Chứng tiểu đêm khiến người bệnh phải thức giấc, đi vệ sinh nhiều lần, khiến giấc ngủ bị gián đoạn. Tiểu đêm khác với chứng đái dầm thường xảy ra ở trẻ nhỏ và có một số nguyên nhân khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ những nguyên nhân này, giúp bạn hiểu được chứng tiểu đêm là do bệnh lý gì.
1. Tiểu đêm là gì?
Tiểu đêm, hay chứng đa niệu về đêm, là một thuật ngữ y học mô tả tình trạng đi tiểu nhiều lần vào ban đêm. Trong khi ngủ, cơ thể sản xuất nước tiểu ít hơn và cô đặc hơn. Vì vậy, hầu hết mọi người không cần phải thức dậy vào ban đêm để đi vệ sinh và có thể ngủ liên tục 6–8 giờ.
Tiểu đêm được định nghĩa là thức dậy nhiều hơn một lần trong đêm để đi tiểu và liên tục trong một thời gian dài. Tỷ lệ mắc bệnh tăng theo tuổi lên đến 50% ở những người trên 50 tuổi. Khi số lần tiểu đêm trên 2 lần thì nó có thể là triệu chứng của bệnh thận hoặc chức năng sinh lý của cơ thể gặp vấn đề.
2. Nguyên nhân gây nên tình trạng tiểu đêm
2.1. Nguyên nhân do sinh lý
Tâm lý: Căng thẳng, lo lắng, áp lực trong cuộc sống khiến bạn ngủ không ngon giấc, ngủ không sâu giấc khiến đường tiết niệu không được nghỉ ngơi, tiết ra nhiều nước tiểu khiến bạn thường buồn đi vệ sinh nhiều lần vào buổi đêm.
Tuổi tác: Trung niên và người cao tuổi thường mắc chứng tiểu đêm do chức năng nội tiết và bài tiết nước tiểu của thận ở đã suy yếu. Khi chúng ta già đi, chứng tiểu đêm càng rõ ràng và nguy hiểm hơn.
Do mang thai: Tình trạng đi tiểu nhiều lần trong ngày, thậm chí là tiểu đêm xuất hiện ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là vào thời điểm cuối của thai kỳ. Nguyên nhân là do khi kích thước thai nhi lớn sẽ gây áp lực lên bàng quang khiến cơ thể luôn có cảm giác muốn đi tiểu dù lượng nước tiểu rất ít, thậm chí chỉ nhỏ giọt.
Chế độ ăn uống không khoa học: Các chất kích thích như rượu (cồn) hay caffein là những chất lợi tiểu, thúc đẩy quá trình sản xuất nước tiểu trong cơ thể. Do đó, nếu sử dụng những chất kích thích này thường xuyên sẽ gây ra chứng đi tiểu đêm. Ngoài ra, nếu bạn uống quá nhiều bất kỳ loại chất lỏng nào, nó sẽ gây ra chứng tiểu đêm. Bạn nên hạn chế uống nước cũng như đồ uống có cồn hoặc caffeine từ 2–4 giờ trước khi ngủ để tránh đi tiểu nhiều lần trong đêm.
Ảnh hưởng tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc sử dụng trong điều trị bệnh có thể gây ra hiện tượng đi tiểu nhiều lần trong ngày cho người sử dụng. Ví dụ, đối với những người bị suy tim, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc lợi tiểu để giảm phù ở chi dưới. Do đó, trong khi sử dụng thuốc, người bệnh thường đi tiểu rất nhiều.
2.2. Nguyên nhân do bệnh lý
Bỏ hết những yếu tố sinh lý kể trên, người trẻ đi tiểu đêm nhiều lần còn có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm liên quan đến thận, đường tiết niệu… Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, nếu bạn thường xuyên đi tiểu đêm nhiều thì nên đi khám ngay để hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cho bạn.
2.2.1. Bệnh phì đại tuyến tiền liệt
Ở nam giới trưởng thành, tuyến tiền liệt sẽ đạt kích thước khoảng 15-25 gam, rộng khoảng 4cm, cao 3cm và dày 2,5cm. Tình trạng tiểu đêm ở nam giới nhiều khả năng là do tuyến tiền liệt bị phì đại, phát triển bất thường. Điều này gây áp lực lên khu vực xung quanh bàng quang và đường tiết niệu, khiến nam giới có nhu cầu đi tiểu liên tục, nhiều lần trong ngày.
Phì đại tuyến tiền liệt thường tiến triển âm thầm với những dấu hiệu ban đầu không quá rõ ràng nên thường bị bỏ qua và không chú ý. Chỉ đến khi bệnh bắt đầu gây đau nhức, đi tiểu đêm nhiều lần, tiểu ra máu… người bệnh mới bắt đầu đi kiểm tra sức khỏe. Lúc này, cơ thể có thể đã phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận mãn tính hoặc thậm chí là ung thư.
2.2.2. U xơ tử cung
Nếu như nguyên nhân tiểu đêm ở nam giới thường xuất phát từ các vấn đề về tuyến tiền liệt thì u xơ tử cung rất có thể là căn bệnh gây tiểu đêm ở phái nữ. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân gây bệnh nhưng rất có thể nó liên quan đến việc cơ thể sản sinh ra hormone estrogen.
U xơ tử cung là bệnh phụ khoa thường gặp ở nữ giới với tỷ lệ mắc bệnh hơn 20%. Đặc biệt, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 25 – 35, phụ nữ béo phì, estrogen cao hoặc chưa sinh con… là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Kích thước của khối u xơ sẽ thay đổi theo thời gian. Ban đầu chúng chỉ có kích thước bằng hạt đậu nhưng sau một thời gian chúng có thể phát triển và đạt kích thước bằng quả dưa. Khối u gây áp lực lên bàng quang làm cho bạn thường xuyên đi tiểu nhiều lần trong ngày, có thể là cả ban đêm…
2.2.3. Viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm có thể gặp ở bất kỳ vị trí hay bộ phận nào trong hệ tiết niệu của cơ thể. Tuy nhiên, hầu hết bệnh thường phát hiện ở cơ quan đường tiết niệu dưới như bàng quang và niệu đạo. Bệnh có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi và giới tính. Tuy nhiên, nhiều thống kê cho thấy rằng tỷ lệ nữ giới mắc phải căn bệnh thường cao hơn nam giới rất nhiều vì lý do ở nữ giới niệu đạo ngắn hơn.
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể có hoặc không có triệu chứng. Bệnh gây tổn thương bàng quang, niệu đạo nên dấu hiệu đầu tiên của bệnh là cảm giác muốn đi vệ sinh liên tục, tiểu nhiều lần, tiểu đêm. Một số trường hợp có màu sắc nước tiểu bất thường, đau bụng dưới, nóng rát khi đi tiểu, đau lưng… Nếu không điều trị sớm, tình trạng viêm nhiễm sẽ lây lan sang nhiều cơ quan khác trong cơ thể, gây suy giảm khả năng miễn dịch, ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản và khả năng sinh sản của cả nam giới và nữ giới.
2.2.4. Bệnh sỏi thận
Các chất cặn bã tích tụ lâu ngày trong thận sẽ hoàn toàn ở dạng rắn như sỏi. Sỏi thận có thể di chuyển từ thận tới bàng quang, gây kích thích bàng quang dẫn tới bàng quang phải làm việc nhiều hơn bình thường. Bên cạnh đó, sỏi thận xuất hiện cũng sẽ gây tắc nghẽn đường tiết niệu, sỏi thận cọ xát vào đường tiết niệu gây tổn thương và đau rát. Do đó, người bệnh thường xuyên đi tiểu nhiều, tiểu đêm, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ngắt quãng.
2.2.5. Viêm bàng quang kẽ
Viêm bàng quang kẽ làm cho bàng quang bị suy yếu, viêm nhiễm khiến cơ quan này chịu nhiều tổn thương dẫn đến tình trạng đi tiểu nhiều lần, tiểu đêm. Bệnh không chỉ khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó chịu vì thường xuyên bị tiểu đêm, bệnh còn làm suy giảm nghiêm trọng chức năng của bàng quang, ảnh hưởng đến đời sống tình dục do mỗi lần quan hệ thường có cảm giác đau rát.
3. Tiểu đêm có nguy hiểm không? Các biến chứng của tiểu đêm
Vào ban đêm, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone ADH khiến thận phải cô đặc nước tiểu, hạn chế tình trạng đi tiểu nhiều lần. Dưới tác động của các yếu tố gây bệnh, chứng tiểu đêm bắt đầu và kéo dài. Nếu không điều trị kịp thời, bạn sẽ phải đối mặt với những rủi ro như:
Ảnh hưởng đến thần kinh: Thường xuyên thức giấc, đi tiểu đêm 2-3 lần khiến người bệnh mất ngủ kéo dài, ngủ không sâu giấc. Lâu dần, hệ thần kinh sẽ bị ảnh hưởng, gây suy giảm trí nhớ, mệt mỏi vào buổi sáng, sút cân.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim: Người cao tuổi mắc phải tình trạng tiểu đêm làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp và tim mạch do phải thức dậy nhiều lần, làm gián đoạn giấc ngủ.
Tổn thương lâu dài: Trường hợp tiểu đêm do các bệnh liên quan đến tuyến tiền liệt, u xơ tử cung, tiểu đường hay bệnh thận nếu để lâu có thể gây ra những tổn thương không thể hồi phục, nguy hiểm đến sức khỏe.
4. Cần làm gì khi bị đi tiểu đêm nhiều lần?
Nếu tìm ra nguyên nhân gốc rễ và điều trị sớm, chứng tiểu đêm hoàn toàn có thể khắc phục được. Vì vậy, những người mắc chứng tiểu đêm, nhất là người cao tuổi cần đi khám sức khỏe định kỳ để xác định rõ nguyên nhân.
Có thể khắc phục chứng tiểu đêm nhờ những phương pháp đơn giản từ lối sống và sinh hoạt của bạn như:
- Hạn chế ăn các món canh lợi tiểu, không nên uống quá nhiều nước vào buổi tối, đặc biệt là rượu bia vào buổi tối.
- Không hút thuốc, uống trà, cà phê trước khi đi ngủ
- Tập thể dục nhẹ nhàng, đi tiểu trước khi đi ngủ để có giấc ngủ sâu và ngon
- Uống thuốc lợi tiểu cách xa giờ đi ngủ
- Đối với phụ nữ đã sinh nở, nên áp dụng bài tập Kegel để vật lý trị liệu nhằm cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang.
5. Cách chữa đi tiểu đêm nhiều lần hiệu quả và an toàn nhất
Tiểu đêm có thể được điều trì bằng các bài thuốc trị tiểu đêm dân gian hay chăm sóc y tế. Như đã nói ở trên, tiểu đêm thường xuyên có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề nguy hiểm trong cơ thể. Vì vậy, để biết chính xác nguyên nhân, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám. Dựa vào thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ có thể kết luận chính xác nguyên nhân gây tiểu đêm là gì, từ đó có phương án điều trị phù hợp.
5.1. Điều trị nội khoa
Đây là cách chữa bệnh tiểu đêm khá đơn giản và tiết kiệm hiện nay. Phương pháp được áp dụng cho những bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng tiểu khó do viêm đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt, viêm bàng quang kẽ hoặc u xơ tử cung ở mức độ nhẹ.
Theo đó, bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc chuyên khoa để điều trị bệnh, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc trị tiểu đêm có tác dụng làm giãn cơ trơn bàng quang, tăng cường lưu thông máu đến thận và bàng quang, chống phì đại bàng quang cơ học. Ngoài ra, nếu bạn thường xuyên bị mất ngủ do tiểu đêm, bác sĩ cũng sẽ kê cho bạn một số loại thuốc an thần.
Để điều trị tình trạng tiểu đêm bằng thuốc hiệu quả, bạn cần tuân thủ tuyệt đối về liều lượng và phương pháp điều trị do bác sĩ chỉ định. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc từ bên ngoài hoặc thay đổi liều lượng khi chưa được sự cho phép của bác sĩ. Trong thời gian điều trị, nếu tình trạng đi vệ sinh nhiều lần không cải thiện hoặc cơ thể xuất hiện một số triệu chứng bất thường khác, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được các chuyên gia tư vấn kịp thời.
5.2. Điều trị vật lý trị liệu
Nếu nguyên nhân bệnh nhân đi tiểu nhiều lần trong ngày là do bệnh lý viêm nhiễm như nhiễm trùng bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu… ở mức độ nặng thì bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu. Dựa trên nguyên lý hấp thụ nhiệt, sử dụng nguồn sóng ngắn và năng lượng cao để loại bỏ mầm bệnh nhanh chóng và ngăn chặn khả năng bệnh tái phát.
So với dùng thuốc, sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu cho kết quả nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn nên lựa chọn cơ sở y tế tin cậy để thực hiện để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
5.3. Điều trị phẫu thuật
Trong trường hợp khối u xơ tử cung ở nữ giới phát triển quá lớn hoặc sỏi thận ngày càng nặng, đe dọa đến chức năng và hoạt động của các bộ phận xung quanh thì người bệnh cần tiến hành tiểu phẫu. Tùy từng trường hợp và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án phẫu thuật phù hợp.
Việc phẫu thuật cũng gây ra những tổn thương ít nhiều cho cơ thể. Vì vậy, người bệnh nên lựa chọn những bệnh viện, phòng khám uy tín, có đội ngũ bác sĩ giỏi, máy móc hiện đại để tiến hành phẫu thuật nhằm hạn chế tối đa những rủi ro có thể gặp phải.
Tiểu đêm có thể là một triệu chứng của một tình trạng bệnh lý hoặc đơn giản là phản ứng của cơ thể trước những thay đổi bên trong và bên ngoài. Vì vậy, người bệnh cần đến các cơ sở y tế ngay từ khi có triệu chứng đầu tiên để tìm ra nguyên nhân và sớm chấm dứt triệu chứng này, nhằm bảo toàn sức khỏe và tính mạng.
Nếu bạn đang bận tâm đến tình trạng tiểu đêm, hãy điền vào Form tư vấn bên dưới hoặc gọi đến số Hotline 1900 7061 để nhận được sự tư vấn miễn phí từ đội ngũ Dược sĩ.