Ngứa hậu môn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngứa hậu môn

Nhiều người nghĩ rằng ngứa hậu môn là tình trạng chỉ gặp ở đối tượng là trẻ nhỏ do hay nghịch bẩn, chưa biết giữ vệ sinh, bị giun kim,.. Tuy nhiên, sự thật là ngứa hậu môn có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ, gây nên nhiều sự bất tiện trong sinh hoạt và đời sống. Dẫu vậy, rất nhiều người cho rằng chỉ là triệu chứng tạm thời nên bỏ qua, không chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý khác của nó. Để có một sự quan tâm và điều trị phù hợp, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về ngứa hậu môn thông qua bài viết này.

1. Ngứa hậu môn là gì?

Ngứa hậu môn là tình trạng xảy ra khi vùng da quanh hậu môn bị kích thích. Triệu chứng thường gặp như ngứa, mẩn đỏ ở vùng da ở hậu môn, trầy xước da gây nhiễm khuẩn do gãi, ngứa nhiều về đêm. Lúc đầu người bị có thể có cảm giác nong nóng, hơi khó chịu. Khi tình trạng diễn biến  nặng hơn, hậu môn sẽ gia tăng cảm giác rát bỏng, ngứa ngáy. Ở thể nặng nhất, người bệnh lúc nào cũng thấy ngứa ngáy, khó chịu, ăn không ngon, giấc ngủ kém vì luôn muốn gãi hậu môn. Bình thường người bệnh không cần đi khám khi xuất hiện tình trạng ngứa hậu môn nhưng một khi xuất hiện một trong bốn dấu hiệu: Sốt cao, ngứa hậu môn kéo dài hơn 1 tháng, chảy máu hậu môn hoặc có dịch tiết ra từ hậu môn thì việc thăm khám bác sĩ cần được tiến hành ngay.

Ngứa hậu môn xảy ra ở vùng xung quanh hậu môn
Ngứa hậu môn xảy ra ở vùng xung quanh hậu môn

Hiện tượng ngứa hậu môn có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, không kể giới tính hay tuổi tác. Có rất nhiều yếu tố và nguyên nhân gây gia tăng nguy cơ ngứa hậu môn. Đặc biệt, người bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Tình trạng này khiến nhiều người kém tự tin, băn khoăn và lo lắng. Tuy nhiên, tình trạng này khá tế nhị nên khá nhiều người e dè, quan ngại trong việc tìm hiểu và thăm khám đúng lúc dẫn đến nhiều khó khăn trong việc xử lý và điều trị đúng cách.

2. Nguyên nhân gây nên tình trạng ngứa hậu môn:

Trong đa số các trường hợp, ngứa hậu môn đến từ những nguyên nhân khá vô hại và mang tính nhất thời. Đôi khi, nguyên nhân có thể nằm ở vấn đề sinh hoạt, quần áo hoặc sinh lý, nhưng ngứa hậu môn cũng có thể bắt nguồn từ những căn bệnh cần được thăm khám và điều trị từ sớm. Nguyên nhân từ sinh hoạt, đời sống và sinh lý:

2.1. Về vấn đề sinh hoạt, đời sống

Ngứa hậu môn có thể do vấn đề vệ sinh không thường xuyên vùng hậu môn hoặc do lau rửa quá thường xuyên khu vực này cũng dẫn đến kích ứng vùng da quanh hậu môn.

Ngứa hậu môn do chế độ ăn uống. Dùng nhiều thức uống như cà phê làm lỏng cơ hậu môn khiến phân rò rỉ ra ngoài dẫn tới ngứa. Ngoài ra một số thực phẩm khác có thể gây kích ứng và gây ngứa như: thức ăn cay, sản phẩm từ sữa, trà và nước ngọt,…

Ngứa hậu môn do quần áo. Quần áo lót quá chật, chất vải dày gây bí có thể gia tăng độ ẩm ở vùng da quanh hậu môn gây kích ứng dẫn đến ngứa ngáy. Đặc biệt với những người dễ ra mồ hôi, vận động nhiều, việc đồ lót không khô thoáng gây tăng nguy cơ bị ngứa hậu môn. Ngoài ra, với trẻ sơ sinh, việc mặc tã trong thời gian dài cũng gây nên tình trạng bệnh trĩ ở trẻ.

2.2. Về các bệnh lý

Ngoài những vấn đề thông thường như trên, ngứa hậu môn còn có thể do các bệnh lý như:

  • Do nhiễm trùng, nhiễm khuẩn: bị các bệnh lây qua đường sinh dục, bị giun kim ở trẻ em, nhiễm khuẩn men thường gặp ở phụ nữ,…
  • Bệnh về trực tràng như: trĩ ngoại, sa trực tràng, rò hậu môn,…
  • Vấn đề tiêu hóa: tiêu chảy mạn hay táo bón.
  • Các bệnh về da: vẩy nến, viêm da,…
  • Các bệnh khác như viêm gan, tiểu đường, ung thư,…
  • Do ảnh hưởng từ các loại thuốc nhét hậu môn, thuốc trụ sinh, nếu dùng thường xuyên cũng có thể làm ngứa hậu môn. Hoặc do sử dụng thuốc kháng sinh gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột sẽ dẫn đến tiêu chảy. Thêm vào đó, người bệnh có thể bị nhiễm nấm trong khi dùng thuốc kháng sinh.
Ngứa hậu môn do trĩ ngoại
Ngứa hậu môn do trĩ ngoại

2.3. Về vấn đề sinh lý

Ngứa hậu môn do kích ứng: nước hoa, xà phòng, giấy vệ sinh hay dung dịch vệ sinh có thể là những tác nhân gây kích ứng vùng da ở hậu môn. Người bệnh nếu thấy dị ứng với các tác nhân này thì nên hạn chế sử dụng tránh gây kích ứng. Ngứa hậu môn khi phụ nữ chuẩn bị tới kỳ kinh nguyệt hoặc sau mãn kinh do mức dịch tiết âm đạo hoặc nồng độ estrogen thấp.

Xem thêm: Đi ngoài ra máu nên ăn gì và kiêng gì?

3. Ngứa hậu môn là biểu hiện của bệnh gì?

Như đã phân tích ở trên, ngứa hậu môn có thể bắt nguồn từ nhiều bệnh lý khác nhau. Nếu kèm theo những triệu chứng bất thường như đau rát kéo dài, ngứa hậu môn hơn 1 tháng, có chất dịch tiết ra từ hậu môn,… thì rất có thể đó là dấu hiệu cảnh báo của những bệnh lý gây ảnh hưởng sức khoẻ.

  • Ngứa hậu môn do nhiễm trùng, nhiễm khuẩn: Tình trạng nhiễm giun kim là nguyên nhân chính gây ngứa hậu môn ở trẻ em. Đến mùa sinh sản  giun kim di chuyển đến hậu môn để đẻ trứng ở thành hậu môn, dẫn đến cảm giác ngứa ngáy ở vùng hậu môn. Đối với vấn đề này, người bệnh cần chú ý vệ sinh và điều trị đúng cách để không khiến trứng giun đi lạc vào bộ phận sinh dục gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, ở người lớn, ngứa hậu môn còn có thể do nhiễm khuẩn Herpes, siêu vi papilon ở người (HPV, virus gây u nhú ở người và lây qua đường tình dục) và nhiễm khuẩn men ở phụ nữ.
  • Ngứa hậu môn do bệnh trĩ: Đối với những bệnh nhân mắc bệnh trĩ, tình trạng táo bón kéo dài khiến các tĩnh mạch căng phồng và xuất hiện búi trĩ ở vùng hậu môn, mỗi lần đi đại tiện búi trĩ sẽ thò ra ngoài khiến cho vùng hậu môn trở nên vướng víu, ẩm ướt và gây nên sự viêm nhiễm cho người bệnh. Hơn nữa, sự xô xát các búi trĩ khiến cho vùng da mỏng quanh hậu môn bị trầy xước khiến tình trạng nhiễm khuẩn tệ hơn, tạo cảm giác ngứa ngáy cho bệnh nhân trĩ.
  • Ngứa hậu môn do rò hậu môn: Hậu môn của người bệnh mắc chứng rò hậu môn sẽ xuất hiện tình trạng viêm và tụ máu do nhiễm trùng ống hậu môn. Tình trạng viêm nhiễm sẽ càng nặng hơn gây nên cảm giác ngứa ngáy, khó chịu do lượng mủ tăng lên do độ ẩm và môi trường ở hậu môn.
  • Ngứa hậu môn do tiêu chảy mạn tính hoặc táo bón: Việc tiêu chảy kéo dài gây kích ứng vùng da quanh hậu môn dẫn đến ngứa hậu môn. Còn đối với táo bón, việc rặn nhiều và phân quá cứng có thể gây vết nứt hậu môn dẫn đến cảm giác đau rát, ngứa và chảy máu khi đại tiện.
Vết nứt hậu môn gây ngứa, rát hậu môn
Vết nứt hậu môn gây ngứa, rát hậu môn
  • Ngứa hậu môn do các bệnh về da: Hậu môn bị ngứa là hậu quả của một chứng bệnh về da, như vẩy nến hoặc viêm da tiếp xúc. Đối với bệnh vẩy nến, triệu chứng đặc trưng là vùng da quanh hậu môn có thể có màu đỏ nhưng không có vảy, ngứa rất nhiều và đau khi đi đại tiện.
  • Ngứa hậu môn do mắc các bệnh lý: Một số bệnh lý có thể gây ngứa hậu môn như viêm gan, tiểu đường, ung thư,… Đây là những bệnh gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ cơ thể kể cả vùng hậu môn. Triệu chứng ngứa hậu môn chỉ là một trong những triệu chứng phụ của những căn bệnh này. Ngứa hậu môn không nguy hiểm nhưng nếu tình trạng này không biến mất và kèm theo những triệu chứng đáng ngại khác, người bệnh cần được thăm khám và tư vấn y tế.

4. Cách điều trị tình trạng ngứa hậu môn

Để giảm cảm giác khó chịu, ngứa ngáy hậu môn, người bệnh có thể thực hiện những biện pháp tại nhà như sau:

  • Giữ vùng hậu môn và vùng kín khô thoáng, sạch sẽ, vệ sinh hậu môn sau khi đi đại tiện bằng giấy vệ sinh không mùi có nguồn gốc thiên nhiên hoặc khăn cotton mềm mại.
  • Sử dụng khăn ẩm không mùi hoặc khăn cotton để vệ sinh vùng kín và hậu môn, dùng dung dịch vệ sinh không có chất tạo mùi.
  • Mặc quần thoáng, rộng rãi và khô ráo, sử dụng đồ lót từ cotton thoáng mát, vừa vặn.
  • Xây dựng lối sống, sinh hoạt lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học.

Nếu ngứa hậu môn do các bệnh lý, người bệnh sau khi thăm khám sẽ được tư vấn sử dụng các loại thuốc bôi rụng trĩ và/hoặc thuốc uống phù hợp theo từng bệnh. Nhìn chung các loại thuốc bôi sẽ có đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm giúp giảm ngứa và kích ứng tại hậu môn. Ví dụ như, thuốc bôi hoặc kem hydrocortisone được sử dụng 3 lần/ngày giúp kiểm soát tình trạng ngứa, khó chịu. Tuy nhiên, người bệnh được khuyến cáo không nên sử dụng hydrocortisone quá 5 ngày vì nó có thể dẫn đến kích ứng và tổn hại da. Trong trường hợp không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê một loại thuốc mạnh hơn như topical cortisone. Còn đối với thuốc uống, có thể là các thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm được bác sĩ kê toa nếu phát hiện nhiễm trùng.

Dùng thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ
Dùng thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ

Với các bệnh liên quan nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, người bệnh cần được điều trị và sử dụng đúng thuốc đúng liều. Trường hợp các bệnh liên quan trực tràng, người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn phác đồ điều trị kèm những can thiệp ngoại khoa như phẫu thuật búi trĩ,.. tuỳ vào mức độ và tình trạng bệnh nhân. Việc tự ý sử dụng các loại thuốc để giảm tình trạng kích ứng, ngứa ngáy có thể khiến tình huống bệnh trở nặng thêm. Do đó, người bệnh cần thăm khám và tuân thủ theo chỉ dẫn từ bác sĩ để sớm thoát khỏi tình trạng ngứa hậu môn.

5. Kết luận

Ngứa hậu môn là một vấn đề bình thường mà ai trong chúng ta cũng có thể rơi vào tình trạng này một vài lần trong đời. Do đó, chúng ta cần nắm được những kiến thức cần thiết về triệu chứng này và có biện pháp xử lý kịp thời và phù hợp. Điều quan trọng khi phát hiện tình trạng ngứa hậu môn là có những thay đổi phù hợp về vệ sinh và lối sống, sau đó tiếp tục theo dõi những triệu chứng kèm theo và thời gian kéo dài của tình trạng ngứa ngáy. Không nên tự ý dùng các loại thuốc bôi hoặc uống khi chưa biết rõ nguyên nhân của tình trạng bệnh.

Xem thêm bài viết có nội dung liên quan:

Bà bầu bị trĩ có nguy hiểm không? cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả

5 cách chữa bệnh trĩ bằng lá trầu không tại nhà hiệu quả

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nhắn Messenger
Nhắn tin Messenger
Chat Zalo
Chat Zalo
Gọi với Dược sĩ
gọi với dược sĩ