Viêm tuyến tiền liệt: Nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh

Viêm tuyến tiền liệt: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Một nửa số nam giới có các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ. Đây là một vấn đề về ở hệ tiết niệu phổ biến nhất ở nam giới dưới năm mươi tuổi. Ở nam giới trên năm mươi tuổi, đây là vấn đề phổ biến thứ ba. Mỗi năm, tại Hoa Kỳ có hơn hai triệu nam giới đã tìm đến các bác sĩ, các cơ sở khám chữa bệnh để tìm hiểu hay có các triệu chứng liên quan đến viêm tuyến tiền liệt. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh phổ biến này, chúng ta hãy cùng đến với bài viết dưới đây.

1. Như thế nào là viêm tuyến tiền liệt?

Tuyến tiền liệt là một phần của hệ thống cơ quan sinh sản ở nam giới. Nó có kích thước bằng khoảng quả óc chó và nằm bên dưới bàng quang, trước trực tràng. Niệu đạo (ống dẫn nước tiểu và tinh dịch ra ngoài cơ thể) chạy dọc trung tâm của tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt có vai trò sản xuất tinh dịch, nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng.

Hình ảnh minh họa tuyến tiền liệt bình thường và tuyến tiền liệt bị viêm
Hình ảnh minh họa tuyến tiền liệt bình thường và tuyến tiền liệt bị viêm

Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng sưng và viêm của tuyến tiền liệt. Bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường là từ 30 đến 50 tuổi. Các loại bệnh:

  • Viêm cấp tính do vi khuẩn (loại 1): Vi khuẩn gây nhiễm trùng đường niệu gây ra nhiễm trùng tuyến tiền liệt. Triệu chứng có thể gặp phải là sốt và ớn lạnh, ngoài ra cũng có thể gây đau, buốt, đi tiểu nhiều lần hoặc đi tiểu khó. Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn cần được điều trị ngay lập tức.
  • Viêm mãn tính do vi khuẩn (loại 2): Vi khuẩn xuất hiện trong tuyến tiền liệt gây nhiễm trùng tiểu tái đi tái lại nhiều lần. Trường hợp này khá khó điều trị.
  • Hội chứng đau vùng chậu mãn tính hoặc CPPS (loại 3): Hội chứng đau vùng chậu mãn tính là loại viêm tuyến tiền liệt phổ biến nhất. Tình trạng này xảy ra ở khoảng 30% nam giới. Loại viêm này gây ra đau mãn tính ở xương chậu, đáy chậu và bộ phận sinh dục.
  • Viêm không có triệu chứng (loại 4): Tình trạng viêm không có triệu chứng này được phát hiện sau khi làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân của các bệnh khác. Ví dụ, một xét nghiệm phân tích tinh dịch để tìm nguyên nhân vô sinh có thể phát hiện ra bệnh. Loại này về cơ bản không gây biến chứng và không cần điều trị.

2. Nguyên nhân của bệnh viêm tuyến tiền liệt?

Đối với bệnh hội chứng đau vùng chậu mãn tính hoặc viêm tuyến tiền liệt mãn tính, nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết rõ. Các nhà nghiên cứu tin rằng một số vi sinh vật có thể gây ra tình trạng này, mặc dù không phải nhiễm trùng do vi khuẩn. Tình trạng viêm này có thể liên quan đến hóa chất trong nước tiểu, phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu trước đó hoặc tổn thương dây thần kinh ở vùng chậu. Tổn thương dây thần kinh ở đường tiết niệu dưới có thể do phẫu thuật hoặc chấn thương vùng đó.

Hai loại viêm tuyến tiền liệt còn lại (loại 1 và loại 2) đều do vi khuẩn gây ra. Loại cấp tính (loại 1) xảy ra đột ngột và kéo dài chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, còn loại mãn tính (loại 2) phát triển chậm và kéo dài, thường là nhiều năm. Nhiễm trùng có thể xảy ra khi vi khuẩn đi từ niệu đạo vào tuyến tiền liệt. Đối với tình trạng này, nếu không loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh, thì tình trạng này vẫn có thể tái đi tái lại nhiều lần hoặc khó điều trị, gây khó chịu và đau đớn cho bệnh nhân. Một số nguyên nhân tiềm ẩn của các dạng viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn bao gồm:

  • Viêm bàng quang hoặc sỏi thận, sỏi bàng quang.
  • Phẫu thuật hoặc có sử dụng ống thông tiểu.
  • Sỏi tuyến tiền liệt.
  • Bí tiểu, tiểu không hết,…
  • Nhiễm trùng đường tiểu.

3. Triệu chứng của bệnh viêm tuyến tiền liệt?

Mỗi loại viêm tuyến tiền liệt có một loạt các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, và có thể khác nhau ở mỗi người. Có những triệu chứng có thể tìm thấy ở các bệnh liên quan đến hệ tiết niệu khác.

3.1. Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn (loại 1)

Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn cấp tính xuất hiện một cách đột ngột và nghiêm trọng. Nếu gặp các triệu chứng dưới đây, bạn nên đến gặp ngay bác sĩ hoặc đến các cơ sở khám chữa bệnh để có thể can thiệp và chữa trị kịp thời. Các triệu chứng của bệnh bao gồm:

  • sốt.
  • ớn lạnh.
  • cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu.
  • đau ở vùng sinh dục, bẹn, bụng dưới hoặc lưng dưới.
  • tiểu đêm – đi tiểu thường xuyên trong thời gian ngủ.
  • buồn nôn và ói mửa.
  • nhức mỏi cơ thể.
  • bàng quang không được làm rỗng hoàn toàn.
  • đi tiểu liên tục.
  • khó bắt đầu đi tiểu.
  • dòng nước tiểu yếu hoặc bị gián đoạn.
  • tắc nghẽn đường tiết niệu – hoàn toàn không thể đi tiểu.
  • nhiễm trùng tiểu – được thể hiện bởi vi khuẩn và các tế bào chống nhiễm trùng trong nước tiểu.

3.2. Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn (loại 2)

Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn tương tự như của viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn, mặc dù không nghiêm trọng. Tình trạng bệnh này thường phát triển chậm và có thể kéo dài từ 3 tháng trở lên. Các triệu chứng có thể xuất hiện và biến mất, khiến người bệnh đôi khi nghĩ là vấn đề bình thường và không đi khám. Căn bệnh mãn tính này có thể xảy ra sau khi điều trị bệnh ở giai đoạn cấp tính do vi khuẩn trước đó hoặc nhiễm trùng tiểu; vi khuẩn có thể vẫn còn tồn tại và âm thầm gây bệnh nhưng không làm xuất hiện các biến chứng cấp tính. Các triệu chứng của bệnh bao gồm:

  • tiểu gấp.
  • cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu.
  • đi tiểu thường xuyên (khoảng hơn 8 lần trong một ngày).
  • xuất tinh đau đớn.
  • tiểu khó.
  • dòng nước tiểu yếu hoặc bị gián đoạn.
  • tắc nghẽn đường tiết niệu.
  • nhiễm trùng tiểu.

3.3. Viêm tuyến tiền liệt mãn tính / hội chứng đau vùng chậu mãn tính (loại 3)

Các triệu chứng chính của viêm tuyến tiền liệt mãn tính / hội chứng đau vùng chậu mãn tính có thể bao gồm đau hoặc khó chịu kéo dài từ 3 tháng trở lên ở một hoặc nhiều bộ phận như: đau dưới bụng, đau dương vật,…

Đau trong quá trình quan hệ tình dục hoặc đau sau khi xuất tinh là một triệu chứng phổ biến có thể kể tới. Nam giới bị hội chứng đau vùng chậu mãn tính có thể bị đau lan ra xung quanh vùng chậu hoặc có thể bị đau ở nhiều vùng cùng một lúc. Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ tiến triển. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • dòng nước tiểu yếu hoặc bị gián đoạn.
  • đau niệu đạo trong hoặc sau khi đi tiểu.
  • đau tại dương vật trong hoặc sau khi đi tiểu.
  • tần suất đi tiểu: đi tiểu tám lần hoặc nhiều hơn một ngày. Bàng quang bắt đầu co lại làm bạn buồn đi tiểu ngay cả khi nó chỉ chứa một lượng nhỏ nước tiểu, khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn.
  • không thể nhịn đi tiểu dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn.
Tình trạng viêm tuyến tiền liệt gây cảm giác đau và khó chịu cho bệnh nhân
Tình trạng viêm tuyến tiền liệt gây cảm giác đau và khó chịu cho bệnh nhân

4. Bệnh viêm tuyến tiền liệt có nguy hiểm hay không?

Mặc dù đã biết viêm tiền liệt tuyến là bệnh khá phổ biến ở nam giới tuổi trưởng thành nhưng không có nghĩa là không có viêm tuyến tiền liệt ở nữ. Viêm tiền liệt tuyến là bệnh ít gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại là một bệnh gây ảnh hưởng đáng đến chất lượng cuộc sống của nam giới, gây ra không phiền toái và khó chịu lặp đi lặp lại cho bệnh nhân.

Các triệu chứng của bệnh viêm tuyến tiền liệt trong hầu hết các trường hợp chúng sẽ dần dần cải thiện theo thời gian và khi được điều trị kịp thời. Tình trạng bệnh này không được điều trị có thể bị nhiễm trùng huyết và tình trạng viêm sẽ lan rộng, nhiễm trùng này có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân và cần được điều trị y tế ngay lập tức.

Viêm tuyến tiền liệt không có triệu chứng tuy không cần chữa trị nhưng nó có thể làm giảm số lượng tinh trùng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Một người có thể có các triệu chứng tiết niệu không liên quan đến viêm tuyến tiền liệt do các vấn đề về bàng quang, nhiễm trùng tiểu hoặc tăng sản tuyến tiền liệt lành tính. Các triệu chứng của bệnh có thể báo hiệu các tình trạng bệnh khác nghiêm trọng hơn, bao gồm cả bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ, viêm tuyến tiền liệt không phải là ung thư tuyến tiền liệt và những bằng chứng cho thấy tình trạng viêm này không thể làm tăng khả năng ung thư tuyến tiền liệt là không rõ ràng.

Các biến chứng của bệnh có thể bao gồm:

  • nhiễm trùng huyết.
  • áp xe tuyến liền tiệt (khi mà trong tuyến tiền liệt có chứa rất nhiều mủ gây sưng và đau rát).
  • rối loạn chức năng tình dục.
  • viêm các cơ quan sinh sản gần tuyến tiền liệt.

5. Viêm tuyến tiền liệt được chẩn đoán như thế nào?

Chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng tương tự như viêm tuyến tiền liệt. Để xác định một bệnh nhân có bị viêm tuyến tiền liệt hay không, có thể sử dụng các dụng cụ, máy móc thích hợp để phân tích các mẫu sinh học thường là mẫu máu, mẫu nước tiểu để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng viêm tuyến tiền liệt.

5.1. Xét nghiệm máu chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt

Trong bệnh lý viêm tuyến tiền liệt thì trong máu sẽ xuất hiện một loại kháng nguyên gọi là PSA (Prostalic Specific Antigen). Tìm và nhận thấy sự tăng lên đáng kể của kháng nguyên này trong máu là một chỉ dấu của tình trạng viêm tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, xét nghiệm này không đặc hiệu cho tình trạng viêm, PSA sẽ tăng trong nhiều bệnh lý tuyến tiền liệt khác như phì đại tuyến tiền liệt hay ung thư tuyến tiền liệt. Để khẳng định có viêm tuyến tiền liệt (có phản ứng viêm hay không) cần đọc thêm các chỉ số trong công thức máu để xác định cơ thể có bị viêm hay không, một số chỉ số trong nhóm này bao gồm:

  • WBC: là số lượng bạch cầu trong 1 thể tích máu, số lượng bạch cầu sẽ tăng cao trong trường hợp viêm để bảo vệ cơ thể.
  • NEUT: bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao trong trường hợp viêm nhiễm cấp tính.
  • LYM: bạch cầu lympho tăng cao trong trường hợp viêm nhiễm mạn tính.
  • CRP: là một protein tăng cao trong máu khi cơ thể có xảy ra phản ứng viêm ở bất kỳ vị trí nào.

5.2. Xét nghiệm nước tiểu

Nhân viên lấy mẫu sẽ thực hiện thủ thuật thu thập nước tiểu có chứa tinh dịch để xét nghiệm. Xét nghiệm nước tiểu trong trường hợp này thường là đếm số lượng bạch cầu để đánh giá mức độ viêm tuyến tiền liệt và từ đó đưa ra hướng điều trị thích hợp.

Xét nghiệm nước tiểu chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt
Xét nghiệm nước tiểu chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt

Nhìn chung, các xét nghiệm riêng lẽ chưa đủ để kết luận tuyến tiền liệt có bị viêm hay không, cần làm đồng thời nhiều xét nghiệm kèm theo xem xét các triệu chứng, yếu tố nguy cơ để kết luận chẩn đoán có viêm tuyến tiền liệt hay không.

6. Cách điều trị bệnh viêm tuyến tiền liệt

Mỗi loại viêm tuyến tiền liệt khác nhau sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau.

6.1. Hội chứng đau vùng chậu mãn tính (viêm tuyến tiền liệt mãn tính)

Việc điều trị viêm tuyến tiền liệt mãn tính nhằm mục đích giảm đau, giảm khó chịu và giảm viêm. Mặc dù thuốc kháng sinh sẽ không giúp điều trị tình trạng bệnh không phải do vi khuẩn nhưng bác sĩ tiết niệu có thể kê đơn có kháng sinh, ít nhất là ban đầu, cho đến khi xác định chính xác nguyên nhân gây viêm không phải do vi khuẩn. Ngoài ra, các bác sĩ tiết niệu có thể kê đơn các loại thuốc bao gồm:

  • Thuốc ức chế 5 – alpha reductase được sử dụng nếu bạn gặp các vấn đề về tiểu tiện như: khó tiểu, tiểu buốt,… Các thuốc chẹn alpha này có thể giúp thư giãn các cơ trong tuyến tiền liệt và đáy bàng quang.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen, naproxen sodium.
  • Thuốc giãn cơ như cyclobenzaprine và clonazepam.
  • Thuốc điều hòa thần kinh như amitriptyline, nortriptyline và pregabalin.

Các phương pháp điều trị thay thế có thể có gồm:

  • Tắm nước ấm.
  • Chườm ấm.
  • Vật lý trị liệu với các bài tập như: bài tập cơ vùng chậu, các bài tập thư giãn,… Vật lý trị liệu bằng cách xoa bóp nhẹ nhàng để giảm bớt căng thẳng trên cơ sàn chậu. Liệu pháp này có thể làm giảm hoặc loại bỏ tình trạng co thắt cơ.

Để đảm bảo việc điều trị có hiệu quả và đạt kết quả tốt, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ một cách tường tận và chi tiết. Đối với nam giới có các triệu chứng viêm tuyến tiền liệt mãn tính / hội chứng đau vùng chậu mãn tính bị ảnh hưởng bởi căng thẳng, việc điều trị tâm lý thích hợp và giảm căng thẳng có thể làm giảm sự tái phát của các triệu chứng.

Nên thăm khám và điều trị bệnh sớm
Nên thăm khám và điều trị bệnh sớm

6.2. Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn

Nguyên nhân gây ra viêm tuyến tiền liệt loại này là do vi khuẩn, nên điều chắc chắn bác sĩ tiết niệu sẽ cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Thuốc kháng sinh được lựa chọn sẽ tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây ra tình trạng nhiễm trùng. Các đơn thuốc kháng sinh thường được bác sĩ kê ít nhất là hai tuần. Tình trạng nhiễm trùng có thể bị tái phát, nên trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân sử dụng kháng sinh đường uống từ 6 đến 8 tuần. Các trường hợp bệnh nặng có thể phải nằm viên ngắn ngày để truyền dịch và sử dụng kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch. Sau đó sẽ tiếp tục sử dụng kháng sinh trong vòng 2 đến 4 tuần. Hầu hết các trường hợp bị viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn sẽ khỏi hoàn toàn khi được dùng thuốc hợp lí và thay đổi nhẹ chế độ ăn uống. Bác sĩ điều trị có thể khuyên bệnh nhân của mình:

  • Tránh hoặc giảm ăn các chất kích thích bàng quang, ví dụ như rượu, đồ uống có cồn, đồ uống có chưa cafein, thức ăn có tính acid, có tính cay nóng.
  • Tăng sử dụng lượng chất lỏng mỗi ngày để có thể đi tiểu thường xuyên hơn và qua đó loại bỏ vi khuẩn qua đường bàng quang.

6.3. Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn

Cũng giống như viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn, nguyên nhân gây ra viêm đều là vi khuẩn nên bác sĩ điều trị sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, đối với căn bệnh mãn tính này cần có thời gian sử dụng kháng sinh sẽ cần một liệu trình dài hơn. Bác sĩ điều trị có thể kê toa với liều kháng sinh thấp trong tối đa 6 tháng để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng tái phát. Trong trường hợp nhiễm trùng tái phát, bác sĩ có thể cân nhắc để kết hợp các loại kháng sinh khác nhau, tăng khả năng tiêu diệt và mở rộng phổ kháng khuẩn. Thời gian điều trị kéo dài, bạn cũng nên tăng cường sử dụng các chất lỏng và hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích bàng quang.

Bên cạnh kháng sinh, bác sĩ tiết niệu có thể sử dụng thuốc chẹn alpha điều trị hội chứng đau vùng chậu mãn tính để điều trị bí tiểu do viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn. Những loại thuốc này giúp thư giãn các cơ bàng quang gần tuyến tiền liệt và làm giảm các triệu chứng như đi tiểu đau, tiểu buốt,… Nam giới bị bí tiểu do tình trạng viêm gây nên có thể phải thực hiện phẫu thuật. Sử dụng phương pháp phẫu thuật để loại bỏ mô sẹo trong niệu đạo thường giúp cải thiện lưu lượng nước tiểu và giảm tình trạng bí tiểu.

7. Cách phòng ngừa bệnh viêm tuyến tiền liệt

Về cơ bản, nam giới không thể ngăn ngừa bệnh viêm tuyến tiền liệt. Các nhà nghiên cứu hiện đang tìm cách hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây nên bệnh và phát triển các chiến lược phòng ngừa khác nhau. Vậy chúng ta có thể tìm hiểu về những yếu tố rủi ro có thể làm tăng cao khả năng mắc bệnh viêm tuyến liệt ở nam giới.

Bạn có khả năng bị mắc phải căn bệnh này nếu có các dấu hiệu hoặc tình trạng dưới đây:

  • Gần đây đã từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Đang phải sử dụng ống thông tiểu.
  • Đã từng sinh thiết tuyến tiền liệt.
  • Mắc bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục.
  • HIV hoặc AIDS.
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
  • Xương chậu đang bị thương.

Bạn có khả năng bị viêm tuyến tiền liệt mãn tính nếu bạn:

  • Lớn tuổi: nam giới trong độ tuổi từ 50 đến 59 có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn 3 lần so với nam giới từ 20 đến 39 tuổi.
  • Đã từng bị viêm tuyến tiền liệt trước đây.
  • Có các tình trạng đau bụng khác, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích.
  • Bị lạm dụng tình dục.

Lời kết

Viêm tuyến tiền liệt là một bệnh tương đối phổ biến ở nam giới. Về cơ bản, bệnh có thể chữa khỏi và hầu như không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bệnh nhân cần được khám chữa và can thiệp y tế kịp thời để bệnh không tiến triển nặng thêm. Hãy khám bệnh định kì, chú ý những bất thường của cơ thể để phát hiện bệnh sớm và điều trị sớm, để bạn có một cuộc sống vui vẻ, chất lượng hơn.

Nếu bạn còn có thắc mắc nào khác về vấn đề viêm tuyến tiền liệt, hãy điền vào Form tư vấn bên dưới hoặc gọi đến số Hotline 1900 7061 để nhận được sự tư vấn miễn phí từ đội ngũ Dược sĩ.

       Tư VấnĐặt Hàng

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Nhắn Messenger
    Nhắn tin Messenger
    Chat Zalo
    Chat Zalo
    Gọi với Dược sĩ
    gọi với dược sĩ