Trào ngược bàng quang niệu quản chủ yếu là nguyên phát, xuất hiện nhiều ở trẻ. Là tình trạng nước tiểu chảy ngược từ bàng quang lên lại niệu quản.
1. Trào ngược bàng quang niệu quản là gì?
Hệ tiết niệu bao gồm các bộ phận góp phần trong việc đào thải nước tiểu ra bên ngoài cơ thể. Mỗi bộ phận thực hiện một chức năng khác nhau nhưng nhịp nhàng với một mục đích chung:
- Thận: Lọc máu và các chất thải. sản xuất và bài tiết nước tiểu
- Hai ống niệu quản: dẫn nước tiểu từ thận xuống dự trữ tại bàng quang
- Bàng quang: dự trữ nước tiểu và co bóp đẩy nước tiểu xuống niệu đạo khi có lệnh từ não
- Niệu đạo: là con đường trung gian giúp nước tiểu đi từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể
Trào ngược bàng quang niệu quản, tiếng anh là Vesicoureteral Reflux ( VUR) xảy ra phổ biến ở trẻ em với tính trạng nước tiểu trào ngược từ bàng quang vào một hoặc cả hai ống niệu quản. Tuy bệnh lý xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể bắt gặp bệnh lý này ở các trẻ lớn hơn hay thậm chí là người trưởng thành.
Tình trạng trào ngược bàng quang niệu quản có thể không gây ra triệu chứng nào nhưng nó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và nguy hiểm hơn hết là gây nhiễm trùng thận. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng 25% đến 40% trẻ em bị nhiễm trùng đường tiết niệu được phát hiện mắc kèm trào ngược bàng quang niệu quản.
Trào ngược bàng quang niệu quản được phân thành 5 cấp độ, được phân loại như sau:
- Độ 1: Nước tiểu chỉ trào ngược vào niệu quản
- Độ 2: Nước tiểu trào ngược vào niệu quản và bể thận. Kích thước niệu quản và bể thận vẫn bình thường
- Độ 3: Trào ngược vào niệu quản,bể và đài thận, có xuất hiện bất thường về kích thước, phù nhẹ
- Độ 4: tương tự như độ III nhưng niệu quản phình to ở mức trung bình
- Độ 5: Cấp độ trào ngược bàng quang niệu quản nghiêm trọng nhất. Thấy niệu quản phình to nghiêm trọng và xoắn niệu quản.
2. Nguyên nhân gây trào ngược bàng quang niệu quản
Ngoài cách phân loại 5 cấp độ dựa trên mức độ trào ngược của nước tiểu, trào ngược bàng quang niệu quản có thể phân loại theo hai loại là trào ngược bàng quang niệu quản nguyên phát và trào ngược bàng quang niệu quản thứ phát. Với nguyên nhân đi kèm như sau:
2.1. Trào ngược bàng quang niệu quản nguyên phát:
Là do trẻ bị dị tật bẩm sinh về van giữa niệu quản và bàng quang trong hệ tiết niệu. Sự khiếm khuyết này có thể xảy ra trên một hay cả 2 van của hai ống niệu quản làm nó không đóng đúng cách, từ đó nước tiểu trào ngược lên.
Trào ngược bàng quang niệu quản nguyên phát có thể tự cải thiện khi trẻ dần lớn lên. Thông thường sẽ không có bất kỳ một can thiệp nào được thực hiện cho dù được phát hiện từ lúc mới sinh, ít nhất phải là lúc trẻ được vài tháng tuổi.
Hầu hết các trường hợp trào ngược bàng quang niệu quản được phát hiện là nguyên phát. do đó đối tượng thường gặp là trẻ em.
2.2. Trào ngược bàng quang niệu quản thứ phát
Trào ngược bàng quang niệu quản thứ cấp xảy ra khi có áp lực khiến nước tiểu chảy ngược. Thường là do tắc nghẽn ở đâu đó trong hệ thống tiết niệu hoặc các vấn đề tại dây thần kinh giúp bàng quang thư giãn.. Có thể là do nhiễm trùng bàng quang khiến niệu quản sưng lên làm nước tiểu chảy ngược trở lại thận.
3. Ai có thể mắc trào ngược bàng quang niệu quản
Như đã nói ở trên, trào ngược bàng quang niệu quản thường được phát hiện ở trẻ vì nguyên nhân nguyên phát của bệnh lý này phổ biến hơn. Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường và Tiêu hóa và Bệnh thận Hoa Kỳ (NIDDK), Trào ngược bàng quang niệu quản phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Tuổi càng lớn, tình trạng này càng ít phổ biến.
Trào ngược bàng quang niệu quản cũng có xu hướng liên quan đến các thành viên trong gia đình. Cụ thể một nghiên cứu vào năm 2016 cho kết quả khoảng 27.4% trẻ em có anh chị em mắc trào ngược bàng quang niệu quản và 35.7% ba mẹ mắc trào ngược bàng quang niệu quản cũng bị mắc bệnh này.
Nghiên cứu năm 2019 cho thấy trào ngược bàng quang niệu quản được chẩn đoán ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Điều này là do phái nữ có tỷ lệ nhiễm trùng tiểu cao hơn. Các nhà nghiên cứu cũng nói rằng, vì lý do tương tự, trào ngược bàng quang niệu quản xảy ra nhiều ở nam giới chưa cắt bao quy đầu nhiều hơn so với năm giới đá cắt bao quy đầu.
Trong một nghiên cứu năm 2017, cũng phát hiện rằng trẻ sơ sinh nữ dưới 6 tháng tuổi có khả năng phát triển trào ngược bàng quang niệu quản cao gấp 3 lần so với trẻ sơ sinh nam. Ở khoảng 21 đến 24 tháng tuổi, tỷ lệ này giữa hai giới có sự cân bằng.
4. Biến chứng có thể có của trào ngược bàng quang niệu quản
Nhiễm trùng tiểu hay nhiễm trùng đường tiết niệu: Đây là biến chứng phổ biến nhất của trào ngược bàng quang niệu quản. Hầu hết trẻ em bị trào ngược bàng quang niệu quản sẽ hồi phục mà không có biến chứng. Tuy vậy, nếu nhiễm trùng tiểu lây lan có thể dẫn đến sẹo và gây tổn thương vĩnh viễn.
Sẹo thận có thể xảy ra khi trào ngược bàng quang niệu quản không điều trị hay không điều trị kịp thời. Nếu thận bị tổn thương nghiêm trọng, trẻ có thể mắc các tình trạng như tăng huyết áp hay hiếm và nguy hiểm hơn là suy thận.
Suy thận cấp có thể xảy ra nếu chất độc tích tụ nhiều trong máu do mất chức năng thận. Nếu nghiêm trọng cần được lọc máu khẩn cấp.
Bệnh thận mãn tính xảy ra khi chức năng thận ngày càng giảm sút. Chức năng thận khó có khả năng trở lại bình thường với một đối tượng bị bệnh thận mãn.
Nếu chứng năng thận giảm xuống dưới 15% so với khả năng bình thường, bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối thì người bệnh cần ghép thận hoặc chạy thận nhân tạo.
5. Triệu chứng của trào ngược bàng quang niệu quản
Các triệu chứng của trào ngược bàng quang thường không cố định. Trong trường hợp trào ngược nhẹ, nước tiểu chỉ chảy lên một đoạn của niệu quản. Nếu trào ngược nặng hay nghiêm trọng, nó có thể gây nhiễm trùng thận hay tổn thương thận vĩnh viễn.
Nhiễm trùng đường tiết niệu là dấu hiệu phổ biến nhất của trào ngược bàng quang niệu quản. Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xảy ra mà không có bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào. Một biểu hiện thường hay gặp nhất là tình trạng sốt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng tại bàng quang ( còn gọi là viêm bàng quang ):
- Cần đi tiểu khẩn cấp
- Cảm giác đau, nóng, rát khi đi tiểu
- Có máu trong nước tiểu
- Nước tiểu có mùi mạnh, khó chịu
- Chảy nước tiểu, tiểu không tự chủ, đái dầm
- Sốt và đau bụng
- Rối loạn đường ruột như táo bón
- Trẻ quấy khóc
Những dấu hiệu này ít được chú ý hơn ở trẻ sơ sinh.
Một số dấu hiệu của nhiễm trùng thận
- Sốt
- Đau ở bụng hoặc lưng
- Cảm thấy không khỏe, mệt mỏi
- Nôn mửa
Nếu trào ngược bàng quang niệu quản không được điều trị, các triệu chứng lâu dài có thể có như:
- Thận sưng, biết được khi có cảm giác có khối bên trong bụng khi sờ
- Cân nặng ít tăng
- Tăng huyết áp
- Suy thận
- Protein trong nước tiểu
- Sẹo mô thận
Trẻ sơ sinh có thể bị nôn mửa, tiêu chảy, lờ đờ và có thể phát triển không bình thường.
6. Chẩn đoán trào ngược bàng quang niệu quản
Trong một vài trường hợp, trào ngược bàng quang niệu quản có thể được phát hiện khi thực hiện các xét nghiệm trước sinh. Phát hiện phổ biến là khi trẻ ở độ tuổi từ 2-3. Và bệnh thường đường phát hiện nhất khi trẻ bị nhiễm trùng tiểu.
Một số xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán như:
- Siêu âm: Có thể thấy tình trạng trào ngược bàng quang niệu quản ngay khi bé còn trong bụng mẹ hoặc khi bé đã sinh ra
- Xét nghiệm nước tiểu có thể phát hiện nhiễm trùng tiểu
- Chụp bàng quang hạt nhân phóng xạ: Xét nghiệm giúp nhìn thấy hình dạng của thận và cho biết chúng có hoạt động bình thường hay không
- Chụp bàng quang niệu đạo: Chụp X-quang bàng quang và niệu đạo khi bàng quang đầy và trống. Phương pháp này cho biết bất thường trong cấu trúc bàng quang và dòng nước tiểu.
7. Điều trị trào ngược bàng quang niệu quản
Điều cần quan tâm khi có tình trạng trào ngược bàng quang niệu quản là nhiễm trùng tiểu hoặc nhiễm trùng thận. Điều trị trào ngược nhằm giảm thiểu các biến chứng này.
7.1. Kháng sinh
Kháng sinh liều thấp dùng liên tục hoặc kháng sinh sau nhiễm trùng phát triển có thể được sử dụng.
Hiện nay, Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ ( AUA ) khuyến nghị điều trị kháng sinh liên tục cho trẻ em dưới 1 tuổi có tiền sử nhiễm trùng tiểu hoặc có trào ngược bàng quang niệu quản độ 3 đến 5 không có tiền sử nhiễm trùng tiểu.
Với trẻ dưới 1 tuổi không có tiền sử nhiễm trùng tiểu và trào ngược bàng quang niệu quản cấp độ 1,2 có thể xem xét điều trị bằng kháng sinh liên tục.
Trẻ em trên 1 tuổi có nhiễm trùng tiểu, Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ khuyến nghị xem xét liệu pháp kháng sinh liên tục. Theo dõi thận trọng và điều trị kháng sinh ngay lập tức khi nhiễm trùng đường tiết niệu phát triển cũng có thể được xem xét thực hiện.
7.2. Phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đôi khi sẽ cân nhắc phẫu thuật khi trẻ bị nhiễm trùng tiểu lặp đi lặp lại, đặc biệt nếu trẻ có trào ngược bàng quang niệu quản cấp độ cao hoặc sẹo thận.
Bác sĩ có thể đề nghị một thủ thuật gọi là cấy ghép lại niệu quản. Phẫu thuật này thay đổi cách niệu quản kết nối với bàng quang để giữ cho nước tiểu không bị trào ngược.
Bác sĩ có thể đề nghị một loại thủ thuật khác, trong đó một lượng nhỏ gel được tiêm vào bàng quang gần chỗ nối của niệu quản. Loại gel này tạo ra một chỗ phồng lên trong thành bàng quang hoạt động giống như một cái van.
Theo Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ, các bác sĩ có thể xem xét cắt bao quy đầu cho trẻ sơ sinh nam chưa cắt bao quy đầu dưới 1 tuổi.
Ống thông tiểu có thể được sử dụng để dẫn lưu nước tiểu nếu trẻ không thể làm trống bàng quang đúng cách.
8. Làm sao để ngăn ngừa bàng quang niệu quản
Khó để ngăn ngừa trào ngược bàng quang niệu quản vì lý do chủ yếu thường gặp là do dị tật bẩm sinh, nhưng có thể thực hiện các bước để tối đa hóa sức khỏe bàng quang của trẻ, chẳng hạn như:
- Đảm bảo trẻ được cung cấp đủ chất lỏng vào cơ thể
- Đảo bảo trẻ được đi tiểu khi trẻ cần
- Đối với bé gái, lau từ trước ra sau khi đi đại tiện
- Thực hiện chế độ ăn hợp lý, thói quen phù hợp để tránh táo bón và điều trị kịp thời khi nó nặng hơn.
- Tìm các cách giúp trẻ giảm chứng tiểu không tự chủ hay đại tiện không tự chủ
- Đảm bảo một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều thực phẩm giàu chất xơ
- Hạn chế các loại đường nhân tạo
Lời kết:
Trào ngược bàng quang niệu quản gặp phổ biến ở trẻ nhỏ và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. nếu phát hiện trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ của bệnh lý này hãy đưa trẻ đến cơ sở ý tế để được thăm khám và điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.