Bị táo bón nên ăn gì và kiêng gì để cải thiện tốt?

Người bị táo bón nên ăn gì và kiêng gì?

Người bị táo bón nên ăn gì để cải thiện tình trạng bệnh và tuyệt đối không được dùng những loại thực phẩm nào để tránh gây áp lực lên đường tiêu hóa, làm trầm trọng thêm triệu chứng? Rất nhiều người còn chưa biết được câu trả lời cho vấn đề trên và vẫn đang tiếp tục ăn uống theo thói quen vô tình dẫn đến những hệ luỵ và biến chứng ảnh hưởng nhiều đến thể chất bệnh nhân. Hãy cùng bài viết dưới đây tìm kiếm lời giải đáp cho câu hỏi trên nhé.

1. Chế độ ăn uống có ảnh hưởng đến tình trạng táo bón không?

Về cơ bản, táo bón được hiểu là tình trạng giảm số lần đi đại tiện, thường là ít hơn 3 lần/tuần cùng với trạng thái phân khô, cứng. Tuy nhiên, do mỗi người có tần suất đi đại tiện khác nhau từ 3 lần/ngày đến 3 lần/tuần, vậy nên cần xác định tần suất đi tiêu thông thường của bệnh nhân trước khi chẩn đoán táo bón. Ngày nay, táo bón là một trong những rối loạn tiêu hoá khá phổ biến. Rất nhiều người phàn nàn về tình trạng táo bón, từ trẻ em, người lớn đến cả người cao tuổi hay phụ nữ mang thai.

Loại trừ các trường hợp bị táo bón do một hay nhiều bệnh lý khác gây nên thì điểm chung của những người bị táo bón đều từ chế độ ăn uống chưa được khoa học, không cung cấp đủ chất xơ và nước trong khẩu phần ăn hằng ngày. Để tìm hiểu cụ thể hơn về vai trò của chế độ ăn uống đối với tình trạng táo bón, chúng ta cần nắm được khái quát về chất xơ, nước và vai trò của chúng trong việc cải thiện vấn đề đại tiện.

Chất xơ là nhóm thực phẩm có nguồn gốc thực vật mà cơ thể không tiêu hoá được. Bản chất hoá học của chất xơ là các phân tử cacbonhydrat như monosaccarid hay polysaccarid. Chất xơ có thể được chia thành 2 nhóm như sau:

Chất xơ hoà tan: Là chất có thể hoà tan trong chất lỏng khi vào đường ruột dưới dạng gel. Vai trò quan trọng của chất xơ hoà tan là giúp việc tiêu hoá dễ dàng hơn, làm tăng độ mềm và khối lượng của phân, giúp quá trình thải phân thuận lợi hơn. Một lợi ích khác cho sức khoẻ của loại chất xơ này là giúp giảm cholesterol và điều hoà lượng đường trong máu cho cơ thể. Các thực phẩm chứa nhiều chất xơ hoà tan có thể kể đến như yến mạch, đậu Hà Lan, táo, cà rốt, các loại trái cây thuộc họ cam, quýt,…

Chất xơ không hoà tan: Ngược lại với chất xơ hoà tan, chất xơ không hoà tan không thể hoà tan trong nước và không bị phá vỡ bởi vi khuẩn đường ruột. Chất xơ không hoà tan di chuyển qua đường tiêu hoá mà không bị tan ra, do đó hỗ trợ các thực phẩm khác di chuyển qua hệ tiêu hoá một cách dễ dàng. Ngoài ra, chất xơ không hoà tan còn hút nước, tăng khối lượng chất bã giúp thải độc trong cơ thể và giúp quá trình bài tiết diễn ra nhanh hơn. Nguồn thực phẩm chứa nhiều chất xơ không hoà tan là vỏ các loại lúa mì, gạo lức, một số loại rau, củ,…

Chất xơ giúp cải thiện tình trạng táo bón
Chất xơ giúp cải thiện tình trạng táo bón

Tựu chung, chất xơ như một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên giúp tăng khả năng hoạt động của ruột già, tăng khả năng tiêu hoá, thải cặn bã. Một điểm cần lưu ý khi ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ là cần bổ sung nhiều nước hay chất lỏng khác để tăng hiệu quả tống đẩy chất xơ qua ruột. Thêm vào đó, nước còn giúp tăng khối lượng và làm mềm phân, giúp bài tiết dễ dàng. Tuy nhiên, cần hạn chế sử dụng các loại nước giải khát chứa caffein do có khả năng làm tăng tác dụng làm mất nước.

Thế nên, một chế độ ăn bổ sung đủ chất xơ và nước cho cơ thể hiển nhiên sẽ giúp phòng ngừa và cải thiện tình trạng táo bón. Ngược lại việc ăn quá nhiều các thực phẩm giàu dầu mỡ, thức ăn nhanh sẽ làm tăng nguy cơ bị táo bón bởi các thực phẩm này thường giàu chất béo và ít chất xơ, từ đó khiến quá trình tiêu hoá trở nên chậm và khó khăn hơn bình thường. Một chế độ ăn uống khoa học không chỉ ảnh hưởng mà còn là yếu tố tiên quyết giúp thay đổi tình trạng táo bón nói riêng và sức khoẻ người bệnh nói chung.

Xem thêm: Top 11 loại thực phẩm giúp nhuận tràng ngăn tình trạng táo bón

2. Người bị táo bón nên ăn gì?

Chế độ ăn uống dành cho người bị táo bón cần phải là một chế độ giàu chất xơ và bổ sung đủ nước mỗi ngày. Vậy cần ăn bao nhiêu chất xơ là đủ và những thực phẩm giàu chất xơ nào nên được sử dụng? Nhu cầu chất xơ khuyến nghị cho người Việt Nam ít nhất là 20 – 25g/người/ngày, hoặc theo phép tính đơn giản: mỗi người cần cung cấp 14g chất xơ cho mỗi 1000 calo trong chế độ ăn hàng ngày. Tăng lượng chất xơ được thực hiện dần dần bằng việc ăn nhiều trái cây và rau xanh hơn mỗi ngày. Việc tăng đột ngột quá nhiều chất xơ có thể gây đầy hơi và sình bụng do khi ở ruột già, các chất xơ được các vi sinh vật sử dụng và tạo ra nhiều hoá chất có hơi, nếu quá nhiều sẽ dẫn đến đầy hơi nặng bụng.

Lộ trình tăng lượng chất xơ nên diễn ra từ từ trong một vài tuần. Các loại thực phẩm giàu chất xơ mà người bị táo bón nên sử dụng có thể kể đến là:

2.1. Các loại ngũ cốc nguyên hạt

Các loại hạt có nhiều dưỡng chất tốt cho người bị táo bón
Các loại hạt có nhiều dưỡng chất tốt cho người bị táo bón

Ngũ cốc chỉ loại bỏ lớp vỏ trấu bên ngoài, giữ lại 3 thành phần dinh dưỡng của hạt là lớp cám, mầm và nội nhũ. Ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ và nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin B, sắt, kẽm,… so với các loại ngũ cốc khác. Ngũ cốc nguyên hạt thường được phân thành các loại đậu nguyên hạt như: đậu đen, đậu nành,… các loại thân cỏ như: lúa mạch, kiều mạch,… các loại hạt bắp, hạt bí và các loại hạt khác như yếu mạch, macca, hạt kê,… Hiện nay các loại ngũ cốc nguyên hạt có thể dễ dàng tìm thấy ở những siêu thị lớn hoặc các cửa hàng bán thực phẩm thực dưỡng.

2.2. Người bị táo bón nên ăn rau xanh và các loại củ

Rau xanh: Là một nguồn cung cấp chất xơ lí tưởng, dễ mua và dễ chế biến. Các loại rau phổ biến như rau mồng tơi, rau má, rau diếp cá, rau cải đều chứa nhiều chất xơ, vitamin và các loại khoáng chất cần thiết cho cả người bị táo bón lẫn người bình thường.

Các loại củ: Theo dân gian, người bị táo bón hay được khuyên dùng củ khoai lang bởi khoai lang có vị ngọt, tính bình, nhuận tràng thông tiện. Ngoài ra khoai lang cũng rất dễ mua và dễ chế biến. Các món từ khoai lang có thể kể đến như khoai lang luộc, hấp hoặc khoai lang nấu súp. Trung bình trong một củ khoai lang chứa đến 4g chất xơ không hoà tan giúp hỗ trợ tiêu hoá và điều trị táo bón.

Rau xanh và các loại củ là nguồn cung cấp xơ lý tưởng cho người táo bón
Rau xanh và các loại củ là nguồn cung cấp xơ lý tưởng cho người táo bón

2.3. Các loại trái cây cũng tốt cho người bị táo bón

Mận khô: Chất xơ không hòa tan trong mận khô, được gọi là cellulose, làm tăng khối lượng phân và lượng nước trong phân. Trong khi đó, chất xơ hòa tan trong mận khô được lên men trong ruột kết, giúp làm tăng trọng lượng phân, kích thích vi khuẩn có lợi cho đường ruột và có tác dụng nhuận tràng. Bạn có thể thưởng thức mận khô riêng hoặc trong món salad, ngũ cốc, bột yến mạch, bánh nướng, sinh tố và món hầm mặn.

Táo: Trên thực tế, một quả táo vừa với vỏ (khoảng 200 gram) chứa 4,8 gram chất xơ. Táo chủ yếu chứa dạng chất xơ ăn kiêng gọi là pectin, có tác dụng làm mềm phân và giảm thời gian vận chuyển trong ruột. Táo là một phương pháp dễ dàng để tăng hàm lượng chất xơ trong chế độ ăn uống của bạn và giảm bớt chứng táo bón. 

Quả lê: Lê rất giàu chất xơ, với khoảng 5,5 gam chất xơ trong một quả cỡ trung bình (khoảng 178 gam). Hàm lượng fructose và sorbitol trong quả lê đặc biệt cao so với các loại trái cây khác, chúng có tác dụng đưa nước vào ruột và hoạt động như một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên.

Kiwi: Một quả kiwi (khoảng 75 gam) chứa khoảng 2,3 gam chất xơ. Kiwi là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào và chứa actinidin, một loại enzym có thể cải thiện nhu động ruột và giảm táo bón. Nếu bạn không biết kiwi nên chế biến như thế nào thì đây là một gợi ý. Bạn chỉ cần gọt vỏ hoặc cắt đôi, nạo lấy phần thịt và hạt màu xanh, sau đó cho vào món salad trái cây, bên cạnh đó bạn cũng có thể xay kiwi và làm thành nước sinh tố.

Trái cây có múi: Các loại trái cây họ cam quýt như cam, bưởi và quýt có nhiều chất xơ và chứa một số hợp chất bao gồm pectin và naringenin, chúng có thể làm giảm táo bón. Để có được lượng chất xơ và vitamin C tối đa, hãy ăn trái cây họ cam quýt tươi. 

Ngoài ra, với các loại trái cây như táo và lê, thì trong vỏ sẽ có chất xơ không hoà tan và phần ruột sẽ có chất xơ hoà tan, cùng một số loại thực phẩm có tác dụng rất tốt khác mà bạn hay bỏ qua như: hạt chia, hạt lanh, cháo yến mạch,…

Các thực phẩm giàu chất xơ cần được bổ sung vào chế độ ăn
Các thực phẩm giàu chất xơ cần được bổ sung vào chế độ ăn

Ngoài các thực phẩm giàu chất xơ kể trên, người bị táo bón cũng nên bổ sung sữa chua vào chế độ ăn của mình. Trong sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn giúp hỗ trợ tiêu hoá, tạo cân bằng cho hệ vi sinh đường ruột. Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày và xây dựng một chế độ ăn hợp lý là một trong những bước quan trọng để cải thiện táo bón và ngăn ngừa tái phát.

Xem thêm: Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì và kiêng gì?

3. Người bị táo bón nên kiêng ăn gì?

Bên cạnh các thực phẩm được khuyên dùng, người bị táo bón nên chú ý tránh các loại thực phẩm sau để tình trạng táo bón không diễn biến nặng hơn.

Thực phẩm liên quan bột mì trắng: Bột mì trắng không chứa chất xơ nên việc tiêu thụ các thực phẩm từ bột mì trắng sẽ khiến các triệu chứng táo bón trầm trọng hơn. Chất xơ trong lúa mì nằm ở phần cám và mầm nhưng quy trình chế biến bột mì trắng đã loại bỏ phần này, ngoài ra bột mì trắng còn có nhiều tinh bột dễ gây đầy bụng. Một số thức ăn chứa nhiều bột mì trắng như bánh mì, hamburger, bánh ngọt,..

Gạo trắng: Nhiều chuyên gia khuyến cáo người bị táo bón nên đổi gạo trắng thành gạo lứt. Bởi gạo trắng sau quá trình chế biến cũng mất đi phần vỏ và cám – là những phần chứa nhiều chất xơ. Dẫu rằng cơm từ gạo trắng là một món ăn thân thuộc trong văn hoá Việt Nam, nhưng những người bị táo bón hãy dần thay đổi từ cơm trắng sang cơm từ gạo lứt để nhanh khỏi bệnh táo bón.

Các loại thịt chế biến sẵn: Điển hình như thịt muối, xúc xích, lạp xưởng, khô bò,… Những loại thịt này giàu chất béo, không có chất xơ nên cản trở quá trình tiêu hoá và làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón.

Thức ăn chiên rán: Tương tự các loại thịt chế biến sẵn, thực phẩm loại này rất khó tiêu hoá, chứa nhiều natri gây mất cân bằng nước trong cơ thể khiến phân khô và cứng hơn. Một số loại thực phẩm chiên rán cần tránh như: gà rán, cá viên chiên,…

Các loại thịt đỏ: Thịt đỏ chứa một lượng lớn chất béo bão hoà và protein, ít chất xơ khiến cơ thể mất nhiều thời gian để tiêu hoá. Các loại thịt đỏ tiêu biểu phải kể đến: thịt bò, thịt heo, thịt bê,…

Sô cô la: Đây là một thức ăn vặt được nhiều người yêu thích, tuy nhiên sô cô la hầu như không có chất xơ và có nhiều chất béo cần nhiều thời gian tiêu hoá dẫn đến làm chậm quá trình bài tiết. Ngoài ra, sô cô la còn khiến các triệu chứng của hội chứng ruội kích thích trở nên trầm trọng hơn.

Thức ăn nhanh là thủ phạm của tình trạng táo bón
Thức ăn nhanh là thủ phạm của tình trạng táo bón

Ngoài các thực phẩm kể trên, người bị táo bón cũng cần chú ý khi sử dụng các sản phẩm từ sữa chứa nhiều lactose, do lactose khi tiêu hoá có thể gây đầy hơi, khó tiêu. Thêm vào đó, việc phân giải protein từ sữa cũng tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng quá trình tiêu hoá. Đồng thời hãy hạn chế  uống rượu, bia, cà phê,…

Lời kết

Vậy, câu hỏi người bị táo bón nên ăn gì và kiêng gì đã được chia sẻ chi tiết ở bài viết trên. Tuy vậy, chế độ ăn uống không thể thay đổi đột ngột hay bắt ép bản thân ngay lập tức loại bỏ các thực phẩm nên kiêng ngay, hãy xây dựng thói quen dần dần từng ngày để bản thân không cảm thấy ngột ngạt khó chịu, cân nhắc tăng dần lượng chất xơ đến mức phù hợp, cố gắng cắt giảm dần các loại thực phẩm có tác dụng không tốt. Nên nhớ rằng một chế độ ăn khoa học sẽ giúp chúng ta tiêu hoá tốt hơn, bảo vệ sức khoẻ và cải thiện tình trạng táo bón.

Xem thêm bài viết liên quan:

Người bị viêm đại tràng có nên ăn sữa chua không?

Triệu chứng ăn không tiêu là gì? Những điều bạn cần biết [A-Z]

Nếu bạn có thắc mắc thêm về tình trạng trên. Hãy Đăng ký tư vấn cho Dược sĩ ngay hoặc gọi Hotline 19007061 để được Dược sĩ tư vấn Miễn phí về tình trạng mà bạn đang gặp phải.




    * Vui lòng đợi vài giây sau khi nhấn Gửi

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Nhắn Messenger
    Nhắn tin Messenger
    Chat Zalo
    Chat Zalo
    Gọi với Dược sĩ
    gọi với dược sĩ