụ thuộc vào thời gian tồn tại của hồng cầu thường là 120 ngày (3 tháng) và sau đó chúng bị tiêu hủy ở lách và tăng sinh các tế bào hồng cầu mới.
Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, điều này rất quan trọng vì HbA1c càng cao, nguy cơ phát triển các biến chứng liên quan càng lớn.
Kết quả HbA1c thường được tính theo tỷ lệ phần trăm với:
- Bình thường khi chỉ số HbA1c dưới 5,7%.
- Tiền đái tháo đường khi chỉ số HbA1c trong khoảng từ 5,7% đến 6,4%.
- Bệnh đái tháo đường khi chỉ số HbA1c từ 6,5% trở lên.
Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo nên giữ mức HbA1c của các bệnh nhân đái tháo đường là dưới 6,5% hoặc chỉ số HbA1c cần đạt để tránh các nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, tùy thuộc vào sức khỏe tổng thể, tuổi tác, cân nặng và các yếu tố nguy cơ khác của bạn.
2. Tại sao cần kiểm soát chỉ số HbA1c?
Trong quá trình chuyển hóa bình thường của cơ thể, các phân tử đường glucose trong máu sẽ gắn vào hemoglobin một cách tự nhiên và các phân tử glucose sẽ kết hợp với hemoglobin tỷ lệ thuận với nồng độ đường glucose trong máu tại thời điểm đó. Bởi vì các tế bào hồng cầu trong cơ thể con người có thể tồn tại trong khoảng từ 8-12 tuần (thường là 3 tháng) trước khi đi vào chu trình tiêu hủy và tạo tế bào hồng cầu mới tại lách, nên việc đo chỉ số HbA1c có thể được sử dụng để phản ánh mức đường huyết trung bình trong khoảng thời gian đó.
Đây là một chỉ số giúp chúng ta theo dõi việc kiểm soát đường huyết của bản thân phòng ngừa các bệnh và nguy cơ biến chứng của đái tháo đường. Việc giảm cũng như kiếm soát được chỉ số HbA1c sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Có nhiều phương pháp như dùng thuốc tiểu đường, sử dụng các bài thuốc dân gian, chế độ ăn khoa học, tập luyện thể thao hợp lý,…mà người bệnh có thể áp dụng để kiểm soát chỉ số HbA1c hiệu quả.
Hai nghiên cứu quy mô lớn là nghiên cứu tiềm năng về Đái tháo đường tại Vương quốc Anh (UKPDS) và thử nghiệm kiểm soát và biến chứng Đái tháo đường (DCCT) đã chứng minh rằng việc cải thiện chỉ số HbA1c thêm 1% (hoặc 11 mmol / mol) cho những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 hoặc đái tháo đường tuýp 2 sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng trên tim mạch và mạch máu nhỏ là 25%. Cụ thể các biến chứng đó bao gồm:
- Các bệnh về mắt, võng mạc
- Bệnh liên quan đến hệ thần kinh trung ương
- Bệnh thận (suy thận, tổn thương thận cấp, hội chứng thận hư,…) do đái tháo đường gây ra.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 khi giảm được 1% mức HbA1c sẽ giúp
- Giảm 19% khả năng bị đục thủy tinh thể.
- Giảm 16% khả năng bị suy giảm chức năng của tim.
- Giảm 43% khả năng bị đoạn chi hay tử vong do các bệnh liên quan đến mạch máu nhỏ.
Xem thêm: Cách chữa tiểu đường bằng chuối hột tại nhà an toàn và hiệu quả
3. Theo dõi chỉ số HbA1c như thế nào?
Tất cả mọi người mắc bệnh đái tháo đường cần nên được làm xét nghiệm HbA1c ít nhất 6 tháng một lần. Xét nghiệm này có thể được chỉ định xét nghiệm nhiều hơn nếu bệnh nhân mới được thay đổi thuốc điều trị trong vòng vài tháng trước hoặc muốn theo dõi việc kiểm soát bệnh tiểu đường nhiều hơn một lần một năm ở người bệnh.
Theo khuyến cáo tốt nhất thì các bệnh nhân đái tháo đường cần được xét nghiệm chỉ số HbA1C mỗi 3 tháng 1 lần để theo dõi việc kiểm soát đường huyết và đáp ứng của thuốc điều trị sau một thời gian nhất định của bệnh nhân đồng thời giúp bác sĩ có thể điều chỉnh, xây dựng kế hoạch điều trị của người bệnh trong tương lai một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
Chỉ số HbA1c của những người bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm soát dưới <6,5% để tránh các biến chứng mà đái tháo đường gây ra do Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo. Mặc dù dựa vào xét nghiệm chỉ số HbA1c đơn lẻ không thể giúp ta dự đoán được các biến chứng của bệnh đái tháo đường nhưng việc kiểm soát tốt chỉ số này đã được chứng minh giúp giảm các biến chứng nguy hiểm đến các cơ quan như tim, mắt, não, mạch máu ngoại vi,…
Trên thực thế, các xét nghiệm sinh hóa cho ra kết quả có chỉ số HbA1c kèm các chỉ số khác liên quan đến đường huyết như đường huyết đói, đường huyết sau khi uống 75g glucose sau 2 giờ, nghiệm pháp dung nạp glucose,… chứ không bao giờ xét nghiệm riêng lẻ một mình HbA1c cả. Nếu mức HbA1c của bạn cao so với mức bình thường, đó có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường, một tình trạng bệnh mãn tính có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm bệnh liên quan đến tim mạch, bệnh thận và tổn thương hệ thống thần kinh.
4. Chỉ số đường huyết khi đói và chỉ số HbA1c khác nhau như thế nào?
HbA1c là chỉ số giúp cung cấp thông tin đường huyết trong một thời gian dài hạn như mức trung bình, mức độ cao của lượng đường trong máu của bạn trong một khoảng thời gian nhất định. Xét nghiệm chỉ số HbA1c có thể được lấy từ máu ở đầu ngón tay nhưng thường được lấy từ mẫu máu được lấy từ cánh tay của bệnh nhân.
Còn mức đường huyết là nồng độ glucose trong máu của bạn tại một thời điểm duy nhất, tức là ngay thời điểm xét nghiệm. Vì vậy chỉ số đường huyết đói là một xét nghiệm cũng được thực hiện bằng cách lấy máu từ ngón tay hay cánh tay của bệnh nhân với thời điểm là bạn đang đói hay có nghĩa là bạn phải nhịn ăn ít nhất 8 tiếng khi xét nghiệm chỉ số đường huyết đói.
Với các thời điểm lấy mẫu máu để xét nghiệm đường huyết khác nhau mà sẽ có tên khác nhau như đường huyết ngẫu nhiên, đường huyết sau ăn hay sau uống 75g glucose sau 2 giờ hay nghiệm pháp dung nạp glucose,…
Mỗi chỉ số đường huyết khác nhau sẽ có vai trò trong việc phản ánh tình trạng tuân thủ điều trị hay nguy cơ khác nhau. Ví dụ, xét nghiệm đường huyết lúc đói chỉ cung cấp số liệu về mức đường huyết hiện tại của bạn, trong khi đó xét nghiệm chỉ số HbA1c đóng vai trò là dấu hiệu phản ánh mức đường huyết trung bình trong khoảng thời gian 2-3 tháng.
Lời kết
Xét nghiệm chỉ số HbA1c là một trong những chỉ số quan trọng giúp phản ánh tình trạng kiểm soát đường huyết ở các bệnh nhân đái tháo đường. Việc kiểm soát HbA1c trong mức cho phép giúp cải thiện tình trạng bệnh và ngăn ngừa được các biến chứng nguy hiểm xảy ra cho bệnh nhân.
Nếu bạn có thắc mắc thêm về tình trạng bệnh tiểu đường. Hãy Đăng ký tư vấn cho Dược sĩ ngay hoặc gọi Hotline 19007061 để được Dược sĩ tư vấn Miễn phí về tình trạng bệnh cho bạn nhé.
Xem thêm bài viết liên quan:
Người bị tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì để kiểm soát bệnh?
Dây thìa canh có tác dụng gì? Những lưu ý khi sử dụng
Mẹo 9 bài thuốc dân gian chữa bệnh tiểu đường an toàn và hiệu quả