Táo bón: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Táo bón nguyên nhân biến chứng và cách điều trị

Táo bón là một vấn đề sức khỏe phổ biến, xảy ra ở nhiều đối tượng từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi và được mô tả khác nhau tùy theo từng thể trạng. Phần lớn nguyên do đều bắt nguồn từ nhịp sống tấp nập cùng quỹ thời gian eo hẹp hiện nay, công việc và áp lực chồng chất khiến nhiều người hình thành thói quen ăn uống không khoa học và lối sống không lành mạnh. Thế nên cần làm những gì để phòng tránh, cũng như phải làm như thế nào để cải thiện được tình trạng táo bón một cách nhanh chóng, bài viết dưới đây sẽ đề cập chi tiết đến những vấn đề này.

1. Táo bón là gì?

Táo bón là tình trạng giảm tần suất đi đại tiện, kết hợp với việc đi đại tiện khó khăn (do phân khô cứng). Bệnh nhân thường cho rằng việc giảm tần suất đi đại tiện xuống ít hơn 1 lần/ngày là dấu hiệu của táo bón, tuy nhiên tần suất này lại mang tính cá thể, tuỳ thể trạng mỗi người mà tần suất đi đại tiện thông thường từ 1 lần/ngày đến 1 lần/2-3 ngày. Theo tiêu chuẩn Rome IV, bệnh nhân bị táo bón khi thoả ít nhất hai trong số những tiêu chí sau: ít hơn 3 lần đại tiện/tuần, phải gắng sức nhiều khi đi vệ sinh, phân cứng hoặc sần hơn, cảm giác vẫn còn phân nhưng không đi ra được, cảm giác hậu môn bị chặn và cần hỗ trợ biện pháp cơ học để đi đại tiện được.

Táo bón khiến việc đi đại tiện khó khăn
Táo bón khiến việc đi đại tiện khó khăn

Táo bón có thể được phân loại dựa theo hai tiêu chí: nguồn gốc gây bệnh (nguyên phát/thứ phát) và thời gian bị bệnh (cấp/mạn). Táo bón cấp tính là khi bệnh nhân có triệu chứng xảy ra không thường xuyên, kéo dài vài ngày và được giải quyết khi thay đổi thành chế độ ăn nhiều chất xơ, dùng thuốc nhuận tràng. Còn táo bón mạn tính là khi bệnh nhân có triệu chứng táo bón kéo dài hơn 3 tháng. Thông thường, táo bón được phân thành táo bón nguyên phát và táo bón thứ phát.Trong đó, bệnh nhân được xem là bị táo bón nguyên phát khi khó xác định được bệnh lý nào gây ra tình trạng này. Các bệnh nhân thường bị táo bón nguyên phát trong các trường hợp cấp tính. Nếu có thể xác định được một hay các bệnh lý gây ra tình trạng táo bón thì bệnh nhân đang mắc táo bón thứ phát. Táo bón thứ phát thường là táo bón mạn tính.

2. Nguyên nhân dẫn đến táo bón

Như phân loại trên, nguyên nhân dẫn đến táo bón cũng được phân thành nguyên nhân gây ra táo bón nguyên phát và thứ phát:

2.1. Đối với táo bón nguyên phát

Táo bón có nhu động bình thường: Gặp khó khăn khi tống phân ở đại tràng, khám thực thể khó phát hiện.

Táo bón có nhu động chậm: Thường gặp ở nữ, do nhu động ruột kém gây cảm giác đầy bụng và ít có nhu cầu đại tiện.

Táo bón do rối loạn chức năng sàng chậu: Đặc trưng của táo bón này là rặn nhiều, đại tiện không hết phân, phải cần hỗ trợ mới tống phân ra ngoài hết được. Nguyên nhân do rối loạn chức năng sàn chậu khiến các khối cơ, dây chằng bị thoái hóa, dẫn đến không thể giữ cho các cơ quan ở vùng sàn chậu nằm đúng vị trí của chúng. Hậu môn, trực tràng cũng nằm trong số các cơ quan bị ảnh hưởng và dẫn đến tình trạng táo bón.

2.2. Đối với táo bón thứ phát

Chế độ ăn uống, sinh hoạt: Chế độ ăn không cung cấp đủ chất xơ và nước cho cơ thể, chế độ ăn dư thừa chất béo động vật, ăn nhiều đường, cà phê, trà, rượu. Lối sống tĩnh tại, ngồi nhiều, ít vận động và áp lực công việc cũng khiến tình trạng táo bón xảy ra. Ngoài ra, nhiều người có thói quen nhịn đại tiện do quỹ thời gian eo hẹp, bận công tác hay đi du lịch cũng gặp phải táo bón. Ở trẻ em, táo bón còn có thể do việc uống sữa bột (các loại sữa công thức trong thành phần có ít chất xơ và quá nhiều đạm, đường).

Mắc các bệnh lý: Về thực thể như tắc nghẽn ống tiêu hoá do khối u, nứt hậu môn, trĩ, to trực tràng,… về toàn thân như bệnh về thần kinh (Parkinson, đột quỵ, chấn thương đầu, tuỷ sống,…) gây rối loạn thần kinh ngoài ruột hay suy giảm chức năng hệ thần kinh nội tại dẫn đến táo bón mạn tính. Ngoài ra các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu hay các bệnh về tuyến giáp hay hệ nội tiết cũng là nguyên nhân dẫn đến táo bón thứ phát.

Những thói quen xấu gây táo bón
Những thói quen xấu gây táo bón

Mang thai: Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ cộng với áp lực từ tử cung gây chèn ép lên ruột, hoặc chế độ ăn bồi bổ quá nhiều như uống viên bổ sung nhiều sắt, canxi, ăn nhiều đạm động vật,… đều dẫn đến táo bón.

Tác dụng phụ của một số loại thuốc trong thời gian dài: Đáng chú ý là các thuốc giảm đau opioid do làm chậm nhu động ruột dẫn đến tăng thời gian hấp thu nước ở đại tràng, làm phân khô cứng và khó tống xuất ra ngoài cũng như giảm tần suất đại tiện. Ngoài ra các thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng axit, thuốc lợi tiểu,… cũng có tác dụng phụ gây táo bón.

Xem thêm: Bị táo bón nên ăn gì và kiêng gì để cải thiện tốt?

3. Đối tượng dễ bị táo bón

  • Người làm trong văn phòng: Do tính chất công việc phải ngồi nhiều, hoạt động ít, với áp lực công việc cao, thường xuyên căng thẳng, chế độ ăn uống thất thường,… nên rất dễ bị táo bón.
  • Phụ nữ mang thai và sau sinh: Áp lực của thai nhi lên hậu môn trực tràng, sự thay đổi các nội tiết tố cùng với việc bổ sung vi chất như canxi, sắt cũng là nguyên nhân dễ xuất hiện táo bón.
  • Người già, người lớn tuổi: Do các chức năng đường tiêu hóa bị suy giảm dần, thói quen ít vận động, thích ăn khô dễ dẫn đến tình trạng táo bón.
  • Trẻ em: Do hệ tiêu hóa còn non nớt chưa hoàn chỉnh, thức ăn dành cho bé cũng đa phần là đạm và ít chất xơ…
  • Người đang dùng thuốc chống trầm cảm, kháng axit, lợi tiểu,…
  • Người đang mắc các bệnh liên quan đến trực tràng, hậu môn.

4. Triệu chứng của táo bón

Triệu chứng táo bón được mô tả khác nhau tuỳ thuộc thể trạng và độ tuổi của bệnh nhân. Tuy nhiên, những dấu hiệu thường thấy nhất của táo bón là việc đại tiện khó khăn, đau bụng, chướng bụng và khó tiêu. Cụ thể hơn còn có triệu chứng phải rặn nhiều, phân cứng hoặc sần, sờ thấy bụng cứng. Đối với trẻ nhỏ (dưới 3 tuổi), triệu chứng thường thấy là em bé hay quấy, biếng ăn, ngủ không ngon giấc do chướng bụng, đau bụng; phân cứng, có thể kèm máu và chất nhầy, không thể đi đại tiện 3 lần/tuần. Đối với người lớn, dấu hiệu cụ thể nhất là quá 3 ngày không thể đi đại tiện, chướng bụng, rặn nhưng không đại tiện được hoặc rất khó tống phân ra ngoài.

Một dấu hiệu táo bón thường khiến bệnh nhân lo lắng nhiều là sự xuất hiện máu ở trong phân. Tuy nhiên đây là một dấu hiệu bình thường của táo bón, xuất hiệu ở hầu hết các trường hợp. Bệnh nhân cần chú ý dấu hiệu này trong trường hợp bệnh nhân mất máu nhiều (phân có màu đỏ hoặc đen) hoặc kèm sốt, lúc này bệnh nhân cần được thăm khám chuyên khoa để loại trừ nhiễm trùng hoặc các bệnh lý nguy hiểm như ung thư đại/thực tràng.

Bệnh nhân thường được chẩn đoán là bị táo bón khi xuất hiện một trong hai tình trạng sau: Tần suất đại tiện ≤ 3 ngày/lần, phân khô cứng và thể chất phân thuộc dạng chia nhỏ cứng hoặc hình dáng dài nhưng mấp mô trong ít nhất ¼ tổng số lần đi đại tiện, không có cảm giác thoải mái hoặc cảm thấy vẫn còn nặng “nặng bụng hoặc không đi hết” sau khi đại tiện.

5. Các biến chứng nguy hiểm của táo bón

Táo bón kéo dài gây ảnh hưởng tới tâm lý và thể chất của người bệnh. Về mặt tâm lý, táo bón lâu ngày khiến người bệnh thường đau bụng, chướng hơi, đầy bụng,… ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống như ngủ không ngon, ăn uống kém, làm giảm năng suất làm việc và gây gánh nặng tâm lý cho bệnh nhân. Về mặt thể chất, táo bón lâu ngày dẫn đến hậu môn liên tục bị tổn thương là nguyên nhân dẫn đến trĩ nội, trĩ ngoại hay những bệnh trực tràng khác. Các biến chứng phổ biến của táo bón kéo dài có thể kể đến:

Bệnh Trĩ: Là căn bệnh khá phổ biến về hậu môn – trực tràng. Táo bón lâu ngày là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trĩ. Với bệnh nhân trong tình trạng táo bón, phân bệnh nhân sẽ cứng, khô và đè nén trực tiếp lên trực tràng, từ đó khiến tĩnh mạch dưới niêm mạc trực tràng chịu áp lực lớn hơn và gây ra cản trở cho quá trình lưu thông của máu. Đặc biệt các tĩnh mạch ở trên trực tràng và các nhánh khác, máu sẽ dễ bị hồi đọng từ đó hình thành nên bệnh trĩ.

Trĩ xuất hiện do táo bón kéo dài
Trĩ xuất hiện do táo bón kéo dài

Tắc ruột do phân: Là một biến chứng của táo bón mạn tính. Việc khối phân lớn, cứng tích tụ trong đại tràng có thể gây ra hiện tượng bán tắc ruột hoặc tắc ruột và dẫn tới các triệu chứng như chướng đau bụng, không đánh hơi hoặc đi ngoài được, sờ thấy khối phân rắn. Nguyên tắc điều trị đối với tắc ruột do phân là cần làm cho phân mềm để có thể cắt nhỏ và tống xuất ra ngoài. Nếu thể chất phân mềm có thể điều trị bằng thuốc nhuận tràng kích thích, còn đối với phân cứng thì cần dùng macrogol (PEG 3350) ở liều cao. Sau vài ngày, nếu phân không mềm thì có thể dùng thêm thuốc nhuận tràng kích thích.

Nhiễm độc: Do phân là chất cặn bã trong cơ thể con người nên có môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có hại cùng các chất độc tồn tại, do đó việc ứ đọng phân lâu ngày trong đại tràng sẽ tạo điều kiện phát sinh các chất có hại ngấm, hấp thu vào máu sẽ dần dẫn tới nhiễm độc mãn tính.

Ung thư hậu môn – trực tràng, ung thư đại tràng: Do tính chất phân của người táo bón khô và cứng nên có đậm độ các độc tố và chất gây ung thư như deoxycholic acid, lithocholic acid và các phức hợp nitroso (NOCs) nhiều hơn so với phân của người bình thường. Niêm mạc trực tràng phải tiếp xúc lâu với các chất độc này là nguyên nhân gây ra ung thư. Ngoài ra táo bón có thể gây nên u phân, polyp trực tràng về lâu dài có thể dẫn đến ung thư đại tràng. Táo bón vừa có thể là nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh ung thư vừa là một trong những dấu hiệu về ung thư ở hệ bài tiết như ung thư đại trực tràng, ung thư hậu môn,…

Xem thêm: Men tiêu hóa là gì? có tác dụng gì đối với sức khỏe

6. Cách điều trị tình trạng táo bón

Với những ảnh hưởng nặng nề về cả thể chất lẫn tinh thần, bệnh nhân bị táo bón nên cần có những biện pháp điều trị phù hợp với từng mức độ bệnh. Theo đó, mục tiêu điều trị cho các bệnh nhân cũng khác nhau nhưng thường nhắm đến việc khôi phục lại việc đi đại tiện bình thường cho bệnh nhân. Tiếp cận ban đầu đối với bệnh nhân táo bón thường là cách điều trị không dùng thuốc. Bệnh nhân sẽ được thăm khám về chế độ ăn uống, sinh hoạt để có những tư vấn thay đổi phù hợp.

6.1. Thay đổi chế độ ăn uống là phương pháp chính giúp cải thiện táo bón

Cần hướng bệnh nhân đến việc bổ sung đủ nước (2 lít/ngày, 40 ml/kg theo cân nặng), đặc biệt với các đối tượng phải làm việc trong điều kiện mất nước như lao động thể lực trong môi trường nóng ẩm, người đang nóng sốt, phụ nữ đang cho con bú,…

Bệnh nhân cũng cần đảm bảo lượng chất xơ cho cơ thể, cả chất xơ hoà tan lẫn chất xơ không hoà tan. Chất xơ hoà tan làm tăng độ mềm và khối lượng phân giúp phân thải ra dễ dàng hơn, trong khi đó chất xơ không hoà tan giúp ích cho việc vẩn chuyển thức ăn trong đường tiêu hoá. Các loại trái cây như táo, lê có thể cung cấp cả chất xơ hoà tan lẫn không hoà tan (chất xơ không hoà tan nằm trong vỏ). Ngoài ra các loại thực phẩm khác như rau xanh, khoai lang, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây như chuối, kiwi,… cũng rất giàu chất xơ và hỗ trợ tốt cho người bệnh táo bón.

Chế độ ăn uống nhiều chất xơ giúp giảm táo bón
Chế độ ăn uống nhiều chất xơ giúp giảm táo bón

6.2. Thay đổi chế độ sinh hoạt góp phần khắc phục táo bón

Người bệnh cần tránh lối sống tĩnh tại, ít vận động, nhiều áp lực. Việc rèn luyện sức khoẻ và tập thể dục đều đặn cùng với một tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng sẽ giúp cải thiện tình trạng táo bón cho bệnh nhân.

Thêm vào đó, bệnh nhân cần bỏ thói quen nhịn đại tiện mà nên tập một thói quen mới là đi đại tiện vào một khung giờ cố định trong ngày (tốt nhất là vào 5-7 giờ sáng). Khi bệnh nhân có cảm giác muốn đi đại tiện thì không nên nhịn, cũng như không gắng sức quá mức khi đi đại tiện để tránh các trường hợp biến chứng như trĩ, nứt hậu môn.

Ngoài ra, tư thế khi đi tiêu cũng rất quan trọng, bạn nên gác chân lên một chiếc ghế đẩu thấp khi đi vệ sinh, sao cho đầu gối cao hơn hông. Điều này có thể làm cho việc đi tiêu phân dễ dàng hơn.

6.3. Sử dụng Thuốc nhuận tràng hỗ trợ giảm các triệu chứng hiệu quả

Bên cạnh các biện pháp điều trị không dùng thuốc, bệnh nhân cũng có thể được khuyên sử dụng các loại thuốc nhuận tràng phù hợp với tình trạng bệnh, độ tuổi và thể chất của bệnh nhân. Các nhóm thuốc nhuận tràng thường thấy là:

Thuốc nhuận tràng tạo khối: Là các polysaccharid thiên nhiên hoặc tổng hợp không hoà tan, không được hấp thu qua ruột (tương tự chất xơ) như methylcellulose, sterculia. Các thuốc này đóng vai trò như chất xơ giúp làm tăng thể tích và giảm độ cứng của phân. Đây là loại thuốc được ưu tiên sử dụng do có hiệu quả cao và các phản ứng có hại thông thường như đầy hơi, chướng bụng. Loại thuốc này cũng được sử dụng ở phụ nữ có thai do không gây hại cho thai nhi.

Thuốc nhuận tràng kích thích: Đúng như tên gọi, các dược chất thuộc nhóm này như bisacodyl, senna,… có tác dụng kích thích nhu động ruột làm người bệnh muốn đi đại tiện. Do cơ chế này nên các thuốc thuộc nhóm này thường gây đau bụng và khi dùng lâu ngày sẽ dẫn đến tổn hại các dây thần kinh trong đường tiêu hoá. Nhìn chung, các thuốc thuộc nhóm này thường phù hợp với hầu hết các bệnh nhân, trừ phụ nữ mang thai do thuốc gây co bóp tử cung.

Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Thành phần của thuốc nhuận tràng thẩm thấu thường là những chất không hấp thu, được đưa đến ruột già để tạo môi trường thẩm thấu cao, lôi kéo nước xung quanh giúp phân mềm hơn. Với bệnh nhân là người cao tuổi, nhóm thuốc này, đặc biệt là thuốc có thành phần polyetylen glycol (PEG) thường được ưu tiên sử dụng.

Thuốc nhuận tràng làm mềm phân hoặc làm trơn phân: Các thuốc làm mềm phân cần tới 3 ngày để có tác dụng, trong khi đó các thuốc làm trơn gây ra tác dụng không mong muốn là rò hậu môn, nguy cơ bệnh u hạt,…

Các loại thuốc nhuận tràng thường dùng trị táo bón hiệu quả
Các loại thuốc nhuận tràng thường dùng trị táo bón hiệu quả

Việc sử dụng thuốc nhuận tràng trong điều trị táo bón cần theo hướng dẫn của bác sĩ do việc lạm dụng thuốc nhuận tràng có thể khiến bệnh nhân rơi vòng luẩn quẩn giữa việc sử dụng và ngưng thuốc do thường thuốc nhuận tràng sẽ làm rỗng cả đại tràng trong một lần, do đó sẽ cần một thời gian lâu hơn mới đến lần đi đại tiện tiếp theo. Tuy nhiên bệnh nhân thường cố sử dụng để đạt được tần suất đại tiện như bình thường. Vậy nên, việc sử dụng thuốc nhuận tràng nào và tần suất sử dụng như thế nào mới hợp lí cần được các bác sĩ cân nhắc và tư vấn cho bệnh nhân. Thông thường, với táo bón mạn tính, người bệnh sẽ được chỉ định thuốc nhuận tràng và thay đổi lối sống ngay từ đầu. Đối với các đối tượng đặc biệt như trẻ em, phụ nữ mang thai và đang cho con bú, việc thay đổi lối sống và cách sinh hoạt được ưu tiên hơn cả, nếu không cải thiện thì các thuốc nhuận tràng thẩm thấu và tạo khối được khuyến khích sử dụng.

Xem thêm: Top 11 loại thực phẩm giúp nhuận tràng ngăn tình trạng táo bón

7. Cách phòng ngừa táo bón

Để không rơi vào tình trạng táo bón, chúng ta có thể thực hiện những điều sau để phòng ngừa tình trạng này. Đầu tiên, việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học là rất cần thiết. Mỗi ngày, hãy đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể, nhất là trong những ngày nắng nóng, độ ẩm giảm sút, thêm vào đó là một chế độ ăn uống hợp lí, đầy đủ chất xơ từ trái cây, rau củ, ăn đủ các bữa, không ăn kiêng quá mức, và đặc biệt là tránh xa các thực phẩm không lành mạnh như thức ăn nhanh, thức ăn giàu dầu mỡ.

Tiếp đó, chúng ta cần duy trì một lối sống năng động, thường xuyên tập thể dục như đi bộ, bơi lội hay các bài tập thể dục khác ít nhất 30 phút/3 lần/tuần sẽ cải thiện sức khoẻ và giúp kích thích chức năng ruột. Việc ngồi làm việc quá nhiều với tinh thần stress kéo dài cũng sẽ khiến táo bón tìm đến với chúng ta. Vậy nên, hãy giải toả stress, và thường xuyên vận động thay đổi vị trí, tránh ngồi quá nhiều. Một điều quan trọng không kém là tập thói quen đi đại tiện vào mỗi sáng, đi đại tiện ngay khi mắc và không gắng sức khi đi đại tiện sẽ khiến táo bón tránh xa chúng ta vĩnh viễn.

Lời kết

Táo bón chỉ là một vấn đề sức khoẻ mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải trong cuộc sống. Nhưng nếu mỗi người xây dựng cho mình một chế độ ăn uống khoa học và rèn luyện những thói quen tốt thì táo bón không còn là một nỗi lo thường trực đối với bất cứ ai nữa. Hãy chú ý đến thể trạng của bản thân, chăm lo cho các vấn đề vệ sinh đại tiện để có thể kịp thời phát hiện và điều trị dứt điểm táo bón nhé!

Xem thêm bài viết liên quan:

Triệu chứng ăn không tiêu là gì? Những điều bạn cần biết [A-Z]

Người bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì và kiêng gì?

Nếu bạn có thắc mắc thêm về tình trạng trên. Hãy Đăng ký tư vấn cho Dược sĩ ngay hoặc gọi Hotline 19007061 để được Dược sĩ tư vấn Miễn phí về tình trạng mà bạn đang gặp phải.




    * Vui lòng đợi vài giây sau khi nhấn Gửi

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Nhắn Messenger
    Nhắn tin Messenger
    Chat Zalo
    Chat Zalo
    Gọi với Dược sĩ
    gọi với dược sĩ