Bí tiểu có nguy hiểm không? Cách điều trị bệnh hiệu quả

Bí tiểu có nguy hiểm không và cách điều trị hiệu quả

Bất cứ ai cũng có thể mắc phải tình trạng bí tiểu tuy nhiên thường gặp nhất ở nam giới đặc biệt là khi họ lớn tuổi. Những người bị bí tiểu có thể phải đi tiểu rất thường xuyên, cảm thấy muốn đi tiểu trở lại ngay sau đó hoặc cảm thấy không kiểm soát được. Vậy bí tiểu là gì, có nguy hiểm không? Nguyên nhân do đâu gây ra tình trạng này. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.

1. Bí tiểu là gì?

Hệ tiết niệu bao gồm các bộ phận như thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Thận có vai trò lọc máu để loại bỏ các chất thải và sản xuất nước tiểu. Sau đó nước tiểu từ thận xuống qua niệu quản đến bàng quang. Để đi tiểu, não phát tín hiệu cho cơ thành bàng quang co lại và các cơ vòng giãn ra, lúc này nước tiểu thoát ra khỏi bàng quang, đi qua một ống khác được gọi là niệu đạo để thải ra bên ngoài. Bí tiểu là tình trạng bàng quang không thải hết hoặc hoàn toàn không thải khi đi tiểu.

Bí tiểu không phải là một bệnh lý mà nó là một tình trạng sức khỏe liên quan đến các tình trạng khác, đặc biệt là các vấn đề về tuyến tiền liệt ở nam giới hoặc u nang ở nữ giới. Bí tiểu có thể là cấp tính – đột ngột không thể đi tiểu hoặc mãn tính – dần dần không có khả năng làm trống bàng quang.

Bí tiểu xảy ra ở cả nam và nữ, nhưng thường xuyên hơn ở nam giới, đặc biệt là ở đàn ông lớn tuổi. Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỉ lệ xảy ra ở nam nhiều hơn gấp 10 lần ở nữ. Khả năng bị bí tiểu cấp tính ở nam giới tăng lên theo độ tuổi.

Bí tiểu là tình trạng không thể làm rỗng bàng quang
Bí tiểu là tình trạng không thể làm rỗng bàng quang

2. Nguyên nhân nào gây nên tình trạng bí tiểu?

Bí tiểu có thể xảy ra vì một số nguyên nhân khác nhau bao gồm:

  • Sự tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể.
  • Thuốc đang dùng cho các tình trạng khác.
  • Các vấn đề về dây thần kinh làm gián đoạn cách giao tiếp giữa não và hệ thống tiết niệu.
  • Nhiễm trùng và sưng tấy ngăn cản nước tiểu ra khỏi cơ thể.
  • Các biến chứng và tác dụng phụ của thuốc dùng trong một thủ thuật phẫu thuật.

2.1. Tắc nghẽn

Bất cứ thứ gì gây tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu từ bàng quang đều có thể gây bí tiểu. Sự tắc nghẽn đột ngột và hoàn toàn gây ra bí tiểu cấp tính. Sự tắc nghẽn một phần chậm, tiến triển, gây bí tiểu mãn tính.

Phì đại tuyến tiền liệt: Đối với nam giới ở độ tuổi 50-60 thường bị bí tiểu do u xơ tuyến tiền liệt. Phì đại tuyến tiền liệt là tình trạng bệnh lý trong đó tuyến tiền liệt tăng sản lành tính mà phình to ra. Khi tuyến tiền liệt mở rộng sẽ chèn ép lên niệu đạo. Thành bàng quang trở nên dày hơn. Cuối cùng, bàng quang có thể suy yếu và mất khả năng làm rỗng hoàn toàn, để lại một ít nước tiểu trong bàng quang.

Se niệu đạo: Se niệu đạo là tình trạng niệu đạo bị thu hẹp. Ở nam giới, se niệu đạo có thể do viêm tuyến tiền liệt hoặc ung thư tuyến tiền liệt. Vì nam giới có niệu đạo dài hơn nữ giới, nên tình trạng này xảy ra ở nam giới phổ biến hơn.

Sỏi đường tiết niệu: Sỏi đường tiết niệu hình thành từ các tinh thể trong nước tiểu và tích tụ dần trên bề mặt bên trong của thận, niệu quản hoặc bàng quang. Những viên sỏi này nằm trong bàng quang có thể gây tắc nghẽn niệu đạo.

Sa bàng quang: Sa bàng quang xảy ra khi các cơ và mô nâng đỡ giữa bàng quang và âm đạo của phụ nữ suy yếu và căng ra, khiến bàng quang bị chùng xuống khỏi vị trí bình thường. Vị trí bất thường của bàng quang có thể khiến nó ép vào và chèn ép niệu đạo.

Táo bón: Một số người bị táo bón thường phải rặn để đi tiêu, điều này có thể khiến phân cứng trong trực tràng bị đẩy vào bàng quang và niệu đạo, khiến niệu đạo bị chèn ép, đặc biệt là nếu bị sa trực tràng.

Khối u: Các khối u và mô ung thư trong bàng quang hoặc niệu đạo phát triển gây cản trở dòng chảy của nước tiểu vì chèn ép vào niệu đạo hoặc bằng cách chặn đường ra bàng quang.

2.2. Thuốc đang sử dụng cho tình trạng khác

Bí tiểu cũng có thể xảy ra do một số loại thuốc mà bạn đang sử dụng để điều trị cho những tình trạng khác. Những loại thuốc này bao gồm:

  • Thuốc Kháng histamine để điều trị dị ứng như: Cetirizine, Chlorpheniramine, Diphenhydramine, Fexofenadine
  • Thuốc kháng cholinergic hoặc thuốc chống co thắt trong điều trị co thắt dạ dày, co thắt cơ và tiểu không kiểm soát: Hyoscyamine, oxybutynin,….
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng như: Amitriptyline, Doxepin, Imipramine, Nortriptyline,…
Nhiều loại thuốc có thể gây nên tình trạng bí tiểu
Nhiều loại thuốc có thể gây nên tình trạng bí tiểu

2.3. Các vấn đề về thần kinh

Bí tiểu có thể  do các vấn đề với dây thần kinh kiểm soát bàng quang và cơ vòng. Nhiều tình trạng có thể cản trở các tín hiệu thần kinh giữa não với bàng quang và các cơ vòng khiến não có thể không nhận được tín hiệu rằng bàng quang đã đầy. Một số nguyên nhân của các vấn đề thần kinh bao gồm:

  • Sinh con qua đường âm đạo.
  • Nhiễm trùng hoặc chấn thương não hoặc tủy sống.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Đột quỵ
  • Bệnh đa xơ cứng.
  • Chấn thương cột sống hoặc chấn thương vùng xương chậu.
  • Nhiễm độc kim loại nặng.
  • Áp lực lên tủy sống do khối u hoặc thoát vị đĩa đệm.

2.4. Nhiễm trùng và sưng tấy

Nhiễm trùng xảy ra ở bất kỳ phần nào của đường tiết niệu dưới có thể gây bí tiểu. Vị trí nhiễm trùng có thể ở trong bàng quang hoặc niệu. Ở nam giới, tuyến tiền liệt bị nhiễm trùng có thể khiến nó sưng lên. Điều này khiến nó đè lên niệu đạo để chặn dòng chảy của nước tiểu. Các bệnh lây lan qua đường tình dục cũng có thể gây sưng tấy và dẫn đến lưu lại vết thương.

2.5. Cơ bàng quang suy yếu

Lão hóa là nguyên nhân phổ biến khiến các cơ bàng quang bị suy yếu. Khi bị suy yếu, các cơ bàng quang có thể không co bóp đủ mạnh hoặc đủ lâu để làm rỗng bàng quang hoàn toàn, gây ra vấn đề tiểu không hết hoặc dẫn đến bí tiểu.

3. Biểu hiện của tình trạng bí tiểu

3.1. Cấp tính

Bí tiểu cấp tính là một cấp cứu nội khoa có thể xảy ra do tắc nghẽn toàn bộ niệu đạo hoặc một bộ phận khác của hệ tiết niệu. Các triệu chứng bao gồm:

  • Hoàn toàn không có khả năng đi tiểu.
  • Có nhu cầu đi tiểu dữ dội hoặc cảm giác bàng quang đầy.
  • Sưng hoặc đau dạ dày

Một số người bị bí tiểu cấp tính có các triệu chứng của nhiễm trùng như sốt hoặc ớn lạnh. Tuy nhiên, ngay cả khi không có những triệu chứng này, điều quan trọng là phải được điều trị ngay lập tức. Một số người không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của bí tiểu cho đến khi họ phát triển chứng tiểu không kiểm soát. Do đó khi xuất hiện các dấu hiệu của bí tiểu hãy tìm tới bác sĩ để được tư vấn và điều trị.

3.2. Mãn tính

Bí tiểu mãn tính phát triển dần dần trong nhiều tháng hoặc nhiều năm và kéo dài trong một thời gian dài. Nhiều người thậm chí không nhận ra mình đang mắc tình trạng này vì ban đầu hoàn toàn không có triệu chứng. Các triệu chứng của bí tiểu mãn tính bao gồm:

  • Cảm thấy phải đi tiểu thường xuyên, thường hớn tám lần trong ngày.
  • Khó để đi tiểu và cảm thấy căng thẳng mới có thể đi được.
  • Có cảm giác muốn đi tiểu ngay sau khi vừa đi tiểu xong.
  • Không có cảm giác muốn đi tiểu dù bàng quang đã đầy.
  • Đi tiểu nhiều lần trong thời gian ngắn.
  • Phải thức dậy nhiều lần trong đêm để đi tiểu.
  • Nước tiểu rò rỉ từ bàng quang trong suốt cả ngày.
  • Có một cảm giác khó chịu nhẹ liên tục hoặc cảm giác đầy ở xương chậu hoặc bụng dưới.
Người bị bí tiểu mãn tính thường gặp khó khăn khi đi tiểu
Người bị bí tiểu mãn tính thường gặp khó khăn khi đi tiểu

4. Tình trạng bí tiểu có nguy hiểm không?

Bí tiểu có thể là tình trạng tạm thời, sẽ khỏi sau một thời gian. Tuy nhiên nếu tình trạng tiến triển kéo dài có thể đây là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm hiểm. Nếu không điều trị kịp thời và hợp lý lại còn có thể dẫn đến các biến chứng khác. Các biến chứng của nhiễm trùng tiểu bao gồm:

4.1. Nhiễm trùng tiểu

Ở người bình thường, nước tiểu thường vô trùng hoặc nếu có chứa thì với dòng chảy của nước tiểu cũng khiến cho vi khuẩn khó bám trụ lại trên các cơ quan của hệ bài tiết. Khi bí tiểu, dòng lưu thông này bị tắt nghẽn, có thể khiến dòng chảy trì trệ, đây là điều kiện thích hợp giúp cho sự phát triển của hệ vi sinh vật gây hại đường niệu.

Từ đó, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng các phản ứng viêm làm cho bệnh tình ngày càng tồi tệ và khó điều trị hơn. Tình trạng nhiễm trùng tiểu sẽ gây ra các triệu chứng như tiểu buốt ra máu, gay nóng rát khi tiểu,.. ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống. Không những vậy, vi khuẩn có thể xâm nhập qua các vết thương hở và đi vào máu gây hại cho nhiều cơ quan khác.

4.2. Tổn thương bàng quang

Việc bí tiểu làm bàng quang luôn luôn trong trạng thái ứ nước và bị kéo căng, điều này khiến cho bàng quang liên tục bị kích thích. Lâu dần có thể gây suy giảm chức năng và cấu trúc của bộ phận này. Vài trường hợp xảy ra việc tổn thương vĩnh viễn và mất khả năng co bóp cơ bàng quang.

4.3. Suy thận

Việc ứ nước ở bàng quang tạo điều kiện cho sự viêm nhiễm xảy ra. Một vài trường hợp nước tiểu làm thay đổi áp suất trong khoang bàng quang khiến nước chảy ngược lại vào thận làm tổn thương các cấu trúc thận. Bên cạnh đó dòng chảy ngược này còn mang theo các vi khuẩn, tạo điều kiện cho các tình trạng viêm nhiễm xảy ra sâu trong các cấu trúc thận. Về lâu dài có thể gây nên các tổn thương thận không hồi phục và suy thận.

4.4. Tiểu không kiểm soát

Trường hợp cần phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt, khối u trong ung thư bàng quang hoặc niệu đạo gây bí tiểu có thể dẫn đến nhiều biến chứng đi kèm sau phẫu thuật. Một trong số đó là tình trạng tiểu không tự chủ. Tin mừng là, trong đa số các trường hợp, đây chỉ là tình trạng tạm thời và bệnh nhân có thể hoàn toàn phục hồi khả năng kiểm soát bàng quang trong vài tuần hoặc vài tháng sau phẫu thuật.

4.5. Mất nước

Một số trường hợp cần phải đặt ống thông tiểu để điều trị. Việc đột ngột làm rỗng bàng quang đang đầy bằng ống thông thiểu có thể tạo phản ứng làm cơ thể thải nhiều nước hơn bình thường. Điều này khiến cho cơ thể mất quá nhiều nước và muối khoáng trong cơ thể, gây ra một số tình trạng như tụt huyết áp, hạ Na, Kali,… đôi khi nếu không kiểm soát tốt để bù dịch và muối hợp lý có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng.

Bên cạnh đó, việc đặt ống thông tiểu nhân tạo vào cơ thể có thể tạo điều kiện cho vi sinh vật gây hại phát triển và thậm chí có thể xâm nhập vào máu và gây tổn thương nhiều hệ cơ quan.

4.6. Sỏi

Sỏi thận, sỏi niệu quản, bàng quang có cấu tạo từ những khoáng chất cần thiết trong cơ thể như calci, phospho, uric,…Ở người bình thường, các khoáng chất này sẽ được đào thải ra nước tiểu để ổn định nồng độ trong cơ thể. Tuy nhiên tình trạng bí tiểu lại làm tăng thời gian lưu trữ của các khoáng chất này, hay nói một cách khác là làm tăng nồng độ của nó hơn so với bình thường. Điều này tạo điều kiện để các hợp chất kết tinh lại và tạo thành các hạt sỏi khó tan, cản trở sự lưu thông bình thường của đường niệu và gây ra nhiều phiền toái.

4.7. Ung thư

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các tình trạng viêm nhiễm nếu không được điều trị kịp thời và hợp lý hoàn toàn có thể dẫn đến di căn ung thư, đặc biệt là viêm nhiễm bởi tác nhân vi sinh vật. Bí tiểu làm nước tiểu ở lâu trong bàng quang sẽ gây ung thư bàng quang vói các triệu chứng nổi bật như tiểu ra máu hay còn gọi là đái máu hay một số triệu chứng khác như tiểu nhiều, tiểu gấp hay tình trạng bệnh đái dầm ở người lớn.

4.8. Phù nề

Nhiều trường hợp bí tiểu lại gây nên phù nề toàn thân. Điều này là do nước tiểu không được lưu thông bình thường, lượng nước dư thừa sẽ được phân bố ra các khoang mô kẽ của cơ thể làm cơ thể phù to ra, khi ấn vào vùng phù thì có vết ấn lõm và phải mất một thời gian mới đàn hồi lại như bình thường.

5. Bí tiểu điều trị như thế nào?

Điều trị bí tiểu có thể phụ thuộc vào việc bạn đang ở dạng cấp tính hay dạng mãn tính, cũng như nguyên nhân của tình trạng này.

5.1. Điều trị tình trạng bí tiểu cấp tính

Điều trị bằng cách đặt ống thông tiểu và điều trị triệu chứng cho đến khi cơ thể được phục hồi bình thường. Một ống thông được đưa vào niệu đạo để dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Như đã trình bày thì đây là một phương cách có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nếu không theo dõi thận trọng.

5.2. Điều trị bệnh bí tiểu mãn tính

Đối với dạng mãn tính hoặc dạng cấp tính trở thành mãn tính: việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân:

Thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt: Sử dụng các thuốc có tác dụng giảm áp lực và mở rộng cơ trơn niệu đạo giúp bệnh nhân dễ tiểu hơn trong khi xử lý khối u tuyến tiền liệt. Một số thuốc trong nhóm này bao gồm:

  • Nhóm thuốc chẹn alpha: Tamsulosin, alfuzosin, terazosin.
  • Nhóm thuốc ức chế 5-alpha reductase: Finasteride và dutasteride.

Thủ thuật phì đại tuyến tiền liệt: Khi tuyến tiền liệt bị phì đại quá lớn và muốn giải quyết triệt để tận gốc có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc phẫu thuật phì đại tuyến tiền liệt. Dưới sự phát triển của khoa học hiện đại, ngày nay có rất nhiều phương pháp phẫu thuật tiên tiến và an toàn. Trong giai đoạn chờ xử lý bằng phẫu thuật, có thể duy trì sử dụng nhóm thuốc điều trị để giúp bệnh nhân dễ tiểu hơn.

Phẫu thuật hẹp niệu đạo: Niệu đạo hẹp có thể sử lý bằng cách phẫu thuật mở rộng niệu đạo thủ công hoặc bằng tia laser để nong niệu đạo rộng và dễ lưu thông nước tiểu hơn.

Sử dụng ống thông tiểu: Khi nguyên nhân gây nên bí tiểu là các vấn đề liên quan đến rối loạn dẫn truyền thần kinh. Trong giai đoạn chờ đợi xử lý vấn đề liên quan đến thần kinh, bạn có thể phải sử dụng ống thông tiểu tại nhà.

Thủ thuật ống thông tiểu có thể dùng trong giai đoạn chờ đợi tại nhà
Thủ thuật ống thông tiểu có thể dùng trong giai đoạn chờ đợi tại nhà

5.3. Phương pháp điều trị cho phụ nữ bí tiểu

Đối với phụ nữ bí tiểu do cystocele hoặc rectocel, trường hợp nhẹ hoặc vừa phải có thể được điều trị bằng bài tập tăng cường cơ bắp sàn khung chậu. Ngoài ra có thể được điều trị bằng cách đặt một vòng gọi là vòng âm đạo để hỗ trợ hoạt động bàng quang. Một số trường hợp có thể dùng liệu pháp estrogen nếu bệnh nhân qua thời kỳ mãn kinh. Những trường hợp nặng hơn có thể phải phẫu thuật để nâng bàng quang hoặc trực tràng bị sa.

5.4. Điều chỉnh lối sống khoa học

Để quá trình điều trị đạt hiệu quả cao hơn cũng như ngăn ngừa bệnh tái phát thì đi đôi với việc điều trị phải thay đổi lối sống sao cho phù hợp. Một số nguyên tắc bệnh nhân bí tiểu nên tuân thủ bao gồm:

  • Thay đổi chế độ ăn uống: có chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp nâng cao sức đề kháng và đẩy lùi bệnh. Uống đủ nước mỗi ngày, đặc biệt là nước hoa quả có nhiều vitamin C giúp tăng tính acid của nước tiểu, từ đó ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gây viêm nhiễm tại đây.
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt: đi tiểu ngay khi mắc tiểu, không nên nhịn. Khi đi xong cần vệ sinh sạch sẽ, kỹ càng để tránh vi khuẩn phát triển.
  • Thường xuyên tập thể dục: mỗi ngày tập thể dục ít nhất 30 phút để nâng cao sức đề kháng, đẩy lùi bệnh. Việc tập thể dục còn đóng vai trò ngăn ngừa nhiều bệnh lý có thể gây ra bí tiểu.

Kết luận

Trên đây là một số thông tin cơ bản nhất về các nguyên nhân gây nên tình trạng bí tiểu và một số nguyên tắc cần tuân thủ trong quá trình điều trị để đạt hiệu quả cao nhất. Hy vọng bài viết cung cấp được nhiều kiến thức bổ ích cho bạn qua đó giúp bạn hiểu rõ về tình trạng này để phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

Nếu bạn đang quan tâm đến tình trạng bí tiểu, hãy điền vào Form tư vấn bên dưới hoặc gọi đến số Hotline 1900 7061 để nhận được sự tư vấn miễn phí từ đội ngũ Dược sĩ.

       Tư VấnĐặt Hàng

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Nhắn Messenger
    Nhắn tin Messenger
    Chat Zalo
    Chat Zalo
    Gọi với Dược sĩ
    gọi với dược sĩ