Các bài tập chữa bệnh gout được chia sẻ tràn lan trên mạng và được gắn mác là chỉ cần làm theo là có thể giúp chữa hết bệnh gout. Điều này có phải sự thật hay không hay chỉ là những lời nói suông? Và thực tế thì những bài tập thể dục nào mới thật sự mang lại lợi ích tốt cho người bị bệnh gout. Hãy cùng tìm hiểu những vấn đề đó trong bài viết dưới đây.
1. Người bị bệnh gout có nên tập thể dục không?
Tập thể dục là một loại hoạt động tốt cho sức khỏe, nó giúp tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch, đồng thời giúp cơ thể dẻo dai và tuần hoàn máu tốt hơn. Vì thế không có lý do nào người bị gout không thể tập thể dục. Tuy nhiên, với tình trạng đặc biệt, người bị gout sẽ thích hợp với những bài tập thể dục nhẹ nhàng nhất định mà không phải tất cả các môn thể thao đều có thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, người bị gout thường xuyên có các cơn đau nhức ở vùng khớp bị viêm, câu hỏi được đặt ra rằng người bị bệnh gout sẽ mang cơn đau này để tập thể dục hay chỉ nên tập thể dục khi cơn đau đã lắng xuống.
Theo các trang web uy tín nước ngoài, việc tập thể dục nên được thực hiện trong trạng thái cơ thể khỏe mạnh và thoải mái nhất. Việc tăng chuyển động các khớp bị đau có xu hướng làm trầm trọng thêm quá trình viêm. Ngoài ra, khi cơn đau bùng phát, các hoạt động đứng hay đi lại sẽ dồn trọng lực xuống các khớp gây đau đớn. Do đó, khi các cơn gout tấn công, việc tốt nhất bạn nên làm đó là nghỉ ngơi, chườm đá tại chỗ, nếu cơn đau gout ở phần chân thì hãy kê cao chân và chờ cho đến khi không còn cảm thấy đau nữa.
Bạn có thể thực hiện bài tập chữa bệnh gout giữa các đợt bùng phát cơn đau. Nhìn chung, những người mắc bệnh gout duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên với cường độ thấp đến trung bình, giúp giảm mức độ viêm tốt hơn so với những người ít vận động hay tập thể dục với cường độ cao.
2. Tập thể dục đối với người bị bệnh gout có tác dụng gì?
Việc tập thể dục mang lại lợi ích rất lớn đối với người bị gout. Nó giống như là một liều thuốc bảo vệ cơ thể, giúp cơ thể sống chung “hòa bình” với bệnh gout nhờ những công dụng cụ thể như sau:
- Giảm axit uric máu: Các bài tập chữa bệnh gout không những giúp làm giảm nồng độ axit uric trong máu, mà một số nghiên cứu còn phát hiện ra rằng tập thể dục đều đặn có thể kéo dài tuổi thọ thêm từ bốn đến sáu năm ở những người có nồng độ axit uric cao. Ngoài ra, tập thể dục cũng được chứng minh là có tác dụng giảm tình trạng viêm.
- Duy trì cân nặng ở mức vừa phải: Tập thể dục thường xuyên giúp kiểm soát tốt được cân nặng, tránh được các cơn gout cấp bùng phát. Vì ở những người tăng cân và béo phì có nguy cơ cao làm tăng nồng độ axit uric, khiến bệnh gout trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, các bài tập chữa bệnh gout cũng làm giảm tình trạng kháng insulin, điều này kết hợp với kế hoạch ăn ít calo đã được chứng minh là biện pháp can thiệp không liên quan đến thuốc hiệu quả nhất để giảm các triệu chứng của bệnh gout.
- Giúp khớp hoạt động linh hoạt hơn: Khi các cơn đau bùng phát thường xuyên, dẫn đến cơ thể không di chuyển nhiều, các khớp trong cơ thể có khả năng cao sẽ cứng lại và kém linh hoạt hơn. Một đánh giá lâm sàng cho thấy việc thực hiện các bài tập chữa bệnh gout có thể có lợi cho việc khôi phục khả năng đi lại, hoạt động các cơ khớp của bạn tốt hơn sau khi bệnh gout bùng phát.
- Giảm sự hình thành và phát triển hạt tophi: Theo một nghiên cứu nhỏ, những người tập thể dục thường xuyên sẽ giúp làm giảm khả năng phát triển các hạt tophi trong khớp và giảm sưng to do tích tụ axit uric.
3. Top 5 bài tập chữa bệnh gout hiệu quả
3.1. Yoga giúp giảm sự lắng đọng axit uric
Những người mắc bệnh gout trong một thời gian dài có thể có tình trạng khớp bị cứng, giảm khả năng vận động các khớp. Về cơ bản, các bài tập yoga là những động tác giúp kéo giãn cơ gân nhẹ nhàng, giúp duy trì sự linh hoạt của các khớp.
Luyện tập yoga thường xuyên sẽ giúp bạn lưu thông máu tốt, từ đó ngăn ngừa sự tích tụ và lắng đọng của axit uric. Trên thực tế, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng yoga có thể giúp cải thiện mức độ đau do bệnh gout. Đồng thời yoga cũng giúp bạn duy trì tốt cân nặng, tránh được các nguy cơ gây ra sự bùng phát của bệnh gout.
Bài tập yoga thực tế được khuyên người bị gout nên thử là tư thế Asana và Pranayama. Đây là tư thế kết hợp giữa các thao tác và bài tập thở. Bài tập này giúp bôi trơn các khớp và tăng cường lưu thông máu hiệu quả.
Để chắc chắn hơn trong việc nên lựa chọn các bài tập yoga nào là tốt nhất và tập với các thao tác đúng chuẩn đối với người bị gout, bạn nên đến các trung tâm, lớp học dạy yoga để được nhận sự hướng dẫn từ giáo viên yoga chuyên nghiệp.
3.2. Tập Aerobic
Các bài tập Aerobic cũng giúp thúc đẩy quá trình chữa bệnh được tốt hơn, và kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh gout. Đối với người bị bệnh gout, bạn nên chọn các bài tập Aerobic tác động thấp với những vận động nhẹ nhàng như leo cầu thang, tập nhảy,… Vì chúng ít gây ảnh hưởng đến xương khớp nhưng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Nếu bạn mời bắt đầu tập, hãy thử với 10 phút mỗi ngày trong những ngày đầu tiên, để có thể quan sát phản ứng của các khớp, sau đó bạn có thêm vài phút nếu thấy bài tập chữa bệnh gout này hiệu quả với bạn. Bạn cũng có thể tìm đến các chuyên gia dạy về aerobic để xin lời khuyên và có hướng dẫn cụ thể về cường độ cũng như thời gian.
3.3. Đi bộ giúp các khớp hoạt động linh hoạt
Đây là một bài tập chữa bệnh gout đơn giản nhất trong tất cả các bài tập, bạn không cần bất kỳ hướng dẫn nào để thực hiện nó. Bạn có thể đi bộ ngay tại nhà với máy chạy bộ hoặc đi ở ngoài công viên, hay bất kỳ con đường nào mà bạn cảm thấy thoải mái.
Bài tập này không những tốt cho sức khỏe một cách toàn diện như cải thiện hệ thống tuần hoàn máu, giúp bạn ngủ ngon hơn và có tinh thần minh mẫn hơn, mà còn giúp các khớp hoạt động một cách linh hoạt, tăng khả năng phục hồi của các khớp bị tổn thương.
Việc đi bộ cũng giúp bảo vệ khớp của bạn, vì khi chuyển động, oxy và các chất dinh dưỡng sẽ được mang đến các sụn khớp giúp chúng được nuôi dưỡng tốt. Theo Plancher Orthopedics & Sports Medicine ở New York, đi bộ có thể giúp giảm tình trạng mất khối lượng xương ở những người bị loãng xương.
3.4. Đi xe đạp giúp cải thiện bệnh gout
Đạp xe là một lựa chọn tuyệt vời đối với những người có vấn đề về khớp, giúp tăng cường cơ bắp chân mà không làm các khớp căng quá mức. Tương tự như đi bộ, việc đạp xe cũng giúp cho máu lưu thông tốt, tăng hoạt động cơ xương khớp và giảm đau nhức hiệu quả.
Người bị gout cần chú ý rằng nên đạp xe chậm ở cường độ vừa phải, không nên đạp xe quá nhanh hay quá lâu, cần chú ý đến sức khỏe mà mức chịu đựng của các khớp. Nếu như bạn mới bắt đầu tập, thì nên tập trong khoảng thời gian ngắn khoảng 15 phút và dần dần tăng thời gian ở những ngày sau đó.
3.5. Bơi lội
Bơi lội là môn thể thao lý tưởng cho bệnh gout vì nó nhẹ nhàng đối với các khớp, mặc dù làm tăng nhịp tim nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến khớp.
Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngâm các khớp dưới nước lạnh giúp giảm viêm và đau liên quan đến viêm khớp và gout, giúp tăng khả năng vận động của khớp, cải thiện hoạt động thể chất và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, bạn cũng không nên bơi lội dưới nước quá lạnh hoặc quá lâu.
4. Những lưu ý khi tập bài tập chữa bệnh gout
Việc tập thể dục mỗi ngày là rất cần thiết trong việc cải thiện tình trạng bệnh gout, do đó tốt nhất bạn nên dành ít nhất 15 phút trong ngày để rèn luyện. Nếu như bạn không luyện tập đều đặn, thì tác dụng của các bài tập chữa bệnh gout này hầu như rất thấp, thậm chí là không giúp ít được gì cho bạn, vì vậy hãy tạo thói quen thực hiện chúng thường xuyên. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên vận động quá sức hoặc quá lâu, điều này cũng sẽ gây đau hơn và dẫn đến nhiều tác hại hơn.
Khi cơn gout đang tấn công, bạn nên dừng lại các hoạt động để tránh tình trạng đau trở nên nghiêm trọng hơn. Sau khi cơn gout bùng phát, nếu như bạn muốn tiếp tục các bài tập chữa bệnh gout, bạn nên dành một khoảng thời gian ngắn để thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng bình thường như đi bộ, tiếp đến là bắt đầu với những bài tập có cường độ thấp đến trung bình.
Trong quá trình tập luyện, hãy chú ý đến chế độ nghỉ ngơi hợp lý giữa các đợt tập và uống nhiều nước, vì nếu như mất nước sẽ gây ra các cơn gout cấp. Đồng thời, bạn đừng quên giữ ấm cho cơ thể khi trời lạnh, điều này sẽ giúp bảo vệ các cơ khớp, khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Không nên lựa chọn tập các bài tập có cường độ cao như bài tập chạy nước rút, đạp xe đạp với cường độ cao hơn,… điều này có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể và có thể dẫn đến bùng phát cơn gout. Nên hạn chế các bài tập tác động nhiều đến khớp như nhảy dây và nhảy plyometric, đặc biệt là ngay sau khi cơn gout tấn công.
Ngoài việc tập thể dục, người bị bệnh gout nên kết hợp thực hiện các cách đào thải acid uric nhanh, ăn nhiều rau củ quả và thực phẩm ít purin, tránh làm việc quá sức, tinh thần căng thẳng trong một thời gian dài. Các bài tập chữa bệnh gout sẽ phát huy tối đa công dụng nếu như bạn biết cách phối hợp chung với các biện pháp phòng ngừa, dùng thuốc trị gout và thực phẩm chức năng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Lời kết
Tất cả các bài tập chữa bệnh gout hiệu quả đã được chia sẻ ở trong bài viết trên. Tuy rằng các bài tập này không thể chữa dứt điểm bệnh gout, nhưng nếu như thực hiện chúng trong một thời gian dài, kèm theo đó là chú ý dùng các loại thực phẩm giảm axit uric máu, thay đổi thói quen lối sống lành mạnh, thì bệnh gout hầu như sẽ không có cơ hội tấn công bạn. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp tất cả các thông tin cần thiết cho bạn về việc tập thể dục như thế nào là tốt nhất cho bệnh gout.
Xem thêm bài viết có nội dung liên quan:
Bị gout có nên xoa dầu gió? Top 10 loại tinh dầu giúp chữa gout hiệu quả
Top 5 cách dùng lá sake chữa bệnh gout và lưu ý cần biết