Tăng acid uric trong tiền sản giật đang là sự lo lắng của các mẹ bầu hiện nay và là một trong những mối lo quan tâm hàng đầu của các bác sĩ. Tiền sản giật là một bệnh lý rất phức tạp thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ và gây ra những biến chứng khó lường. Vậy bệnh tiền sản giật là gì? Tại sao tăng acid uric trong tiền sản giật lại gây nguy hiểm và chúng ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một cách đầy đủ nhất về vấn đề này.
1. Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật là rối loạn chức năng nhiều cơ quan liên quan đến thai nghén, đặc trưng với sự xuất hiện triệu chứng tăng huyết áp và protein niệu, hoặc các triệu chứng lâm sàng liên quan đến tổn thương nhiều cơ quan.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tiền sản giật như tổn thương mạch máu, lưu lượng máu đến tử cung không đủ, vấn đề hệ thống miễn dịch và yếu tố di truyền. Ở một số trường hợp, tiền sản giật không có bất kỳ triệu chứng gì lúc ban đầu, nhưng phần lớn phụ nữ mang thai có thể có các dấu hiệu như sau:
- Đau đầu dữ dội và dai dẳng.
- Đau bụng trên (ngay dưới phần xương sườn), chủ yếu là phần bên phải.
- Xuất hiện tình trạng sưng bất thường ở tay, chân và mặt.
- Tăng cân đột ngột.
- Buồn nôn và nôn.
- Khó thở.
- Mắt có thể nhìn mờ hơn hoặc thấy các đèn nhấp nháy.
- Huyết áp cao,lớn hơn 140/90 mmHg sau tuần 20 của thai kỳ.
- Có protein trong nước tiểu (protein/ niệu ≥ 300mg/24 giờ).
- Đi tiểu ít hơn.
2. Tăng acid uric trong tiền sản giật gây đến những nguy hiểm như thế nào?
2.1. Tác hại của việc tăng tăng acid uric trong tiền sản giật đối với thai nhi
Theo báo cáo nghiên cứu của bác sĩ nội trú trường đại học Y Dược Huế năm 2016 cho thấy các biến chứng của con chủ yếu nằm trong nhóm người mẹ có hiện tượng tăng acid uric máu khi mang thai.
Dựa trên kết quả cho thấy, nhóm thai chậm phát triển có tỷ lệ tăng acid uric là 73.3%, nhóm sinh non có tỷ lệ tăng acid uric là 74.4%, nhóm tử vong chu sinh (là hiện tượng tử vong ở trẻ sơ sinh từ lúc sinh ra cho đến 28 ngày sau sinh) có tỷ lệ tăng acid uric là 90%. Tức là, tăng nồng độ acid uric trong tiền sản giật có khả năng rất cao sẽ dẫn đến sinh non, thai chậm phát triển trong tử cung và tử vong chu sinh.
Tăng acid uric trong tiền sản giật cũng có nguy cơ cao khiến trẻ sinh ra có chỉ số apgar 1 phút < 7 điểm. Chỉ số apgar là chỉ số kiểm tra nhằm đánh giá tổng thể tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh. Chỉ số này được kiểm tra ít nhất 2 lần là 1 phút sau sinh và 5 phút sau sinh. Nếu tổng điểm dưới 7 tức là trẻ đang ở trạng thái ngạt nguy kịch và cần bác sĩ chăm sóc và nhanh chóng hồi sức tích cực. Ở tình trạng này, bé có nguy cơ cao bị tổn thương thần kinh lâu dài.
Cấu trúc mạch máu nhau thai bình thường chịu trách nhiệm vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi đang phát triển. Axit uric có khả năng gây tổn thương mạch máu ở người trưởng thành và có thể có tác dụng tương tự đối với nhau thai của phụ nữ tiền sản giật.
Đồng thời axit uric gây ra sự co mạnh trong nhau thai của phụ nữ bị tiền sản giật, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự tưới máu của nhau thai và có thể ức chế sự phát triển của thai nhi.
Ngoài ra, axit uric có chức năng chống oxy hóa dẫn đến việc chuyển hóa nó thành gốc tự do, gốc urat. Trong những trường hợp bình thường, urat nhanh chóng trở lại trạng thái chống oxy hóa thông qua hoạt động của ascorbate. Ở trường hợp tăng acid uric trong tiền sản giật, khả năng cung cấp ascorbate giảm, gốc urat vẫn tồn tại và có khả năng biến đổi oxy hóa protein và lipid của nhau thai, có thể tác động không tốt đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
2.2. Tác hại của việc tăng tăng acid uric trong tiền sản giật đối với người mẹ
Axit uric là một chất trung gian mạnh mẽ của viêm, kích thích các tế bào sản xuất ra các chất tiền viêm. Trong tiền sản giật, tình trạng viêm tăng cao dẫn đến rối loạn chức năng nội mô và tổn thương mạch máu.
Bên cạnh đó, phụ nữ trong giai đoạn tiền sản giật rất dễ bị rối loạn chức năng thận. Một báo cáo trước đây cho biết các tổn thương thận chỉ thấy ở tiền sản giật tăng axit uric máu. Đồng thời nguy cơ người mẹ gặp phải các bệnh gout và cao huyết áp là rất lớn.
Ngoài ra, người mẹ còn gặp những biến chứng nguy hiểm liên quan đến tiền sản giật như là co giật, nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao, tổn thương gan, suy thận, phù phổi, bong nhau thai, các vấn đề chảy máu do tiểu cầu thấp.
Nghiêm trọng hơn, bạn có thể mắc hội chứng HELLP, tình trạng này sẽ gây ra rối loạn đông máu, đau dữ dội và có thể đe dọa đến tính mạng.
3. Nguyên nhân gây tăng acid uric trong tiền sản giật
Tổng quan, axit uric được thận lọc, tái hấp thu và bài tiết. Giảm thể tích máu là một dấu hiệu thay đổi sớm trong tiền sản giật, làm tăng tái hấp thu axit uric, có thể dẫn đến làm tăng nồng độ axit uric trong huyết thanh. Tuy nhiên, tăng acid uric thường xuất hiện trước giảm thể tích huyết tương, tăng huyết áp và protein niệu.
Tăng acid uric trong tiền sản giật có thể là một phần của hội chứng chuyển hóa hoặc do trong thời kỳ đầu mang thai việc sản xuất axit uric có xu hướng tăng lên. Có một số nguyên do hợp lý làm tăng acid uric trong tiền sản giật khác xuất phát từ thai nhi, nhau thai, các cơ quan và mạch máu của mẹ.
Ngoài những yếu tố khách quan trên, tăng axit uric trong thời gian đang mang thai cũng có thể là những nguyên nhân dưới đây:
Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý: Rất nhiều người có quan niệm rằng, khi mang thai nên để thai phụ ăn càng nhiều càng tốt, và đó là dấu hiệu đáng mừng vì nghĩ rằng như thế sẽ có nhiều chất dinh dưỡng cho con. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng, nếu người mẹ ăn những thực phẩm giàu chất đạm, dầu mỡ liên tục trong một thời gian dài, hoặc thu nạp đột ngột những loại thức ăn trên trong thời gian ngắn sẽ gây tăng nồng độ axit uric.
Các bệnh lý khác: Hiện tượng tăng axit uric trong tiền sản giật thường xảy ra với những thai phụ bị cao huyết áp, béo phì, tiểu đường, các bệnh về thận… Chúng không phải là nguyên nhân tác động trực tiếp nhưng sẽ trở thành tác nhân gây ra tình trạng này.
4. Phương pháp điều trị và phòng ngừa tăng acid uric trong tiền sản giật
Phương pháp điều trị sản giật khi mang thai được khuyến nghị là sinh em bé. Trong hầu hết các trường hợp, việc thực hiện này sẽ có hiệu quả ngăn tình trạng tiến triển. Theo Tổ chức tiền sản giật (Preeclampsia Foundation), sau khi sinh em bé ra, các triệu chứng tiền sản giật thường hết trong vòng 46 giờ, các chức năng gan thận sẽ hoạt động trở lại bình thường sau vài tháng.
Nếu bạn đang ở tuần thứ 37 hoặc muộn hơn, bác sĩ có thể gây chuyển dạ. Tại thời điểm này, em bé đã phát triển toàn diện và không được coi là sinh non. Nếu bạn chưa đến tuần thứ 37, bác sĩ sẽ cân nhắc sức khỏe của bạn hoặc dùng những phương pháp khác.
Phương pháp điều trị đối với tiền sản giật nhẹ chủ yếu là cho thai phụ nghỉ ngơi nhiều với không gian yên tĩnh. Đồng thời, khi bị tăng acid uric trong tiền sản giật, người mẹ cũng nên chú ý nắm bắt được các thông tin về chế độ ăn uống như acid uric cao nên ăn gì, cần ăn uống những gì và hạn chế thu nạp những loại thực phẩm nào tốt cho sức khỏe mẹ và bé. Nguyên tắc cơ bản là ăn nhiều rau củ quả, trái cây tươi và một số thực phẩm có thành phần purin thấp như trứng, sữa, cà chua,… Những loại thức ăn nhanh, cũng như nội tạng động vật sẽ tăng nguy cơ chuyển hóa thành acid uric nên mẹ bầu cũng cần hạn chế ăn chúng.
Để phòng tránh tình trạng tăng acid uric trong tiền sản giật, một trong những cách đào thải acid uric nhanh là uống nhiều nước. Tuy nhiên tốt nhất là người mẹ nên uống nước lọc tinh khiết, tránh uống trà, cà phê hoặc các loại thức uống kích thích khác.
Người mẹ cần đi khám thai với tần suất 3 ngày 1 lần , siêu âm thai mỗi 3 -4 tuần để được theo dõi kỹ lưỡng về tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi đối với trường hợp tăng acid uric trong tiền sản giật.
Bên cạnh đó, vấn đề huyết áp cũng là mối quan tâm hàng đầu, nếu huyết áp lớn hơn 149/90 mmHg thì nên nhập viện ngay. Trong quá trình này, bác sĩ có thể đề xuất sử dụng aspirin liều thấp từ 60 đến 81 miligam. Tuy nhiên, thai phụ tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu hay các loại thuốc khác, kể cả các bài thuốc dân gian mà chưa có sự hướng dẫn, chỉ định từ các bác sĩ hoặc chuyên gia.
Lời kết
Những thông tin về tăng acid uric trong tiền sản giật đã được trình bày trong bài viết trên. Tiền sản giật là một biến chứng nguy hiểm, bên cạnh đó việc tăng acid uric trong tiền sản giật lại góp phần khiến cho bệnh tình càng trở nên trầm trọng. Do đó, hãy chú ý phòng bệnh hơn chữa bệnh, thực hiện những biện pháp đã được liệt kê ở trên để tránh hệ quả đáng tiếc về sau. Hy vọng bài viết này đã giúp cho mọi người có cách nhìn toàn diện và khách quan nhất về vấn đề này giúp cho những mẹ bầu đi qua thời kỳ mang thai một cách an toàn và sở hữu một sức khỏe tốt nhất.
Xem thêm bài viết có nội dung liên quan:
Phụ nữ có bị gout không và những lưu ý cần biết
Tổng hợp các tiêu chuẩn chẩn đoán gout